Hà Nội, Ngày 06/06/2024

Mối quan hệ giữa pháp luật với dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 08/07/2018   14:57
Mặc định Cỡ chữ

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ là một chế độ xã hội mà trong đó nhân dân đứng ở vị trí trung tâm “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân” và bao hàm hai yếu tố: “dân là chủ” và “dân làm chủ”. “Dân” ở đây là nhân dân, Người chỉ rõ “là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác”(1). Mối quan hệ giữa pháp luật và dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện thông qua các nội dung chính sau đây.

 

1. Pháp luật mang bản chất dân chủ

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước và dân tộc Việt Nam: dân tộc được độc lập, người dân có quyền tự do, trở thành chủ nhân của đất nước, thực sự được hưởng các quyền tự do và dân chủ. Nhưng dân chủ phải gắn liền với pháp luật, phải là bản chất của pháp luật kiểu mới ở Việt Nam; pháp luật đó phải là công cụ thực hiện dân chủ, bảo vệ dân chủ, tổ chức một xã hội dân chủ, tổ chức thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Một chế độ dân chủ thực sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết phải có sự hiện diện của Hiến pháp dân chủ(2). Hiến pháp đó được xây dựng theo những nguyên tắc dân chủ được khẳng định trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946: đoàn kết toàn dân; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên nêu ra vấn đề dân chủ, tự do phải gắn liền với pháp luật và pháp luật phải thể hiện được bản chất dân chủ trong nội dung của nó. Khi khẳng định mục tiêu “nước ta phải đi đến dân chủ thực sự”(3), Người cũng chỉ ra mục tiêu đó phải được quy định trong pháp luật: “Hiến pháp Việt Nam phải ghi rõ... đảm bảo các quyền tự do dân chủ...”(4). Không thể có dân chủ tách rời pháp luật và không thể chỉ có pháp luật mà không có dân chủ, bởi dân chủ gắn liền pháp luật là bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dân chủ gắn với pháp luật là biểu hiện của hai nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, cả hai nhiệm vụ đó gắn liền với nhau, khi đó pháp luật vừa là hình thức pháp lý của dân chủ để khẳng định, ghi nhận dân chủ trong pháp luật; vừa là nội dung của dân chủ đối với nhân dân, vừa là biểu hiện sự chuyên chính đối với kẻ thù của nhân dân. Biểu hiện này là: “Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp. Không thể có tự do cho bọn Việt gian, bọn phản động, bọn phá hoại tự do của nhân dân…”(5).

Khẳng định dân chủ, tự do trong khuôn khổ của pháp luật cũng có nghĩa cái đích vươn tới của pháp luật kiểu mới ở Việt Nam là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng dân chủ, tự do trong khuôn khổ pháp luật của Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải luôn tạo điều kiện cho sự tự do cá nhân phát triển trong khuôn khổ pháp luật. Dân là chủ, dân làm chủ khi đó trở thành khuynh hướng phát triển và mục tiêu vươn tới của pháp luật, tạo ra công bằng và bình đẳng xã hội. Từ năm 1927, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(6).

2. Pháp luật là công cụ để thực hiện dân chủ

Trước hết, trong lĩnh vực chính trị, pháp luật là công cụ để nhân dân lập ra bộ máy nhà nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những biểu hiện cao nhất của “dân làm chủ” là nhân dân có quyền lập ra bộ máy nhà nước (nhà nước của dân): “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”(7). Để thực hiện quyền này của nhân dân, pháp luật quy định những hình thức để nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, trước hết là thông qua bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Hồ Chí Minh cho rằng qua bầu cử, nhân dân có thể “tự do lựa chọn những người có đức, có tài để gánh vác công việc của nước nhà”. Tổng tuyển cử là hình thức pháp lý của các sinh hoạt chính trị dân chủ tiến bộ, vì “không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân thì đều có hai quyền đó (quyền bầu cử và quyền ứng cử)”.

