Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Hoàn thiện quy định về đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng đảm bảo tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử

Ngày đăng: 06/05/2024   13:50
Mặc định Cỡ chữ

Trên cơ sở phân tích quá trình hình thành và phát triển chế định đơn vị bầu cử ở Việt Nam, bài viết trình bày một số đề xuất nhằm đảm bảo tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử trên một số khía cạnh: hình thức tổ chức đơn vị bầu cử, tỷ lệ chênh lệch trong tiêu chí ấn định số đại biểu được bầu ở các địa phương, quy định về người tham gia ứng cử, bảo tính đại diện của ứng cử viên.

Hoàn thiện quy định về đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng đảm bảo tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử.

Đơn vị bầu cử, nói một cách khái quát - là nơi được quy định để bầu ra các đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước (ở Việt Nam là đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp). Việc phân chia đơn vị bầu cử có ý nghĩa quan trọng, bởi có thể tác động trực tiếp đến kết quả bầu cử. Việc tổ chức đơn vị bầu cử ở các quốc gia có thể chia theo số đại biểu được bầu, như đơn vị bầu cử bầu một đại biểu và đơn vị bầu cử bầu nhiều đại biểu. Điển hình cho đơn vị bầu cử bầu một đại biểu là bầu cử Nghị viện ở Vương quốc Anh, chia cả nước thành 650 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu một đại biểu. Ở những nước quy định mỗi đơn vị bầu cử được bầu nhiều đại biểu thì pháp luật sẽ ấn định một tỷ lệ cứ bao nhiêu ngàn dân thì được bầu một nghị sĩ. Trong bầu cử Nghị viện ở Phần Lan, mỗi đơn vị bầu cử được bầu trực tiếp từ 07 đến 30 đại biểu, tùy theo dân số từng khu vực. Tại Nhật Bản, trong bầu cử Hạ nghị viện có tất cả 130 khu vực bầu cử và số thành viên Hạ nghị viện cố định là 511 - điều đó có nghĩa là trung bình một đơn vị bầu cử sẽ bầu 04 hạ nghị sĩ. Một số nước không phân chia lãnh thổ thành các đơn vị bầu cử, mà cả nước chỉ có một đơn vị bầu cử, ví dụ như 120 đại biểu Nghị viện của Ixraen được nhân dân bầu trực tiếp tại một đơn vị bầu cử chung cho cả nước. 

Để bảo đảm chế độ bầu cử dân chủ, pháp luật ở hầu hết các quốc gia đều quy định số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Đồng thời, mỗi đơn vị bầu cử được chia thành nhiều khu vực bỏ phiếu với một số lượng cử tri nhất định. Việc chia khu vực bỏ phiếu như vậy mang ý nghĩa kỹ thuật thuần tuý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình. Thông thường, các khu vực bỏ phiếu được thành lập theo các đơn vị hành chính cấp cơ sở như xã, phường, hoặc nhỏ hơn như cấp thôn, khu phố. 

Ở nước ta, đại biểu dân cử trước hết đại diện cho nhân dân nơi bầu ra mình, có nghĩa vụ thể hiện nguyện vọng và ý chí của nhân dân ở nơi đó, giữ mối liên hệ giữa cơ quan đại diện với nhân dân, chịu trách nhiệm báo cáo công tác của cơ quan đại diện trước nhân dân (bị cử tri bãi miễn) nếu không đáp ứng được sự tín nhiệm của nhân dân. Việc tổ chức đơn vị bầu cử có ý nghĩa chính trị quan trọng. Đó là nơi: (1) Bầu ra những người đại diện của nhân dân vào các cơ quan quyền lực nhà nước; (2) Công dân thực hiện các quyền bầu cử và ứng cử của mình; (3) Thể hiện tính đại diện (được uỷ quyền) và tính chịu trách nhiệm trước cử tri của đại biểu. 

