Hà Nội, Ngày 28/04/2024

Rà soát các quy định của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để tránh chồng chéo, trùng lắp với quy định của Luật Di sản văn hóa

Ngày đăng: 27/03/2024   08:46
Mặc định Cỡ chữ

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 26/3/2024, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng dự Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng dự Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã bổ sung quy định về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia tại Điều 38. Đây là một nội dung hết sức cần thiết và quan trọng để vừa giúp quản lý chặt chẽ, vừa sử dụng quản lý có hiệu quả các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết, tại Khoản 5 Điều 38 dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Hội nghị lần này quy định: Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật này; trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, quy định này có thể hiểu là việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia được thực hiện ở cả Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự tường minh, chính xác, có thể gây chồng chéo, chưa thống nhất, vướng mắc trong thực hiện. Đồng thời nêu rõ, Điều 24 của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định về thẩm quyền của các chủ thể mang tài liệu lưu trữ ra ngoài hiện hành, lưu trữ lịch sử, trong đó có điểm b Khoản 2 quy định: Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định việc mang tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương ra ngoài; điểm c quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc mang tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở địa phương ra nước ngoài; tại Khoản 3 quy định Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định việc mang tài liệu của ngành mình ra ngoài lưu trữ để sử dụng trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng không quy định cụ thể riêng về việc tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ra nước ngoài.

Trong khi đó tại Khoản 2 Điều 44 của Luật Di sản văn hóa, quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài. Trong trường hợp này, với quy định như trên, việc đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia ra nước ngoài, nếu thực hiện ở cả hai luật là chưa phù hợp - đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng khẳng định và cho biết, sắp tới, Luật Di sản văn hóa sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, trong đó cũng sửa đổi các quy định liên quan tới bảo vệ, phát huy bảo vật quốc gia. Do vậy, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, cần rà soát và quy định rõ hơn về biện pháp, thẩm quyền quản lý bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cũng đề nghị cần quy định rõ hơn khi nào, với nội dung và biện pháp nào thì áp dụng cả hai luật và khi nào thì chỉ áp dụng Luật Di sản văn hóa mà không áp dụng Luật Lưu trữ (sửa đổi) để đảm bảo tính tường minh, thống nhất.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, vẫn còn sự chồng chéo về nội dung liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt giữa Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa. Do vậy, cần thiết phải rà soát lại để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa quy định của hai luật này. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng cần chỉnh sửa các thuật ngữ cho phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành. Theo đó, sửa đổi từ “trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa…” thành “trường hợp được công nhận, ghi danh là tư liệu di sản thế giới hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa…”.

“Bởi với bảo vật quốc gia thì việc công nhận và thẩm quyền công nhận là của Thủ tướng Chính phủ; còn với di sản tư liệu, di sản phi vật thể là “ghi danh” và không dùng “ghi danh” cho bảo vật quốc gia”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu quan điểm./.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương, 65 điều, về cơ bản đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật là kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ.  

Duy Thái

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp

Ngày đăng 27/04/2024
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí chấm điểm, đánh giá công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước dựa trên kết quả”.

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày đăng 25/04/2024
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Thủ tướng chỉ rõ "3 tăng cường", "5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số

Ngày đăng 24/04/2024
“Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.

Tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục nâng cao chỉ số cải cách hành chính; làm tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Ngày đăng 24/04/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Làm tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.