Thông qua tổng tuyển cử, nhân dân lập ra bộ máy nhà nước và ủy quyền cho bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước và công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn người dân thì được phép làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm. Để đảm bảo dân trao quyền mà không mất quyền thì công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai, minh bạch. Dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước sao cho dân trao quyền mà không bị tiếm quyền (trong đó, nhân dân vẫn giữ quyền quan trọng nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp qua trưng cầu dân ý). Nói về ý nghĩa, giá trị tiến bộ của tổng tuyển cử năm 1946, luật gia Vũ Đình Hoè, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhấn mạnh: “Điều làm ta có thể tự hào là: Nghị viện tập quyền ở Việt Nam hình thành từ một cuộc tổng tuyển cử phổ thông rộng rãi nhất, hơn bất kỳ ở đâu”(8). Cùng quan điểm này, Giáo sư Tương Lai cho rằng: “Có thể nói, cơ cấu tổ quyền lực nhà nước được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng cho một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, trong đó, các quyền tự do, bình đẳng về chính trị và xã hội của người công dân được công nhận và được bảo đảm bằng luật pháp. Hiến pháp năm 1946 thể hiện rất tập trung tư duy của Hồ Chí Minh về nhà nước”(9).

Để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà nước, công chức nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng các cơ quan nhà nước cần “định kỳ báo cáo công việc trước dân” vì “dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ”. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, nếu dân thấy: “từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”(10) và “dân có quyền đuổi Chính phủ” nếu Chính phủ làm hại dân(11). Đây là một quan điểm rất mạnh mẽ của Hồ Chí Minh nhằm “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

Đối với nhà nước, pháp luật quy định những hình thức, phương pháp để nhà nước phục vụ nhân dân tốt nhất (nhà nước do dân). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những phương pháp thành công nhất là dân vận, vì: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(12), do đó, “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể... phải phụ trách dân vận”. Người còn yêu cầu công chức phải có tác phong dân vận để phục vụ dân: “các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi ở bàn giấy theo kiểu đạo nhân phòng thủ...”(13); đối với cán bộ tư pháp thì: “phải gần dân, giúp dân, học dân”.

Xuất phát từ tư tưởng nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh được phát triển thành nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Theo Người, nhà nước là của nhân dân “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội”(14). Nhân dân sử dụng Nhà nước như một công cụ để giữ gìn, bảo vệ lợi ích của mình: đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới (Chính phủ, pháp luật, công an, quân đội, v.v...) là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân. Quan niệm “đưa chính trị vào giữa dân gian” của Hồ Chí Minh là một quan niệm chính trị dân chủ về bản chất. Quan điểm chính trị nhân dân ở Hồ Chí Minh gắn liền với việc nhà nước phải có biện pháp thích hợp làm cho người dân có đủ khả năng đảm nhận vai trò làm chủ của mình, vì vậy Người đặc biệt coi trọng việc giáo dục nhân dân.

Ngay khi Nhà nước ta mới ra đời, Người khẳng định: Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Người đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính, đồng thời yêu cầu: mọi người Việt Nam phải biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người dân trước hết phải biết đọc, biết viết để có thể tham gia vào công việc nhà nước. Điều này có nghĩa là, người dân muốn thực hiện vai trò làm chủ của mình, muốn thực hiện quyền lực cao quý của mình cần phải có những năng lực nhất định và Nhà nước phải làm sao để nhân dân có được những năng lực ấy.

Trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh pháp luật thực hiện dân chủ dưới hình thức những chính sách thiết thực và phù hợp nhằm mục tiêu: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”(15), bởi vì: “dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (đó cũng là biểu hiện của nhà nước vì dân). Pháp luật thực hiện dân chủ trong kinh tế còn biểu hiện ở chính sách phân phối thu nhập công bằng và hợp lý, dân chủ và công khai, minh bạch, nếu làm ngược lại sẽ làm mất lòng tin của nhân dân. “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời của Khổng Tử để nhấn mạnh vấn đề dân chủ trong thực hiện pháp luật. Theo Người, dân chủ và bình đẳng trong kinh tế thể hiện ở bốn chính sách cơ bản để phát triển nền kinh tế nước ta là: công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài. Biểu hiện cao nhất về vai trò của pháp luật để thực hiện dân chủ trong kinh tế là nhân dân phải được sở hữu tư liệu sản xuất, là người cày có ruộng, vì chỉ khi đó: “mới có thể chấm dứt tình trạng bần cùng và lạc hậu của nông dân”, “bao giờ ở nông thôn, người dân làm chủ ruộng đất thì lúc đó mới có dân chủ thực sự…, bao giờ ở nhà máy, công nhân làm chủ nhà máy, tư liệu sản xuất thì lúc đó mới có dân chủ thực sự”(16).

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng pháp luật có vai trò rất quan trọng để nhân dân tổ chức ra các tổ chức xã hội, các hình thức tự quản của nhân dân, trong đó nhân dân đồng thời là các thành viên và kiểm soát viên, bảo đảm cho nhân dân được thực hiện quyền tự do cá nhân, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp, quyền tự do đi lại..., đồng thời xem đó là một hình thức không thể thiếu trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các sắc lệnh, Người đã ký ban hành nhiều đạo luật về tự do, dân chủ cho nhân dân trong lĩnh vực văn hóa - xã hội như Luật về quyền tự do hội họp, Luật về quyền lập hội. Vai trò của pháp luật trong việc nâng cao dân trí được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm dân chủ và nâng cao dân chủ, bởi dân làm chủ có hoàn toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chủ quan của người làm chủ. Người khẳng định: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, vì vậy “đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”(17). Để chống nạn thất học và nâng cao dân trí, thực chất là nâng cao ý thức làm chủ và năng lực làm chủ của nhân dân, Người nêu rõ: “Chính phủ đã ra hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng”(18). Vai trò của pháp luật ở đây là vừa đặt ra yêu cầu và mục tiêu, vừa lập ra thiết chế để thực hiện mục tiêu và yêu cầu của dân chủ.

Vai trò của pháp luật trong việc thực hiện dân chủ còn được thể hiện qua phương pháp hoạt động của người cán bộ cách mạng (phương pháp dân vận, phương pháp thực tiễn) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương điển hình. Mặc dù rất bận rộn trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, nhưng chỉ tính từ năm 1955 đến năm 1965, Người đã thực hiện trên 700 chuyến đi đến các cơ quan, đoàn thể, nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã... để thăm hỏi, nắm bắt tình hình, ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; trực tiếp bàn với dân việc xây dựng đất nước, việc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, Người trực tiếp cử các đoàn thanh tra đặc biệt, lập ra Đặc ủy đoàn để thay mặt Đảng và Chính phủ đi kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát hiện và uốn nắn, sửa chữa kịp thời những biểu hiện, việc làm thiếu dân chủ.

Như vậy, vai trò của pháp luật trong việc thực hiện dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra và chỉ đạo thực hiện có nội dung rất rộng lớn: pháp luật định ra mục tiêu, yêu cầu đồng thời là công cụ, phương tiện để nhân dân sử dụng thực hiện dân chủ; pháp luật thiết lập cơ chế và thiết chế để thực hiện dân chủ; xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức phải chủ động tiến hành các hoạt động để đảm bảo dân chủ trong mọi hoàn cảnh và tình huống.

3. Pháp luật là công cụ để bảo vệ dân chủ

Là công cụ thực hiện chức năng chuyên chính của giai cấp cầm quyền, chức năng hàng đầu của pháp luật là bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ các quyền tự do và dân chủ của nhân dân. Pháp luật bảo vệ dân chủ vừa bằng cách thể hiện dân chủ trong nội dung của pháp luật (ghi nhận dân chủ), vừa định ra các thiết chế và thể chế để đảm bảo dân chủ trên thực tế, vừa xử lý các vi phạm pháp luật đối với dân chủ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật là công cụ bảo vệ dân chủ được hiểu theo nghĩa thứ ba, tức là pháp luật quy định những bảo đảm và các hình thức xử lý vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Nhấn mạnh chức năng là công cụ để bảo vệ dân chủ của pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định bản chất chức năng chuyên chính của nhà nước Việt Nam là chuyên chính dân chủ nhân dân. Xác định mục tiêu, tính chất, đối tượng của chuyên chính, Người khẳng định: “Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Dưới chế độ dân chủ nhân dân chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân”(19).

Thực chất của chức năng bảo vệ dân chủ của pháp luật là pháp luật phải có nhiệm vụ tạo ra những bảo đảm pháp luật cho công dân, bảo vệ có hiệu quả nhất quyền làm chủ của họ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và nhà nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong chế độ ta, lợi ích của nhà nước, của tập thể cùng lợi ích của cá nhân căn bản là nhất trí”(20), cho nên bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân cũng là bảo vệ chế độ dân chủ của nhân dân, chế độ dân chủ nhân dân: “chế độ này là của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Viêt Nam dân chủ cộng hoà là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm hại đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm”(21).

