Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin về tổ chức chính quyền địa phương có thể nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam

Ngày đăng: 12/08/2020   14:16
Mặc định Cỡ chữ
Những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tổ chức chính quyền nói chung, tổ chức chính quyền địa phương nói riêng luôn có giá trị lý luận và thực tiễn đối với việc xây dựng, hoàn thiện chính quyền ở Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, những quan điểm đó cần được tiếp tục nghiên cứu để đề xuất vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.

1. Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về tổ chức chính quyền địa phương

Thứ nhất, đảm bảo vị trí, vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản đối với chính quyền các cấp, bao gồm cả chính quyền địa phương.

V.I.Lênin đã từng khẳng định tính tất yếu, khách quan về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước: “Chủ nghĩa Mác giáo dục Đảng công nhân là giáo dục đội tiên phong của giai cấp vô sản, đội tiền phong này đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường lãnh đạo tất cả những người lao động và những người bị bóc lột để giúp họ tổ chức đời sống xã hội của họ mà không cần đến giai cấp tư sản và chống lại giai cấp tư sản”(1). Thực tiễn cách mạng ở nước Nga và Liên xô trước đây đã chứng minh vai trò của Đảng Cộng sản trong lãnh đạo giành, giữ và xây dựng chính quyền, cho nên “về nguyên tắc Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không phải nghi ngờ gì nữa”(2). Tuy nhiên, V.I.Lênin cũng chỉ rõ: “Cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban Chấp hành Trung ương của nó) với nhiệm vụ của chính quyền Xô viết, tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô viết và các cơ quan Xô viết, còn về Đảng thì giành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay”(3).

Để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, Đảng phải dựa vào nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, tổ chức để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền các cấp. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Chính sách của chúng ta và biện pháp hành chính của chúng ta đều dựa trên điểm sau đây: toàn thể đội tiên phong phải gắn liền với toàn thể quần chúng vô sản, với toàn thể quần chúng nông dân. Nếu những ai quên mất những mối liên hệ khăng khít đó, nếu họ cứ mê mải với những biện pháp hành chính thôi, thì đó sẽ là một tai họa”(4).

Đảng không thể hoàn thành được nhiệm vụ và không thể lãnh đạo cách mạng thành công nếu xa rời quần chúng nhân dân, đánh mất niềm tin từ nhân dân. Do vậy, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Chỉ trông vào bàn tay của những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản, đó là một tư tưởng hết sức ngây thơ. Những người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương, một giọt nước trong đại dương nhân dân. Họ chỉ có thể lãnh đạo nhân dân đi theo con đường của mình với điều kiện là họ vạch ra được con đường đi cho đúng”(5).

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

V.I.Lênin khẳng định: “... chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(6). Nếu tuyệt đối hóa tập trung sẽ dẫn đến quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, tuyệt đối hóa dân chủ thì sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật. Cả hai biểu hiện trên đều không đúng và làm giảm sức mạnh của chính quyền nhân dân.

Thứ ba, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vì “không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội”(7). Các nhà kinh điển mác xít khẳng định bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa là quyền lực chính trị thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động, trước hết là tạo ra một chế độ dân chủ, qua đó sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra quyền thống trị chính trị của giai cấp vô sản(8); bởi vì, theo chủ nghĩa Mác - Lênin “quyền lực phái sinh bắt nguồn từ quyền lực nhân dân”(9).

Dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà nước, điều cần thiết không phải chỉ là cơ quan đại biểu theo chế độ dân chủ, mà là toàn bộ việc quản lý nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự đóng vai trò tích cực trong việc quản lý, vì thế nhà nước xã hội chủ nghĩa phải là một công cụ, một phương tiện, đồng thời là một biểu hiện tập trung trình độ dân chủ của nhân dân lao động.

Thứ tư, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng Nhà nước Xô viết Nga và Liên Xô, V.I.Lênin đã yêu cầu phải xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tinh giản, tổ chức khoa học, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”(10), nghĩa là coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; cán bộ, công chức phải có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải phấn đấu đạt “chất lượng kiểu mẫu thật sự”(11).

