Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến 'Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng'

Ngày đăng: 20/10/2020   15:08
Mặc định Cỡ chữ
Việc góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là đợt sinh hoạt chính trị lớn nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.

Thực hiện Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW, ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 19/10/2020, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” với các khách mời: GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc.

Tọa đàm trực tuyến “Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.

Việc góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là đợt sinh hoạt chính trị lớn. Qua đó, tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng Dân.

Các ý kiến góp ý tại Tọa đàm sẽ góp thêm tiếng nói, góc nhìn nhằm xây dựng Văn kiện vừa có cơ sở lý luận và vừa mang tính thực tiễn cao. Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp và chuyển tới các cơ quan có chức năng để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trình Tiểu ban Văn kiện.

Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết quá trình xây dựng các văn kiện, đặc biệt là Báo cáo chính trị kết hợp cả hai nguồn: Một là, tổng kết thực tiễn. Lần này chúng ta tiến hành tổng kết rất nghiêm túc 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991. Tổng kết thực hiện Cương lĩnh là tổng kết các sáng kiến trong lao động sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân ta. Cái gốc của nó bắt đầu từ ý kiến, sáng kiến của nhân dân.

Hai là, xin ý kiến của Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, đảng bộ cấp quận, huyện, tỉnh, thành và tương đương. Các cấp ủy đảng cũng là nơi tập hợp, phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Lần này, sau khi đã tiếp thu ý kiến các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, Trung ương cho hoàn thiện một bước và công bố rộng rãi để xin ý kiến của toàn dân.

Lần này là lần lấy ý kiến nhân dân trực tiếp và rộng rãi nhất. Như thế, quá trình xây dựng nghị quyết của Đại hội, các văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực.

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh Dự thảo Văn kiện lần này đánh giá rất cụ thể, thẳng thắn quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong dự thảo có khẳng định trong nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong 4 năm đầu, từ 2016-2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta đang phấn đấu quyết liệt và lưu nhiều dấu ấn nổi bật. Chúng ta thấy rất rõ trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay: Sự cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, chiến tranh thương mại, các kỳ xung đột cục bộ nơi này nơi khác, biến đổi khí hậu tác động thường xuyên… nhưng nền kinh tế của chúng ta duy trì được mức độ tăng trưởng khá cao; hạ tầng cân đối vĩ mô tốt; chính trị xã hội ổn định và đối ngoại được tăng cường; vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng lên rõ rệt.

Có thể nói, chúng ta đạt được những thành tựu quan trọng và tạo ra những dấu ấn nổi bật.  Đánh giá riêng năm 2020, trên tác động của đại dịch COVID-19, chúng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, được sự ủng hộ tích cực của toàn dân, toàn bộ lực lượng quân sự vào cuộc tích cực, đồng bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quan trọng là chúng ta có những giải pháp đúng, cho nên đã kiềm chế được đại dịch, hạn chế đến mức cao nhất những tổn thất mà đại dịch có thể gây ra. Đồng thời, chúng ta vẫn phấn đấu duy trì ổn định về phát triển kinh tế,  đảm bảo đời sống xã hội. Điều đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng với Nhà nước và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Đó là đánh giá những mặt được. Tuy nhiên, Dự thảo cũng chỉ ra rất rõ, rất cụ thể những yếu kém, khuyết điểm, hạn chế; về việc chúng ta phải khắc phục những yếu kém về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, về xây dựng Đảng. Nguyện vọng của nhân dân mong muốn, toàn Đảng, toàn dân phải nghiêm túc đánh giá thật đầy đủ và kiên quyết khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững hơn.

Theo TS. Cao Viết Sinh, khi nhân dân góp ý về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thì nên tập trung vào những nội dung chủ yếu như những mặt được và chưa được, góp ý một cách khách quan nhất. Tiếp theo, mong độc giả phát hiện thêm các nguyên nhân mà Dự thảo chưa đề cập hết, đặc biệt rút ra bài học để từ đó có phương hướng khắc phục, hành động hiệu quả trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn 10 năm 2001-2020.

TS. Cao Viết Sinh cho biết: Đất nước ta trải qua 3 thời kỳ phát triển chiến lược. Lần thứ nhất là giai đoạn 1991-2000, đề cập tới vấn đề ra khỏi khủng hoảng, ổn định và phát triển đất nước, mà thực chất sau khi thực hiện được 10 năm, chúng ta đã vượt ra khỏi khủng hoảng, trong đó tăng trưởng kinh tế bình quân  7,26%. Lần thứ hai là đưa Việt Nam ra khỏi nước có thu nhập trung bình thấp, về cơ bản chúng ta đã thực hiện được. Lần thứ ba, đặt ra một chiến lược, tạo tiền đề nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội dung này chúng ta đang thực hiện. Lần này là lần thứ tư 2021-2030, đã có nhiều căn cứ khoa học và sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và có nhiều đổi mới từ: Đánh giá, đặt vấn đề, quan điểm, đột phá, giải pháp.

