Hà Nội, Ngày 29/04/2024

Kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp và một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp 

Ngày đăng: 08/10/2022   13:22
Mặc định Cỡ chữ
Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp đã bước đầu động viên cán bộ, người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động đồng thời tạo môi trường đoàn kết, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt, việc thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã có những bước chuyển mạnh mẽ, mang lại những kết quả tích cực trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp.
Sáng 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động tại Chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính (tỉnh Bắc Giang) tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VGP

Kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp

Về tổ chức hội nghị người lao động

Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động để tổ chức hội nghị người lao động, trong đó, một số Tập đoàn, Tổng Công ty đã tổ chức được Hội nghị người lao động cấp Tập đoàn như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam… Thông qua hội nghị người lao động cấp trên cơ sở đã giúp Ban Chấp hành Công đoàn và người sử dụng lao động nắm bắt được những ý kiến phản ánh, tham gia về tình hình sản xuất kinh doanh, điều kiện làm việc, đời sống, việc làm và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, chế độ, chính sách đối với người lao động từ cấp tổ, đội, xưởng, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc, qua đó, đề ra các giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, điều hành và giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động ở những bộ phận đặc thù.  

Tại các doanh nghiệp nhà nước, việc tiến hành tổ chức hội nghị người lao động đã được thực hiện nề nếp và đảm bảo đúng quy trình, nội dung theo quy định, đặc biệt trên 90% doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, công ty TNHH một thành viên tổ chức hội nghị người lao động. Năm 2020 có trên 60% số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động (tăng trên 9% so với năm 2015). 

Người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển biến trong nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện quy chế dân chủ, trong đó có tổ chức hội nghị người lao động. Nhiều người sử dụng lao động và người lao động thấy rằng, thông qua hội nghị người lao động giúp cho người lao động biết và hiểu được tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó cùng chia sẻ những khó khăn, cũng như thảo luận, thống nhất các giải pháp khắc phục khó khăn nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đối với các loại hình doanh nghiệp khác, người sử dụng lao động đã quan tâm hơn tới việc xây dựng quy chế dân chủ và tổ chức hội nghị người lao động. Hội nghị tập trung phát huy dân chủ đóng góp ý kiến của người lao động vào biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, cam kết thực hiện tốt chính sách với người lao động, cải thiện quan hệ lao động, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, thu nhập của người lao động. 

Về đối thoại tại nơi làm việc 

Công tác chỉ đạo tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được các cấp công đoàn quan tâm chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng quy chế đối thoại, quy chế tổ chức hội nghị người lao động, lựa chọn thành viên tham gia đối thoại định kỳ, chuẩn bị các nội dung đối thoại từ các phòng, ban, phân xưởng… trực thuộc đơn vị; việc tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động đã giải quyết kịp thời những phát sinh trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Năm 2020, công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp đã tổ chức trên 31 nghìn cuộc đối thoại định kỳ và tổ chức đối thoại đột xuất(1). Số lượng doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ hàng năm tăng về số lượng, chất lượng đối thoại cũng được nâng lên. 

Liên đoàn Lao động cấp tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy và phối hợp với UBND tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động, qua đó nhiều vấn đề khó khăn cũng như những kiến nghị, đề xuất của người lao động, người sử dụng lao động đã được giải quyết, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại, trao đổi trực tiếp với công nhân lao động đang làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề, qua đó nhiều vấn đề người lao động quan tâm, đề xuất, kiến nghị đã được Thủ tướng Chính phủ trả lời, giải đáp hoặc giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt bình quân trên 65%. Chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế việc sao chép Luật; có nhiều bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới hoặc sửa đổi, bổ sung với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động, như: tiền lương, định mức lao động, chế độ trả lương, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, điều kiện lao động, bữa ăn giữa ca ... được đưa vào bản thỏa ước, đảm bảo lợi ích cho người lao động trong quá trình tham gia lao động sản xuất - là cơ sở thực hiện quyền, lợi ích các bên, củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Trong năm 2020 đã có 34.989 bản thỏa ước lao động tập thể(2) được ký mới, mang lại quyền lợi cho hàng triệu người lao động; nội dung các bản thỏa ước lao động tập thể ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Về công khai thông tin tại doanh nghiệp

Thực hiện quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, người sử dụng lao động đã phối hợp với tổ chức đại diện người lao động công khai các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, chủ yếu như: chế độ chính sách của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người lao động, các nội quy, quy chế, quy định của công ty; việc trích lập và sử dụng các loại quỹ trong công ty liên quan đến người lao động; về phương án sản xuất kinh doanh, phương án sắp xếp lại lao động, tuyển dụng, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ, thi tay nghề, bổ nhiệm, đề bạt... 

Về những nội dung người lao động được tham gia ý kiến

Hằng năm, lãnh đạo doanh nghiệp đã phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức rà soát, bổ sung, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người lao động, trên cơ sở đó, tổ chức hội nghị ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp uỷ cơ sở với lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại đơn vị trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, người lao động được tham gia thảo luận đóng góp vào các nội quy, quy chế, thoả ước lao động tập thể trong đơn vị và các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm nguyên vật liệu, an toàn vệ sinh lao động, đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tích cực vào việc xây dựng mối quan hệ hài hoà, duy trì phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm cho người lao động yên tâm phấn khởi thực hiện nhiệm vụ.

Về những nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát

Tổ chức công đoàn với vai trò là tổ chức đại diện người lao động đã tiếp nhận và tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động, góp phần giảm nguy cơ tranh chấp lao động, hài hòa và ổn định trong quan hệ lao động. Trong năm 2020, tổ chức công đoàn đã giải quyết 714 đơn thư khiếu nại, 94 đơn thư tố cáo; can thiệp, phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp giải quyết 2.392 đơn thư khiếu nại, 124 đơn thư tố cáo, qua đó giúp cho hơn 1.200 người được trở lại làm việc, trên 5.500 người được hưởng các quyền lợi khác như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.(3) 

Hội nghị đại biểu người lao động Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội năm 2022.

Hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp 

Thứ nhất, các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp còn thể hiện nhiều trong hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do đó tính pháp lý và bảo đảm thực hiện trong các doanh nghiệp còn chưa cao, dẫn đến việc triển khai trong một số loại hình doanh nghiệp còn khác nhau, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế phù hợp với những thay đổi của pháp luật. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp (đạt khoảng 64%). Doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định. Việc tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính, các loại quỹ, công tác cán bộ… 

Thứ hai, Một số quy định hiện hành về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp còn chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai như: các nội dung công khai thông tin cho người lao động được biết chưa được mở rộng để phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; chưa phát huy rộng rãi được dân chủ trực tiếp của người lao động trong các doanh nghiệp (các nội dung người lao động được bàn và quyết định còn ít, các nội dung người lao động được lấy ý kiến còn hạn chế); việc thực hiện Quy chế dân chủ tại doanh nghiệp còn thiếu các chế tài bảo đảm thực hiện, nên chưa mang tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do: 1) Một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa, tác dụng của việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, nên chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đề xuất, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. 2) Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể; nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công khai các nội dung của thỏa ước lao động tập thể, nên người lao động chưa tiếp cận được với thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. 3) Rất ít nơi, chủ doanh nghiệp chủ động phối hợp với công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cấp cơ sở, nên việc tổ chức hội nghị người lao động có nơi, có lúc chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật...

Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp 

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp theo hướng Luật hóa các quy định về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp đã thực hiện trong thực tiễn triển khai có kết quả, để tăng tính pháp lý của việc thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, đồng thời mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh thực hiện dân chủ các loại hình doanh nghiệp như: doanh nghiệp, tổ chức hợp tác xã, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động …gọi chung là tổ chức sử dụng lao động để đảm bảo quyền được thực hiện dân chủ của người lao động tại các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên do đặc thù từng loại doanh nghiệp là khác nhau, vì vậy cần có quy định chung và quy định riêng đặc thù từng loại doanh nghiệp để đảm bảo vừa thực hiện dân chủ rộng rãi, vừa bảo đảm quyền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành.

Thứ hai, bổ sung các nội dung mà tổ chức sử dụng lao động phải công khai như: công khai tình hình sản xuất kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của tổ chức có sử dụng lao động, việc trích nộp các quỹ, sử dụng quy khen thưởng, phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp…đồng thời, bổ sung thêm các hình thức công khai thông tin như các thông qua tin nhắn, thông qua mạng xã hội hơp pháp theo quy định của pháp luật…

Thứ ba, bổ sung nội dung và hình thức người lao động bàn và quyết định để tăng quyền thực hiện dân chủ trực tiếp của người lao động, như các nội dung về lập các quỹ thu và chi quản lý sử dụng các loại quỹ từ khoản đóng góp của người lao động, nội dung thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật…; bổ sung các hình thức người lao động tham gia ý kiến trước khi tổ chức sử dụng lao động quyết định: việc xây dựng sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các quy định nội bộ, việc xây dựng thang lương, bảng lương… 

Thứ tư, để khắc phục tình trạng tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp còn chưa được thực hiện, cần quy định cụ thể thời gian tổ chức hội nghị người lao động, thành phần tham dự hội nghị, trong đó quy định trường hợp tổ chức hội nghị người lao động toàn thể, trường hợp có thể tổ chức hội nghị theo hình thức đại biểu, hoặc quy mô tổ chức quá nhỏ có thể không phải tổ chức hội nghị người lao đồng để phù hợp với tình hình thực tiễn…. Đồng thời quy định các chế tài bảo đảm việc thực hiện các quy định dân chủ tại doanh nghiệp./.

--------------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3) Báo cáo số 599-BC/ĐĐTLĐ ngày 09/11/2021 của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động năm 2012 về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

2.  Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

3. Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

4. Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam "Hướng dẫn công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc".

5. Báo cáo số 299/BC-TLĐ về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 9b/NQ-BCH ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới”.

 

ThS Nguyễn Bích Thủy - Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng 05/02/2024
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần quan trọng thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hà Nội: Phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân

Ngày đăng 05/01/2024
Ngày 05/01/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.  

Bắc Giang: Biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay về xây dựng chính quyền thân thiện

Ngày đăng 04/01/2024
Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vừa biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”.

Gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 28/11/2023
Sáng ngày 28/11/2023, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng 21/11/2023
Văn phòng Chính phủ luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận và thực hiện dân chủ ở cơ sở thành các văn bản, quy định cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Văn phòng Chính phủ thực hiện. Qua đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất và phát huy sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại Văn phòng Chính phủ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.