Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Công tác quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng: 05/02/2024   12:34
Mặc định Cỡ chữ

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo việc thực thi chủ quyền hợp pháp của quốc gia, góp phần phát huy khả năng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước. Trong những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng, khắc phục những khó khăn, trở ngại để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với  huyện đảo Hoàng Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tượng đài Đội Hoàng Sa trước Bảo tàng Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: laodong.vn

Cơ sở pháp lý về quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa

Quyết định số 194-HĐBT ngày 09/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nêu rõ: “Thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”(1). Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. 

Trên cơ sở chủ trương, định hướng và quyết định của Trung ương, vấn đề chủ quyền cũng như tổ chức quản lý hành chính đối với huyện đảo Hoàng Sa được đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tháng 10/2001, UBND thành phố Đà Nẵng chủ trương xây dựng Đề án “Quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng”. Ngày 29/11/2001, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 7455/QĐ-UBND phê duyệt Đề án, trong đó nêu rõ: “Trong chương trình biển đảo, Chính phủ có đề ra một số nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây là sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, là điều kiện thuận lợi để thành phố Đà Nẵng đề xuất phương án quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa”(2).

Trên cơ sở đó, nội dung quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa đã được xác định cụ thể, gắn với công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa gồm: củng cố công tác quản lý hành chính trên quần đảo Hoàng Sa; hình thành bộ máy tổ chức đảng, bộ máy chính quyền huyện đảo; chọn ngày kỷ niệm huyện đảo Hoàng Sa; sưu tầm tài liệu, xây dựng bộ hồ sơ hoàn chỉnh về huyện đảo Hoàng Sa; xây dựng Phòng truyền thống huyện đảo Hoàng Sa; đặt tên đường Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng; biên soạn địa chí huyện đảo Hoàng Sa; khuyến khích nghiên cứu tư liệu, sưu tầm hiện vật, sáng tác văn học nghệ thuật về quần đảo Hoàng Sa; tổ chức các buổi nói chuyện, các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa về quần đảo Hoàng Sa. Đề án xác định: “Những gì đã và đang thực hiện thì cần tăng cường hơn nữa trên cơ sở đã được xác định bằng pháp lý quốc gia. Qua đó thể hiện thái độ của một nước có chủ quyền lâu đời chứ không phải qua chinh phục, chiếm hữu bằng vũ lực hay quân sự”(3).

Xuất phát từ bối cảnh thực tế trong nước và khu vực Biển Đông, công tác quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa mang những tính đặc thù riêng. Đây vừa là hoạt động chính trị, vừa là hoạt động hành chính, vừa là hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế, vừa là hoạt động nhằm huy động sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; vừa là hoạt động duy trì trật tự, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, các tổ chức, công dân, đặc biệt là ngư dân trên vùng lãnh thổ và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Những kết quả nổi bật trong quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa 

Thứ nhất, việc kiện toàn tổ chức, bộ máy chính quyền huyện đảo Hoàng Sa: theo Nghị quyết số 28/2008/QH12 ngày 15/01/2008 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16/01/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì thành phố Đà Nẵng là một trong 10 địa phương được thí điểm mô hình không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Từ ngày 25/4/2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện quy trình, thủ tục bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa khi thành phố thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa là một sự kiện quan trọng trong công tác quản lý nhà nước gắn với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà thành phố Đà Nẵng đang thực hiện. 

Bên cạnh đó, hàng năm HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đều giao chỉ tiêu ngân sách để UBND huyện Hoàng Sa duy trì tổ chức, hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa. Trước yêu cầu mới của công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa đã kiến nghị và được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đồng ý tại Quyết định số 1065/QĐ-BNV ngày 13/10/2014, theo đó bổ sung 07 biên chế công chức cho UBND huyện Hoàng Sa. 

Thứ hai, trong đấu tranh chính trị: xuất phát từ đặc thù và thực tiễn công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi nhân lực kiêm nhiệm là chủ yếu, UBND huyện Hoàng Sa đã linh hoạt tổ chức thực hiện nhiệm vụ với nhiều hình thức phù hợp. Đó là, kết hợp việc làm rõ sự thật lịch sử liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa với các vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra; tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và đề ra các giải pháp thực thi quyền chủ quyền của cơ quan hành chính cấp địa phương. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hoàng Sa đã chủ động cập nhật, xử lý có hiệu quả các tình huống đột xuất và nhạy cảm liên quan đến chủ quyền biển, đảo trong thực tế. 

