![]() |
Xây dựng, hoàn thiện các văn bản QPPL để triển khai Luật Thanh niên
Ngày 05/4/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 285/QĐ-BNV về phê duyệt Đề án: “Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Nội vụ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Quản lý nhà nước về công tác thanh niên là một trong những nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, việc ban hành Đề án có ý nghĩa quan trọng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, đặc biệt là các định hướng phát triển đất nước; giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Nội vụ nói chung và quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên nói riêng.
Cụ thể, các nội dung tập trung chủ yếu liên quan đến xây dựng, hoàn thiện các văn bản QPPL để có cơ chế, chính sách và thể chế quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên sau khi Luật Thanh niên năm 2020 đã được ban hành và có hiệu lực thi hành, như: lĩnh vực về lao động, việc làm, khởi nghiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách thanh niên tài năng, thanh niên khởi nghiệp, thanh niên dân tộc thiểu số; các vấn đề liên quan đến xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị chưa được xác định phiên hiệu.
Các vấn đề liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế sau ngày 30/4/1975 trên cơ sở kiến nghị của các địa phương và công dân (chưa được hưởng chế độ, chính sách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và sau khi hòa bình lập lại). Về các hướng dẫn cụ thể đối với quy trình để thanh niên tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn tín dụng hợp pháp khác để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh; cũng như cách tiệp cận để hưởng ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Đối với Thông tư số 18/2014/TT-BNV ngày 25/11/2014 của Bộ Nội vụ quy định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị chưa được xác định phiên hiệu. Từ thực tế quản lý nhà nước cho thấy, đối tượng thanh niên xung phong đã già yếu, lớn tuổi, thay đổi nơi ở đã làm thất lạc hoặc không còn lưu giữ được nhiều tài liệu gốc có tính pháp lý, đáp ứng đầy đủ thông tin tiêu chí của phiên hiệu và đơn vị thành niên xung phong theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7; không bảo đảm hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 18/2014/TT-BNV dẫn đến khó khăn trong việc xem xét, xác nhận phiên hiệu và ghi nhận công lao đóng góp của thanh niên xung phong, do vậy cần thiết sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện xác nhận phiên hiệu thanh niên xung phong chưa đi vào chiều sâu, thực chất.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên
Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 18/2014/TT-BNV cần có văn bản quy định về các vấn đề liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế sau ngày 30/4/1975 trên cơ sở kiến nghị của các địa phương và công dân (chưa được hưởng chế độ, chính sách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và sau khi hòa bình lập lại).
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản QPPL nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và thể chế quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên, đảm bảo việc triển khai các chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực về lao động, việc làm, khởi nghiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, văn hóa, thể dục, thể thao; đồng thời, quy định chính sách đối với nhóm thanh niên cụ thể như chính sách thanh niên tài năng, thanh niên khởi nghiệp, thanh niên dân tộc thiểu số.
Khoản 6 Điều 38 Luật Thanh niên năm 2020 quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ: “Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên". Tuy nhiên, đến nay chưa có nghị định về thanh tra chuyên ngành lĩnh vực công tác thanh niên. Do đó, cần tập trung xây dựng văn bản QPPL về quy định thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về công tác thanh niên để bảo đảm có chế tài khi các cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đối với thanh niên. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật Thanh niên năm 2020, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể đối với quy trình để thanh niên tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn tín dụng hợp pháp khác để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh; cũng như cách tiệp cận để hưởng ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Có thể khẳng định, quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên mang tính quyền lực nhà nước đối với một đối tượng đặc trưng là thanh niên; là quá trình tác động của hệ thống các cơ quan nhà nước đối với công tác thanh niên và thanh niên bằng chính sách, luật pháp, cơ chế vận hành và tổ chức bộ máy, bằng kiểm tra, giám sát, đồng thời cũng bằng các chính sách, luật pháp. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản QPPL quản lý nhà nước về thanh niên còn mang tính định hướng, chưa đầy đủ, đồng bộ và chậm được hướng dẫn, triển khai. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản QPPL để có cơ chế, chính sách và thể chế quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên hiệu lực, hiệu quả; đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan quản lý về thanh niên góp phần khơi dậy, phát huy ý chí, sức sáng tạo của lực lượng thanh niên trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.
Lê Sơn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục