Hà Nội, Ngày 29/04/2024

Bàn về nhân tài và phát hiện, sử dụng nhân tài hiện nay

Ngày đăng: 07/09/2016   15:38
Mặc định Cỡ chữ
1. Quan niệm về nhân tài
 
Nhìn từ chiều sâu lịch sử, khi loài người biết lao động, bước qua ngưỡng cửa của bậc thang tiến hóa, vượt qua đời sống bầy đàn, trở thành con người - loài người, do tiến hóa tự nhiên. Trong quá trình ấy, đã hình thành tự nhiên và có sự thúc đẩy mang tính xã hội, hình thành những thủ lĩnh thực thụ, thay thế, mang tính khác biệt về chất những con đầu đàn của thời mông muội. Những thủ lĩnh đó đứng đầu nhóm người, đứng đầu những bộ tộc, bộ lạc, dần dần thu phục, tập hợp thành những cộng đồng lớn, hình thành nên quốc gia, dân tộc. Trong quá trình lâu dài đó lại nảy nở những thủ lĩnh, những người đứng đầu kế tiếp giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Sự hình thành tự nhiên và sự lựa chọn, đào thải của cộng đồng xã hội để có những người thủ lĩnh, người đứng đầu ở các cấp độ khác nhau (quốc gia, vùng, khu vực…) về phạm vi, tầm ảnh hưởng, bảo đảm cho xã hội loài người phát triển đến ngày nay.
Ảnh minh họa: internet

Đồng hành với lịch sử nhân loại là sự hình thành phát triển những nhân tài, những con người có năng lực hơn người (với mức độ khác nhau, trong các lĩnh vực đời sống xã hội) lĩnh sứ mệnh, giữ vai trò giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội. Nhìn một cách phổ quát, nhân tài chính là những người có năng lực, trí tuệ, thể hiện bằng hành động thực tế, có đóng góp nổi trội trong các hoạt động sống của đời sống xã hội. Bàn về nhân tài, nhìn nhận về nhân tài là câu chuyện từ ngàn đời của các thời đại. Bản chất vốn có của con người luôn hướng tới sự hoàn thiện, đến chân, thiện, mỹ nên luôn đi tìm lời giải đáp về nhân tài, một thành tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các thời đại.   

Có quan niệm cho rằng: nhân tài là người tài, là người có khả năng thiên bẩm, trời sinh. Nhân tài là người có tài năng hơn người, có được những khả năng, sức lực làm những việc siêu phàm, người khác không làm được. Nhìn rộng hơn, nhân tài ngoài những tiêu chí đó, còn là người biết thu phục được người khác, biết nhìn nhận, đánh giá thời cuộc, dự đoán thời thế, tính toán, quyết định công việc liên quan đến nhóm người, cộng đồng. Đó là những người có tầm nhìn bao quát, có khả năng nắm bắt được các mối quan hệ, các quy luật vận động chung trong xã hội; phân tích, nhận định và đánh giá đúng tình hình để có những quyết định chính xác trong hoạt động xã hội, trong đời sống, tham gia đóng góp với cộng đồng giải quyết tốt, có hiệu quả những vấn đề đặt ra.

Từ ngàn xưa, nhân tài được nhìn nhận ở nhiều cấp độ, phạm vi ảnh hưởng khác nhau. Người được đánh giá, ghi nhận có tài năng thường gắn liền với người được ghi nhận có công đức; có người được đánh giá, tôn vinh trong vùng, địa phương, lĩnh vực, ngành nghề nhất định; có người lại được sự thần phục, tôn vinh, với tầm ảnh hưởng rộng lớn mang tính quốc gia, dân tộc; có người được ghi nhận tài năng về học hành, sự uyên bác; người lại có tài năng về ngành nghề sản xuất vật chất, phục vụ đời sống con người; có người được ghi công về tài thao lược, anh dũng vô song trong chiến đấu bảo vệ bờ cõi…

Trong xã hội hiện đại, việc nhìn nhận về người tài khá phức tạp, vì đời sống xã hội vô cùng phong phú. Ngày nay, người ta nói về người tài rất rộng: tài năng trẻ, tài năng toán học, tài năng âm nhạc; doanh nhân tiêu biểu; người được bình chọn đạt danh hiệu “phụ nữ tài năng”; được tôn vinh thủ khoa tốt nghiệp đại học; qua kỳ thi tuyển sinh đại học. Chúng ta tôn vinh “những người đương thời”, những “kỹ sư chân đất”, kỹ sư “hai lúa” nghiên cứu, chế tạo những máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp… Trên bình diện quốc tế, nói đến người tài là các nhà chính trị có khả năng mang đến những thay đổi ở bình diện quốc gia; những nhà khoa học có phát minh, sáng tạo lớn, đoạt giải Nôbel…

Vấn đề đặt ra trong việc tiếp cận về nhân tài, người tài ngày nay hướng tới việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy những người tài trên các lĩnh vực, các ngành, các địa phương; là bồi dưỡng, đào luyện những người tài năng, người lãnh đạo biết sử dụng, phát huy nhân tài; xây dựng, đào tạo những “thủ lĩnh”, những người đứng đầu trong mỗi ngành, lĩnh vực và những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước.

2. Tiêu chí, nhận diện về nhân tài

Nhân tài là người có khả năng hiểu biết và có óc sáng tạo; biết giải quyết công việc, xử lý những vấn đề đặt ra hơn hẳn phần đông những người khác. Nhân tài là người có tài năng đặc biệt, nổi trội so với số đông. Nhân tài là người có năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức, có tầm ảnh hưởng lớn trong một vùng; có thể làm thay đổi bộ mặt của một quốc gia. Nhân tài là người tài giỏi, người bộc lộ khả năng, sự hiểu biết hơn người. Đó là những người nổi trội trong chuyên môn cũng như trong ứng xử. Người có tài là người làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội và là người luôn phấn đấu học tập để vươn lên không ngừng. Nhân tài là người có khả năng thực hiện thông thạo một công việc, lĩnh vực nhất định, có khả năng thu hút, thuyết phục, lôi cuốn người khác theo mình. Nhân tài, người tài thường được nhìn nhận, đánh giá cả về tài năng và đạo đức hơn người. Nhân tài không chỉ là người thông tuệ, giỏi giang về tay nghề, việc làm mà nhân tài, người tài phải do học hỏi, rèn luyện mới thành. Có người đã đưa ra công thức: 90% do rèn luyện, chăm chỉ học tập cộng với 10% do bẩm sinh...

Có thể khái quát những đức tính, tiêu chí, biểu hiện của nhân tài như sau: có khả năng hơn người trong nhận thức, tư duy, trong nhiều hoạt động xã hội; đôi khi bộc lộ tự tin quá mức; thích nói đi đôi với làm; khắt khe, đòi hỏi người khác trong công việc; thường có mâu thuẫn nội tại; ghét kẻ sống bợ đỡ; phản ứng với sự gò bó, khuôn mẫu máy móc; thích “bơi” trong công việc; tính tình luôn luôn thẳng thắn; là người thích cầu toàn; đôi khi thiếu kiên nhẫn; có lúc biểu hiện lơ đễnh “đãng trí bác học”; là người luôn bị thu hút bởi công việc; có nhu cầu, đòi hỏi được đánh giá đúng sự đóng góp; không phô trương, khoe mẽ; có lòng tự trọng cao; coi thường chủ nghĩa kinh nghiệm, muốn khám phá…

Nhìn chung, người tài năng thường đức độ luôn nhận được sự tôn vinh, kính trọng của mọi người. Tuy nhiên, người có tài thường hay bộc lộ chính kiến, thường dám nói, dám bảo vệ điều mình nghĩ, việc mình làm, đôi khi đến mức thái quá!

Nhận biết nhân tài, người tài năng đòi hỏi phải có cách nhìn toàn diện, khách quan, không bị che khuất bởi căn bệnh thành kiến, hẹp hòi, chi phối bởi chủ quan, siêu hình, xa rời thực tế cuộc sống. Căn bệnh thần thánh hóa nhân tài, người tài, cho người tài là toàn bích cũng nguy hiểm không kém việc tầm thường hóa, khoét sâu, chỉ trích những hạn chế, những “mặt trái”, “góc khuất” của người tài, nhân tài. Nhận biết nhân tài phải thực sự khoa học, cũng là những người có “con mắt tinh đời” mới phát hiện ra. Nhìn nhận, đánh giá người tài, nhân tài còn phụ thuộc vào quan điểm chính trị, giai cấp; cử chỉ, hành vi, hoạt động, cống hiến của người tài phải giải quyết được những mâu thuẫn, bức xúc trong đời sống xã hội của cộng đồng; đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Nhìn nhận về người tài, nhân tài ở cấp độ, phạm vi khác nhau và cả quá trình phát triển của họ. Người tài, nhân tài phải được phát hiện, bồi dưỡng như vun trồng những mầm non để lên xanh tươi tốt, cành lá xum xuê. Đôi khi, phải qua thử thách, thậm chí là chọn lọc tự nhiên để có người tài, nhân tài. Đó là những người tài chưa được phát hiện, khi có cơ hội để thử sức, tài năng của họ được bộc lộ, giải quyết được những vấn đề của cuộc sống đặt ra; tài năng, đức độ của họ được dân chúng ghi nhận, đánh giá, tôn vinh.

Ngày nay, nhân tài, tài năng phải được nhìn nhận, đánh giá từ con đường học tập qua các bậc học; qua hoạt động thực tế trong đời sống xã hội, với những thành quả lao động nghiêm túc (bao gồm sản xuất vật chất và nghiên cứu, sáng tạo; những hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng). Không thể có tài năng ngẫu nhiên, đột xuất, do may rủi.

3. Những yếu tố để nhân tài xuất hiện

Nhân tài, người tài là sản phẩm của lịch sử, xuất thân từ các cộng đồng xã hội, hiện hữu khi hoàn cảnh lịch sử và điều kiện xã hội đủ chín muồi. Không thể nói cầu mong thần linh cứu giúp sản sinh ra các nhân tài; cũng không ai ngăn cản được nhân tài, người tài phát lộ, xuất hiện để thực hiện sứ mệnh của họ do yêu cầu của lịch sử xã hội đặt ra.

Trong lịch sử, nhiều khi nhân tài được phát lộ do chọn lọc tự nhiên. Đó là khi có bối cảnh, khi có tình thế cần có người tài, nhân tài xuất hiện để giải quyết. Ví như truyền thuyết về Thánh Gióng xuất hiện để giúp nhà vua, giúp dân diệt trừ giặc Ân. Nhưng để trở thành Thánh Gióng cũng phải có công sức của nhân dân, làng gần, quê xa đêm ngày cung cấp gạo nước nuôi lớn người anh hùng; phải có Đức vua anh minh, đầy lòng tin tưởng, cho đúc ngựa sắt, giáp sắt…

Nhìn nhận trên các phương diện, nhân tài, người tài phải có sự đầu tư, chăm sóc, vun trồng. Không thể có nhân tài, người tài một cách tự nhiên.

Nhân tài muốn có được phải qua một quá trình rèn luyện và học tập lâu dài. Nhân tài không phải là mãi mãi nếu không thường xuyên rèn luyện, phấn đấu, phát huy. Tài năng có thể bị mai một nếu không được sử dụng, thức tỉnh sự sáng tạo. Nhân tài do rèn luyện, phát huy đúng mức những khả năng, tài năng mà thành. Thực tế cho thấy ở các thời đại, nhân tài phải có quá trình học tập, tích lũy, phát triển kiến thức, tri thức từ rất nhiều thế hệ con người. Nhân tài là người biết “đứng trên vai các thế hệ trước”. Nhân tài là biết làm giàu từ tài năng của người khác.

Vai trò chủ quan, phát hiện, chăm sóc, bồi dưỡng người có tài năng trở thành nhân tài đã được kiểm nghiệm qua các triều đại, các thể chế chính trị. Sau khi phát hiện, chọn lọc, xác định rõ người có tài, nhân tài, vấn đề đặt ra là phải có điều kiện, môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, bồi đắp để hoàn thiện nhân tài. Có ý kiến cho rằng: người lãnh đạo tài năng mới sử dụng được người tài, vua sáng mới có tôi hiền, phải “biết con, biết của”. Người đứng đầu, người lãnh đạo cũng phải là người có tài năng mới thu phục được người tài, người tài mới yên tâm gửi gắm cuộc đời của họ. Cần phê phán tư tưởng ghen ghét, đố kỵ với người có tài năng, làm thui chột những mầm non triển vọng.

Hiện nay, trong xã hội ta, cần thực thi dân chủ, bình đẳng xã hội để người tài được thể hiện, xuất hiện. Việc phát hiện, tuyển chọn người có biểu hiện tài năng, người có tài phải dân chủ, công minh để phát hiện, lựa chọn được người tài, tránh sự nhầm lẫn người tài. Cần xác định những tiêu chí về tài năng, đức độ cụ thể, lượng hóa được những tiêu chuẩn để có căn cứ, cơ sở rõ ràng trong tiến cử, giới thiệu, chọn lựa… Cần nghiên cứu, học tập cha ông ta trong việc định ra chế độ tiến cử người tài, khen thưởng người có công tiến cử đúng và xử phạt nghiêm khắc những người lợi dụng việc tiến cử để cài cắm, sắp xếp người thân. Trong thực tế, việc thực hiện nguyên tắc và quy chế công tác cán bộ là do tập thể, nhưng vẫn còn hiện tượng lợi dụng danh nghĩa tập thể một cách rất tinh vi để “cài cắm”, sắp xếp người thân quen, tạo lợi ích nhóm. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta phải có những quy định, chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn, xử lý những sai phạm trong việc phát hiện, tiến cử và sử dụng người tài./.

PGS. TS. Phan Hữu Tích - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.