Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Quan điểm Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ nhà khoa học và việc vận dụng trong hoạch định chính sách đối với nhà khoa học

Ngày đăng: 11/05/2018   14:50
Mặc định Cỡ chữ

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ nhà khoa học

Nhà khoa học được hiểu là những người thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, đó là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn(1). Nhờ những kết quả nghiên cứu của các thế hệ nhà khoa học mà nhân loại phát triển được như ngày nay. Là người có tầm nhìn chiến lược, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà khoa học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu trí thức tham dự Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã giúp con người thể hiện được sức mạnh của mình trước thế giới tự nhiên. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 01/1951), Người viết: “Năm mươi năm vừa qua có những biến đổi mau chóng hơn và quan trọng hơn nhiều thế kỷ trước cộng lại. Trong 50 năm đó, đã có những phát minh như chiếu bóng, vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình (télévision) cho đến sức nguyên tử. Nghĩa là loài người đã tiến một bước dài trong việc điều khiển sức thiên nhiên”(2). Đáp từ trong buổi lễ nhận bằng Tiến sĩ luật danh dự do Trường Đại học Pátgiagiaran của Inđônêxia trao tặng (tháng 01/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định vai trò của các nhà khoa học trong việc giúp con người “mở rộng ra những chân trời mới”, “làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ vận mệnh của xã hội và của bản thân mình”(3).

Do sớm nhận thức được vai trò quan trọng của các nhà khoa học nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dành tình cảm đặc biệt cho đội ngũ trí thức nói chung và các nhà khoa học nói riêng. Bàn về nhiệm vụ của những người làm khoa học, Người nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”(4). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của những người làm khoa học là ra sức nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật của nước ta; cải tiến lề lối sản xuất và cách thức làm việc; nâng cao năng suất lao động; đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu. Người căn dặn những người làm khoa học: “Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”(5).

Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong bối cảnh đất nước khó khăn về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng thuyết phục một số nhà khoa học Việt kiều có uy tín ở nước ngoài về nước tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với lòng yêu nước và chí căm thù quân xâm lược, nhiều nhà khoa học Việt kiều đã từ bỏ địa vị khoa học và điều kiện làm việc rất tốt ở nước ngoài để về nước tích cực tham gia vào cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Tiêu biểu trong số đó có Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Kỹ sư Võ Quý Huân; Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Giáo sư, tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm; giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước;... Tên tuổi và những cống hiến hết mình của họ đã góp phần cổ vũ cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi trọn vẹn.

Trong việc trọng dụng và sử dụng nhà khoa học, quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần quan tâm, tin tưởng và tôn trọng họ, đó là động lực mạnh mẽ thôi thúc các nhà khoa học cống hiến hết mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sự quan tâm của Người dành cho bác sĩ Tôn Thất Tùng có thể được coi như một trường hợp điển hình. Mỗi khi đến chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi tiêm thuốc xong, bác sĩ Tôn Thất Tùng hay được Người hỏi chuyện về công việc và gia đình. Khi biết tin ông đã có con trai đầu lòng, Người nói: “Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách”(6). Năm 1949, sau thành công của việc sản xuất thuốc kháng sinh Pênêxilin, một loại thuốc quý dùng để chữa bệnh cho thương binh, bác sĩ Tôn Thất Tùng và bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng Huân chương. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Còn với bác sĩ Tôn Thất Tùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:  “Bác cho phép chú lựa một Huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!”(7). Ông đã tự chọn cho mình Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Mấy hôm sau, trong buổi lễ trao Huân chương cho ông, Người nói: “Chú Tùng là một xi-đờ-văn mà nay được Chính phủ ta tặng Huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”.

Sau này, có lần bác sĩ Tôn Thất Tùng nhận được một tấm thiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng, trên đó Người viết: “Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khoẻ chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”(8). Tình cảm, sự quan tâm ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên ông rất nhiều, giúp ông làm việc ngày càng tốt hơn trong công tác chuyên môn của mình, vì ông nghĩ rằng: “Với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm”. Khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, trong niềm tiếc thương vô hạn, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã viết những dòng vô cùng xúc động: “Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”(9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ phẩm chất cần có của nhà khoa học là niềm say mê nghiên cứu khoa học, bởi đó là yếu tố quyết định đến sự thành công của các nahf khoa học của một nền khoa học. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ 2 (tháng 5/1958), Người căn dặn thanh niên trí thức trong thời đại khoa học phát triển phải có 6 “cái yêu”, là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, đặc biệt là yêu khoa học và yêu kỷ luật, bởi vì “tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật”(10).

Để hình thành đội ngũ các nhà khoa học kế cận phục vụ công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tuyển chọn nhiều cán bộ có văn hóa đưa sang các nước phương Tây nhằm xúc tiến việc đào tạo trí thức bậc cao. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ (ngày 01/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nguyện vọng muốn gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Hoa Kỳ để mở rộng quan hệ hữu nghị, nhưng chủ yếu là để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”(11).

Cùng với việc đưa thanh niên sang phương Tây đào tạo thành những cán bộ khoa học, ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mở một số trung tâm nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng. Điển hình là việc thành lập Trường Đại học Y Dược (Việt Bắc); lớp Toán đại cương (Khu IV); các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Khu học xá Trung ương, Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng một lớp nhà khoa học kế cận có đủ tài và đức phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Cho đến những năm cuối đời, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người vẫn không quên căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn những người ưu tú nhất trong quân đội, thanh niên xung phong, đào tạo họ trở thành những cán bộ khoa học - kỹ thuật giỏi, những người vừa hồng vừa chuyên, đó là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta…”(12).

Một nội dung quan trọng trong quan điểm Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ nhà khoa học là coi quần chúng nhân dân cũng là những “nhà khoa học”, họ là những nhà khoa học đặc biệt. Những sáng kiến và giải pháp kỹ thuật của quần chúng nhân dân chủ yếu phát sinh từ yêu cầu thực tiễn, phục vụ đời sống và sản xuất, trong đó có nhiều sáng kiến, giải pháp độc đáo, hữu dụng, mang lại lợi ích thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu”(13). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn động viên, cổ vũ quần chúng nhân dân thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Mặt khác, Người phê phán sự thiếu sâu sát của cán bộ quản lý sản xuất, không kịp thời xét duyệt, áp dụng, khen thưởng và phổ biến sáng kiến, không khuyến khích các tài năng trong công nhân.

2. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh trong hoạch định chính sách đối với nhà khoa học ở Việt Nam hiện nay

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ nhà khoa học, Đảng ta xác định đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ, trong đó có đội ngũ nhà khoa học là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm phát triển đội ngũ nhà khoa học như: xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình; có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, cán bộ khoa học và công nghệ được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ khoa học và công nghệ trẻ tài năng; có chính sách hỗ trợ cán bộ khoa học và công nghệ đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp ở nước ngoài để giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có ý nghĩa quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình khoa học và công nghệ; có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tác giả các công trình được công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước; đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học và công nghệ; hoàn thiện hệ thống chức danh, chức vụ khoa học và công nghệ;...

Trên cơ sở quán triệt quan điểm Hồ Chí Minh và của Đảng về phát triển đội ngũ nhà khoa học, năm 2013 Quốc hội đã ban hành Luật Khoa học và công nghệ. Luật Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 quy định đối với những người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ: được xếp vào vị trí việc làm và hưởng mức lương, phụ cấp phù hợp với chuyên môn và năng lực; được hưởng ưu đãi về thuế; được trang bị phương tiện và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cao hơn mức quy định cho cán bộ, công chức nhà nước; được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan (khoản 1, Điều 23). Ngoài các ưu đãi này, đối với các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng còn được hưởng các ưu đãi đặc biệt khác như: được ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; được hưởng mức lương và phụ cấp ưu đãi đặc biệt; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này;… (Khoản 2, 3, 4, Điều 23). Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 cũng quy định các ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (Điều 24).

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục đề ra các phương hướng, nhiệm vụ nhằm tiếp tục phát triển đội ngũ nhà khoa học ở Việt Nam:  “Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”(14).

Quan điểm Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ nhà khoa học cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Chúng ta không chỉ tìm thấy trong quan điểm của Người những triết lý về vai trò, sứ mệnh của nhà khoa học mà còn có thể học được từ đó các giải pháp phát triển đội ngũ nhà khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vận dụng sáng tạo quan điểm Hồ Chí Minh trong bối cảnh, tình hình hiện nay, những quan điểm, mục tiêu đúng đắn của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển đội ngũ nhà khoa học sẽ tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nội sinh của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đến thắng lợi./.

ThS. Hà Công Hải - Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN

ThS. Hoàng Thị Thu Hiền - Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

-------------------------

Ghi chú:

(1) Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.153.

(3),(10) Sđd, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2000, tr.364, tr.179.

(4),(5),(13) Sđd, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2000, tr.78.

(6),(7),(8) Tôn Thất Tùng, Đường vào khoa học của tôi, Nxb Thanh niên, H.1981, tr.37, tr.49, tr.44.

(9) Trần Đương, Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức, Nxb Thanh niên, H.2005, tr.40.

(11) Sđd, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2000, tr.88.

(12) Sđd, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2000, tr.510.

(14) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Ngày đăng 22/04/2024
Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới

Ngày đăng 10/04/2024
Trong những năm qua, việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, từng bước trở thành nhiệm vụ, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương. Qua đó, đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa, đưa đến những thay đổi tích cực trong toàn Đảng bộ, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối.

Xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội có đức, có tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 26/03/2024
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài luôn là kim chỉ nam định hướng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng. Chính trị viên là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở, đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Bài viết tập trung phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về đức, tài và sự vận dụng vào việc xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Ngày đăng 20/03/2024
Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đã và đang tăng cường chống phá, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, những thành quả của cách mạng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 13/03/2024
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội hiện nay cần phải quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng, khâu đột phá căn bản để xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác ngang tầm nhiệm vụ.