Thực trạng và sự phát triển của chế định đơn vị bầu cử ở Việt Nam

Đơn vị bầu cử ở nước ta theo truyền thống là tổ chức theo địa dư lãnh thổ. Địa dư này về cơ bản bám theo các đơn vị hành chính. Một thời gian dài cho đến trước Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, thì đơn vị bầu cử đối với Quốc hội là tỉnh, thành phố lớn; đối với Hội đồng nhân dân các cấp là huyện, thị xã, xã, liên xóm (thôn trước đây). Luật có quy định khả năng chia nhỏ đơn vị bầu cử ở các tỉnh, thành phố đông dân cư và số đại biểu được bầu lớn, song trên thực tế thì ít được vận dụng. Trước tình hình số đại biểu được bầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quá lớn, cử tri khó khăn trong việc lựa chọn, nên trong Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII (năm 1987), Hội đồng Nhà nước đã ấn định số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII (4/1981) lên 167, mỗi đơn vị chỉ bầu từ 02 đến 04 đại biểu. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992 kế thừa tinh thần này, quy định số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử không quá 03 đại biểu, từ đó đơn vị bầu cử không còn là tỉnh, thành phố lớn nữa mà thường là một địa dư của một huyện, quận hoặc một số huyện, quận. 

Ngay từ Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/10/1945 ấn định thể lệ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã quy định: “Đơn vị tuyển cử là tỉnh, nghĩa là dân trong mỗi tỉnh bầu thẳng đại biểu tỉnh mình vào Quốc dân Đại hội”, “Sáu thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gòn - Chợ Lớn cũng được đứng riêng làm những đơn vị tuyển cử như các tỉnh” (Điều 7, Điều 8). Khi đó, cả nước có 71 đơn vị bầu cử. Số đại biểu của một tỉnh (hay thành phố), tức của mỗi đơn vị bầu cử, được tính căn cứ theo số dân. Theo bảng ấn định số đại biểu từng tỉnh và thành phố kèm theo Sắc lệnh số 51/SL, thì những tỉnh có số đại biểu đông là Nam Định (không kể thành phố Nam Định), Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Định... là từ 12 đến 15 người. Nhưng có tỉnh nhỏ, ít dân như Lào Cai, Hòa Bình, Hà Tiên, Bình Thuận... chỉ có 01 đến 02 đại biểu. Người ứng cử được tự do chọn lấy cho mình một nơi ứng cử (Điều 12). Số lượng ứng cử viên cho mỗi đơn vị bầu cử không bị hạn chế. Người ứng cử chỉ nộp đơn lên Ủy ban hành chính của tỉnh, thành phố nơi mình chọn ra ứng cử kèm theo một tờ giấy của Ủy ban hành chính địa phương.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001 quy định tương tự, có cụ thể thêm cách tính đại biểu của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là mỗi cấp đó có ít nhất 03 đại biểu; số đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương. Do có sự quy định lại tổng số đại biểu Quốc hội được bầu và điều chỉnh lại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên thông thường đa số đại biểu được bầu ở mỗi tỉnh đều vượt quá 03 đại biểu. Vì vậy, không còn quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một đơn vị bầu cử. Tuy nhiên vẫn giữ quy định: “Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử” với các đơn vị bầu cử được thành lập ra để bầu đại biểu Quốc hội của một tỉnh, thành phố nằm gọn trong địa phương đó. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X năm 1997 với 75 triệu dân bầu 450 đại biểu thì (75 triệu chia 450) tương ứng với dân số của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là có thể tính ra số đại biểu được bầu ở tỉnh, thành phố đó. Sau đó phân chia các đơn vị bầu cử trong từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sao cho bảo đảm mỗi đơn vị bầu cử không quá 03 đại biểu. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 năm 2015 quy định rõ về việc ấn định số lượng và quy trình thành lập đơn vị bầu cử. Theo đó, “số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử” (khoản 2, Điều 10). 

Theo số liệu những cuộc bầu cử gần đây, số đại biểu được bầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là từ 05 đến 30 người. Như vậy, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ lập ra từ 02 đến 03 đơn vị bầu cử (với tỉnh, thành phố ít nhất) cho đến 09 hoặc 10 đơn vị bầu cử (với tỉnh, thành phố nhiều nhất). Số lượng, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội ở từng đơn vị bầu cử có sự khác nhau. Nghị quyết số 1135/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV có 198 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV do Trung ương giới thiệu. Tuy nhiên, theo đề nghị của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-HĐBCQG ngày 03/3/2016 về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 184 đơn vị bầu cử. Riêng tỉnh Tuyên Quang được bầu 06 đại biểu Quốc hội, trong đó có 02 đại biểu do Trung ương giới thiệu nhưng lại thành lập 03 đơn vị bầu cử nên có 01 đơn vị không có đại biểu Trung ương. Như vậy, trong tổng số 184 đơn vị bầu cử trong cả nước có 15 đơn vị bầu cử có 02 người ứng cử do Trung ương giới thiệu; 168 đơn vị bầu cử có 01 người ứng cử do Trung ương giới thiệu; 01 đơn vị bầu cử không có người ứng cử do Trung ương giới thiệu.

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 có 207 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Trung ương giới thiệu. Tuy nhiên, theo đề nghị của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 184 đơn vị bầu cử. Trong đó, có 14 tỉnh, thành phố đề nghị số đơn vị bầu cử ít hơn số người ứng cử do Trung ương giới thiệu. Cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh có 15 người ứng cử do Trung ương giới thiệu nhưng đề nghị thành lập 10 đơn vị bầu cử; thành phố Hà Nội có 14 người ứng cử do Trung ương giới thiệu nhưng đề nghị thành lập 10 đơn vị bầu cử; tỉnh Thanh Hóa có 07 người ứng cử do Trung ương giới thiệu nhưng đề nghị thành lập 05 đơn vị bầu cử; tỉnh Đồng Nai, Bình Dương mỗi địa phương có 06 người ứng cử do Trung ương giới thiệu nhưng đề nghị thành lập 04 đơn vị bầu cử; tỉnh Nghệ An có 06 người ứng cử do Trung ương giới thiệu nhưng đề nghị thành lập 05 đơn vị bầu cử; thành phố Hải Phòng và tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang, An Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Ninh mỗi địa phương có 04 người ứng cử do Trung ương giới thiệu nhưng đều đề nghị thành lập 03 đơn vị bầu cử. Ủy ban bầu cử tỉnh Tuyên Quang vẫn đề nghị giữ nguyên số đơn vị bầu cử như các nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, cụ thể có 02 người do Trung ương giới thiệu ứng cử nhưng đề nghị 03 đơn vị bầu cử. 

So sánh với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, trong 14 địa phương trên, có tỉnh An Giang đề nghị ít hơn 01 đơn vị bầu cử(1), Bình Dương đề nghị nhiều hơn 01 đơn vị bầu cử(2). Các địa phương còn lại đề nghị số đơn vị bầu cử giữ nguyên như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Như vậy, tổng số đơn vị bầu cử Quốc hội khóa XV bằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Trong đó có 24 đơn vị bầu cử tại 14 địa phương trên có 02 người ứng cử do Trung ương giới thiệu (tăng 09 đơn vị bầu cử so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV), 01 đơn vị bầu cử không có đại biểu Trung ương ứng cử(3). 

Những vấn đề đặt ra đối với hoàn thiện chế định đơn vị bầu cử

Nghiên cứu bổ sung hình thức tổ chức đơn vị bầu cử

Mục đích của việc tổ chức ra đơn vị bầu cử là để cử tri bầu ra các đại biểu vào cơ quan quyền lực nhà nước. Cơ cấu thành phần đại biểu thường rất đa dạng: có đại diện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, và có đại diện của dân cư địa phương. Cách tổ chức đơn vị bầu cử chỉ theo địa dư như hiện nay chỉ thực sự có ý nghĩa ở khía cạnh để cử tri nơi đó bầu người đại diện của mình, tức người cư trú và làm việc ở địa phương đó. 

