Hà Nội, Ngày 20/05/2024

Bàn về năng lực tổ chức thuộc ngành Nội vụ

Ngày đăng: 15/06/2018   17:01
Mặc định Cỡ chữ

Khái niệm “Năng lực tổ chức thuộc ngành Nội vụ” được tiếp cận từ giác độ nghiên cứu về tổ chức nhà nước, theo đó năng lực tổ chức thuộc ngành Nội vụ được xem xét trên hai phương diện là năng lực của tổ chức và năng lực của công chức làm việc trong các tổ chức thuộc ngành Nội vụ. Bài viết phân tích, làm sáng tỏ một số nội dung lý luận về năng lực tổ chức thuộc ngành Nội vụ, góp phần cung cấp luận cứ, khung lý thuyết cho việc xây dựng Chiến lược phát triển năng lực tổ chức ngành Nội vụ. 

Trụ sở Bộ Nội vụ

1. Ngành Nội vụ và các tổ chức thuộc ngành Nội vụ

Hiện nay, quan niệm về ngành Nội vụ chưa thống nhất, xuất phát từ những sắc thái khác nhau trong nhận thức về ngành, lĩnh vực. Theo một số tác giả, ngành là tập hợp của các nghề không chỉ có đối tượng nghề nghiệp, yêu cầu đối với người lao động khá giống nhau mà còn có chung mục đích hoạt động. Ví dụ: trong ngành Y có nghề bác sĩ, nghề y tá, nghề hộ lý… Những nghề này có yêu cầu chung đối với người lao động là khỏe mạnh, giàu tình thương, giỏi quan sát, tư duy logic, phán đoán… và đều hướng tới mục đích phòng bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Hoặc, ngành công nghệ thông tin có các nghề lập trình viên, thiết kế trang tin điện tử, kỹ thuật viên… Những nghề này đều yêu cầu người lao động khỏe mạnh, ưa hoạt động tĩnh, kiên trì, thích kỹ thuật, nhạy cảm với con số, giỏi tư duy trừu tượng… và đều hướng tới mục đích là chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin. Thế giới nghề nghiệp có thể chia thành nhiều ngành khác nhau: ngành giáo dục đào tạo, ngành tài chính, ngành xây dựng, ngành du lịch… Quan niệm trên cho thấy khá rõ sự gắn kết giữa ngành với nghề.

Trong bài viết “Về tổ chức các bộ đa ngành ở nước ta hiện nay”(1), tiến sĩ Dương Quang Tung cho rằng: chúng ta đang sử dụng hai khái niệm ngành và lĩnh vực một cách khá tuỳ tiện, có lúc gọi là ngành, có lúc gọi là lĩnh vực đối với một đối tượng quản lý nhất định. Cũng có quan niệm cho rằng, ngành là chỉ các hoạt động kinh tế (công nghiệp, giao thông, xây dựng...), còn lĩnh vực là chỉ các hoạt động xã hội (giáo dục, văn hoá, nội vụ, ngoại giao...). Điều này chỉ mang tính chất tương đối và là thói quen, bởi lẽ thuật ngữ ngành là chỉ một nhánh, một phân hệ của một hệ thống. Do đó, thuật ngữ ngành không phải chỉ bó hẹp trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, mà còn được sử dụng cả trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Như vậy, khó có thể phân biệt rõ đâu là ngành, đâu là lĩnh vực vì giữa hai thuật ngữ này trong nhiều trường hợp mang một nghĩa giống nhau, ít ra là trong hoạt động quản lý nhà nước. Qua đó cho thấy ranh giới giữa ngành với lĩnh vực rất mờ nhạt và mong manh.

Tác giả bài viết cho rằng, nói ngành là nhấn mạnh vào tổ chức mang tính hệ thống, còn lĩnh vực là phạm vi hoạt động của các tổ chức thuộc ngành. Theo đó, nói ngành Nội vụ là bàn đến các tổ chức thuộc hệ thống như: Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ. Nói đến lĩnh vực Nội vụ là bàn đến phạm vi hoạt động của các tổ chức thuộc ngành trên các phương diện như: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; địa giới hành chính và phân loại đơn vị hành chính; quản lý biên chế, tinh giản biên chế; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; chính sách tiền lương; tổ chức hội và các tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; công tác văn thư, lưu trữ nhà nước; cải cách hành chính nhà nước; quản lý nhà nước về công tác thanh niên…

Từ quan niệm về ngành nêu trên cho thấy các tổ chức thuộc ngành Nội vụ bao gồm:

- Bộ Nội vụ;

- Vụ Tổ chức cán bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Phòng Nội vụ các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Các phương diện hoạt động của các tổ chức thuộc ngành Nội vụ cũng có những điều chỉnh, thay đổi mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động theo lĩnh vực đối với các tổ chức thuộc ngành Nội vụ. Mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động theo lĩnh vực sẽ tác động, làm thay đổi hệ thống tổ chức của ngành theo hướng mở rộng hoặc thu hẹp tương ứng. Theo đó, phát triển ngành Nội vụ cần được nhận thức theo cả hướng mở rộng hoặc thu hẹp và nâng cao chất lượng tổ chức thuộc ngành.

2. Năng lực tổ chức thuộc ngành Nội vụ

Năng lực tổ chức thuộc ngành Nội vụ được xem xét trên hai phương diện là năng lực của tổ chức và năng lực của công chức đang làm việc trong các tổ chức thuộc ngành Nội vụ.

2.1 Năng lực của tổ chức thuộc ngành Nội vụ

Năng lực của tổ chức là khả năng, điều kiện để tổ chức đạt được mục tiêu, yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, qua đó cho thấy mức độ xác định và đạt được mục tiêu là cơ sở cao nhất để đánh giá năng lực của tổ chức. Các yếu tố khác là điều kiện đảm bảo để tổ chức đạt được mục tiêu. Do vậy, mỗi tổ chức thuộc ngành Nội vụ có chức năng, nhiệm vụ không trùng lắp với nhau:

- Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước;

- Các tổ chức khác thuộc ngành Nội vụ tuy có chức năng tham mưu đối với chủ thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở trung ương - địa phương theo đó nhiệm vụ có sự tương đồng, nhưng cũng có khác biệt do phạm vi, quy mô quản lý khác nhau. Ví dụ: Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là cán bộ), đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp theo quy định của pháp luật. Ban Tổ chức - Cán bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có chức năng tham mưu, giúp Chủ tịch Viện Hàn lâm, Đảng ủy Viện Hàn lâm về công tác tổ chức - cán bộ của Viện Hàn lâm; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; chế độ, tiền lương, ngạch, bậc cán bộ, công chức, viên chức; bảo vệ chính trị nội bộ trong Viện Hàn lâm. Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng và công tác thanh niên.

Bên cạnh đó, năng lực của tổ chức còn được xem xét, đánh giá trên các phương diện khác, như: vị trí, vai trò và mối liên hệ của tổ chức với các tổ chức khác cùng hoặc khác hệ thống (ví dụ: vị trí, vai trò và mối liên hệ giữa Bộ Nội vụ với Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ. Hoặc vị trí, vai trò và mối liên hệ giữa Sở Nội vụ với các sở khác thuộc cấp tỉnh); nguồn lực kỹ thuật, công nghệ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đạt được mục tiêu (ví dụ: máy móc, thiết bị kỹ thuật, mức độ ứng dụng kỹ thuật - công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn); cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính của tổ chức (ví dụ: công sở, kinh phí hoạt động).

Như vậy, bàn đến năng lực tổ chức của ngành Nội vụ là nói đến các yếu tố như:

- Mục tiêu, yêu cầu đối với tổ chức thuộc ngành;

- Vị trí, vai trò của tổ chức thuộc ngành;

- Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thuộc ngành;

- Nguồn lực vật chất, kỹ thuật, công nghệ của tổ chức thuộc ngành.

Trong đó, mục tiêu là yếu tố quan trọng, các yếu tố khác là điều kiện để đạt được mục tiêu qua đó có thể đánh giá năng lực của tổ chức. Các yếu tố này có vai trò kết cấu nội hàm của khái niệm đồng thời cũng là cơ sở, tiêu chí để xem xét, đánh giá năng lực của tổ chức. Ví dụ: một tổ chức không đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì đó không thể là tổ chức có năng lực; tương tự như vậy, một tổ chức không thể hiện được, không làm tốt vai trò của mình thì đó là tổ chức hạn chế về năng lực. Hình thức thể hiện tập trung nhất đối với việc đánh giá năng lực tổ chức là danh hiệu khen thưởng đối với tổ chức khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chí theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2.2 Năng lực của công chức làm việc trong các tổ chức thuộc ngành Nội vụ

Năng lực của công chức là khả năng, điều kiện để công chức đạt được mục tiêu, yêu cầu đối với công việc được giao. Điểm khác biệt là ở chỗ, năng lực công chức là năng lực của cá nhân mỗi công chức, theo đó tiêu chí, nội dung nhận biết, đánh giá khác với năng lực của tổ chức.

Kết quả của nhiều nghiên cứu, tổng hợp cho thấy, hiện nay có ba cách xác định nội dung, tiêu chí nhận biết, đánh giá năng lực công chức:

Thứ nhất, theo trường phái của Anh thì năng lực công chức bao gồm ba yếu tố là: kiến thức (Knowledge), kỹ năng (Skill), thái độ (Attitude) theo đó có mô hình năng lực KSA và việc đánh giá dựa trên ba tiêu chí K - S - A;

Thứ hai, theo trường phái của Mỹ thì năng lực là bất kỳ yếu tố tâm lý của cá nhân có thể giúp hoàn thành nhanh chóng công việc hay hành động nào đó một cách hiệu quả;

Thứ ba, theo lý thuyết chỉ số đánh giá thực hiện công việc (Key Performance Indicator - KPI) trong quản trị nhân lực thì năng lực công chức được xem xét bởi ba yếu tố là: khả năng, kiến thức, kỹ năng, theo đó có mô hình đánh giá năng lực KPI và tiêu chí đánh giá năng lực công chức gồm: khả năng, kiến thức và kỹ năng (3K).

Mỗi cách xác định có hướng tiếp cận, sắc thái thể hiện khác nhau. Điểm đáng chú ý trong mô hình KPI là có sự phân biệt giữa tiềm năng với tính hiện thực của năng lực. Trường phái của Mỹ coi năng lực là yếu tố tâm lý của công chức. Hệ thống công chức của Hoa Kỳ là việc làm (Job system), theo đó người được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan, tổ chức phải đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, trình độ theo công việc mà họ đảm trách và được trả lương tương ứng với công việc. Do vậy, vấn đề còn lại là yếu tố tâm lý của cá nhân để có thể giúp họ hoàn thành nhanh chóng công việc hay hành động một cách hiệu quả.

Khi xem xét, đánh giá năng lực công chức nói chung và năng lực công chức ngành Nội vụ cần tính đến năng lực theo vai trò (Role specific competencies). Theo quy định hiện nay, trong nền công vụ Việt Nam có ba nhóm vị trí việc làm là: lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ, phục vụ, mỗi nhóm ngoài năng lực cốt lõi (giao tiếp, ra quyết định, giải quyết vấn đề…) cần có năng lực theo vai trò (lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ).

Tuy nhiên, cần kết hợp giữa quy định của pháp luật với kinh nghiệm của các nước trong việc xác định các yếu tố, tiêu chí xem xét, đánh giá năng lực công chức ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, có các yếu tố, tiêu chí: khả năng, trình độ, kiến thức, kỹ năng và ý thức đối với việc nâng cao năng lực. Đưa khả năng là một trong số các yếu tố, tiêu chí xem xét, đánh giá năng lực công chức ở Việt Nam có ý nghĩa trên hai phương diện: vừa là thực tế, vừa có thể dựa trên các yếu tố trình độ, kiến thức, kỹ năng; từ đó, việc xem xét năng lực của công chức sẽ đầy đủ, toàn diện hơn và có ý nghĩa đánh thức năng lực tiềm ẩn trong mỗi công chức.

Ba yếu tố trình độ, kiến thức, kỹ năng là điều kiện đủ để công chức biến khả năng thành hiện thực, còn yếu tố ý thức đối với việc nâng cao năng lực là điều kiện cần để nâng cao năng lực của công chức. Thực tế cho thấy không chỉ có điều kiện cần mà còn phải có điều kiện đủ; nói cách khác, phải có cả hai nhóm điều kiện cần và đủ trong xem xét, đánh giá năng lực của công chức ngành Nội vụ.

Các yếu tố của năng lực có mối liên hệ với nhau, cái này là cơ sở, điều kiện, tiền đề để phát triển cái khác nhưng không thay thế cho nhau. Do vậy, trình độ là cơ sở, điều kiện để phát triển năng lực nhưng không thể đồng nhất giữa trình độ với năng lực bởi vì năng lực thể hiện một phần qua trình độ (trước hết là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ), một phần phụ thuộc vào tố chất, các chỉ số như: IQ - Chỉ số thông minh, EQ - Trí thông minh cảm xúc, SQ - Thông minh xã hội, CQ - Thông minh sáng tạo, PQ - Chỉ số đam mê, AQ - Chỉ số vượt khó, SQ - Trình độ biểu đạt ngôn ngữ…

