Hà Nội, Ngày 29/04/2024

Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và chủ nghĩa cá nhân

Ngày đăng: 04/12/2018   15:30
Mặc định Cỡ chữ
Quan liêu, tham nhũng, lãng phí và chủ nghĩa cá nhân luôn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của các nhà nước, các chế độ xã hội, do đó các đảng cầm quyền phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả nguy cơ đó. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng và suy thoái tư tưởng chính trị; tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Để thực hiện các văn bản chỉ đạo đó một cách hiệu quả, cần phải kiên quyết, kiến trì thực hiện đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và chủ nghĩa cá nhân.
 

Thực tiễn đã cho thấy, sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu có nguyên nhân quan trọng là do nạn quan liêu, tham nhũng, làm băng hoại bản chất, giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước đó sụp đổ. Thực tế đó đòi hỏi các đảng cộng sản cầm quyền phải nhận thức đúng, có biện pháp quyết liệt và hiệu quả đối với nguy cơ, căn bệnh nguy hiểm này. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề hệ trọng này. Kinh nghiệm hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cuộc đấu tranh khó khăn và phức tạp như là chống “giặc nội xâm” này bước đầu đã có những kết quả tích cực, cần được tiếp tục tăng cường với sự kiên trì, quyết tâm chính trị cao và những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.      

1. Chủ trương và biện pháp đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân

Nhận thức rõ sự nguy hiểm, tính phức tạp của tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề quan trọng này. Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VII đã đề ra 8 biện pháp và nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, chú trọng chỉnh đốn Đảng về tổ chức, trong đó nhấn mạnh việc “thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình từ trên xuống, trước hết là trong cấp ủy, chống làm hình thức, chiếu lệ, chỉ tự phê bình và phê bình mà không sửa chữa khuyết điểm”(1). Đồng thời xác định: chấn chỉnh hệ thống tổ chức, bộ máy của Đảng ở các cấp… lập Ban cán sự đảng ở Chính phủ, các bộ, ngành…, chấn chỉnh tổ chức cơ sở đảng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở những địa bàn và lĩnh vực trọng yếu; tiến hành sàng lọc đội ngũ đảng viên; xử lý nghiêm những người cơ hội về chính trị, nói và làm trái quan điểm, đường lối của Đảng, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, bị quần chúng oán ghét…(2). 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã đề ra 10 nhiệm vụ, chủ trương tiến hành Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả. Các cấp ủy và người đứng đầu các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phân công Ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm”(3).         

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VII và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII chưa đem lại kết quả như mong muốn. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí có phần diễn biến phức tạp hơn; tham nhũng trở thành “vấn nạn” xã hội, gây bức xúc trong nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa X về “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” tiếp tục đề ra 10 chủ trương, giải pháp, tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng xây dựng các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ ba, khóa X, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Sau một thời gian hoạt động, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chuyển Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu. Sự thay đổi đó đã tạo ra bước ngoặt tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh. 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là “tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên”. “Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 01 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị”.(4)    

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “… Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI… Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(5). Thực hiện chủ trương đó, Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nghiêm túc đánh giá: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(6). Nghị quyết Trung ương 6 đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trên cơ sở đó, Trung ương đã đề ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đó.
       

Có thể khẳng định, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặc biệt quan tâm, kiên quyết chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, "lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm.

Một số cấp ủy địa phương đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, đồng thời yêu cầu người đứng đầu cam kết làm gương thực hiện và xác định trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách. Ví dụ, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh xác định kết quả phòng, chống tham nhũng là tiêu chí, thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Thực hiện kịp thời điều chuyển cán bộ quản lý lãnh đạo có nhiều dư luận, uy tín giảm sút và có dấu hiệu tham nhũng không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, xử lý kịp thời nghiêm minh người đứng đầu, nếu không chủ động phát hiện để xảy ra tham nhũng tại cơ quan phụ trách hoặc bao che, ngăn cản việc phát hiện xử lý tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay đã được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã gắn với công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm theo quy định. Việc xử lý theo pháp luật được thực hiện nghiêm túc. Căn cứ vào việc thi hành kỷ luật về Đảng, các cơ quan nhà nước đã xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật. 

2. Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân 

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân. 

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền phải nâng cao nhận thức về tác hại của bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, "lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm. Đề cao trách nhiệm cá nhân, trước hết, bản thân nói không với tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nêu gương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Trong thực hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý luôn có biện pháp cụ thể, gắn yêu cầu, kết quả công việc với yêu cầu về chống lãng phí, tham nhũng; làm việc có chương trình, kế hoạch, mục tiêu, có thời hạn và định mức, kết quả cụ thể, bảo đảm nói đi đôi với làm. 
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần quán triệt yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân trong mọi hoạt động, trước hết trong giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn với nhiệm vụ cụ thể của mỗi cơ quan, tổ chức. Cần đánh giá đúng đặc điểm của tổ chức, bộ phận, vị trí công tác dễ xảy ra những vi phạm để có sự phân công, bố trí, có biện pháp kiểm tra, đánh giá kịp thời, ngăn chặn từ khi mới manh nha dấu hiệu vi phạm.  

Xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm của cá nhân và tập thể gắn với quy trách nhiệm người đứng đầu là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng hiện nay. Đồng thời, thực hiện duy trì chặt chẽ thi hành kỷ luật Đảng ngay từ cơ sở, đổi mới hình thức quản lý đảng viên, bảo đảm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ chi bộ, từ các tổ chức cơ sở đảng.  

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội. 
Bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật một cách đồng bộ. Ưu tiên sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Ngân sách, các quy định về quản lý tài chính, thu, chi, mua sắm, đầu tư công; Luật Phòng, chống tham nhũng; thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, cơ chế, chính sách để kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng… 

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ, nhất là công tác cán bộ. Cần sớm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa XII về chiến lược công tác cán bộ. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các khâu trong công tác cán bộ, nhất là các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy và người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh không là người địa phương… Đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW để góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân… 

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân.

Đổi mới phương pháp, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với một số lĩnh vực trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; có biện pháp đánh giá, xác định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí tài sản công. 
Đổi mới hình thức giám sát để phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm xây dựng và ban hành quy chế nhân dân giám sát tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Quy định và có biện pháp cụ thể bảo vệ an toàn những cán bộ, đảng viên, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí và kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm để tạo niềm tin và động lực cho cuộc đấu tranh này.

Bốn là, nâng cao năng lực của đội ngũ tham mưu, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi về kế toán, kiểm toán…, đủ khả năng phát hiện, đấu tranh với những vi phạm về kinh tế - xã hội ngày càng tinh vi, nhất là về kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Nhà nước, cơ quan tham mưu về phòng, chống tham nhũng trong đấu tranh, phát hiện vi phạm. Đổi mới cơ chế cung cấp thông tin, báo cáo để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kịp thời nắm bắt đầy đủ các vi phạm để chỉ đạo xử lý quyết liệt, kịp thời. Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tăng cường kiểm soát các thủ đoạn tham nhũng gắn với đấu tranh chống lãng phí, thất thoát rất phổ biến và nghiêm trọng hiện nay. Cần tổng kết, đánh giá các hình thức xử phạt tội phạm tham nhũng những năm qua, bổ sung những điều luật có hình phạt nặng, đấu tranh kiên quyết và có sức răn đe cao với loại tội phạm này. 
Coi trọng biện pháp kê khai tài sản và quản lý việc kê khai, có biện pháp đấu tranh hiệu quả để chống việc kê khai không trung thực cả về chính trị và kinh tế. Chuẩn bị tích cực, thúc đẩy nhanh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách cán bộ gắn với đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí chủ nghĩa cá nhân… 

PGS.TS. Phan Hữu Tích - Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Hoàng Lâm - Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

----------------------------------
Ghi chú:
 (1),(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, Nxb CTQG, H.1992, tr.34, tr.34-38.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII,  Nxb CTQG, H.1999, tr.29. 
(4) Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018. 
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.198-199, 202. 
(6) Văn phòng Trung ương Đảng, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, H.2016, tr.22-23.
 

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.