Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Thành phố Hồ Chí Minh: Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng: 16/09/2022   09:58
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 15/9/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Bình

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật này là hiệu lực thi hành quyết định của cộng đồng dân cư. Tại Điều 17, Khoản 1 có ghi để lấy được ý kiến người dân bàn và quyết định thì phát phiếu lấy ý kiến từng hộ gia đình. Sau đó, Điều 51 là để quyết định của cộng đồng dân cư có tính hiệu lực thì phải có từ 2/3 hoặc từ 50% ý kiến hộ gia đình đồng ý thì quyết định đó mới có hiệu lực.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có những khu dân cư rất đông, 1 khu phố có thể lên đến 20.000 dân. Tuy nhiên 20.000 dân không chỉ có người dân thường trú mà đa phần là tạm trú dài hạn hoặc chỉ ở một thời gian rất ngắn rồi đi nơi khác. Chưa kể nhiều người mua căn hộ, mua nhà để đầu tư, cho thuê chứ không ở. Trường hợp này, nếu lấy ý kiến của người thuê thì họ không chịu, còn chủ nhà thì không ở tại đó nên cũng không đồng ý làm việc. “Vậy chúng ta tính từng hộ dân như thế nào, lấy ý kiến của người dân quyết định cho một vấn đề ở dân cư thì tính toán ra sao. Vì khi luật ra rồi nếu lấy không đủ thì không được”, đại biểu Trần Kim Yến nêu ý kiến. 

Đại biểu Trần Kim Yến dẫn chứng cụ thể về việc xây dựng mới chung cư xuống cấp, quy định phải là 100% hộ dân đồng tình lựa chọn nhà đầu tư thì mới được. Tuy nhiên, có chung cư 38 hộ dân, 36 hộ đồng ý, chỉ còn 2 hộ không đồng ý thì vẫn không thực hiện được mà dây dưa mấy năm trời. Do đó, cần xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ lấy ý kiến biểu quyết của dân cư cũng như tỷ lệ hộ dân đồng ý để quyết định của cộng đồng có hiệu lực. 

Các đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có một số nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật khác. Trong đó, cần điều chỉnh mở rộng phạm vi của cụm từ “cộng đồng dân cư”, xem xét cả người nước ngoài sống tại cộng đồng đó để quy định rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người tại cộng đồng. Vì ở nhiều khu vực một cộng đồng dân cư có cả người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống lâu năm.

Các đại biểu cũng nêu ý kiến, hiện nay Ban Thanh tra nhân dân ở phường, xã, thị trấn thì có kinh phí hoạt động, còn ở các doanh nghiệp, những nơi chưa có công đoàn cơ sở thì rất khó khăn do không có kinh phí. Dẫn đến tình trạng có nơi không hoạt động hoặc cầm chừng, không phát huy được vai trò. Do đó, đại biểu đề nghị những nơi chưa có công đoàn cơ sở thì cần quy định rõ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân là do chủ doanh nghiệp phải chịu.

Về Ban Giám sát cộng đồng, các đại biểu đề xuất mỗi xã chỉ nên thành lập một Ban Giám sát cộng đồng. Công trình ở nơi nào thì người dân nơi đó được cơ cấu vào ban này để giám sát, không nên thành lập theo từng dự án. 

Các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề về công khai thông tin ở phường, xã, thị trấn. Trong đó, yêu cầu niêm yết thông tin nhưng phải làm sao để người dân tiếp cận được. Đồng thời, cần khuyến khích thêm các hình thức thông tin khác như truyền thanh chứ không chỉ niêm yết tại trụ sở vì người dân khó tiếp cận.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng ghi nhận những ý kiến của các đại biểu là xác đáng, gắn với tình hình thực tiễn ở cơ sở hiện nay; Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.

Văn Nguyễn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng 05/02/2024
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần quan trọng thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hà Nội: Phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân

Ngày đăng 05/01/2024
Ngày 05/01/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.  

Bắc Giang: Biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay về xây dựng chính quyền thân thiện

Ngày đăng 04/01/2024
Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vừa biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”.

Gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 28/11/2023
Sáng ngày 28/11/2023, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng 21/11/2023
Văn phòng Chính phủ luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận và thực hiện dân chủ ở cơ sở thành các văn bản, quy định cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Văn phòng Chính phủ thực hiện. Qua đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất và phát huy sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại Văn phòng Chính phủ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.