Theo quy định tại khoản 3, Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc giới thiệu đại biểu trung ương về địa phương nào ứng cử là do Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định. Như vậy, người được trung ương giới thiệu có thể sẽ ứng cử tại một đơn vị bầu cử không gắn với nơi mình công tác hoặc cư trú. Tuy nhiên, việc ứng cử ở đơn vị bầu cử nơi mình công tác, cư trú sẽ khác với ứng cử ở nơi mình không công tác hoặc cư trú, ít nhất là về sự am hiểu địa phương cũng như sự ủng hộ của cử tri. Thực tế, có nhiều trường hợp, đại biểu được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu về địa phương khác đã không trúng cử. 

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo các hình thức tổ chức bầu cử của các nước khác(4). Có thể từng bước kết hợp hình thức bầu cử theo đơn vị bầu cử như hiện nay và danh sách ứng cử viên do trung ương giới thiệu.

Quy định tỷ lệ chênh lệch trong tiêu chí ấn định số đại biểu được bầu ở các địa phương

Tiêu chí cơ bản để ấn định số đại biểu được bầu của mỗi tỉnh/thành phố và của mỗi đơn vị bầu cử là số dân, trên nguyên tắc bảo đảm ngang bằng và tính đại diện. Song do có sự chênh lệch số dư, do pháp luật bầu cử quy định dành số đại biểu thích đáng cho Thủ đô Hà Nội, cho các thành phần dân tộc thiểu số và nhiều trường hợp ngoại lệ khác, nên không phải mọi đơn vị bầu cử đều đảm bảo nguyên tắc về số dân ứng với mỗi đại biểu. Điều này là khó tránh khỏi, tuy nhiên, trên phương diện pháp luật, vẫn cần quy định tỷ lệ chênh lệch cho phép. 

Thực tế cho thấy, việc bảo đảm (hay áp dụng) nguyên tắc bình đẳng trong đơn vị bầu cử đôi khi chưa thật sát với thực tiễn, vì một số tỉnh, thành phố tập trung cử tri cao do có nhiều khu công nghiệp, trường đại học sẽ có tỷ lệ đại diện cao hơn. Việc nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định cho phép một số địa phương hay một nhóm xã hội đặc thù có tỷ lệ đại biểu cao hơn cũng là vấn đề cần được đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến.

Mở rộng quy định về người tham gia ứng cử

Hiện nay, các ứng cử viên được ra ứng cử ở đơn vị bầu cử nào là do sự phân bổ của Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hội đồng Bầu cử quốc gia. Quy định của pháp luật bầu cử hiện hành không bắt buộc người ứng cử phải công tác hoặc cư trú tại địa phương đó. Tuy nhiên, không phải tất cả ứng cử viên đều được đưa vào danh sách ứng cử, mà phải trải qua các kỳ hội nghị hiệp thương nên số còn lại rất khiêm tốn… Trong điều kiện đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, nên chăng cần xem xét, sửa đổi các quy định trên: khôi phục lại quyền chọn nơi ứng cử; bỏ những quy định “quá trói” trong quá trình hiệp thương… Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu làm thế nào để cho phép nhiều người tham gia ứng cử theo đúng tư tưởng của Bác Hồ kêu gọi người tài giỏi ra gánh vác việc nước.

Đảm bảo tính đại diện của ứng cử viên 

Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, việc đơn vị bầu cử bầu ít hay nhiều đại biểu sẽ ảnh hưởng đến việc dễ hay khó lựa chọn của cử tri. Có thể có đơn vị bầu cử bầu toàn thể (ví dụ như ở thành phố, xã thời kỳ 1945 - 1946), song không thể nói là cử tri gặp khó khăn trong lựa chọn, vì ở các cấp chính quyền này người dân đã biết rất rõ các ứng cử viên. Còn với việc 01 đơn vị bầu cử bầu 02 đến 03 đại biểu như hiện nay, mặc dù đã ít hơn nhiều so với trước đây, cũng chưa hẳn là tối ưu, vì trên thực tế, cử tri vẫn gặp lúng túng khi lựa chọn bầu ai, nhất là đối với các ứng cử viên từ nơi khác giới thiệu về. 

Để bảo đảm bầu đúng người đại diện, thì các đơn vị bầu cử theo địa dư sẽ chỉ bầu người cư trú và công tác tại địa phương và danh sách ứng cử viên có số dư lớn để cử tri có nhiều khả năng lựa chọn. Còn các ứng cử viên đại diện cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác thì bầu theo danh sách chung toàn quốc hoặc để cho các tổ chức đó tự lựa chọn.

Đảm bảo tính cạnh tranh tại mỗi đơn vị bầu cử

Thực tế hiện nay, với mỗi cơ cấu được phân bổ, địa phương sẽ tiến hành các quy trình hiệp thương, giới thiệu; nhưng phần lớn là có sự chênh lệch thấy rõ về trình độ, kinh nghiệm và vị thế của người ứng cử. Sự vắng bóng của những người tự ứng cử có chất lượng làm cho quá trình vận động bầu cử chưa thực sự tạo sức cạnh tranh đúng đắn. Ở nhiều kỳ bầu cử, số lượng tự ứng cử ban đầu khá nhiều, song trải qua các vòng hội nghị hiệp thương, khi Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức người ứng cử, thì số lượng người tự ứng cử còn lại rất ít(5). Tính cạnh tranh thấp còn thể hiện ở việc số dư người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử thấp(6). Nên chăng, Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình tổ chức bầu cử theo hướng chỉ phân bổ số người được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử tối đa là 02 đại biểu, thí điểm ở một số đơn vị bầu cử chỉ bầu 01 đại biểu. Khi đó, số lượng đơn vị bầu cử có thể tăng lên nhiều hơn con số 184 đơn vị bầu cử như kỳ bầu cử vừa qua, nhưng trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được bầu đối với cử tri ở đơn vị bầu cử mà mình là đại diện sẽ tăng lên. 

Việc mở rộng phạm vi lựa chọn cho cử tri, bằng cách tăng số người ứng cử cho một đơn vị bầu cử, cũng như quy định cụ thể trình tự thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự ra ứng cử, tranh cử là bước làm cần thực hiện đầu tiên, đổi mới mạnh mẽ nhưng không thể chủ quan, nóng vội. Tuy có thể gặp những khó khăn bước đầu trong quy trình triển khai thực hiện, nhưng đây lại là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến việc đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền chính trị cơ bản của công dân; cũng là yếu tố bảo đảm lựa chọn được người có đủ năng lực, phẩm chất tham gia vào Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. 

Bên cạnh đó, cần xác định, phân loại những cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử và số lượng được phân bổ cho mỗi đơn vị. Đây là một việc rất khó và cũng là vấn đề được nêu qua nhiều lần bầu cử. Nên chăng, Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cơ bản để làm căn cứ cho việc phân bổ, nhất là đối với cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên) để từ đó, lãnh đạo việc dự kiến, phân bổ cơ cấu, thành phần hợp lý nhất, tránh tình trạng thừa cơ cấu, thiếu thành phần hoặc thành phần không hợp lý.

Đảm bảo tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử là một yêu cầu quan trọng nhằm có được cuộc bầu cử chất lượng, hình thành nên cơ quan đại diện có thể phản ánh sâu sắc ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Một trong những cách thức để đạt được yêu cầu đó chính là hoàn thiện hơn nữa chế định đơn vị bầu cử, đảm bảo cơ cấu, thành phần vừa hợp lý lại vừa có tính cạnh tranh nhất định./.

--------------------------------

Ghi chú: 

(1) Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, An Giang được bầu 10 đại biểu Quốc hội, trong đó có 04 người do Trung ương giới thiệu và đề nghị 04 đơn vị bầu cử; nhiệm kỳ kỳ Quốc hội khóa XV, An Giang được bầu 09 đại biểu Quốc hội, trong đó có 04 người do Trung ương giới thiệu và đề nghị 03 đơn vị bầu cử.

(2) Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Bình Dương được bầu 09 đại biểu Quốc hội, trong đó có 03 người do Trung ương giới thiệu và đề nghị 03 đơn vị bầu cử; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bình Dương được bầu 11 đại biểu Quốc hội, trong đó có 06 người do Trung ương giới thiệu và đề nghị 04 đơn vị bầu cử.

