Hà Nội, Ngày 30/04/2024

Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh phải gắn với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng: 04/04/2024   16:07
Mặc định Cỡ chữ

Sáng 04/4/2024, tại Hội thảo khoa học “Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ những dự báo và đề xuất giải pháp để xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn tới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phải đảm bảo thu nhập đủ sống

Nêu ý kiến tại Hội thảo, GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ cho rằng, có 3 giải pháp trọng tâm cho 3 trụ cột của một nền công vụ ưu tú, gồm: năng lực, động lực và không gian. Để thành công TPHCM phải tạo ra được đội ngũ công vụ “muốn làm, làm được, được làm”.

Theo GS Trần Ngọc Anh, muốn thu hút đội ngũ có năng lực, điều kiện cần (nhưng chưa đủ) đầu tiên là phải đảm bảo thu nhập đủ sống. Thu hút được hiền tài mới tạo nguyên khí cho một nền công vụ ưu tú. Then chốt để tạo động lực là trách nhiệm giải trình. Then chốt để tạo trách nhiệm giải trình là có một hệ thống đánh giá kết quả công việc rõ ràng. Kết quả đánh giá hiệu quả công việc được sử dụng trong các quyết định khen thưởng và bổ nhiệm. Cơ chế khen thưởng, bổ nhiệm dựa trên kết quả công việc cần được xây dựng công khai, minh bạch.

GS Trần Ngọc Anh nêu 3 giải pháp trọng tâm gồm: thu nhập, đánh giá và pháp lý là điều kiện cần đặt trong một chiến lược cải cách toàn diện, dựa trên nguyên tắc xuyên suốt là trong nền công vụ ưu tú, đội ngũ công vụ phải “Muốn làm, làm được, được làm”. Do vậy, TPHCM cần được trao quyền chủ động hơn trong sử dụng ngân sách và tuyển dụng, đãi ngộ nhân sự. Để thực hiện điều này, các đơn vị cần có nguồn ngân sách riêng, ổn định. “Đề án này cần giúp Trung ương nhận rõ rằng xây dựng một nền công vụ hiện đại, hiệu quả là chìa khóa cho sự cất cánh của TPHCM, và có ý nghĩa quyết định để Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp, thu nhập cao từ năm 2045. Từ đó, TPHCM mới có được một cơ chế đặc thù để xây dựng nền công vụ của mình” - GS Trần Ngọc Anh đề xuất.

Còn TS Trần Du Lịch phân tích nền công vụ theo 3 cấu phần: thể chế hành chính; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ. Theo TS Trần Du Lịch, đây là 3 cấu phần của nền hành chính của chính quyền địa phương. Ba cấu phần có quan hệ hữu cơ, nên trong quá trình cải cách nền hành chính phải bảo đảm tính đồng bộ của 3 cấu phần này. Xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả dựa trên mục tiêu: Nhà nước/chính quyền kiến tạo phát triển và nền công vụ phục vụ cho nhân dân. Chính quyền điện tử là phương thức cơ bản vận hành nền công vụ trong mối quan hệ: cơ quan chính quyền với cơ quan chính quyền và cơ quan chính quyền với mọi pháp nhân và thể nhân trong tất cả các quan hệ liên quan đến hoạt động hành chính công. Xây dựng nền công vụ TPHCM phải gắn với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị.

Với cách tiếp cận vấn đề như trên, TS Trần Du Lịch cho rằng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả là sản phẩm của mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm và quy mô đô thị cùng với đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán trong công vụ. Do đó, gốc vấn đề vẫn là phải hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu công vụ. Theo TS Trần Du Lịch, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thành phố trong tình hình hiện nay. Do đó, ưu tiên trước mắt là triển khai có hiệu quả 7 nhóm nội dung của Nghị quyết; đồng thời Chính phủ cần sớm ban hành nghị định mở rộng phân cấp phân quyền cho TPHCM trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là 5 lĩnh vực đã được quy định trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Cần có đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp

Xuất phát từ thực trạng của nền công vụ và yêu cầu của bối cảnh mới, TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ đề xuất một giải pháp hiện đại hóa nền công vụ ở Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, cần tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý. Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, viên chức làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức tại bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng và tương đương; Hoàn thiện các quy định về quản lý, hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm. Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai các văn bản pháp luật quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương; quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước; quy định về xác định tiền lương đối với sản phẩm, dịch vụ công ích;...

TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, cần tiếp cận xây dựng nền công vụ TPHCM từ vai trò của Thành phố trước sự phát triển chung của cả nước cũng như yêu cầu quản trị và tổ chức phát triển của một siêu đô thị, đặt ra những yêu cầu, sứ mệnh mới cho nền công vụ Thành phố. Từ cách tiếp cận đó, xác định mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền công vụ TPHCM một cách căn cơ, toàn diện hơn.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng cho rằng, để xây dựng thành công nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần có đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp. Trên cơ sở nhận diện những vấn đề về hoạt động công vụ liên quan ngành y tế, Sở Y tế đề xuất 9 giải pháp thuộc hai nhóm giải pháp về định hướng phát triển nền công vụ và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức của ngành y tế. Cần thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho công chức, viên chức ngành y tế về vai trò, sứ mệnh của công chức, viên chức trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân TPHCM. Từ đó, xây dựng niềm tin, tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, cống hiến hết mình cho ngành y tế.

Về giải pháp xây dựng đội ngũ công chức, viên chức của ngành y tế: cần xây dựng và ban hành các chính sách nhằm giúp ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện và giúp cho các bệnh viện phát triển bền vững. Phân bổ biên chế công chức hàng năm phù hợp với khối lượng công việc giúp công tác tham mưu quản lý nhà nước có chất lượng và giảm tải áp lực cho công chức. Đẩy mạnh việc bố trí, sắp xếp lại công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, để góp phần thực hiện đề án xây dựng nền công vụ TPHCM giai đoạn 2024 đến năm 2030 hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố xác định một số giải pháp cơ bản, trọng tâm cần tập trung thực hiện tại đơn vị. Trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức; bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với tạo động lực trong đội ngũ của ngành. Cùng với đó là đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá và thường xuyên đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ…

Về cải cách thể chế, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện thể chế và các quy định để thúc đẩy chuyển đổi số, để hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.

Tiếp tục góp ý để hoàn thiện Đề án

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ giúp việc Đề án tiếp thu đầy đủ ý kiến, chọn ý kiến hay phù hợp hoàn thiện Đề án trong tháng 4; đồng thời cần tổ chức hội thảo nhỏ để làm sâu hơn, làm rõ các vấn đề; cần mời các đơn vị: Đại học Quốc gia, Viện Đại học Quốc gia, Học viện Cán bộ TPHCM,… cùng tham gia hoàn thiện Đề án của Thành phố. Bên cạnh đó, cần đề xuất một số nội dung chuyên sâu để đặt hàng cho tổ chuyên gia, như ý kiến nghiên cứu khoán chi lương để tạo động lực, nghiên cứu quy trình hành chính để phân rõ viên chức cấp xã, sở, ngành, quy trình tổ chức vận hành, tương tác với cấp quận, huyện, cơ sở, người dân. Cần chọn các vấn đề tinh túy nhất đưa vào Đề án, để cuối tháng 4 hoàn thành bước đầu Đề án. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị sở, ngành, quận, huyện tiếp tục đóng góp trí tuệ hoàn thiện Đề án, vì đây là thành phần quan trọng để thực hiện Đề án. Ngay từ bây giờ, các đơn vị tiếp tục góp ý Đề án đến 15/4 gửi lại cho Ban soạn thảo Đề án hoàn chỉnh./.

Theo: thanhuytphcm.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới

Ngày đăng 29/04/2024
Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024.

Sắp xếp xã, phường vùng miền núi Đông Bắc

Ngày đăng 27/04/2024
Thời gian qua, các tỉnh miền núi Đông Bắc đã thực hiện đồng bộ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau sắp xếp, các xã đã hoạt động ổn định, hiệu quả, nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đặt ra, đòi hỏi phải có sự đồng bộ, tính toán kỹ lưỡng hơn để ổn định trong thời gian tới.

Thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng 27/04/2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 26/4/2024). 

Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.