Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ

Ngày đăng: 21/03/2024   16:46
Mặc định Cỡ chữ

Những năm gần đây, một số thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nam Bộ để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc nhằm mục đích chống phá Nhà nước Việt Nam, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”. Bài viết góp phần nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ. 

 

1. Nhận diện âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ

Từ lâu, Tây Nam Bộ đã là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Nhưng do tính chất phức tạp của lịch sử nên cho đến nay, vấn đề chủ quyền lãnh thổ vẫn còn có những nhận thức chưa thật đầy đủ; một số thế lực thù địch như: Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm (AKKK), Hội Sư sãi Khmer Campuchia Krôm, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP)(1), Phong trào Cứu quốc Campuchia (CNRM)... vẫn ngoan cố lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”. 

Những năm gần đây, một bộ phận người Khmer tại Campuchia đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam đòi phản đối chính sách đất đai của Việt Nam. Nguyên cớ của những cuộc biểu tình này được cho là bắt nguồn từ phát biểu của Tham tán chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Trần Văn Thông (tháng 6/2014): “Miền đất Nam Bộ thuộc về Việt Nam từ lâu trước khi Pháp chuyển giao cho Việt Nam”. Sau đó, khi trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 09/9/2014, Thạch Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Krôm ở Campuchia đã nói: “Đất đai Kampuchea Krôm là của chúng tôi, và bị người Pháp giao cho người Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam tôn trọng lịch sử, tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, công khai xin lỗi chúng tôi và không can thiệp vào chính trị của các quốc gia khác”. Từ những nhận thức xuyên tạc trên, Thạch Setha muốn phía Việt Nam chính thức công khai xin lỗi người Khmer Krôm và công nhận lịch sử của chúng tôi bằng văn bản và yêu cầu không can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia khác của khối ASEAN. Để gây áp lực cho Việt Nam, Thạch Setha đe dọa: “Nếu như không có phản hồi hay giải quyết gì từ phía Việt Nam, thì đầu tháng 10 này (năm 2014), chúng tôi sẽ có biểu tình lớn để yêu cầu Chính phủ Campuchia tạm cắt đứt quan hệ với Việt Nam cho tới khi nào Việt Nam thừa nhận lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi cũng kêu gọi người Campuchia tẩy chay hàng hóa Việt Nam”(2).

Cùng với đó, các tổ chức phản động của người Khmer Nam Bộ lưu vong ở nước ngoài như: CNRM, AKKK, Hội Sư sãi Khmer Campuchia Krôm, Liên hiệp Ủy ban Chủ nghĩa dân tộc (KKK), Hội Bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm, Mặt trận Giải phóng dân tộc Campuchia Krôm (KKNLF), Ủy ban Dung hòa Khmer Campuchia Krôm (KKKCC), Liên minh Khmer Campuchia. Krôm (KKF), Ủy ban Điều phối Khmer Campuchia Krôm (KKKCC)... cũng liên tục có những hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. “Các tổ chức này hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức. Chúng tài trợ kinh phí, kích động sư tăng trong nước ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đấu tranh đòi thành lập Nhà nước Khmer Krôm tự trị... Ở bên ngoài, hằng năm, chúng tổ chức kỷ niệm ngày chính quyền Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ cho Việt Nam (ngày 04/6/1949) và gọi đó là ngày “quốc hận”, bịa đặt các vấn đề về nhân quyền người Khmer ở Việt Nam... Ở những mức độ khác nhau, hoạt động của các tổ chức chính trị phản động nói trên đều có tác động đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận đồng bào Khmer Nam Bộ”(3).

2. Đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ

Về dân tộc, căn cứ những di vật, phế tích và các giá trị của nền văn hóa Óc Eo(4) được các thư tịch cổ Trung Hoa ghi chép lại, các nhà khoa học đã đi tới nhận định rằng, Vương quốc Phù Nam đã từng tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII và vấn đề Phù Nam không thể tách rời vấn đề Óc Eo. Hay nói cách khác, việc đồng nhất những di vật thuộc nền văn hóa Óc Eo là di tích văn hóa vật thể của nước Phù Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Trong bài viết Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất Nam Bộ, Giáo sư Vũ Minh Giang nhận định: “Một vấn đề có ý nghĩa quan trọng là xác định chủ nhân của văn hóa Óc Eo. Trước đây, người ta thường nói mà không chứng minh rằng chủ nhân nền văn hóa này là tổ tiên của người Khmer. Nhưng dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới thì vấn đề không phải như vậy. Trước hết, tất cả những di tích thuộc văn hóa Óc Eo có thể dễ dàng nhận thấy là khác biệt với văn hóa Khmer. Những dấu vết của Chân Lạp trên đất Nam Bộ không thể hiện là sự phát triển liên tục của văn hóa Phù Nam”(5).

Về phong tục tập quán, sử liệu Trung Quốc cũng cho biết, tang lễ và hôn nhân của nước Phù Nam gần giống với Lâm Ấp (tức Champa). Căn cứ vào những ghi chép trong các thư tịch cổ Trung Hoa thì nước Phù Nam là một quốc gia nằm ở phía Nam của Lâm Ấp, tương đương với vùng đất Nam Bộ ngày nay. Các nhà khoa học đã thống nhất nhận định, nước Phù Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công nguyên. Trong thời kỳ hưng thịnh, nước Phù Nam phát triển thành một đế chế gồm: Toàn bộ phần phía Nam bán đảo Đông Dương (Nam Bộ Việt Nam, Campuchia, một phần Nam Lào), một phần Thái Lan và bán đảo Malacca, trung tâm vẫn là vùng Nam Bộ Việt Nam. 

Đế chế Phù Nam bắt đầu quá trình suy yếu vào cuối thế kỷ VI. Nhân cơ hội này, vào đầu thế kỷ VII, Chân Lạp - một thuộc quốc của nước Phù Nam, do người Khmer xây dựng, lúc bấy giờ ở vùng trung lưu sông Mê Kông và khu vực phía Bắc Biển Hồ, lấy nông nghiệp là nghề chính để sinh sống, đã đánh chiếm một phần lãnh thổ của nước Phù Nam ở vùng hạ lưu sông Mê Kông - vùng Nam Bộ Việt Nam. 

Như vậy, từ chỗ là một vùng đất thuộc nước Phù Nam, sau năm 627, vùng đất Nam Bộ bị phụ thuộc vào Chân Lạp và được gọi là Thủy Chân Lạp để phân biệt với vùng đất Lục Chân Lạp - vùng đất gốc của nước Chân Lạp. Trên thực tế, việc cai quản vùng Thủy Chân Lạp gặp nhiều khó khăn. Trước hết, với truyền thống quen khai thác các vùng đất cao, dân số ít, người Khmer khi đó không có khả năng tổ chức khai thác vùng đồng bằng rộng lớn mới bồi lấp, còn ngập nước và sình lầy. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên vùng đất gốc - Lục Chân Lạp đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực.

Do chiến tranh và phải tập trung phát triển các trung tâm ở vùng lục địa, sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, đến thế kỷ XIII, theo Chu Đạt Quan (1266-1346) - một nhà ngoại giao Trung Quốc dưới thời Nguyên Thành Tông, “vùng đất Nam Bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với những “bụi rậm của khu rừng thấp... tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi... những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm...””(6)

Bắt đầu từ thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm La (Thái Lan) từ phía Tây, đặc biệt là từ sau khi Vương quốc Ayuthaya hình thành. Trong gần một thế kỷ, Chân Lạp liên tiếp phải đối phó với những cuộc tiến công từ phía Xiêm La, có lúc Kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng. 

Từ thế kỷ XVI, do sự can thiệp của Vương triều Xiêm La, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc và dần bước vào thời kỳ suy vong. Chân Lạp hầu như không quan tâm đến vùng đất còn ngập nước ở phía Đông và trên thực tế đã không đủ sức để quản lý vùng đất này. Trong bối cảnh đó, nhiều cư dân Việt từ vùng đất Thuận Quảng đã vào vùng Mô Xoài, Đồng Nai (miền Đông Nam Bộ) khai khẩn đất hoang lập làng sinh sống.

Trên cơ sở đơn vị tụ cư trù phú, những trung tâm kinh tế đã phát triển. Năm 1698, Chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất này và cho lập ra ở đây một đơn vị hành chính lớn gọi là phủ Gia Định. Như vậy, vào cuối thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã xác lập được quyền lực của mình tại vùng trung tâm của Nam Bộ, khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất mà trên thực tế, chính quyền Chân Lạp chưa khi nào thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của mình.

Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng diễn ra vào năm 1708, để bảo vệ cư dân vùng đất Hà Tiên lúc đó trước sự tiến công, cướp bóc của người Xiêm La, Mạc Cửu đã xin và được nội thuộc vào triều đình Chúa Nguyễn. 

Năm 1858, Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1862, đại diện của Nhà Nguyễn là Phan Thanh Giản và đại diện của Pháp là Đô đốc Bonard đã ký Hiệp ước Nhượng quyền cai quản ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp (còn gọi là Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862)). Tiếp đó, năm 1867, Pháp lại đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1874, triều đình Nhà Nguyễn ký tiếp Hiệp ước Nhượng toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp cai quản (còn gọi là Hòa ước Giáp Tuất (năm 1874)). 

Về mặt chính trị, Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862) và Hòa ước Giáp Tuất (năm 1874) được ký dưới sức ép và sự đe dọa vũ lực của quân Pháp, thể hiện sự bất lực của Nhà Nguyễn, nhưng về mặt pháp lý, nhất là ý nghĩa pháp lý quốc tế thì hai hiệp ước này lại là bằng chứng về chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ. Pháp không thể ký kết một hiệp ước chia cắt một phần lãnh thổ của một quốc gia nếu quốc gia kết ước không có chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó.

Khi triều đình Nhà Nguyễn buông ngọn cờ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì Nhân dân Việt Nam đã không tiếc xương máu, đồng lòng, chung sức đứng lên đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, cứu nước, bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Trước sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến và để đối phó với dư luận quốc tế, từ cuối năm 1947 Chính phủ Pháp đã dựng lên “Quốc gia Việt Nam” (Etat du VietNam) do Bảo Đại đứng đầu. Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp V.Auriol đã ký với Quốc trưởng Bảo Đại Hiệp ước Élysée, theo đó, Pháp chính thức trả lại Nam Kỳ cho quốc gia Việt Nam và công nhận sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngay sau sự kiện này, một loạt quốc gia phương Tây, trong đó có Anh và Mỹ đã công nhận quốc gia Việt Nam. Phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiệp ước Élysée được coi là văn kiện có giá trị pháp lý cho việc thu hồi lại vùng đất Nam Kỳ mà trước đó theo các hòa ước năm 1862 và năm 1874 Triều Nguyễn đã ký nhượng cho Pháp.

Về yêu sách của Chính quyền Campuchia đối với vùng đất Nam Bộ, ngày 8-6-1949, Chính phủ Pháp đã gửi một bức thư cho Quốc vương Norodom Sihanouk, trong đó nêu rõ: ““Về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Campuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ” vì “Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các Hiệp ước năm 1862 và 1874... chính từ triều đình Huế mà Pháp nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam... về pháp lý, Pháp có đủ cơ sở để thỏa thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế chính trị của Nam Kỳ”. Trong bức thư đó Chính phủ Pháp còn khẳng định: “Thực tế lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn phụ thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới” và “Hà Tiền đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến””(7) 

Với bức thư trên, Pháp không chỉ thừa nhận một thực tế lịch sử chứng tỏ người chủ thực sự của vùng đất Nam Bộ là Nhà nước Việt Nam mà còn nêu lại một lần nữa cơ sở pháp lý khẳng định vùng đất Nam Bộ là thuộc chủ quyền của Việt Nam từ trước khi Pháp đặt chân đến Nam Kỳ.

Trên lĩnh vực tôn giáo, người Khmer với Phật giáo Nam tông ở khu vực Tây Nam Bộ từ lâu đã bị các thế lực phản động trong và ngoài nước hướng tới với chiêu bài thành lập “Nhà nước Khmer Krôm tự trị”. Chúng lôi kéo đồng bào, các nhà sư sang Campuchia dự ngày lễ “mất đất” (ngày 4-6); mua chuộc, móc nối những người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Tính từ năm 2010 đến nay, trong vùng đồng bào Khmer đã hình thành khoảng 6 hội, nhóm trái pháp luật, với lý do bảo tồn văn hóa dân tộc; giúp đỡ chùa chiền, sư sãi gặp khó khăn; thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer... Song, thực chất của việc làm đó là nhằm liên kết các sư sãi, tăng sinh có tư tưởng cực đoan thành một khối để bôi nhọ, hạ uy tín những chức sắc, sư sãi có tư tưởng tiến bộ. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay, có trên 1.000 sư sãi Khmer đi tu học nước ngoài; trong đó, có 66 trường hợp bị tổ chức phản động lưu vong KKK đưa đi huấn luyện, đào tạo để chống phá Việt Nam(8). Chúng tuyên truyền, thông tin sai sự thật về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer như: Đồng bào Khmer bị áp bức, không có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo... trên các phương tiện thông tin do chúng lập ra ở nước ngoài (Đài Tiếng nói Kampuchia Krôm (VOKK)...). Một số đài nước ngoài có thái độ thù địch với Việt Nam (như: BBC, RFA, RFI, VOA) đã triệt để sử dụng internet, mạng xã hội để phát tán tài liệu và truyền tải những thông tin xấu, độc, sai sự thật. 

