Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Kết quả triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi

Ngày đăng: 29/11/2022   14:11
Mặc định Cỡ chữ
Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Bài viết đánh giá thực trạng sắp xếp, tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và đưa ra một số giải pháp góp phần hoàn thiện bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII đã thảo luận và thống nhất thông qua Nghị quyết về giao biên chế công chức cho các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 là 1.962 biên chế. Ảnh minh họa: dbnd.quangngai.gov.vn

Kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi

Những kết quả nổi bật

Qua hơn 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, về thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND với cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, bao gồm Văn phòng HĐND và UBND huyện, thị xã, thành phố hợp nhất với Văn phòng huyện ủy, thị ủy, thành ủy; Phòng Nội vụ (Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội đối với huyện Lý Sơn) huyện, thị xã, thành phố hợp nhất với Ban Tổ chức huyện ủy, thị ủy, thành ủy; Thanh tra huyện, thị xã, thành phố hợp nhất với Ủy ban kiểm tra huyện ủy, thị ủy, thành ủy. Tính đến ngày 29/02/2020, có 31 cơ quan chuyên môn của 14 huyện, thị xã, thành phố hợp nhất với các cơ quan tham mưu, giúp việc thuộc huyện ủy, thị ủy, thành ủy.

Thứ hai, về sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, UBND tỉnh đã tổ chức sắp xếp cơ cấu bộ máy bên trong của các sở, ngành, địa phương. Qua quá trình rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đã giảm 22 phòng chuyên môn thuộc 07 sở (Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giao thông vận tải; Sở Khoa học và Công nghệ; Thanh tra tỉnh) và 23 phòng chuyên môn thuộc chi cục và tương đương. Chính quyền địa phương cấp huyện đã thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn theo đúng quy định. Có 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng Đề án hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện. Theo phương án sắp xếp, chính quyền địa phương ở 03 huyện (Lý Sơn, Ba Tơ và Nghĩa Hành) giải thể Phòng Y tế, chuyển chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế cho Văn phòng HĐND - UBND huyện.

Thứ ba, về tổ chức xây dựng mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công, cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” ở các cấp, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và phê duyệt danh mục thủ tục hành chính (TTHC) tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết tại Trung tâm; đồng thời, đã thành lập 03 Trung tâm Hành chính công tại huyện Sơn Hà, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, đã triển khai thành lập 13/13 bộ phận “một cửa” cấp huyện và 173/173 bộ phận “một cửa” cấp xã. UBND cấp huyện đã phối hợp với các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn từng bước đưa các TTHC vào thực hiện tiếp nhận, trả kết quả ngay tại bộ phận “một cửa”.

Việc đổi mới, sắp xếp bộ máy cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và công tác chuyên môn của Nhà nước; cán bộ, công chức có chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau có thể hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, chất lượng và hiệu quả công việc từng bước được nâng cao, khắc phục tình trạng chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giảm số lượng văn bản và các cuộc họp. Hoạt động phân định thẩm quyền giữa các cấp hành chính (tỉnh, huyện, xã) rõ ràng hơn, tăng thêm nhiều quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương. Cụ thể, về tổ chức bộ máy, UBND cấp tỉnh được quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh trên cơ sở tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định; chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định cụ thể tên gọi, số lượng các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp; chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. 

Mặt khác, cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh Quảng Ngãi được tinh giản về đầu mối; phân định ngày càng rõ hơn hoạt động quản lý nhà nước với hoạt động cung ứng dịch vụ công; hạn chế việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các cấp. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, phòng chuyên môn cấp huyện được quy định rõ ràng, cụ thể, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các ngành, các cấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. 

Một số hạn chế, vướng mắc

Thứ nhất, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế, vướng mắc như: việc thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan khối Nhà nước và khối Đảng cấp huyện có chức năng tương đồng còn mang tính cơ học, chỉ giảm số lượng người đứng đầu. Cụ thể, cơ chế hoạt động của bộ máy Đảng chủ yếu là theo Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; nguyên tắc hoạt động cơ bản là thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số, Đảng lãnh đạo thông qua các phương thức ra nghị quyết, chủ trương để lãnh đạo về tổ chức cán bộ, tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát và nêu gương. Trong khi đó, hoạt động của chính quyền phải rất cụ thể, chi tiết, mang tính chuyên môn, cơ chế hoạt động của chính quyền là theo chính sách và pháp luật của Nhà nước. Do đó, khi điều hành công việc nếu không xác định rõ vai trò, vị trí, cương vị công tác sẽ gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo.

Thứ hai, mô hình về tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước chưa được hoàn thiện, còn cồng kềnh và nhiều tầng nấc, chưa phân công hợp lý dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và chưa đáp ứng nguyên tắc phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính trên một số lĩnh vực còn trùng lặp hoặc bỏ trống, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. 

Thứ ba, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước có sự xáo trộn khá lớn, cụ thể trong vòng 15 năm, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện trải qua 04 lần sắp xếp, làm cho bộ máy cơ quan hành chính nhà nước chưa kịp ổn định để phát huy hiệu lực, hiệu quả cũng như chưa có đủ điều kiện cần thiết để đánh giá chính xác, đầy đủ ưu điểm và hạn chế của mô hình cần thay thế. 

Thứ tư, việc triển khai thực hiện khiến cho các cấp ở địa phương bị đặt vào tình thế là phải tập trung cho công việc sắp xếp lại tổ chức, dẫn đến những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cũng bị tác động theo. 

Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy luôn có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến các quan hệ lợi ích, thẩm quyền. Thực tế ở tỉnh Quảng Ngãi cho thấy dù rất cố gắng giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh do sắp xếp lại bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, tuy nhiên, vẫn có những ảnh hưởng đến lợi ích của các cá nhân trong quá trình sắp xếp lại bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. 

Thứ năm, việc sắp xếp, kiện toàn về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, mới mang tính hợp nhất về đầu mối, nhưng các thành phần về tổ chức bộ máy, số lượng biên chế vẫn không thay đổi, chưa được xem xét, đánh giá cho phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, biên chế; thậm chí có đơn vị còn tăng số lượng tổ chức bên trong, tăng thêm biên chế do bổ sung chức năng, nhiệm vụ.

Thứ sáu, mối quan hệ tổ chức giữa các cấp, các ngành chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, nên chưa tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình vận hành của bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; hiệu lực quản lý nhà nước ở một số sở, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Việc thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền còn chậm, chưa có sự thống nhất, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ngoài ra, một số kết quả phân cấp, phân quyền về ngân sách, biên chế, tổ chức bộ máy... còn nhiều lĩnh vực khác chưa được các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để chuyển giao cho chính quyền các cấp, cơ quan hành chính.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do, một số văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khối chính quyền và khối Đảng sau khi thực hiện thí điểm hợp nhất chưa được rõ ràng; cơ chế, chính sách giữa khối chính quyền và khối Đảng sau khi thực hiện hợp nhất chưa được ban hành; nhận thức và sự quyết liệt của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị về cải cách bộ máy cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế; chưa thực sự tâm huyết, đầu tư công sức cho công việc này. Công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; việc xử lý các tình huống có vấn đề phát sinh còn chậm và chưa hiệu quả. Sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn cấp trên đối với cơ quan chuyên môn cấp dưới còn thiếu tích cực. Đặc biệt, sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công cuộc cải cách bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương còn hạn chế, mang tính hình thức.

Giải pháp tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới

Một là, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, trước tiên là với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý về công tác tổ chức sắp xếp bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng và ban hành quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện về thể chế (chính sách, khung pháp luật) cho công tác cải cách bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. Trung ương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các cơ quan đã thực hiện hợp nhất giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của khối Đảng và khối chính quyền; hướng dẫn về cơ chế hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của người đứng đầu các chức danh nhất thể hóa; các bộ, ngành sớm ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020.

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; sắp xếp lại bộ máy gắn với việc phân định hợp lý, rõ ràng hơn về nhiệm vụ, thẩm quyền của các bộ phận chuyên môn. Củng cố, sắp xếp lại các bộ phận chuyên môn trong từng cơ quan hành chính theo hướng trách nhiệm rõ ràng, bộ máy gọn nhẹ, tăng cường tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh công việc của cá nhân và tổ chức. Xác định rõ các nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp trong sự vận hành bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. 

Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về kết quả hoạt động của bộ máy do mình phụ trách. Loại bỏ những việc làm hình thức, không có hiệu quả thiết thực, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính. Tăng cường trách nhiệm và năng lực của cơ quan hành chính trong giải quyết công việc của cá nhân và tổ chức. Có biện pháp khắc phục nhận thức máy móc về tập trung dân chủ, tạo sự đồng thuận. Rà soát lại quy chế làm việc của cơ quan hành chính nhằm khắc phục tình trạng quy định chung chung và hình thức, chưa sát với đặc điểm và thực tế công tác của cơ quan dẫn đến tình trạng quy trình giải quyết công việc kéo dài; chưa rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức về những việc tham mưu, đề xuất; kỷ luật hành chính không nghiêm.

Ba là, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đến đánh giá, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ... theo hướng đẩy mạnh dân chủ và công khai, minh bạch. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần hướng theo mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả công việc, khả năng thích ứng và tăng năng suất lao động của cán bộ, công chức đối với công việc được giao phù hợp với yêu cầu của địa phương trong giai đoạn hiện nay; nhằm tạo điều kiện, giảm thời gian cho cán bộ, công chức làm quen với vị trí, công việc mới trong các trường hợp đề bạt, luân chuyển, điều động, biệt phái; trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn của ngạch và yêu cầu về nguồn nhân lực của tổ chức. Vì vậy, cần xác định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; phải nắm rõ đội ngũ cán bộ, công chức đang hoặc sẽ làm công việc gì, yêu cầu đặt ra cho công việc đó, để có kế hoạch cụ thể về đối tượng, thời gian, hình thức, nội dung, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thích hợp cũng như kinh phí cần thiết để tiến hành. 

Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; áp dụng các công cụ, phương pháp quản lý hiện đại trong các cơ quan hành chính. Cần có quy chế phối hợp hoạt động đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, thẩm quyền như Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính… và các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Tiến hành nâng cấp và khai thác có hiệu quả trang thông tin điện tử của UBND để phục vụ trực tiếp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, cần nâng cao trình độ quản trị mạng cho cán bộ, công chức chuyên trách và kỹ năng sử dụng tin học của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung./.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Báo cáo số 99-BC/TU ngày 27/7/2021 sơ kết việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Kế hoạch của tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các mô hình thí điểm theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị.  

2. Lê Minh Thông, Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay, Nxb CTQG-ST, H.2011. 

3. Vũ Thư, Tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.2019.

 

TS Võ Công Khôi - Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi ngân sách

Ngày đăng 24/04/2024
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong xử lý công việc, tránh chồng chéo, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.