Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 06 chương, 91 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư

Ngày đăng: 10/11/2022   09:11
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, phát biểu điều hành nội dung phiên họp sáng nay (10/11/2022), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, về việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động, do còn có ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Tổng hợp kết quả cho thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội về các phương án chưa đạt mức độ tập trung cao nên ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp, tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82).

Phương án tiếp thu như trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội (lần thứ hai) cho thấy đa số đại biểu tán thành với quy định như dự thảo Luật.

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là “Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội. 

Về bố cục của dự thảo Luật, sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật có 06 chương, 91 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư. Trong đó, Chương IV của dự thảo Luật về việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động được bố cục thành 02 mục. Mục 1 quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước gồm 04 tiểu mục, Mục 2 gồm 01 điều quy định về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3) và quyền thụ hưởng của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động”; bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân.

Đối với ý kiến về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của chủ đầu tư về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; việc thực hiện công khai thông tin trong quá trình đầu tư,… mà không đi sâu vào các vấn đề có tính chi tiết, kỹ thuật.

Trên cơ sở đó phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng, tác động tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng hay những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, của cộng đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý quy định về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Chương III); về tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Chương V); về áp dụng pháp luật (Điều 92)./.

Hà Linh

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày đăng 25/04/2024
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Thủ tướng chỉ rõ "3 tăng cường", "5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số

Ngày đăng 24/04/2024
“Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.

Tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục nâng cao chỉ số cải cách hành chính; làm tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Ngày đăng 24/04/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Làm tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định

Ngày đăng 23/04/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo yêu cầu ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.