Thứ ba, trong công tác thông tin, tuyên truyền: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, từ ngày 28/3/2018 UBND huyện Hoàng Sa đã chính thức đưa Nhà trưng bày Hoàng Sa vào sử dụng để trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh về quá trình khai phá, xác lập chủ quyền, quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, qua đó đáp ứng mong muốn của đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng trong cuộc đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa đang trưng bày hơn 300 hiện vật, tài liệu, bản đồ, hình ảnh… phản ánh quá trình lịch sử khai phá, xác lập và quản lý của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ, bắt đầu từ thời chúa Nguyễn. UBND huyện Hoàng Sa thường xuyên cập nhật các thông tin, tư liệu về lịch sử, pháp lý, công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã xác định: “tổ chức sưu tầm, triển lãm tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”(4).

Qua trang thông tin điện tử, UBND huyện Hoàng Sa đã cập nhật những thông tin, tư liệu về quá trình xác lập chủ quyền, quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam thực hiện qua các giai đoạn lịch sử. Điều này góp phần thể hiện vai trò quản lý nhà nước đã tác động tích cực đến ý thức bảo vệ chủ quyền, gìn giữ các giá trị lịch sử của quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, UBND huyện Hoàng Sa đã kịp thời, chủ động cung cấp thông tin, thông cáo báo chí, cung cấp tư liệu, cơ sở pháp lý, trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí về hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đồng thời, UBND huyện Hoàng Sa cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương tổ chức các hội thảo khoa học, các triển lãm về chủ quyền biển, đảo. Ví dụ, tháng 9/2018, UBND huyện Hoàng Sa tổ chức khai mạc triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Triển lãm đã trưng bày gần 300 bài báo, tư liệu về Hoàng Sa với 04 chủ đề: một số bài báo tiêu biểu trong Bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”. Những hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tháng 01/2019, UBND huyện Hoàng Sa tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay” với sự tham gia của nhiều chuyên gia có thâm niên nghiên cứu về Hoàng Sa. Hội thảo thảo luận các nội dung liên quan đến chiến lược biển đảo và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; công tác khai thác những nghiên cứu, tư liệu mới liên quan đến lịch sử khai phá, xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng; nghiên cứu thực trạng, giải pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay. 

Tháng 01/2020, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức trưng bày bộ tư liệu “Châu bản Triều Nguyễn về Hoàng Sa” và bộ sưu tập sách, công trình nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo Việt Nam. Triển lãm diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã tạo được nhiều ấn tượng đặc biệt với khách tham quan về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông luôn diễn biến phức tạp, khó dự báo, công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa mà thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện là rất quan trọng và cần thiết, góp phần khẳng định vai trò của Nhà nước Việt Nam với tư cách là chủ thể quản lý hợp pháp, thực thi chủ quyền trên thực tế để tiếp tục kiên trì đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên Biển Đông mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định: “Nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển, thềm lục địa, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo, đảo khác thuộc chủ quyền của nước ta. Nhiệm vụ trước mắt là phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển”(5)./.

----------------

Ghi chú:

(1) Dẫn tại Công báo số 3, ngày 28/02/1983, tr.46.

(2) Đoàn Triệu Long - Nguyễn Ngọc Hòa - Lê Nhị Hòa (đồng chủ biên), Chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ góc nhìn lịch sử và pháp lý, Nxb Lý luận Chính trị, H.2021, tr.242-243.

(3) Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Đề án Quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền đối với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, 2001, tr.10.

(4) Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (lưu hành nội bộ), Đà Nẵng, 2015, tr.29.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X (lưu hành nội bộ), Nxb CTQG-ST, H.2007, tr.78-79.

 

Lê Văn Thủ - Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Ngày đăng 26/04/2024
Lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Rà soát, bổ sung biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản

Ngày đăng 23/04/2024
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản (kèm theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ).

Nghiên cứu, bổ sung giải pháp phát triển hệ thống cảng biển để đẩy mạnh kinh tế biển

Ngày đăng 10/04/2024
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 148/TB-VPCP ngày 09/4/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa

Ngày đăng 28/03/2024
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối các yêu sách trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông

Ngày đăng 23/03/2024
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách trái luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông.