1. Trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay, tam giác khuôn mẫu giới, định kiến giới, phân biệt đối xử theo giới đang tạo ra những cản trở trực tiếp, gián tiếp đối việc thực hiện bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức khi khuôn mẫu giới hình thành, duy trì từ những định kiến giới, tạo ra những phân biệt đối xử theo giới và ngược lại. Theo đó, việc coi phụ nữ thì yếu kém hơn nhiều mặt, không nên cản đường thăng tiến phát triển của nam giới trong cơ quan công quyền là một xu hướng lớn.
![]() |
Lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ tổ chức |
Phần đông nam giới đồng thời cho rằng phụ nữ không thông minh, tài giỏi bằng đàn ông cũng ngăn cản phụ nữ khẳng định năng lực của mình và được tham gia vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực. Những định kiến, khuôn mẫu giới này và thực tế về sự khác biệt giữa tỷ lệ nam/nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong khu vực công được cho xuất phát từ cả hai giới. Trong đó, từ phía nam giới có thể coi là cách loại bỏ một rào cản cho sự thăng tiến của bản thân một cách đơn giản. Họ liên tục tạo ra những động thái phủ nhận năng lực, thành công của phụ nữ khi cho rằng những thành công có được do được giao công việc đơn giản, có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp khác giới, may mắn vào vị trí đã được bố trí sắp xếp từ trước.v.v... Mặt khác, khi phụ nữ thất bại, sự đánh giá còn nặng nề hơn và bị quy chụp là thiếu trí tuệ, ý chí, năng lực, thiếu phương pháp.v.v..Ở phía nữ giới, xuất phát từ các đặc trưng về giới và vai trò xã hội của mỗi giới trong tiến trình phát triển của xã hội, đồng thời chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa phương Đông và các điều kiện địa lý - nhân văn, nên chấp nhận điều này. Một bộ phận cũng mặc định thừa nhận thái độ, hành vi, tư tưởng gia trưởng trong cơ quan, tổ chức, chấp nhận nhẫn nhịn, chịu đựng để làm việc. Đặc biệt, tâm lý chung ngay cả ở những phụ nữ cấp tiến vẫn rất ngại bị đồng nghiệp trong đó có cả đồng nghiệp nữ gán cho cái mác hãnh tiến, ham quyền lực, đồng thời bị chính đồng nghiệp nữ cô lập. Với chính bản thân họ, cũng sợ rằng khẳng định mình thì không giống với khuôn mẫu đang được cộng đồng thừa nhận và chịu sự phê phán, đánh giá không tốt từ những người xung quanh.
Thực tế ở Việt Nam và trên thế giới, trong cả khu vực công và tư đã chỉ ra phụ nữ không hề thiếu năng lực lãnh đạo, quản lý, thậm chí ở một số phẩm chất của người lãnh đạo hiện đại phụ nữ còn nổi trội hơn. Do vậy, sự bất bình đẳng đối với phụ nữ trong khu vực công trước hết cần nhìn nhận xuất phát từ chính các vị trí lãnh đạo mà nam giới đang chiếm ưu thế được củng cố bởi niềm tin là nam giới có phẩm chất và năng lực lãnh đạo tốt hơn so với nữ giới. Thực tế đã có quá nhiều bài học về giải phóng sức lao động của xã hội gắn với giải phóng phụ nữ, đặc biệt trong thời đại ngày nay, đòi hỏi các cấp lãnh đạo, quản lý nói chung và những người đứng đầu là nam giới nói riêng trong khu vực công cần phải có nhận thức đầy đủ, có quyết tâm cao đối với vấn đề bình đẳng giới, gắn trách nhiệm với mục tiêu bình đẳng giới. Trên cơ sở đó, có kế hoạch và chủ động cho các vấn đề về tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ, bảo đảm số lượng và chất lượng, cơ cấu và độ tuổi. Bản thân sự tham gia của nữ cán bộ, công chức, viên chức ở vị trí lãnh đạo, quản lý nhiều hơn, cũng tiếp tục tăng cường tiếng nói ở góc độ giới cho việc phân bổ các nguồn lực tài chính, ngân sách có trách nhiệm giới, sử dụng theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, đánh giá tác động giới đối với việc xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật theo đó cũng phải thực hiện thực chất.
