Hà Nội, Ngày 10/06/2024

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở Lào Cai

Ngày đăng: 26/08/2017   14:47
Mặc định Cỡ chữ

Sau hơn 20 năm tái lập (từ tháng 10/1991), được sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã vượt lên khó khăn, đạt được những thành tựu hết sức cơ bản trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Công nghiệp phát triển, nhiều dự án công nghiệp lớn được triển khai thực hiện; tiềm năng, thế mạnh kinh tế du lịch đã và đang được khai thác hiệu quả; an ninh, quốc phòng được đảm bảo, giữ vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, căn cứ các quy định của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã rà soát và củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị dần được xác định cụ thể, rõ ràng theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan chuyên môn nói chung đã cụ thể và chặt chẽ hơn, dần khắc phục những khó khăn, hạn chế và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương trong từng giai đoạn cụ thể.

Trong nhiệm kỳ 2011-2015, tiếp tục thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, Lào Cai đã sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh còn 19 đầu mối (giảm 04 cơ quan), trong đó có 17 cơ quan được tổ chức thống nhất trong cả nước, 02 cơ quan được tổ chức theo tính chất đặc thù của địa phương là Ban Dân tộc và Sở Ngoại vụ.

Theo hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương và Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của 19/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã được xác định cụ thể, rõ ràng; việc sáp nhập, chuyển giao giữa các cơ quan được thực hiện kịp thời, không gây xáo trộn, khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ngành, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện. Hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã đi vào nền nếp, phân biệt rõ hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công; các cơ quan chuyên môn kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm trên các lĩnh vực quản lý, thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật; đồng thời hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp dưới thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực ngành quản lý.

Về cơ cấu tổ chức, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được tổ chức thống nhất gồm có giám đốc và không quá 03 phó giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế tỉnh Lào Cai còn một số cơ quan chuyên môn có số lượng cấp phó vượt so với quy định do việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn hoặc do văn bản của Chính phủ quy định trưởng của đơn vị cấp dưới (chi cục) phải do 01 phó giám đốc sở đảm nhiệm (như Nghị định số 10/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường...). Số lượng các phòng, ban và đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn đã được sắp xếp lại đảm bảo thực hiện đúng quy định với tổng số 134 phòng, ban chuyên môn, 17 chi cục và tương đương, 169 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đều có nội quy, quy chế hoạt động rõ ràng, làm việc theo chế độ thủ trưởng và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; giám đốc sở chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định. 

UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quy chế làm việc của UBND tỉnh, ban hành các quy định về phân cấp quản lý trên các lĩnh vực và tổ chức triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công, phân cấp. Các quy chế tổ chức hoạt động, quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước cũng được UBND tỉnh phê duyệt, giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý đối với từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả; tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã được sắp xếp lại theo hướng tinh, gọn, hợp lý; từng bước nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động. Về cải cách thủ tục hành chính, qua rà soát đã cắt giảm 30% thủ tục, rút ngắn trình tự và thời gian giải quyết, đến nay cấp tỉnh còn 835 thủ tục; 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008... Kết quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn đã góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan hệ đối ngoại được mở rộng; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GDP) ở mức cao 14,1%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh qua các năm. Hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch phát triển mạnh với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 2,2 triệu USD và khoảng 1,8 triệu lượt khách du lịch đến Lào Cai năm 2015. Chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo; xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ; tỷ lệ giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm 6,34%/năm. Đến nay tỉnh Lào Cai đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 theo 7 chương trình, 27 đề án mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, trong đó đáng chú ý là:

- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của Lào Cai đều ở nhóm các tỉnh đứng đầu toàn quốc;

- Là địa phương đi đầu trong việc ban hành và thực hiện thí điểm bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI);

- Chỉ số cải cách hành chính (Par index) được đánh giá cao, năm 2014 tăng 02 bậc so với năm 2013, tăng 8 bậc so với năm 2012, đứng thứ 9 trong cả nước. Từ năm 2012 Lào Cai đã ban hành bộ chỉ số đánh giá CCHC đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố;

- Chỉ số công nghệ thông tin (ICT Index) của tỉnh luôn được xếp ở vị trí cao, năm 2014 đứng thứ 9/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Ngoài ra, từ năm 2010 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các quy định về tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả đánh giá xếp loại được xếp tương ứng với số điểm đạt được. Cụ thể, năm 2012 có 22 cơ quan được đánh giá xếp loại, trong đó 10 cơ quan được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 11 cơ quan xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, 01 cơ quan xếp loại hoàn thành nhiệm vụ; năm 2013: 04 cơ quan được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 14 cơ quan xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, 04 cơ quan xếp loại hoàn thành nhiệm vụ; năm 2014 có 12 cơ quan được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 09 cơ quan được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cơ quan là cơ sở để đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đồng thời làm cơ sở để xét khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã quy định số lượng và tên gọi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gồm 19 cơ quan (trong đó có 2 cơ quan đặc thù là Sở Ngoại vụ và Ban Dân tộc). Đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 10 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, còn 09 cơ quan do chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn của Trung ương nên chưa kiện toàn được.

Bên cạnh việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh cũng đã được sắp xếp, sáp nhập, giải thể nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, đã thực hiện sáp nhập 04 đơn vị, bao gồm: sáp nhập Ban quản lý khu công nghiệp với Ban Quản lý các cửa khẩu để thành lập Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai; sáp nhập trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch vào trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lào Cai; giải thể Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chuyển giao về các ngành chỉ đạo thực hiện; sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Lào Cai còn gặp một số khó khăn, cụ thể là:

- Việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mặc dù có sự thu gọn, giảm đầu mối tổ chức, song bộ máy bên trong của các cơ quan chưa thực sự tinh gọn việc nâng cấp tổ chức, thành lập mới tổ chức sự nghiệp thuộc sở, thành lập mới chi cục dẫn đến tăng biên chế.                      

- Việc ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các chuyên môn cấp tỉnh còn chậm (Nghị định số 24 của Chính phủ ban hành từ tháng 04/4/2014, nhưng đến nay còn 04 cơ quan chưa có hướng dẫn). Một số quy định của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện, như: quy định cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có Phòng Pháp chế theo Nghị định số 115/2011/NĐ-CP của Chính phủ đến nay chưa có hướng dẫn; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ chưa phù hợp với quy định của Luật cán bộ, công chức và Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và thực tế phân cấp của các địa phương.

- Các cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng việc quy định số lượng cấp phó đồng nhất với tất cả các cơ quan chuyên môn khác (không quá 03 người) là chưa thực sự phù hợp, gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành bao quát trên các lĩnh vực (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ...).

- Hiện nay vẫn tồn tại mô hình tổ chức cơ quan hành chính trực thuộc đơn vị sự nghiệp (như Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên trực thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên) nhưng không thể điều chỉnh, sắp xếp lại vì các quy định pháp lý của các cơ quan trung ương chưa được sửa đổi.

Từ thực trạng nêu trên, tỉnh Lào Cai đề xuất một số kiến nghị như sau:

- Đề nghị các bộ, ngành kịp thời hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ngay sau khi Chính phủ có nghị định mới về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đề nghị Chính phủ xem xét quy định tiêu chí cho phép thành lập một số sở, ngành đặc thù thuộc UBND tỉnh Lào Cai (Sở Du lịch).

- Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn khung vị trí việc làm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh theo Nghị định số 36/2012/NĐ-CP để áp dụng thống nhất trong toàn quốc, trên cơ sở đó tùy tình hình, điều kiện thực tế và các yếu tố đặc thù các địa phương xác định cơ cấu công chức, số lượng biên chế theo vị trí việc làm cho phù hợp.

Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Nội vụ Lào Cai

 

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện trong điều kiện hiện nay

Ngày đăng 07/06/2024
Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trên địa bàn cấp huyện có vai trò rất quan trọng đối với người lao động, người sử dụng lao động và thực hiện an sinh xã hội. Trong thời gian tới, các cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện cần bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch công tác và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Bảo hiểm xã hội để xây dựng hệ thống văn bản quản lý hoạt động bảo hiểm xã hội trên địa bàn cấp huyện cho phù hợp.

Lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - một hướng dẫn để hiểu về Việt Nam đương đại

Ngày đăng 06/06/2024
Ngày 21/5/2024, tại thành phố Roma, thủ đô nước Cộng hòa Italia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Hồ Chí Minh: biểu tượng về hòa bình của nhân dân Việt Nam và thế giới”; đồng thời phối hợp với Nhà xuất bản Anteo Edizioni(1) tổ chức Lễ ra mắt bản dịch tiếng Ý cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do Nhà xuất bản Anteo Edizioni dịch và xuất bản.

Một số vấn đề về nhận thức và thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày đăng 28/05/2024
Tập trung dân chủ là nguyên tắc đặc thù của mô hình nhà nước và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa nói chung. Ở Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hành ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945), nhưng cho đến nay, nhận thức và thực hành nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá, bổ sung để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn và quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.  

Truyền thông chính sách - góc nhìn từ Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 20/05/2024
Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, báo chí và các phương tiện truyền thông khác được xác định là kênh thông tin và công cụ cơ bản, quan trọng để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách. Với sự bùng nổ thông tin ngày nay và từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy công tác truyền thông chính sách cần được quan tâm chú trọng hơn nữa để đóng góp vào việc tạo ra sự đồng thuận và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách của các cơ quan hành chính nhà nước. 

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là sự thật không thể phủ nhận!

Ngày đăng 17/05/2024
Ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tự do tín ngưỡng, tôn giáo là 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người nhấn mạnh: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”. Điều này tiếp tục được hiến định trong các bản Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam.