Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Dân chủ là mục tiêu, là động lực để phát triển, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng: 14/06/2022   12:18
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, sáng nay 14/6, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đã có 151 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, trong phiên họp sáng nay có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 03 đại biểu Quốc hội tranh luận, không khí tranh luận sổi nổi, trí tuệ, dân chủ, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm cao, các ý kiến bao quát toàn diện các nội dung của dự án luật.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại phiên họp về ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

 
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cảm ơn các ý kiến phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, phong phú, thực tiễn và khoa học của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Bộ trưởng cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các nhóm chủ thể tác động để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, đây cũng là một dự án luật có đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể, mang tính đặc thù trong thể chế chính trị, pháp luật của Việt Nam, là một dự án Luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, được xây dựng nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa, là bản chất chế độ ta, là mục tiêu và là động lực để phát triển xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Về nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa phương châm dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng; đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội là trung tâm để Nhân dân làm chủ; giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội.

Bộ trưởng khẳng định, dân chủ thì phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa những văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả, đồng thời bổ sung, phát triển, hoàn thiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp và không xung đột với các văn bản luật hiện hành. 

Nội dung thực hành dân chủ trong dự thảo Luật được trình bày theo mạch trình tự phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, hướng tới mục tiêu, yêu cầu phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp, phù hợp với tính chất của từng loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ quan điểm, nguyên tắc, cách tiếp cận xây dựng Luật có những mặt tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện thêm để đảm bảo yêu cầu chất lượng, cơ quan soạn thảo trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề cụ thể như: giải thích khái niệm, bố cục dự thảo Luật, phạm vi thực hiện, quyền dân chủ của Nhân dân, việc thực hiện dân chủ ở từng loại hình, cơ chế đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở, xử lý vi phạm, vai trò của các cơ quan, tổ chức... Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án Luật quan trọng này, thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án Luật. Đồng thời các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này nói riêng và các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại diện cho cơ quan trình dự án Luật đã báo cáo giải trình, tiếp thu, làm rõ thêm nhiều vấn đề lớn mà được các đại biểu quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến quan điểm, chủ trương, chính sách, phương pháp tiếp cận.

Hiện còn 15 vị đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban thư ký để tổng hợp và nghiên cứu tiếp thu.

Tổng thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của các vị đại biểu và gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để theo dõi, đồng thời chuyển đến các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.

Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, lấy thêm ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội vào tháng 10/2022 theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua./.

Văn Nguyễn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng 05/02/2024
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần quan trọng thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hà Nội: Phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân

Ngày đăng 05/01/2024
Ngày 05/01/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.  

Bắc Giang: Biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay về xây dựng chính quyền thân thiện

Ngày đăng 04/01/2024
Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vừa biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”.

Gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 28/11/2023
Sáng ngày 28/11/2023, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng 21/11/2023
Văn phòng Chính phủ luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận và thực hiện dân chủ ở cơ sở thành các văn bản, quy định cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Văn phòng Chính phủ thực hiện. Qua đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất và phát huy sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại Văn phòng Chính phủ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.