Hà Nội, Ngày 09/06/2024

Về phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước

Ngày đăng: 09/09/2016   14:54
Mặc định Cỡ chữ

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức trong sạch, tận tụy với công việc, đáp ứng những yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần có nhiều giải pháp khác nhau, nhưng không thể thiếu giải pháp quan trọng là phân cấp quản lý cán bộ, công chức. Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đã đề ra 6 định hướng phân cấp chủ yếu, trong đó có vấn đề phân cấp quản lý cán bộ, công chức. Định hướng phân cấp quản lý về cán bộ, công chức được nêu trong Nghị quyết này nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức nước ta thích ứng với những yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, góp phần xây dựng hệ thống hành chính trong sạch, dân chủ, tiến lên chính quy, hiện đại.

Ảnh minh họa: internet

Phân cấp quản lý cán bộ, công chức là vấn đề lớn, liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị. Trong phạm vi của bài viết này, xin giới hạn việc trình bày sự cần thiết của việc phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN), một giải pháp quan trọng góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cải cách nền hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức và yêu cầu quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội.

1. Khái quát về phân cấp quản lý nhà nước và phân cấp quản lý công chức

Phân cấp quản lý nhà nước (QLNN) là sự phân định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền phù hợp với năng lực thực tế của mỗi cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN. Phân cấp QLNN là một quá trình cải cách có thể dẫn tới xung đột về mặt lợi ích. Việc thực hiện phân cấp là một yêu cầu tất yếu nhằm góp phần tạo sự cân bằng giữa trung ương và địa phương trong nền kinh tế mở cửa, hội nhập. Mục đích của phân cấp không phải là tạo ra một cơ cấu quyền lực cố định, cứng nhắc, cô lập giữa các cấp chính quyền với nhau mà nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội, khai thác những lợi thế đặc thù của từng địa phương.

Phân cấp quản lý công chức có thể được hiểu là các cơ quan HCNN cấp dưới được trao thêm nhiều thẩm quyền trong việc quyết định và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan tới công tác quản lý công chức và phải đảm bảo các nguyên tắc của phân cấp theo các quy định của pháp luật. Nội dung phân cấp quản lý công chức ở nước ta bao gồm: phân cấp về tuyển dụng công chức; phân cấp về quản lý biên chế công chức; phân cấp về quản lý ngạch công chức; phân cấp về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; phân cấp về lĩnh vực tiền lương.

2. Sự cần thiết phải phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước

Thứ nhất, xu hướng xã hội hóa, sự phát triển của kinh tế thị trường và trình độ dân trí cao đã làm cho phân cấp quản lý HCNN trở thành một yêu cầu cần thiết và tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức HCNN. Trong đó, vấn đề phân cấp quản lý công chức cũng là một nội dung quan trọng và đóng vai trò là một trong những phương tiện để thực hiện có hiệu quả chế độ công chức thích hợp với điều kiện mới. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, yêu cầu khách quan của quá trình cải cách nền HCNN đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả của QLNN và giảm bớt áp lực của Chính phủ nên nhiệm vụ phân cấp quản lý công chức càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

Thứ hai, phân cấp góp phần cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đồng thời, góp phần đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc đổi mới công tác cán bộ. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân cấp quản lý cán bộ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, việc phân cấp tạo điều kiện để Chính phủ, các bộ, ngành tập trung vào quản lý vĩ mô, đồng thời nâng cao tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý công chức. Từ đó, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương trong công tác này. Xác định rõ hơn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, góp phần khắc phục những biểu hiện tiêu cực, cá nhân, cục bộ, thiếu dân chủ, không công tâm, khách quan, nể nang, tùy tiện trong công tác cán bộ.

Thứ tư, việc phân cấp quản lý công chức sẽ đảm bảo cho công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đề bạt và đào tạo, bồi dưỡng công chức có hiệu quả hơn do chính quyền và cơ quan hành chính cấp dưới có điều kiện tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ công chức và từng công chức một cách khoa học, đồng bộ và hệ thống, tạo cơ sở cho việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng công chức phù hợp, phát huy khả năng của cả đội ngũ và từng người, góp phần xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của QLNN trong thời kỳ mới.

Thứ năm, tạo điều kiện thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch, giảm bớt thủ tục và thời gian không cần thiết; đáp ứng kịp thời việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; gắn khâu đề bạt với bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử với các khâu đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ.

3. Cơ sở pháp lý và thực tiễn công tác phân cấp quản lý cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay

Thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phân cấp quản lý cán bộ, công chức nói chung và phân cấp quản lý công chức nói riêng. Từ Nghị quyết số 08/2004/ NQ-CP và Luật cán bộ, công chức năm 2008, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện phân cấp quản lý công chức trên từng nội dung cụ thể như:

3.1 Phân cấp quản lý biên chế công chức

- Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước;

- Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 về quản lý biên chế công chức (thay thế Nghị định số 71/2003/NĐ-CP, còn áp dụng đối với viên chức);

- Thông tư số 07/2010/TT-BNV ngày 26/7/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức (bãi bỏ Thông tư số 89/2003/TT-BNV ngày 24/12/2003, Thông tư này còn áp dụng đối với viên chức);

- Thông tư số 06/2007/TT-BNV ngày 04/7/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003;

- Thông tư số 07/2007/TT-BNV ngày 04/7/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 09/2007/NĐ-CP và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 117/2003/ NĐ-CP;

- Thông tư số 02/2008/TT-BNV ngày 03/3/2008 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP.