Bảo vệ dân chủ trong thời kỳ Hồ Chí Minh đứng đầu Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thực chất là cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam chống lại các giai cấp, lực lượng xã hội muốn lập lại trật tự xã hội bất bình đẳng đã bị cách mạng xoá bỏ. Giai đoạn lịch sử đó, nhiệm vụ chính của nhà nước là đấu tranh chống đế quốc (đế quốc Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ), bọn tay sai phản động và địa chủ phong kiến. Đây là những mâu thuẫn đối kháng mà nhà nước phải tập trung cao độ để giải quyết. Bên cạnh đó, những tệ nạn xã hội, những hủ tục lạc hậu, tàn dư của chế độ phong kiến, những tiêu cực trong bộ máy nhà nước cũng cần được giải quyết bởi chúng làm chậm, cản trở sự phát triển của dân chủ. Trên cơ sở xác định mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng của cách mạng Việt Nam sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cách mạng tháng Tám thành công, ta lập ra chính phủ mới, quân đội, công an, toà án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân... tính chất nó là nhân dân dân chủ chuyên chính...”(22).

Nói về vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải tuỳ đối tượng mà sử dụng hai yếu tố dân chủ và chuyên chính cho phù hợp: “Đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới (Chính phủ, pháp luật, quân đội, công an) là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân. Đối với bọn phản động, thì những tổ chức ấy là để bắt buộc chúng phải làm tròn mọi nghĩa vụ. Chúng không được ở trong địa vị nhân dân, không được hưởng quyền lợi nhân dân. Chúng không có quyền tuyển cử, ứng cử, không có quyền tổ chức tuyên truyền”(23). Đối với: “Những bọn thực dân tàn bạo và tay sai của chúng mưu mô xâm phạm chủ quyền Việt Nam, phá hoại nền độc lập của ta,... Cần phanh thây chẻ xác chúng ra làm gương cho kẻ khác”; “Những địa chủ có tội với nhân dân” thì “Toà án nhân dân xét xử và quyết định”. Còn đối với những người: “Phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân, chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng”(24).

Những quan điểm trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ dân chủ. Dân chủ được quy định bằng pháp luật, thực hiện trên cơ sở pháp luật và được bảo vệ bởi pháp luật luôn được Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhất quán, phù hợp thực tiễn từng giai đoạn cụ thể của cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã nhấn mạnh “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân”./.

TS. Trần Nghị - Phó Tổng biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước

---------------------------------------

Ghi chú:

(1),(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.2000, tr.219, tr.270.

(2),(8) Vũ Đình Hoè, Pháp quyền - Nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb Văn hoá - Thông tin, H.2001, tr.181, tr.186.

(3),(12),(13),(24) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.25, tr.700, tr.139, tr.493-494.

(4),(14),(21) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2000, tr.582, tr.592- 593, tr.296.

(5) Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, 1985, tr.187.

(7),(10),(11),(15), (16),(17),(18) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.698, tr.365, tr.365, tr.152, tr.180, tr.8, tr.36.

(9) Tương Lai - Tư tưởng Hồ Chí Minh về hiến pháp -http://chungta.com.

(19),(20),(22),(23) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2000, tr.279, tr.593, tr.217, tr.219-220.

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TW

Ngày đăng 05/06/2024
Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới” đã làm rõ hơn, phong phú và sâu sắc hơn những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là những nội dung cơ bản của bài viết này.

Đấu tranh chống chiêu trò lợi dụng tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm để chống phá Đảng và Nhà nước - Nhìn từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày đăng 24/05/2024
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, làm rõ thực trạng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; đồng thời vạch ra những nhiệm vụ, giải pháp để phòng trị, ngăn chặn thực trạng này. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn rất quan trọng để đấu tranh với những chiêu trò, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù định, lợi dụng hiện tượng một bộ phận CBCCVC sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm để chống phá Đảng và Nhà nước ta; đồng thời là cẩm nang quý để xây dựng đội ngũ CBCCVC toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng văn hóa đổi mới trong cơ quan nhà nước

Ngày đăng 17/05/2024
Văn hóa đổi mới là một bộ phận cấu thành của văn hóa tổ chức, giúp xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn hơn, phát huy tiềm năng sáng tạo của công chức, viên chức và làm tăng khả năng thích ứng của cơ quan nhà nước trước xu hướng biến đổi không ngừng của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Để “tinh thần đổi mới” trở thành giá trị chung và xây dựng được văn hóa đổi mới trong các cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ và được thực hiện khả thi trong các cơ quan nhà nước.

Bàn về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Ngày đăng 13/05/2024
Để đảm bảo quyền lực nhà nước được thực thi cũng như bảo vệ trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì các quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ này. Bài viết phân tích, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền các cấp.

Thu hút nhân lực chất lượng cao trong khu vực công: Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

Ngày đăng 09/05/2024
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước nói chung và cho khu vực công nói riêng là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bài viết phân tích một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành đang là rào cản trong thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.