Hà Nội, Ngày 10/06/2024

Giữ gìn và phát huy giá trị cốt lõi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Ngày đăng: 23/06/2020   13:43
Mặc định Cỡ chữ
Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta - truyền thống tôn vinh và ghi nhớ công lao những người đã có công với đất nước và dân tộc.

“Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý mà nhân dân ta dành tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi ấy thể hiện tình cảm yêu mến đặc biệt và niềm tin sâu sắc của nhân dân đối với Quân đội ta, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. “Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh những giá trị cao đẹp nhất của con người Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong những chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và bảo vệ hòa bình, lương tri của nhân loại. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” gồm nhiều yếu tố, trong đó trung với Đảng, hiếu với dân là giá trị cốt lõi, phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp và truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Theo các tư liệu lịch sử, tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” xuất hiện ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Khi đó nhiều đơn vị bộ đội được lệnh về chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Bộ đội trú quân trong các bản làng, thôn xóm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân, dựa vào dân và hết lòng giúp đỡ nhân dân. Chính trong những năm tháng này đã nảy nở và phát triển những tình cảm và niềm tin yêu của nhân dân với bộ đội. Ở chiến khu Việt Bắc, đồng bào các dân tộc trìu mến gọi các đơn vị vũ trang là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ”, khi biết “Ông Ké”, “Ông Cụ” là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ” và cũng từ chiến khu Việt Bắc tên gọi yêu quý ấy lan truyền đi khắp nơi và trở thành quen thuộc đến ngày nay(1).

Từ khi ra đời  đến nay, Quân đội ta luôn được nhân dân tin yêu, mến phục; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng nên phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cao đẹp, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(2). Đây là sự khái quát cô đọng, phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta. “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành niềm tự hào, tài sản tinh thần vô giá, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu, làm cho Quân đội ta vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, lập nên những kỳ tích vĩ đại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(3). Nhiệm vụ của Quân đội ta là thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng, chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó thực chất là lý tưởng “trung với Đảng, hiếu với dân”. Lý tưởng này là sự biểu hiện tập trung nhất bản chất, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta. Đối với cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất và đúng đắn. Trung với Đảng không chỉ được thể hiện ở việc kiên định với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng mà còn thể hiện ở tình cảm cách mạng luôn nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng đó. Đồng thời phải có đủ năng lực và bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trung với Đảng thì phải hiếu với dân. Bởi vì: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(4). Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, là quân đội của dân, do dân, vì dân nên hiếu với dân có nghĩa là Quân đội ta phải luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Nhân dân. Trong quan hệ với Nhân dân phải thực hiện đúng 12 điều kỷ luật và 10 lời thề danh dự của quân nhân, làm cho quân với dân gắn bó như cá với nước. Đây cũng chính là ngọn nguồn chiến thắng của Quân đội ta mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tiếp tục kế thừa và phát huy.

Trong chiến tranh, “trung với Đảng, hiếu với dân” thể hiện ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong thời bình, lòng trung với Đảng, hiếu với dân thể hiện ở sự giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng, tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Đó là sự thống nhất và hòa quyện giữa lý trí và tình cảm, giữa nhận thức và cảm xúc. Không có sự thống nhất và hòa quyện này lòng trung thành với Đảng có thể chỉ dừng lại ở lời nói hoặc khẩu hiệu chung chung mà không biến thành hành động cụ thể, thành lối sống, nếp nghĩ của mỗi cán bộ, chiến sĩ(5). Đồng thời, tinh thần này còn thể hiện ở ý thức cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ môi trường hòa bình của đất nước. Thực hiện những nhiệm vụ này, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị động, bất ngờ. 

Trong công tác dân vận, Quân đội luôn là lực lượng xung kích đi đầu. Đặc biệt ở các khu kinh tế - quốc phòng, quân đội cùng với các lực lượng khác đã khắc phục mọi khó khăn, bám sát nhân dân, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đã triển khai được nhiều dự án, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Sự giúp đỡ đó không chỉ dừng lại ở vật chất mà quân đội còn tích cực hướng dẫn nhân dân tổ chức đời sống và cách thức sản xuất; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, dạy chữ cho con em các dân tộc thiểu số; bảo vệ nhân dân trước những thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Những hoạt động này được Quân đội ta thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả cao, qua đó làm cho tinh thần hiếu với dân thật sự được tỏa sáng. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm giúp đỡ nhân dân lúc thiên tai, hoạn nạn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, là sự tiếp nối truyền thống, bản chất của Quân đội ta những năm qua, là sự gắn bó máu thịt tình quân dân. 

Vấn đề quan trọng hàng đầu của quân đội bất kỳ quốc gia nào bao giờ cũng là vấn đề chính trị. Đó thực chất là bản chất giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội, quân đội do ai tổ chức, lãnh đạo, chiến đấu vì lợi ích của ai. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định quân đội luôn mang bản chất giai cấp sâu sắc, không có và không bao giờ có quân đội mang bản chất của nhiều giai cấp. V.I.Lênin đã từng nhấn mạnh: “Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính trị trọng hơn quân sự”(7), “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(8).

Thực tiễn đã chứng minh, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất to lớn của phong trào cách mạng thế giới. Mặc dù tính chất của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội không thay đổi, song sự thoái trào này gây nên sự hoài nghi, dao động ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng cơ hội này tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu của chủ nghĩa xã hội cũng như vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tìm mọi cách để thay đổi trật tự thế giới theo hướng có lợi cho chủ nghĩa tư bản. Khi đã nhận thất bại trong những cuộc đối đầu lịch sử, chủ nghĩa đế quốc và tay sai vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta. Họ tiếp tục sử dụng chiêu bài “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn và phương thức ngày càng tinh vi. Họ ra sức tuyên truyền tư tưởng phi chính trị hóa quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng; cổ xúy tư tưởng tư sản, đòi đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập, đánh tráo các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, lôi kéo cán bộ, chiến sĩ quân đội chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần. Đây là những chiêu bài của chủ nghĩa đế quốc sử dụng để phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa, làm xuất hiện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều đó đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc củng cố và phát huy giá trị “trung với Đảng, hiếu với dân” của Quân đội ta.

Tuy nhiên, chính những luận điệu xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch làm cho âm mưu của chúng càng lộ rõ, càng làm tăng tinh thần cảnh giác cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đặc biệt đội ngũ cán bộ chính trị là phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn giác ngộ sâu sắc giá trị “trung với Đảng, hiếu với dân”. Bởi giữ vững giá trị này là sự thể hiện kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta, cũng là giá trị cốt lõi của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là trách nhiệm, lương tâm, danh dự của mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trước Đảng và Nhân dân. Trong đó “trung với Đảng, hiếu với dân” là giá trị cốt lõi, hạt nhân chi phối các giá trị khác của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là sự thể hiện tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trước những biến động của thời cuộc hiện nay./.

-----------------------------------

Ghi chú:

(1) Nguyễn Vĩnh Thắng (Chủ nhiệm đề tài), Nghiên cứu giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới, H. 2011, tr.20.

(2),(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr.435, tr.435.

(4) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 19/01/2011, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr.4.

(5) Đinh Xuân Dũng (chủ biên), Công tác tư tưởng - văn hóa trong xây dựng quân đội về chính trị, Nxb Quân đội nhân dân, H.2016, tr.223 - 291.

(6) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2005, tr.136.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr.539.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr.217.

 

TS Vũ Văn Bách - Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng 

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 04/06/2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề nhân phẩm, nhân quyền từ bản tính nhân bản của chính con người gắn với các giá trị văn hóa tiến bộ và cả những giá trị nhân văn có tính “vượt trước” của dân tộc và nhân loại. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Không thể phủ nhận việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ngày đăng 28/05/2024
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều này không chỉ làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân mà còn góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thái độ, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tuy vậy, thời gian qua, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những luận điệu cần phải được nhận diện rõ và tích cực đấu tranh phản bác.

Xây dựng phong cách của cán bộ lãnh đạo theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng 16/05/2024
Phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lòng yêu nước vô hạn, tình yêu thương nhân dân sâu sắc; một tác phong làm việc khoa học, mẫn tiệp, dân chủ, khách quan… tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Bài viết làm rõ hơn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và đổi mới phong cách của người cán bộ cách mạng, đây là những chỉ dẫn  cho mỗi cán bộ, đảng viên vận dụng sáng tạo quan điểm của Người để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 02/05/2024
Kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc đề cao, coi trọng đạo đức của người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bài viết phân tích, làm rõ hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để có biện pháp vận dụng và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn hiện nay.

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Ngày đăng 22/04/2024
Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.