3.2 Phân cấp tuyển dụng và quản lý ngạch công chức

- Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước;

- Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị;

- Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước;

- Nghị định số 09/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/ NĐ-CP;

- Quy chế tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, ban hành kèm theo Quyết định số 10/2006/QĐ-BNV ngày 05/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

3.3 Phân cấp về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

- Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/08/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

- Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;

- Quyết định số 13/2006/QĐ-BNV ngày 06/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy định các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức;

- Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg ngày 06/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010;

- Quyết định số 05/2007/QĐ-BNV ngày 17/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

- Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/03/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

- Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/ NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức; bãi bỏ: Quyết định số 52/2004/QĐ-BNV ngày 26/7/2004; Quyết định số 13/2006/QĐ-BNV ngày 06/10/2006; Quyết định số 104/2005/ QĐ-BNV ngày 03/10/2005; Quyết định số 170/ 2007/QĐ-BNV ngày 02/3/2007; mục III Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 07/12/2005...

3.4 Phân cấp quản lý tiền lương công chức

Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Với khung pháp lý tương đối đầy đủ, quá trình tiến hành phân cấp quản lý cán bộ, công chức nói chung và phân cấp quản lý công chức nói riêng ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể. Từ chỗ quản lý theo xu hướng tập trung, trong bối cảnh cải cách hành chính, việc phân cấp quản lý cán bộ, công chức đã được thực hiện với những bước tiến về chất. Nhờ đó, số lượng cán bộ, công chức đã được tinh giản đáng kể; chất lượng cán bộ, công chức qua đào tạo, bồi dưỡng đã được nâng lên về nhận thức, kỹ năng công vụ phù hợp với các yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, yêu cầu của phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Việc phân cấp đã được tiến hành toàn diện trên các mặt: biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ tiền lương, khen thưởng và kỷ luật,… Điều đó đã tạo điều kiện để lựa chọn, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với thực tế quản lý, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Sự phân cấp có tính chất đồng bộ, thực hiện tốt hơn nguyên tắc “vì việc mà chọn người” chứ không phải “vì người mà chọn việc”.

Việc tiến hành phân biệt cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan HCNN với công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp cũng đã tạo cơ sở để đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với mỗi loại đối tượng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức HCNN, đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp giảm áp lực về biên chế và chủ động trong sắp xếp, bố trí lao động để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; qua đó có chế độ, chính sách cũng như điều kiện để sử dụng tốt và sát hợp với công chức nhà nước. Mặt khác, đã có sự phân biệt giữa những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện với những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Đội ngũ cán bộ, công chức qua phân cấp quản lý ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu của quản lý HCNN trong từng cấp, từng ngành, dần có xu hướng chọn lọc, cạnh tranh. Nhờ đó, hiệu quả QLNN ngày càng được nâng cao trong bối cảnh mới.

4. Một số tồn tại và giải pháp khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được,  việc phân cấp quản lý công chức còn những khó khăn, vướng mắc và tồn tại nhất định.

Một là, các quy định về quản lý cán bộ, công chức hiện nay còn mang dấu ấn của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nên rất cần xác định và quy định rõ ràng về hoạt động công vụ để có giải pháp khắc phục những tồn tại như: cơ chế tuyển chọn và đào thải công chức trong nền công vụ chưa cụ thể, rõ ràng; cách thức tuyển dụng công chức hành chính theo chế độ làm việc suốt đời không thích ứng với cơ chế thị trường. Các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức còn chú trọng nhiều về lý lịch, nhân thân, văn bằng, chứng chỉ… Nội dung, hình thức thi tuyển công chức hiện nay chưa thực sự gắn với yêu cầu và vị trí công việc. Việc thi nâng ngạch chưa thể hiện rõ tính cạnh tranh, nặng về “cử” hơn “thi”, nghiêng về giải quyết chế độ, chính sách, chưa gắn với cơ cấu ngạch, nhu cầu, vị trí việc làm của từng cơ quan,... dẫn đến làm hạn chế nguồn tuyển chọn công chức có năng lực để bổ nhiệm giữ các vị trí cao, chủ chốt trong hoạt động công vụ.

Hai là, phương pháp và tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức chưa chú trọng nhiều đến hiệu quả và kết quả thực thi công vụ; trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa được quy định rõ trong đánh giá công chức. Các quy định về thủ tục, hồ sơ bổ nhiệm còn phức tạp, qua nhiều khâu nhưng trách nhiệm lại chưa rõ ràng. Cơ chế và trách nhiệm lãnh đạo tập thể với cơ chế người đứng đầu chưa rõ đã làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu.

Ba là, chế độ công vụ của nước ta hiện vẫn thiên về hệ thống chức nghiệp với nhược điểm là dễ dẫn đến sự trì trệ, quan liêu của cán bộ, công chức, hạn chế sự năng động, sáng tạo của cấp dưới và của thế hệ nhân viên mới. Đặc biệt, hệ thống này với sự ảnh hưởng của quan hệ cá nhân, dễ dẫn đến tình trạng nới rộng biên chế.

Bốn là, việc phân công, phân cấp tuy đã được thể hiện rõ trên các văn bản của Đảng và Nhà nước song trong quá trình thực hiện vẫn còn những biểu hiện không rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm. Nhiều cấp, nhiều cơ quan cùng quản lý, cùng thực hiện nhưng không rõ cơ chế chịu trách nhiệm nên còn chồng chéo trong quản lý và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra trong việc thực hiện các quy định về phân cấp còn bị buông lỏng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn ở quy mô nhỏ, chế độ, chính sách còn lạc hậu so với thực tiễn hiện nay.

Phân cấp quản lý cán bộ, công chức nói chung và phân cấp quản lý công chức nói riêng là nội dung quan trọng và có vị trí hết sức to lớn trong tiến trình cải cách hành chính ở nước ta hiện nay. Hiệu lực và hiệu quả QLNN phụ thuộc nhiều vào phẩm chất, năng lực giải quyết vấn đề của đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, cần đẩy nhanh việc thực hiện phân cấp quản lý công chức một cách hiệu quả để nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức hành chính của nước ta, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Xuất phát từ thực trạng phân cấp quản lý cán bộ, công chức hiện nay, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện nội dung phân cấp trên các phương diện chủ yếu như: hoàn thiện pháp luật về phân cấp quản lý cán bộ, công chức; đổi mới và hoàn thiện chế độ công chức; xác định lại chức năng, nhiệm vụ của bộ máy HCNN và tiến hành tốt công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện phân cấp ở lĩnh vực này./.

ThS. Đoàn Nhân Đạo  - Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức trong sạch, tận tụy với công việc, đáp ứng những yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần có nhiều giải pháp khác nhau, nhưng không thể thiếu giải pháp quan trọng là phân cấp quản lý cán bộ, công chức. Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đã đề ra 6 định hướng phân cấp chủ yếu, trong đó có vấn đề phân cấp quản lý cán bộ, công chức. Định hướng phân cấp quản lý về cán bộ, công chức được nêu trong Nghị quyết này nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức nước ta thích ứng với những yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, góp phần xây dựng hệ thống hành chính trong sạch, dân chủ, tiến lên chính quy, hiện đại.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Nâng cao chất lượng “tự soi, tự sửa” của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở nhà trường quân đội hiện nay

Ngày đăng 08/06/2024
Học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân đội (NTQĐ) là lực lượng đông đảo, chiếm đại bộ phận học viên hiện đang đào tạo tại các nhà trường trong toàn quân. Hiện nay, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của “một bộ không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã phần nào tác động tiêu cực đến trách nhiệm, động cơ học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực của học viên ở các NTQĐ. Vì vậy, việc thường xuyên  “tự soi, tự sửa” của đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các NTQĐ nhằm phát hiện hạn chế, yếu kém của bản thân, từ đó tìm ra nguyên nhân, xác định giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục, sửa chữa là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các NTQĐ hiện nay.

Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TW

Ngày đăng 05/06/2024
Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới” đã làm rõ hơn, phong phú và sâu sắc hơn những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là những nội dung cơ bản của bài viết này.

Đấu tranh chống chiêu trò lợi dụng tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm để chống phá Đảng và Nhà nước - Nhìn từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày đăng 24/05/2024
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, làm rõ thực trạng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; đồng thời vạch ra những nhiệm vụ, giải pháp để phòng trị, ngăn chặn thực trạng này. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn rất quan trọng để đấu tranh với những chiêu trò, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù định, lợi dụng hiện tượng một bộ phận CBCCVC sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm để chống phá Đảng và Nhà nước ta; đồng thời là cẩm nang quý để xây dựng đội ngũ CBCCVC toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng văn hóa đổi mới trong cơ quan nhà nước

Ngày đăng 17/05/2024
Văn hóa đổi mới là một bộ phận cấu thành của văn hóa tổ chức, giúp xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn hơn, phát huy tiềm năng sáng tạo của công chức, viên chức và làm tăng khả năng thích ứng của cơ quan nhà nước trước xu hướng biến đổi không ngừng của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Để “tinh thần đổi mới” trở thành giá trị chung và xây dựng được văn hóa đổi mới trong các cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ và được thực hiện khả thi trong các cơ quan nhà nước.

Bàn về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Ngày đăng 13/05/2024
Để đảm bảo quyền lực nhà nước được thực thi cũng như bảo vệ trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì các quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ này. Bài viết phân tích, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền các cấp.