Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng: 26/05/2022   09:58
Mặc định Cỡ chữ
Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có ý kiến phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở(1).

 

BAN HÀNH LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ ĐỂ THỂ CHẾ HÓA QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG TẠI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII VÀ HIẾN PHÁP NĂM 2013
 

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thống nhất với luận giải của dự thảo Luật về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đối với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế dân chủ ở cơ sở theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”(2) và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(3); cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật.

Khi Luật được ban hành sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình pháp điển hóa các văn bản hiện hành về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phạm vi quyền làm chủ của Nhân dân được mở rộng, phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Về nội dung này dự thảo Luật cần thể chế quan điểm chỉ đạo tại Mục XII Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng về tăng cường, mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa nói chung “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; về một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc".(4)

Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) cần tập hợp đầy đủ quy định về quyền dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân theo Hiến pháp năm 2013 và các quy định pháp luật liên quan; từ đó xây dựng thành khung chính sách cho dự thảo Luật, đặt ra các định hướng cụ thể, dự báo sơ bộ các phương thức tác động và thời hạn thực hiện, đánh giá những tác động mặt tích cực, mặt không tích cực trước, trong và sau khi ban hành Luật.

Để từng quy định của dự thảo Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông với quan điểm chỉ đạo của Đảng và hệ thống pháp luật về mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu thấu đáo, tổng rà soát kỹ các văn bản của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật hiện hành quy định về quyền làm chủ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân... từ đó kế thừa, bổ sung, phát triển, hoàn thiện một cách đầy đủ, toàn diện nhất mọi quyền dân chủ của Nhân dân trong dự thảo Luật.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc thiết kế các chương, điều gắn với các nội dung như trong dự thảo Luật là khá mạch lạc, hợp lý. Tuy nhiên, xem xét từ góc độ quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa thì nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3 dự thảo Luật) cần sắp xếp lại cho hợp lý hơn. (ví dụ: nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở cần được xếp thứ tự thứ 2 trong 5 nguyên tắc); bổ sung nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ. Cần thống nhất tiêu đề và cách sử dụng thuật ngữ tại các điều khoản trong toàn văn bản Luật...

Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ, cụ thể hơn nữa về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ từng loại hình cơ sở và tương ứng với đó là các nội dung thực hiện dân chủ để tạo lập cơ sở pháp lý hữu hiệu, phù hợp với đặc thù vốn có của mỗi loại hình cơ sở: dân chủ ở cộng đồng dân cư, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước được bao quát như trong dự thảo Luật.

Quy định tại khoản 2 Điều 72 của dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu để quy định cho phù hợp, thống nhất trong toàn dự thảo Luật, cũng như phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14, Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ PHẢI THỂ HIỆN ĐƯỢC ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH QUAN TRỌNG NHẤT LÀ “NHÂN DÂN”
 

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nội dung xuyên suốt của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải thể hiện được đối tượng điều chỉnh quan trọng nhất là Nhân dân, sau đó là Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức (người có thẩm quyền - người giữ quyền lực phái sinh) có trách nhiệm bảo đảm cho Nhân dân thực hiện quyền dân chủ. 

Luật cần bám sát quan điểm chỉ đạo tại các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 để cụ thể hóa quyền dân chủ của Nhân dân như: Nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; “do Nhân dân làm chủ”; “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân...” (Điều 2, Hiến pháp năm 2013); “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân” (Điều 3, Hiến pháp năm 2013); “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6, Hiến pháp năm 2013); “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân...” (khoản 2 Điều 8, Hiến pháp năm 2013).

Xác định cách tiếp cận về quyền lực của Nhân dân như nêu trên, cơ quan soạn thảo cần giải đáp những điều Nhân dân muốn, Nhân dân cần, điều kiện để Nhân dân được thể hiện quyền làm chủ thực chất. Do đó, dự thảo Luật cần thể hiện đầy đủ, rõ nét hơn chủ trương của Đảng về mở rộng quyền dân chủ.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục kế thừa và phát triển những quy định “hợp ý Đảng, lòng Dân” thể hiện ở việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chủ chốt ở cấp cơ sở do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu,  được quy định tại Điều 26, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (ngày 20/4/2007); quy định về giám sát việc thực hiện trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị.

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, dự thảo Luật chưa quy định quyền thụ hưởng của Nhân dân, trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình ban hành các quyết định liên quan đến lợi ích công cộng; quy định về điều kiện để đảm bảo thực hiện dân chủ của Nhân dân. Cách tiếp cận dân chủ ở cơ sở thể hiện trong dự thảo Luật cần đặt trong mối quan hệ với kỷ cương. Do đó, cần cân nhắc lại các quy định về thẩm quyền đề xuất nội dung để cộng đồng dân cư bàn và quyết định (Điều 16), hiệu lực thi hành quyết định của cộng đồng dân cư (Điều 19); quy định đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của công dân.

Ngoài ra, dự thảo Luật chưa quy định quyền dân chủ, cách thức, cơ chế bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân ở thôn, tổ dân phố mặc dù dự thảo Luật đã xác định thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi điều chỉnh.

Trách nhiệm của Nhà nước trong xây dựng cơ chế để Nhân dân được thực hiện quyền dân chủ thực chất 

Nhà nước có trách nhiệm xây dựng cơ chế để Nhân dân được thực hiện quyền dân chủ thực chất thông qua việc kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn việc tha hoá quyền lực từ những “công bộc” của Nhân dân, đã được Nhân dân uỷ quyền quản lý nhà nước. Bởi vậy, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, trong dự thảo Luật cần bổ sung những chế tài đối với người có thẩm quyền không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời trách nhiệm với Nhân dân, vi phạm quyền dân chủ của Nhân dân. 

Bên cạnh đó, để Nhà nước đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân được thực hiện tối đa trong khuôn khổ pháp luật, cần có chế tài đối với người dân cố tình lợi dụng dân chủ để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, của cộng đồng. Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ và đầy đủ hơn quyền và trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong các khâu thực hiện dân chủ ở cơ sở, của chính quyền cấp trên cơ sở trong việc bảo đảm các quy định được thực hiện nghiêm túc.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thấy, dự thảo Luật chưa quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm để các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm làm chủ của mình theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng "Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".

Vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở 

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong thực hiện các khâu thực hiện dân chủ còn chưa được thể hiện đầy đủ, cụ thể, rõ ràng trong dự thảo Luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Luật xem xét, quy định rõ hơn nữa cơ chế để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Dự thảo Luật cũng cần được nghiên cứu thể hiện rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là các vấn đề “dân bàn, dân kiểm tra”. Theo đó, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải được nhấn mạnh ở khâu chủ động đề xuất các vấn đề dân bàn, dân quyết định, dân được tham gia ý kiến; phải làm rõ hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát việc thực hiện các vấn đề do dân quyết định, dân kiến nghị, yêu cầu; các phương thức để thực hiện các hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của Nhân dân; trong việc bảo đảm Nhân dân thực hiện kiểm tra chính quyền cấp xã thực hiện các nội dung được kiểm tra; trong việc bảo đảm để Nhân dân thực hiện đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân đi vào thực chất và có hiệu quả...

Về các hình thức Nhân dân tham gia ý kiến (Điều 23); nội dung chính quyền cơ sở đối thoại với Nhân dân (Điều 25); chính quyền cơ sở tổ chức đối thoại và lấy ý kiến Nhân dân (Điều 27, Điều 29) về hình thức để Nhân dân thực hiện giám sát, kiểm tra (Điều 28 - Điều 33), đề nghị Ban soạn thảo tiếp cận kỹ hơn các quy định của Bộ Chính trị trong Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (ban hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013) và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (ban hành theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013) cho phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Ngoài ra, đối với dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì vai trò của tổ chức Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là rất quan trọng, thể hiện ở việc đóng vai trò đầu mối tập hợp đoàn viên, công đoàn viên phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, bổ sung hình thức cán bộ, công chức, viên chức người lao động tham gia ý kiến tại cơ quan, đơn vị thông qua hệ thống tổ chức Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh./.

----------------------------------------

Ghi chú:

(1) Công văn số 3852/MTTW-BTT, ngày 25/4/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.173.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.336-337.

Trí Đức

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng 05/02/2024
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần quan trọng thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hà Nội: Phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân

Ngày đăng 05/01/2024
Ngày 05/01/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.  

Bắc Giang: Biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay về xây dựng chính quyền thân thiện

Ngày đăng 04/01/2024
Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vừa biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”.

Gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 28/11/2023
Sáng ngày 28/11/2023, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng 21/11/2023
Văn phòng Chính phủ luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận và thực hiện dân chủ ở cơ sở thành các văn bản, quy định cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Văn phòng Chính phủ thực hiện. Qua đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất và phát huy sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại Văn phòng Chính phủ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.