Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Đánh giá kết quả 3 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ

Ngày đăng: 03/04/2021   14:52
Mặc định Cỡ chữ
Sáng nay 04/3/2021, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm hoạt động của Tổ công tác.

Tham dự Hội nghị có các Tổ phó Tổ công tác: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Nguyễn Văn Thanh; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và các thành viên Tổ công tác; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; lãnh đạo một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nội vụ. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Tổ phó Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tóm tắt một số nét về kết quả 3 năm của Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Tổ phó Tổ công tác cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc thành lập Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Tổ trưởng Tổ công tác đã có Quyết định số 782/QĐ-BNV ngày 08/5/2018 ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác và quy định rõ Tổ công tác thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ sau: 1) Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Đảng và của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; 2) Thông qua kiểm tra để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh các quy định chưa đúng của bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; 3) Phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan; 4) Phát hiện các vi phạm nghiêm trọng và đề xuất việc giao cơ quan thanh tra chuyên ngành xử lý theo quy định; 5) Tổ công tác phải báo cáo đầy đủ và chính xác tình hình, kết quả việc chấp hành các quy định của Đảng và của pháp luật trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; đồng thời kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Nguyễn Văn Thanh, Tổ phó Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị.

Trong 3 năm qua, Tổ công tác đã hoạt động hiệu quả, tạo ra những thay đổi về nhận thức trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và của pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Đến nay, Tổ công tác đã thực hiện 44 cuộc kiểm tra tại 14 bộ, ngành, 30 địa phương và yêu cầu các đơn vị còn lại gửi báo cáo về Tổ công tác.

Qua các cuộc kiểm tra, Tổ công tác đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các quy định của Đảng và của pháp luật về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; về sử dụng biên chế và tinh giản biên chế; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về bổ nhiệm (bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo và bổ nhiệm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức), về số lượng cấp phó, việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; về giải quyết khiếu nại tố cáo và việc tiếp công dân của người đứng đầu và có biện pháp nhằm nâng cao việc chấp hành hành các quy định của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Kết quả được đánh giá như sau:

- Các bộ, ngành, địa phương luôn xác định rõ việc chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và của pháp luật về kỷ luật, kỷ cương hành chính là nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mặt công tác khác của cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về nâng cao đạo đức công vụ, xây dụng văn hóa công sở văn minh, hiện đại; ban hành nhiều văn bản để tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; quản lý biên chế, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để triển khai thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc việc giáo dục, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ; chấp hành nội quy, văn hóa công sở; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

- Hoạt động của Tổ công tác đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, tạo áp lực, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chủ động, linh hoạt trong điều hành, quyết liệt trong chỉ đạo, ban hành chương trình hành động cụ thể, tích cực tìm kiếm giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các nhiệm vụ phức tạp, khó, đòi hỏi nhiều nguồn lực và có tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như công tác bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế...

- Về việc sử dụng biên chế và tinh giản biên chế: đa số các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch biên chế hành chính gửi Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời trên cơ sở số biên chế công chức, viên chức được giao, các bộ, ngành, địa phương cân đối để giao biên chế phù hợp cho từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Hằng năm, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, đánh giá tình hình sử dụng biên chế của các đơn vị và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ để có phương án điều chỉnh, quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý chỉ tiêu biên chế được giao; đồng thời, cũng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và của pháp luật (các đơn vị đều phấn đấu đến năm 2021 phải tinh giản biên chế đạt tối thiểu 10%).

- Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương chấm dứt tình trạng ký họp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Qua các cuộc kiểm tra về công tác chấp hành các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, đa số bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức đúng quy định. Tuy nhiên, tại một số đơn vị vẫn có tình trạng đơn thư khiếu nại về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm do việc vận dụng sai quy định về tuyển dụng, đặc biệt là vẫn bổ nhiệm đối với trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn.

- Công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác cán bộ tại các bộ, ngành địa phương đã được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4260/VPCP-TCCV ngày 09/5/2018 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, đến hết năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ tại 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

- Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nghiêm túc công tác giải quyết tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các đơn vị đã xác định việc tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, là một trong những nội dung chính của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều trực tiếp chỉ đạo công tác này; thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị mình theo thẩm quyền.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả 3 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ và phương hướng triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, với sự hoạt động tích cực của Tổ công tác, nhiều hạn chế, tồn tại của các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra cơ bản được khắc phục. Qua đó, các bộ, ngành, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt và sâu sát hơn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như triển khai thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Hoạt động của Tổ công tác đã góp phần quan trọng vào hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ hướng tới người dân, doanh nghiệp và khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị Tổ công tác cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, bám sát các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các mục tiêu trọng tâm của từng năm, từng khối cơ quan, từng địa phương để xây dựng kế hoạch kiểm tra.

Thứ hai, tập trung kiểm tra việc thực hiện các Nghị định của Chính phủ mới ban hành.

Thứ ba, kiểm tra việc sắp xếp bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; về quản lý biên chế và vị trí việc làm, về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Thứ tư, kiện toàn nhân sự Tổ công tác.

Thứ năm, nghiên cứu, đổi mới các phương pháp, hình thức, kiểm tra phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ sáu, nghiên cứu các chế độ báo cáo.

Thứ bảy, nghiên cứu sửa đổi quy chế làm việc của Tổ công tác.

Thứ tám, tập trung nghiên cứu những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác trong giai đoạn tiếp theo./.

Mạnh Quân

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đảng ủy Bộ Nội vụ: sơ kết công tác đảng Quý I và triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2024

Ngày đăng 22/04/2024
Sáng ngày 22/4/2024, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Quý I, triển khai nhiệm vụ công tác Quý II/2024. Đồng chí Vũ Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Đảng bộ Bộ Nội vụ tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng cho 10 đảng viên

Ngày đăng 22/04/2024
Sáng 22/4/2024, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nội vụ tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 40, 30 năm tuổi Đảng cho các đồng chí đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ Nội vụ.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ: Áp dụng công nghệ số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Ngày đăng 19/04/2024
Sáng ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Bộ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua “Áp dụng ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ” và tổng kết Tháng Thanh niên năm 2024. 

Kế hoạch sát hạch, tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 18/04/2024
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Kế hoạch sát hạch, tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể như sau:

Đồng chí Đào Duy Tùng - nhà lãnh đạo cấp cao có tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao của Đảng!

Ngày đăng 15/04/2024
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024), Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu những cống hiến, đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.