Hà Nội, Ngày 01/05/2024

Bàn về cách thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ngày đăng: 06/11/2019   16:32
Mặc định Cỡ chữ
Thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn ở địa phương nói chung và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh đang là vấn đề “nóng” được dư luận cả nước quan tâm. Vì vậy, việc nghiên cứu, thảo luận về chủ đề này là cần thiết để qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất từ nhận thức đến hành động từ Trung ương đến địa phương và trong toàn xã hội về cách thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. 
Ảnh minh họa: internet

1. Cơ sở thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh).

Thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được dựa trên nhiều cơ sở lý luận và thực tiễn; trong đó, các cơ sở lý luận chủ yếu là những tri thức về khoa học tổ chức; về cơ sở thực tiễn chủ yếu là kết quả sơ kết, tổng kết về thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong những năm qua.

2. Nguyên tắc thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Có nhiều nguyên tắc thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cụ thể là:

Thứ nhất, việc thiết kế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là xu hướng tất yếu theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã được kiểm chứng trong thực tế; theo đó, quy mô tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý của bộ máy cơ quan cấp sở. Đây là yếu tố bảo đảm sự vận hành hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, số lượng đầu mối và cấu trúc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban chuyên môn cấp tỉnh phải thật sự tinh gọn, hợp lý đến mức cần thiết theo nguyên tắc tính “hợp lý” quy định tính “hợp pháp”, bảo đảm tính khả thi phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thiết kế, điều chỉnh các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh vừa phải thể hiện được sự thống nhất chung giữa các địa phương trên phạm vi toàn quốc, vừa phát huy được thế mạnh trong yếu tố đặc thù của từng địa phương.

Thứ ba, thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải vừa bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ gắn với đối tượng quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn lãnh thổ; vừa phù hợp với đặc điểm, điều kiện nông thôn, đô thị, hải đảo của từng địa phương; bảo đảm sự kết nối liên thông, thống nhất, thông suốt giữa quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện.  

Thứ tư, thiết kế tổ chức và điều chỉnh các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền của Chính phủ phải bảo đảm sự thống nhất với quy định mới của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương đang được Quốc hội xem xét ban hành. Theo đó, thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có độ mở cần thiết, vừa theo khung tổ chức chung thống nhất, vừa phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định phù hợp với thực tế của địa phương.

3. Thiết kế khung tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và các nguyên tắc nêu trên, có thể thiết kế khung tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh gồm các sở và cơ quan ngang sở phù hợp, đảm bảo tính khoa học và quy định của pháp luật theo yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy với các cấp độ dưới đây:

3.1. Các cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất

Thứ nhất, thiết kế tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thống nhất ở tất cả các địa phương trong cả nước, có sự kế thừa hợp lý và không quy định tiêu chí (coi như mặc định). Nhóm này bao gồm các cơ quan: Sở Tư pháp; Sở Nội vụ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; Thanh tra; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Thứ hai, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quy định thống nhất ở tất cả các địa phương nêu trên có tính chất khung; tuy nhiên, không cố định một cách cứng nhắc, máy móc mà vẫn có độ mở phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh lựa chọn sự điều chỉnh phù hợp trên nguyên tắc tinh gọn, hợp lý; có số lượng đầu mối ít hơn khung các cơ quan chuyên môn do Chính phủ quy định.

3.2. Các cơ quan chuyên môn có tính đặc thù

Do sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, cần thiết kế tổ chức một số cơ quan chuyên môn có tính đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để phát huy lợi thế so sánh theo đặc điểm, tính chất, điều kiện, yêu cầu quản lý nhà nước về một số lĩnh vực chuyên biệt của địa phương khi đáp ứng các tiêu chí do Chính phủ quy định. Các cơ quan này bao gồm:

- Ban Dân tộc: thành lập Ban Dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh khi đáp ứng đủ các tiêu chí cơ bản về số lượng người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh được lượng hóa có ít nhất 20 nghìn người trở lên; có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu vùng biên giới, hải đảo và về an ninh, quốc phòng của địa phương; hiện tại địa phương đang có Ban Dân tộc đã được thành lập và hoạt động mang lại hiệu quả trong thực tế. Một phương án khác là sáp nhập Ban Dân tộc vào Sở Nội vụ để gắn kết liên thông giữa dân tộc với tôn giáo trong cùng một sở; mặt khác, lĩnh vực dân tộc vốn thuộc công tác nội vụ của đất nước.

- Sở Ngoại vụ: thành lập Sở Ngoại vụ thuộc UBND cấp tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế là cần thiết để làm đầu mối hợp tác quốc tế của địa phương. Tuy nhiên, việc thành lập Sở Ngoại vụ cần tính đến yếu tố đặc thù khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau: địa phương có cửa khẩu quốc tế đường bộ thuộc biên giới đất liền với các nước; có sân bay, cửa khẩu quốc tế hoặc có cảng biển quốc tế; địa phương có Sở Ngoại vụ đã được thành lập và hoạt động phát huy tác dụng thực tế.

- Sở Du lịch: thành lập Sở Du lịch khi đáp ứng đủ các tiêu chí chuyên biệt sau: có các di sản văn hóa vật thể được tổ chức quốc tế ghi danh xếp hạng là di sản thiên nhiên thế giới hoặc di sản văn hóa thế giới; địa phương có nhiều tài nguyên và tiềm năng du lịch vượt trội, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; có giá trị kinh tế nguồn thu từ du lịch hàng năm trong tổng sản phẩm nội địa của địa phương chiếm tỷ trọng từ 10% trở lên.

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc: chỉ thành lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc khi đáp ứng các tiêu chí cơ bản sau đây: các thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền phân loại, xếp hạng theo tiêu chí là đô thị đặc biệt; thành phố trực thuộc Trung ương đang có tốc độ đô thị hóa cao; mức độ chuyển hóa nhanh nông thôn thành đô thị và phức tạp về quy hoạch, kiến trúc; có tính đến Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã được thành lập và hoạt động phát huy tác dụng thực tế.

Cần nhấn mạnh, các cơ quan chuyên môn đặc thù nêu trên đáp ứng tiêu chí hoặc không đáp ứng tiêu chí đều không quy định nhất thiết phải thành lập. Cụ thể: đối với Ban Dân tộc, nếu không đáp ứng tiêu chí thì chuyển vào Sở Nội vụ hoặc hiện tại giao cho Văn phòng UBND cấp tỉnh thì giữ nguyên; đối với Sở Ngoại vụ, nếu không đáp ứng tiêu chí hoặc địa phương thấy chưa cần thiết thì chuyển vào Văn phòng UBND hoặc Văn phòng HĐND và UBND cấp tỉnh; đối với Sở Du lịch, nếu không đáp ứng tiêu chí thành lập thì thực hiện theo mô hình chung là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nếu không đáp ứng tiêu chí hoặc địa phương thấy không cần thiết thì sáp nhập vào Sở Xây dựng hoặc Sở Giao thông và Xây dựng.

3.3. Các cơ quan chuyên môn giao cho chính quyền cấp tỉnh quyết định

Cách thức thiết kế tổ chức, điều chỉnh các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh gắn với phân cấp cho chính quyền địa phương; căn cứ vào tình hình thực tế giao cho chính quyền cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm việc hợp nhất hoặc giữ ổn định một số sở tương ứng sau:

- Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng;

- Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Thông tin và Truyền thông.

Cách thức điều chỉnh các sở nêu trên dưới hình thức thực hiện hợp nhất là:

- Hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch hoặc tên gọi khác phù hợp;

- Hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông và Xây dựng hoặc tên gọi khác phù hợp;

- Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học và Thông tin hoặc Sở Thông tin và Khoa học.  

Cơ sở của việc định danh tên gọi phù hợp các sở hợp nhất nêu trên do chính quyền địa phương xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định cụ thể. Việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn phải bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý và khoa học, nhất là về khoa học tổ chức, cho nên phải có đề án hợp nhất tổ chức một cách bài bản và chuyên nghiệp.

4. Thiết kế chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Tính đồng bộ, xuyên suốt của việc thiết kế mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tương ứng được thiết kế theo nguyên lý của khoa học tổ chức và các tiêu chí xác định.

4.1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

4.1.1. Thiết kế chức năng

Thứ nhất, phải phù hợp với mô hình đa ngành, đa lĩnh vực và thống nhất với sự hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Thứ hai, về cơ bản, cấp sở có các loại chức năng:

- Chức năng tham mưu và giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh theo cơ chế phân cấp, ủy quyền;

- Chức năng cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của sở;

- Chức năng hỗ trợ các đối tượng theo khả năng và thẩm quyền.

4.1.2. Thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các sở được lượng hóa từ chức năng thành các đầu công việc chính, gồm:

- Nhiệm vụ tham mưu trình UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên;

- Nhiệm vụ giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm những vấn đề không thuộc thẩm quyền của cấp trên trong thực thi quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực theo phân cấp, ủy quyền;

- Nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chuyển giao những vấn đề cụ thể trên địa bàn cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện;

- Nhiệm vụ quản lý công việc thuộc nội bộ của cơ quan chuyên môn theo quy chế làm việc và công việc khác khi được giao.

Đối với Thanh tra cấp tỉnh, do có tính chuyên biệt về nhiệm vụ, quyền hạn nên thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra.

Văn phòng UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu, tổng hợp và hậu cần trong việc đảm bảo các điều kiện vật chất kỹ thuật, phương tiện làm việc; cung cấp thông tin, tài liệu; phục vụ chung cho hoạt động của UBND, HĐND, các đơn vị hoạt động tại trụ sở làm việc của UBND, HĐND cấp tỉnh.

4.2. Cơ cấu tổ chức

Thiết kế cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp sở gồm các tổ chức cấp phòng với tên gọi tương ứng phù hợp. Vấn đề cơ bản là thiết kế các tổ chức cấp phòng thuộc cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh dựa trên các căn cứ sau đây:

- Chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan chuyên môn được xác định theo nguyên tắc tương ứng, phù hợp;

- Lượng hóa chức năng, nhiệm vụ đó thành khối lượng công việc hiện diện ở số lượng vị trí việc làm;

- Tiêu chí thiết kế tổ chức cấp phòng thuộc sở; trong đó quy định rõ đối tượng tham mưu hoặc thực thi quản lý nhà nước của tổ chức cấp phòng trong sở; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cấp phòng được dẫn chiếu tương ứng từ nhiệm vụ, quyền hạn của sở; có khối lượng công việc thực tế ít nhất từ 05 vị trí việc làm trở lên để bố trí số lượng biên chế phù hợp.

Cơ sở để xác định từ 05 vị trí việc làm trở lên tương ứng với 05 biên chế công chức là dựa theo nguyên lý của khoa học quản lý về tính tương quan giữa chủ thể quản lý với khách thể quản lý trong hệ thống tổ chức cấp phòng. Xu hướng cải cách thiết kế tổ chức cấp phòng trong sở bao gồm: ưu tiên các tổ chức cấp phòng có chức năng tham mưu; cân đối giữa tổ chức tham mưu với tổ chức thực thi trực thuộc; tinh gọn, hợp lý, ít đầu mối; giảm cấp phó; bỏ cấp trung gian; đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.  

Việc thiết kế, điều chỉnh các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là vấn đề vừa mang tính khoa học, vừa đảm bảo cơ sở pháp lý thống nhất, chặt chẽ. Trong đó, vấn đề cơ bản của thiết kế tổ chức là tính khả thi, phù hợp, được kiểm chứng từ thực tế vận hành của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Thực tế cho thấy, thiết kế, điều chỉnh tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không nên cầu toàn mà dựa vào việc tổ chức thực hiện trên thực tế để có cơ sở rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, đánh giá để hoàn thiện và đưa ra mô hình hợp lý, hiệu quả./.

 

TS Vũ Văn Thái - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ)

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới

Ngày đăng 29/04/2024
Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024.

Sắp xếp xã, phường vùng miền núi Đông Bắc

Ngày đăng 27/04/2024
Thời gian qua, các tỉnh miền núi Đông Bắc đã thực hiện đồng bộ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau sắp xếp, các xã đã hoạt động ổn định, hiệu quả, nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đặt ra, đòi hỏi phải có sự đồng bộ, tính toán kỹ lưỡng hơn để ổn định trong thời gian tới.

Thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng 27/04/2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 26/4/2024). 

Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.