Chúng tôi mong muốn và khuyến khích các ý kiến góp ý vào đánh giá tình hình một cách khách quan, nhất là bối cảnh COVID-19 vào năm 2020, 5 năm qua (2015-2020), trong đó 4 năm đầu tăng trưởng đạt 6,8%, chỉ năm nay mới hơn 2%.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, tại Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đánh giá 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, cũng là 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011. Nhìn lại 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các văn kiện trình Đại hội Đảng, đặc biệt Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm của Đại hội viết ở tầm khái quát nên không thể đi vào cụ thể được, chứ thực ra, những thành tựu của công cuộc đổi mới thì đến nay là 35 năm các đại hội Đảng đã đánh giá.

Tại Đại hội VII đánh giá 5 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đại hội VIII thì đánh giá 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội IX đánh giá 15 năm đổi mới, Đại hội X đánh giá 20 năm đổi mới và có tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội XI nhìn lại 25 năm đổi mới và đánh giá tổng kết thực hiện Cương lĩnh 1991 và ban hành Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.

Gần đây, trong nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Trong Báo cáo chính trị chỉ dùng khoảng 10 dòng nói về vấn đề này bởi lí do khuôn khổ của Báo cáo. PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho rằng, trong khuôn khổ của Báo cáo chỉ viết rất ngắn nhưng chúng ta phải tiếp tục làm rõ và nếu bạn đọc theo dõi thì hai tháng qua, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đã tiếp tục làm rõ cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc đã trả lời câu hỏi: “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” – quan điểm này đã được đề cập trong văn kiện như thế nào? 

Theo ông Nguyễn Túc: Tổng kết thời gian vừa qua, đặc biệt là tổng kết 5 năm qua thì tôi thấy rằng trong Dự thảo báo cáo này trình bày một cách khái quát nhưng khá đầy đủ những thực trạng hiện nay, cái được và cái chưa được trong vấn đề giám sát của Đảng với dân và dân với Đảng. Có thể nói rằng, 5 năm qua có một bước tiến lớn về trách nhiệm của Đảng với dân, và đồng thời niềm tin của dân đối với Đảng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong quá trình xây dựng Đảng.

"Ý kiến mà nhiều đại biểu cho biết là một trong những yếu tố thời gian vừa qua Đảng lấy lại niềm tin của dân, được niềm tin của dân vì trong Đại hội XII tức là trong Báo cáo chính trị nói nhân dân giảm sút niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước. Nhưng qua Đại hội vừa rồi, thì nhiều nơi đều khẳng định là niềm tin đó được phục hồi và củng cố. Vì sao? vì tất cả đã thực hiện tốt, trước hết là trong nội bộ Đảng để Đảng thực sự là một Đảng đạo đức và văn minh", ông Nguyễn Túc nói.

Bây giờ nhân dân đóng góp vào Dự thảo thì nên đóng góp gì? "Tôi nghĩ rằng xem xem quyền của dân hiện nay có những cái gì còn cản trở, và hai nữa cũng phải thấy trách nhiệm của mình đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đóng góp là trách nhiệm của chúng ta, không phải rằng ai cũng làm tốt cả. Hiện tượng hiện nay trong xã hội, những phần tử chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, kỷ cương xã hội nhiều nơi chưa chấp hành tốt, nên các thế lực nước ngoài lợi dụng cái đó để chống đối chúng ta. Nói thế để thấy rằng cần có sự đấu tranh một cách rất chân thành và phản ánh được ý kiến của dân", Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc chia sẻ./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thành lập tổ công tác tiếp công dân phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ngày đăng 15/01/2021
Ngày 12/01/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội.

Đại hội Đảng XIII: Sẵn sàng mọi kịch bản đảm bảo an toàn trước đại dịch COVID-19

Ngày đăng 13/01/2021
Trong nỗ lực chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII diễn ra an toàn và thành công, công tác y tế là ưu tiên hàng đầu, với mọi kịch bản sẵn sàng ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nhân dân - chủ thể và mục tiêu của sự phát triển đất nước

Ngày đăng 11/01/2021
Đảng ta không có lợi ích nào khác là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nhân dân là trên hết, vừa là chủ thể vừa là động lực và mục tiêu của cách mạng…

Thường trực Ban Bí thư: Tập trung cao độ phục vụ Đại hội XIII của Đảng

Ngày đăng 06/01/2021
Sáng ngày 06/01/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng đã họp phiên thứ sáu. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp.

Lên tầm cao mới: Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII

Ngày đăng 30/12/2020
Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, trang mạng Infox.ru của Nga ngày 28/12/2020 đã đăng bài viết với nhan đề trên của tác giả Grigory Trofimchuk, một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia, thuộc Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á - Âu”.