Vì vậy, V.I.Lênin yêu cầu bộ máy nhà nước phải phục vụ chính trị chứ chính trị không phục vụ bộ máy: “Một bộ máy vững mạnh phải thích ứng được với mọi sự biến đổi. Nhưng nếu sự vững mạnh của bộ máy đó lại trở thành cứng nhắc và làm trở ngại những chuyển biến thì khi ấy sẽ không tránh khỏi nổ ra đấu tranh. Cho nên chúng ta hãy đem hết sức ra để hoàn toàn đạt được những mục đích của mình, để làm cho bộ máy đó hoàn toàn phục tùng chính trị”(12).

Thứ năm, kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương.

Các nhà kinh điển mác xít khẳng định, quyền lực nhà nước là ý chí và nguyện vọng của nhân dân được giai cấp cầm quyền thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của bộ máy nhà nước hợp pháp. Quyền lực nhà nước không có mục đích tự thân, sự xuất hiện và tồn tại của quyền lực nhà nước là nhu cầu tất yếu khách quan của xã hội có giai cấp. Nguồn gốc của quyền lực nhà nước từ cộng đồng xã hội, suy cho cùng quyền lực nhà nước thực chất chỉ là “quyền lực phái sinh bắt nguồn từ quyền lực nhân dân”. Do đó, quyền lực nhà nước không thể nằm ngoài hay vượt quá quyền lực công của xã hội. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số.

Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”(13). Cho nên, kiểm soát quyền lực nhà nước là yêu cầu tất yếu của mọi nhà nước, bởi vì quyền lực nhà nước luôn đi kèm với sự “tha hoá” quyền lực nếu thiếu sự kiểm soát. Kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương không chỉ làm cho quyền lực nhà nước được thực thi một cách tối ưu, đạt mục đích cao nhất, hiệu quả và an toàn nhất, mà còn nhằm ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thứ sáu, pháp luật là công cụ quan trọng để nhà nước quản lý xã hội.

C.Mác từng nhấn mạnh: “Không một người nào, ngay cả nhà lập pháp ưu tú nhất, cũng không được đặt cá nhân mình cao hơn luật pháp do mình bảo vệ”(14). Theo đó, tính tối thượng của pháp luật không chỉ đối với mọi người trong xã hội mà còn tối thượng ngay bản thân đối với nhà nước - với vai trò là người ban hành ra pháp luật. Mặt khác, “Luật pháp là những tiêu chuẩn khẳng định rõ ràng, phổ biến… không phụ thuộc và sự tùy tiện của cá nhân riêng lẻ. Bộ luật là kinh thánh của tự do của nhân dân”(15).

Vì vậy, đảm bảo tính ổn định tương đối của pháp luật, trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà nước cần phải phân tích, đánh giá và dự báo chính xác xu thế vận động kinh tế - xã hội và khả năng điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội mới hoặc cũ đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể.

2. Cơ sở để vận dụng quan điểm của chủ nghĩa của Mác - Lênin về tổ chức chính quyền địa phương vào thực tiễn Việt Nam

2.1. Cơ sở chính trị - pháp lý

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, trong đó khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(16). Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI, XII. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng nghiên cứu, bổ sung, phát triển và vận dụng lý luận Mác - Lênin về nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng vào thực tiễn Việt Nam. Đó cũng chính là bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, như Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(17). V.I.Lênin cũng nhấn mạnh: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”(20).

Nắm chắc bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta một mặt luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; mặt khác không ngừng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Quy định này nhằm đáp ứng nguyên tắc: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương” (khoản 1, 2, Điều 112), trong đó “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân” (Điều 113) và “ Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao” (Điều 114).

Xuất phát từ vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp”(19). Trong quá trình đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, việc tiếp tục vận dụng các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin về tổ chức chính quyền địa phương nhằm giúp cho chính quyền địa phương không xa rời mục tiêu chính trị và các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

2.2. Cơ sở thực tiễn

Thứ nhất, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn những hạn chế.

Trong thực tế lãnh đạo của các cấp ủy đảng với chính quyền, vẫn có tình trạng nghị quyết của một số cấp ủy địa phương còn dàn trải, thiếu trọng tâm, quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; chưa phân biệt rõ mục tiêu tổng quát với mục tiêu cụ thể. Nhiều vấn đề nêu trong nghị quyết còn chung chung, khó xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm cá nhân và tập thể cấp ủy nên việc tổ chức thực hiện còn lúng túng, hiệu quả thấp. Nghị quyết còn nặng về trình bày thành tích; một số chỉ tiêu đề ra còn chủ quan, biểu hiện của “bệnh thành tích”, chất lượng nhiều nghị quyết của một số cấp ủy còn thấp. Sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, thường xuyên. Ý thức trách nhiệm của một số cá nhân, tổ chức khi được xin ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết của cấp ủy địa phương hoặc thảo luận ra nghị quyết của một số cấp ủy chưa cao…

Công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt nghị quyết còn chưa sâu sắc, có biểu hiện qua loa, đại khái, chất lượng, hiệu quả thấp. Nhiều đảng viên trong Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương không nắm được nội dung các nghị quyết của cấp ủy. Việc chỉ đạo của các ban tuyên giáo đối với phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của cấp ủy còn nghèo về nội dung, đơn điệu về hình thức, hiệu quả thấp.