(3) Tỉnh Tuyên Quang.

(4) Ví dụ, Nhật Bản đang áp dụng mô hình bầu cử kết hợp giữa hai phương thức: đơn vị bầu cử và đại diện tỷ lệ. Cử tri sẽ đồng thời bỏ hai lá phiếu tương ứng với hai phương thức bầu cử trên. Theo đó, đối với phương thức đại diện tỷ lệ, cử tri sẽ viết tên ứng cử viên có trong danh sách do các đảng nộp lên hoặc viết tên đảng rồi bỏ phiếu. Số phiếu giành được của mỗi đảng sẽ bằng số phiếu ghi tên đảng cộng với số phiếu ghi tên cá nhân. Thứ tự các ứng cử viên trúng cử trong nội bộ chính đảng được xác định bằng số phiếu giành được theo thứ tự từ trên xuống. Về phương thức bầu cử theo đơn vị bầu cử, Luật Bầu cử nghị viện Nhật Bản quy định rõ số lượng thành viên được bầu theo từng đơn vị địa lý. 

(5) Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII có 283 người tự ứng cử, nhưng qua các vòng hiệp thương còn lại 30 người, và chỉ có một người trúng cử đại biểu Quốc hội. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII có 4 người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, sau hiệp thương lần thứ 3 còn 13 người tự ứng cử và chỉ có 2 người tự ứng cử trúng cử (đó là ông Nguyễn Anh Trí ứng cử ở Hà Nội và ông Phạm Quang Dũng ứng cử ở Nam Định). Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 4/9 người tự ứng cử trúng cử.
Đối với người tự ứng cử trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cả nước ở cấp tỉnh chỉ có 6 người, cấp huyện có 30 người, cấp xã có 290 người.

(6) Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, cả nước có 184 đơn vị bầu cử thì có 53 đơn vị bầu cử được bầu 2 đại biểu và 131 đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu. Có thể thấy, với các đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu mà có 5 người ứng cử thì xác xuất trúng cử sẽ cao hơn 10% so với đơn vị bầu cử được bầu 2 đại biểu mà có 4 người ứng cử.

Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng ban thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lê Hữu Nam, Kiểm toán nhà nước

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển cán bộ dân tộc thiểu số tại Lào Cai: Sự khác biệt trong chiến lược nhân lực

Ngày đăng 05/12/2024
Lào Cai, một tỉnh biên giới phía Bắc, nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa và dân tộc - đã ghi dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong công tác cán bộ. Đặc biệt, tỉnh đã đặt trọng tâm vào việc phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược nhân lực. Chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên sức bật cho vùng đất vốn gặp nhiều thách thức về địa lý và kinh tế.

Quản trị đô thị phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 05/12/2024
Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững là quá trình phát triển đô thị dựa trên nguyên lý phát triển cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị nhằm mục tiêu vì cư dân đô thị trong hiện tại và tương lai. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu quản trị đô thị phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị; cung ứng các dịch vụ công,... Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị đô thị phát triển bền vững có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết đối với công tác quản trị nhà nước tại các đô thị ở nước ta. Từ khóa: Đô thị; quản trị đô thị; phát triển bền vững.

Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm và yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới

Ngày đăng 01/12/2024
Cả nước đang phấn đấu thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chuẩn bị cho năm mới 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động của Chính phủ. Trong niềm vui chung đó, toàn Đảng, toàn dân ta đang rất hào hứng và phấn khởi đón nhận những thông điệp hết sức quan trọng từ Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó, trước hết là những nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương

Ngày đăng 26/11/2024
Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, trên cơ sở đó đưa ra định hướng hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong thời gian tới. Từ khóa: Phân cấp; phân quyền; chính quyền trung ương; chính quyền địa phương.  

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 19/11/2024
Tóm tắt: Nâng cao năng lực quản trị truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết ở các cấp, các ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Bài viết phân tích thực trạng, yêu cầu đặt ra và những nội dung cần quan tâm để nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Từ khóa: công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực; truyền thông chính sách.