Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Hưng Yên: Nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ngày đăng: 24/07/2022   08:55
Mặc định Cỡ chữ
Thời gian qua, các cấp, ngành ở tỉnh Hưng Yên không ngừng đổi mới về cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại
Làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hưng Yên.

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị ở Hưng Yên vào cuộc quyết liệt với tinh thần tất cả hành động của chính quyền phải hướng tới người dân và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hàng loạt vấn đề. Có thể đề cập từ công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp cận dịch vụ công, tiếp nhận giải quyết góp ý, phản ánh kiến nghị; đến việc công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công...

Quyết tâm chính trị

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn cho biết: Giải phóng mặt bằng là một điểm nghẽn khi triển khai nhiều công trình, dự án. Để giải quyết vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các công trình dự án trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư.

Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ-Hưng Yên Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Giải phóng mặt bằng là vấn đề khó nhất trong triển khai dự án. Việc thu hồi đất giai đoạn một của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Mỹ gặp khó do hàng chục hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, đền bù, chưa giao đất cho công ty. Tuy nhiên, khi có Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Yên Mỹ để vận động, thuyết phục và hỗ trợ thi công, những ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng được tháo gỡ.

Đến nay, Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ-Hưng Yên đã giải phóng được hơn 60% diện tích đất dự án và phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng và hết năm 2023 sẽ hoàn thành cơ sở hạ tầng khu công nghiệp theo tiến độ. Anh Nguyễn Sinh Quân, cán bộ phụ trách thông tin của Công ty Tân Đệ cho biết: Môi trường đầu tư ở tỉnh Hưng Yên khá thuận lợi; các thủ tục hành chính, chính sách thuế... đều rõ ràng, minh bạch. Việc thu hồi hơn 3,3ha đất để xây dựng nhà máy sản xuất quần áo thể thao xuất khẩu ở huyện Kim Động khá thuận lợi. Đến nay, nhà máy của công ty Tân Đệ có hơn 1.000 công nhân làm việc, sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm xuất khẩu mỗi năm.

Hoạt động hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp ở tỉnh Hưng Yên đã mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Hưng Yên phát triển. Năm 2021: Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh tăng 6,52%; thu nhập bình quân đầu người đạt 87,4 triệu đồng/năm, tổng thu ngân sách hơn 19 nghìn tỷ đồng; có thêm 4 khu công nghiệp mới có diện tích hơn 587ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; thu hút được 86 dự án mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,8 tỷ USD; có 1.323 doanh nghiệp được thành lập mới... 6 tháng đầu năm 2022: GRDP tăng 8,6%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,76%; tổng thu ngân sách tăng đột biến, đạt hơn 25,8 nghìn tỷ đồng, tăng 161,8% so cùng kỳ năm 2021; đời sống nhân dân, an sinh xã hội và lao động, giải quyết việc làm cơ bản được bảo đảm.

Theo số liệu thống kê, đến nay, tỉnh Hưng Yên có khoảng 14 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 153 nghìn tỷ đồng; có khoảng 2.100 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 250 nghìn tỷ đồng và gần 6 tỷ USD.

Tăng hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp

Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nêu vấn đề: Các cơ quan quản lý cần biết các doanh nghiệp, doanh nhân đang gặp khó khăn, vướng mắc gì và cần hỗ trợ gì? Đâu là nút thắt, trở ngại cần được gỡ bỏ, cởi trói để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển? Làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn và giúp các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động thuận lợi, an toàn, hiệu quả hơn? Đồng chí yêu cầu: Với tinh thần cầu thị và trách nhiệm cao, các cơ quan cần cam kết sẽ làm gì, có cơ chế, chính sách, giải pháp nào mới để cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp, từ đó tạo thêm cơ hội, niềm tin và động lực, phục hồi nhanh chóng hoạt động, tiếp tục mở rộng đầu tư và nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại Hưng Yên...

Muốn vậy, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý của tỉnh Hưng Yên cần quyết liệt hơn nữa trong sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách: cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao chất lượng dịch vụ công; thật sự cầu thị, lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đổi mới tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực trình độ, phẩm chất, đạo đức tốt phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường tính công khai, minh bạch...

Và kết quả thực tế là công tác giải quyết thủ tục hành chính ở Hưng Yên đã có những điểm mới, tiến bộ. Anh Đào Minh Hiến, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên cho biết, vợ chồng anh làm hơn 20 năm dành dụm được ít tiền mua được một mảnh đất. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên, anh quyết định xây nhà; nhưng rất băn khoăn về việc làm các loại thủ tục giấy tờ liên quan. Khi bắt tay vào việc, anh rất phấn khởi thấy làm thủ tục bây giờ khác quá, mọi việc đều thông qua một cửa. “Khi kiểm tra hồ sơ có vấn đề gì khúc mắc, cần bổ sung, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ trao đổi, giải thích, hướng dẫn cho nên mọi việc được hoàn thiện nhanh gọn, sau đó có giấy hẹn ngày đến lấy sổ đỏ, giấy phép xây dựng nhà... Mất khoảng 10 ngày, tôi hoàn tất mọi thủ tục được vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh” - anh Hiến cho biết.

Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tập trung chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh nhiệm vụ trên tất cả các nội dung tại cơ quan, đơn vị. Nghiêm túc đánh giá tình hình thực hiện, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công. Tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư kinh doanh, tăng mức độ đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh. Nhiệm vụ ưu tiên khác là cung cấp và có biện pháp tuyên truyền, thúc đẩy việc người dân, tổ chức thường xuyên sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tỉnh Hưng Yên quyết tâm triển khai hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 25/02/2022. Trong đó, đẩy mạnh nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ internet trên địa bàn tỉnh; nâng cấp, cập nhật, biên soạn nội dung trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin điện tử tại các cơ quan, đơn vị bảo đảm khoa học, dễ hiểu.

Bên cạnh đó, Hưng Yên tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp; chấn chỉnh, nhận trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được Hội đồng nhân dân tỉnh giao; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền các cấp; thường xuyên tổ chức đối thoại và thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên, kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 của tỉnh Hưng Yên với những tiến bộ vượt bậc. Tổng điểm chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Hưng Yên đạt 88,34 điểm tăng 3,54 điểm so với năm 2020, xếp hạng thứ 12 trong toàn quốc; tăng 10 bậc so với năm 2020. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 92,07%, xếp hạng thứ 3, tăng 2 bậc. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh có tổng điểm số là 45.366 điểm xếp vị trí thứ 5, tăng 39 bậc so với năm 2020. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 của tỉnh Hưng Yên được 63,76 điểm, xếp thứ hạng 39, tăng 14 bậc so với năm 2020./.

Theo: nhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi ngân sách

Ngày đăng 24/04/2024
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong xử lý công việc, tránh chồng chéo, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.