Như vậy, từ những chứng cứ khảo cổ học, lịch sử, văn hóa và thực tiễn cho thấy, vùng đất Nam Bộ là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ thể hiện rõ những luận cứ khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế, chứng minh quá trình xác lập, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Lịch sử cũng khẳng định công lao to lớn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam Bộ suốt từ thế kỷ XVII đến nay. Điều này phù hợp với nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng, phù hợp với thông lệ và các công ước quốc tế hiện hành. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn được thể hiện trên thực tiễn ở vùng đất có đông đồng bào Khmer khu vực Tây Nam Bộ.

3. Một số giải pháp đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ.

Một là, tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên về lịch sử vùng đất Nam Bộ. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế, Nam Bộ còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao xương máu để dựng xây và bảo vệ. Vì thế, cần thường xuyên có những bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng và xây dựng chương trình giáo dục ngoại khóa trong trường học về lịch sử vùng đất Nam Bộ. Trong đó, cần làm rõ tiến trình lịch sử và quá trình xác lập chủ quyền vùng đất Nam Bộ của Việt Nam. Việc tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên về lịch sử vùng đất Nam Bộ sẽ góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và ý thức công dân cho đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ, để đồng bào ý thức được Việt Nam là Tổ quốc của họ và việc chung tay xây dựng một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là trách nhiệm chung của mọi người dân Việt Nam; không tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa ly khai tự trị, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Tập trung quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo (Nghị quyết số 25-NQ/TW); Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng... Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Nam Bộ, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, để họ nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Ba là, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam; vận động đồng bào tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe, không tin kẻ xấu. Chủ động, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo đồng bào tụ tập, gây bạo loạn. Khi xuất hiện “điểm nóng”, cần tìm rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp giải quyết kịp thời, không để lan rộng, không để các thế lực thù địch lấy cớ can thiệp; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những kẻ cầm đầu ngoan cố chống phá.

Bốn là, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. “Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(9). 

Năm là, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết đầu ra cho nông sản. Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi để người dân sử dụng vốn có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giải quyết khó khăn, bức xúc của đồng bào về các vấn đề nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Có chính sách đặc thù đối với nông hộ Khmer trong cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ con giống, chuồng trại, đất ở, nhà ở; đầu tư xây dựng mô hình trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn./.

------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) bị giải thể ngày 16/11/2017. Sau đó, một số lãnh đạo lưu vong của đảng này thành lập Phong trào Cứu quốc Campuchia (CNRM) tại Mỹ (tháng 01/2018). 

(2) Xem: Nguyễn Văn Huy, Người Khmer Krom đòi Nam Bộ là “vô lý", https://nghiencuuquocte.org, ngày 19/9/2014.

(3) Cảnh giác với âm mưu gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, https://www.angiang.des.vn, ngày 22/11/2021. 

(4) Văn hóa Óc Eo do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đặt tên. Sau khi tổ chức khai quật khảo cổ vào tháng 2-1944 tại một gò đất cao trên cánh đồng hướng Đông núi Ba Thê, ông gọi đó là Gò Óc Eo - nay thuộc địa phận xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

(5),(6),(7) Vũ Minh Giang, Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất Nam Bộ, in trong cuốn: Đại học Quốc gia Hà Nội - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001-2006), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.477, tr.478-479, tr.484.

(8) Xem: Thạch Phước Bình, Một số biện pháp đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer chống phá cách mạng nước ta trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, https://tapchiqptd.vn, ngày 20/02/2020. 

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170-171.

Tài liệu tham khảo:

1. Thạch Phước Bình, Một số biện pháp đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer chống phá cách mạng nước ta trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, https://tapchiqptd.vn, ngày 20/02/2020.

2. Trương Thị Kim Chuyên (Chủ biên), Vùng đất Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

4. Vũ Minh Giang, Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất Nam Bộ, in trong cuốn: Đại học Quốc gia Hà Nội - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001-2006), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006.

5. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013. 

6. Trần Thuận, Chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ thời nhà Nguyễn - Cơ sở cho sự hoạch địch biên giới giữa Việt Nam và Campuchia thời thuộc Pháp, Tạp chí Khoa học xã hội, số 2 (210)-2016, tr73-86.

7. Trương Như Vương, Hoàng Ngọc Sơn, Trịnh Xuân Hạnh, Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

 

TS Đào Đình Thưởng, Học viện Chính trị khu vực I

Theo: haugiang.dcs.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi ngân sách

Ngày đăng 24/04/2024
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong xử lý công việc, tránh chồng chéo, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.