Một điểm cần chú ý là, yếu tố của năng lực được tạo nên từ các yếu tố, tiêu chí thành phần. Ví dụ: yếu tố, tiêu chí trình độ của công chức có: trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ); trình độ lý luận chính trị (sơ cấp, trung cấp, cao cấp); trình độ quản lý nhà nước (theo các chương trình chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự); trình độ tin học (trung cấp trở lên, chứng chỉ A, B, C); trình độ ngoại ngữ (trung cấp trở lên, chứng chỉ A, B C). Yếu tố kiến thức có: kiến thức chung về quản lý nhà nước, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nội vụ, kiến thức pháp luật, kiến thức đối với ngành, lĩnh vực liên quan đến chuyên môn, kiến thức xã hội… Yếu tố kỹ năng có: lập kế hoạch, ra quyết định, phân tích công việc, thuyết trình, giao tiếp, phân công, phối hợp…  

Như vậy, có năm yếu tố, tiêu chí khi xem xét, đánh giá năng lực công chức ngành Nội vụ, bao gồm: khả năng, trình độ, kiến thức, kỹ năng và ý thức đối với việc nâng cao năng lực. Trong đó, mỗi yếu tố, tiêu chí được tạo nên bởi các tiêu chí, yếu tố thành phần. Việc hình thành các tiêu chí, yếu tố xem xét, đánh giá năng lực công chức có ý nghĩa thực tiễn trong việc định hình cấu trúc khung năng lực công chức của ngành (năng lực theo vai trò, năng lực cốt lõi, năng lực chuyên môn, năng lực hành vi), làm cơ sở cho việc kế hoạch hóa nguồn nhân lực cũng như xây dựng chiến lược phát triển năng lực tổ chức ngành Nội vụ.

TS. Tạ Ngọc Hải - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

-------------------------------

Ghi chú:

(1) Dương Quang Tung: Về tổ chức các bộ đa ngành ở nước ta hiện nay, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 4/2010.

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Xây dựng văn hóa đổi mới trong cơ quan nhà nước

Ngày đăng 17/05/2024
Văn hóa đổi mới là một bộ phận cấu thành của văn hóa tổ chức, giúp xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn hơn, phát huy tiềm năng sáng tạo của công chức, viên chức và làm tăng khả năng thích ứng của cơ quan nhà nước trước xu hướng biến đổi không ngừng của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Để “tinh thần đổi mới” trở thành giá trị chung và xây dựng được văn hóa đổi mới trong các cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ và được thực hiện khả thi trong các cơ quan nhà nước.

Bàn về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Ngày đăng 13/05/2024
Để đảm bảo quyền lực nhà nước được thực thi cũng như bảo vệ trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì các quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ này. Bài viết phân tích, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền các cấp.

Thu hút nhân lực chất lượng cao trong khu vực công: Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

Ngày đăng 09/05/2024
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước nói chung và cho khu vực công nói riêng là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bài viết phân tích một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành đang là rào cản trong thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Hoàn thiện quy định về đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng đảm bảo tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử

Ngày đăng 25/04/2024
Trên cơ sở phân tích quá trình hình thành và phát triển chế định đơn vị bầu cử ở Việt Nam, bài viết trình bày một số đề xuất nhằm đảm bảo tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử trên một số khía cạnh: hình thức tổ chức đơn vị bầu cử, tỷ lệ chênh lệch trong tiêu chí ấn định số đại biểu được bầu ở các địa phương, quy định về người tham gia ứng cử, bảo tính đại diện của ứng cử viên.

Pháp luật về trách nhiệm công vụ của Nhà nước - tiếp cận từ góc độ điều chỉnh của pháp luật hành chính

Ngày đăng 02/05/2024
Ở Việt Nam hiện nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế và xu hướng dân chủ trong đời sống xã hội, các yêu cầu về pháp quyền, dân chủ, minh bạch, trách nhiệm giải trình, phòng, chống tham nhũng đang trở thành thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Do đó, các quyền, lợi ích chính đáng của người dân phải được pháp lý hóa bởi hệ thống pháp luật; ngược lại, Nhà nước cũng cần được bảo vệ bởi chính hệ thống pháp luật - pháp luật đã trở nên độc lập tương đối với Nhà nước, là công cụ hữu hiệu ngăn chặn, kiểm soát và bảo vệ chính Nhà nước. Trong lĩnh vực pháp luật hành chính, các chủ thể công vụ tuân thủ nguyên tắc thực thi công vụ trong phạm vi pháp luật cho phép. Tuy nhiên trong thực tế, sự thiếu hụt các quy phạm điều chỉnh hoặc thiếu an toàn về mặt pháp lý đang chứa đựng những tiềm ẩn rủi ro cho chính các chủ thể khi thực thi công vụ. Vì vậy, sự bình đẳng trong điều chỉnh pháp luật về trách nhiệm pháp lý hành chính của các chủ thể là yêu cầu bắt buộc trong quản trị quốc gia.