Về lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy có lúc, có nơi thiếu kiên quyết, làm hạn chế việc tập trung nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong thực hiện những mục tiêu, giải pháp do nghị quyết đề ra. Việc lãnh đạo của cấp ủy đối với Hội đồng nhân dân địa phương ở một số nơi về xây dựng, ban hành nghị quyết, cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy có lúc, có nơi còn chậm.

Việc quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đảng về Chiến lược công tác cán bộ chưa đồng đều, sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn chậm và lúng túng. Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục; nhiều cấp ủy còn chưa mạnh mẽ, chưa thực sự quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác dân vận; nhiều tổ chức đảng chưa nhận thức sâu sắc vai trò là người trực tiếp lãnh đạo mọi hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vẫn là khâu yếu, nhất là việc kiểm tra, giám sát các cấp ủy viên cùng cấp hoạt động trong Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương.

Thứ hai, phát huy dân chủ ở địa phương còn hạn chế.

Nhận thức về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa còn hạn chế, chưa đầy đủ, chưa lý giải và kịp thời làm sáng tỏ nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, kỷ cương; chưa coi trọng đúng mức phát triển các hình thức dân chủ trực tiếp. Việc phát huy dân chủ trong xã hội còn nhiều hạn chế, một bộ phận nhân dân còn bức xúc, khiếu kiện phức tạp. Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan chức năng còn nhiều, trong khi tỷ lệ đơn, thư được giải quyết chưa như mong muốn. Theo số liệu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tỷ lệ chính quyền không đối thoại với công dân và không dự các phiên tòa đều tăng qua từng năm.

Từ năm 2015 đến năm 2017, kể từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, cả nước có 11.180 quyết định hành chính và hành vi hành chính bị tòa án hủy toàn bộ hoặc một phần(20). Chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở một số nơi chưa được tổ chức thực hiện tốt.

Thứ ba, tổ chức chính quyền địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong đó, việc cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được thực hiện đầy đủ.

Thực tiễn cho thấy, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị ở các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương là xu thế tất yếu khách quan từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay. Để đạt được kết quả như mong muốn, cần chú trọng vận dụng những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin về chính quyền địa phương vào thực tế từng ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng địa phương cụ thể; trách rập khuôn, máy móc; sắp xếp theo cảm tính, cơ học; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, “thà ít mà tốt” và “chất lượng kiểu mẫu thật sự”./.

-------------------------------------------------

Ghi chú:

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976,  tr.33.

(2) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 31, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t.31, tr.453.

(3),(4),(5) V.I.Lênin, Sđd, tập 45, tr.75, tr.128, tr.117.

(6) V.I.Lênin, Sđd, tập 36, tr.185.

(7) Tạp chí Cộng sản (2004), Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Qua thực tiễn Việt Nam và Trung Quốc, tr.10.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG H.1995, tr.469.

(9) Phạm Hồng Thái, Quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước qua các Hiến pháp, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 25, năm 2009.

(10),(11) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.445, tr.446.

(12) V.I.Lênin, Sđd, tập 43, tr.87.(13) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1976, tr.52.

(14),(15) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2002, tr.202, tr.95.

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, H.1991, tr.21.

(17) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H.1995, tr.796.

(18) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG - ST, H. 2005, tr.103.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG - ST, H.2011, tr.251.

(20) Nguyễn Thế Trung, Thực hiện phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp,http://danvan.vn/Home/Quy-che-dan-chu/ 10917/Thuc-hien-phat-huy-dan-chu-o-nuoc-ta-hien-nay-Thuc-trang-va-giai-phap


ThS Đặng Viết Đạt - Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi ngân sách

Ngày đăng 24/04/2024
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong xử lý công việc, tránh chồng chéo, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.