2. Quốc gia đạt tiến bộ về bình đẳng giới trước hết được thế giới nhìn nhận thông qua các con số thống kê đơn giản về tỷ lệ nữ nghị sĩ, lãnh đạo, người làm việc là nữ trong khu vực công. Thế giới đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Những nỗ lực này được thể hiện qua những văn bản mang tính pháp lý cao như Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới năm 2006 và các điều khoản trong các văn bản pháp luật khác. Theo đó quy định nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Một số con số về thực hiện bình đẳng giới trong khu vực công ở Việt Nam trong thời gian qua cũng rất đáng ghi nhận khi tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV là 26,72%, tăng so với hai khóa trước đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%) và giữ vị trí tương đối trong khu vực. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp đảm bảo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó là các biện pháp mang tính hành chính như bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tuy nhiên, khi còn đặt nặng các biện pháp mang tính hành chính, cho thấy các biện pháp khác thực hiện còn hạn chế và vấn đề bình đằng giới có những điểm chưa đi vào thực chất.
Một số giải pháp đối vấn đề này đó là tiếp tục phải xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hai giới trong khu vực công. Bắt đầu ở đây là các hoạt động thi tuyển, trong đó có việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý. Thực tế trong thị trường lao động nói chung, nam giới hiện không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà đã và đang phải cạnh tranh với phụ nữ. Các hoạt động thi tuyển theo vị trí việc làm trong khu vực công, nhấn mạnh thực chất của vấn đề này. Tổ chức thi công khai, minh bạch có sự giám sát, mở rộng sự tham gia cho cá nhân ở khu vực tư có kiến thức, kinh nghiệm quản lý trong đó có phụ nữ vào các ví trí lãnh đạo trong khu vực công. Các hoạt động đánh giá cũng cần đảm bảo tính khách quan, loại bỏ những động thái phủ nhận năng lực, thành công của phụ nữ trong công việc.
Tiếp tục duy trì, đảm bảo một thể chế pháp lý đầy đủ, có hiệu lực, hiệu quả, một hệ thống chính sách đủ mạnh có lợi cho sự phát triển của phụ nữ, tạo quyền năng cho phụ nữ. Nhấn mạnh đến việc trao quyền cho phụ nữ trong việc tiếp cận tri thức, nguồn lực, quyền ra quyết định và tăng cường vai trò tham gia của phụ nữ trong hoạt động quản lý nhà nước. Bảo đảm bình đẳng giới trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ. Thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; về vị trí, vai trò và đóng góp của nữ cán bộ, công chức, viên chức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giảm thiểu tối đa việc tạo ra các thông tin, hình ảnh tách biệt quá rõ đâu là vai trò của phụ nữ, đâu là vai trò của nam giới theo một cách nhìn nhận nào đó và các hình ảnh, thông tin chứa đựng các khuôn mẫu về vai trò giới truyền thống cùng định kiến đặt phụ nữ trong khuôn khổ gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng; ở các khu vực công cộng. Các ưu tiên trong từng lĩnh vực, nội dung hẹp nào đó đối với phụ nữ ở khu vực công phải đảm bảo thực hiện cùng với việc giải thích, tuyên truyền tốt để thấy rằng do đặc trưng giới, phụ nữ đã đóng góp cho xã hội ở những lĩnh vực khác và được trao đổi sòng phẳng bằng những điểm cộng ở đây không phải vì họ yếu kém hơn.
Tiếp tục phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ ngành và địa phương trong công tác bình đẳng giới; đặc biệt trong việc tạo sự thay đổi nhận thức của nữ giới về vai trò của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử của chính phụ nữ với người cùng giới; tham mưu tích xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội.
Quang Hà
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục