Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) không chỉ nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn mở ra không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng cường liên kết vùng và gia tăng nguồn lực phát triển cho các địa phương; là cơ hội, tiền đề để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
![]() |
Khẩn trương, quyết liệt sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua nội dung đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Đây là vấn đề hệ trọng, mang tính lịch sử, không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ mà còn đẩy mạnh phân cấp về thẩm quyền; phân bổ về nguồn lực và tạo không gian phát triển mới.
Trên cơ sở các chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 02 cấp, các đảng ủy Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các cơ quan của Đảng ở Trung ương đã khẩn trương tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ triển khai.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (Ban Chỉ đạo). Với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương hoàn thiện các trình tự thủ tục xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã.
Thời gian qua, các địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và chuẩn bị công tác nhân sự trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Quá trình xây dựng Đề án được các địa phương trong diện hợp nhất phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm tiến độ theo quy định. Đến cuối tháng 4/2025, các tỉnh, thành phố đã hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã để trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) theo quy định.
Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã tập trung huy động tổng lực, tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và 34 bộ hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của các cặp tỉnh mới thuộc 63 tỉnh, thành phố. Đến ngày 08/5/2025, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ Đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp ĐVHC của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh mới sau sắp xếp) và hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngày 09/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025 và Nghị quyết số 126/NQ-CP thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Theo Bộ Nội vụ, dự kiến sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 của 34 ĐVHC cấp tỉnh (sau sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh), cả nước còn 3.321 ĐVHC cấp xã, gồm 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu. Trong đó có 3.193 ĐVHC cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh ĐVHC cấp xã và 128 đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên). Như vậy, tổng số ĐVHC cấp xã giảm 6.714 (66,91%) so với trước khi sắp xếp. Kết quả này phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và điều kiện thực tiễn của các địa phương, cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân để phục vụ người dân tốt hơn.
Mở ra không gian phát triển mới
Khi xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Trung ương đã có sự tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho việc sáp nhập các ĐVHC đảm bảo mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng cho phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐVHC sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
![]() |
Việc sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ tạo đòn bẩy cho một không gian phát triển công nghiệp - đô thị mới cho Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. |
Đơn cử như chủ trương sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang (tỉnh mới sau sáp nhập lấy tên là Bắc Ninh) không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính mà còn tạo đòn bẩy cho một không gian phát triển công nghiệp - đô thị mới cho Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cả hai địa phương này đều thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, với hệ thống khu công nghiệp lớn như: Yên Phong, Quế Võ, VSIP, Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Hòa Phú, Song Khê - Nội Hoàng... Khi hợp nhất sẽ mở ra cơ hội hình thành một trung tâm công nghiệp lớn, quy tụ các tập đoàn công nghệ toàn cầu như: Samsung, Foxconn, Canon, Luxshare... đầu tư sản xuất, kinh doanh; hàng chục khu công nghiệp công nghệ cao phân bổ tập trung tại các đô thị trung tâm và khu vực phụ cận. Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh mới cũng có hệ thống giao thông kết nối chiến lược tới Hà Nội, sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng và cửa khẩu Lạng Sơn. Đặc biệt, dự án sân bay Gia Bình đang được đầu tư xây dựng, hứa hẹn tạo bứt phá cho kinh tế Bắc Ninh và khu vực. Sự cộng hưởng giữa tiềm lực công nghiệp và hạ tầng hiện đại sẽ đưa tỉnh Bắc Ninh mới trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao, hạ tầng và thương mại...
Hay như việc sáp nhập tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai (tỉnh mới sau sáp nhập lấy tên là Lào Cai) cũng là một bước đi chiến lược thể hiện tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước. Hai địa phương này có khá nhiều điểm tương đồng, đều có dải đất chạy dọc bờ sông Hồng, có sự liên thông, liên kết về mặt văn hóa, chính trị, xã hội trong nhiều năm. Lào Cai với lợi thế cửa khẩu quốc tế nhộn nhịp và ngành du lịch phát triển, đặc biệt là thị xã Sa Pa nổi tiếng, sẽ đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy giao thương và thu hút vốn đầu tư. Địa phương này cũng sở hữu nhiều tài nguyên, đó là khu quặng mỏ Apatit trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, khu mỏ đá quý lớn nhất Việt Nam... Trong khi đó, Yên Bái lại sở hữu tiềm năng dồi dào về nông, lâm nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao như chè Suối Giàng, quế Văn Yên cùng với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú.
Sự hợp nhất hai tỉnh sẽ tạo ra một thị trường tiềm năng với tổng quy mô dân số trên 1,6 triệu người, mở ra những cơ hội lớn cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Đáng chú ý, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến triển khai thi công vào cuối năm 2025. Việc sáp nhập hai tỉnh, cùng với việc xây dựng tuyến đường sắt này sẽ mở ra cơ hội hình thành một vành đai kinh tế chiến lược, kết nối khu vực biên giới phía Bắc với các cảng biển lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và mở rộng chuỗi cung ứng trong toàn vùng; đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Tây Bắc và cả nước, kiến tạo một cực tăng trưởng mới đầy tiềm năng và sức sống.
Đối với chủ trương sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để thành lập thành phố Đà Nẵng (mới) cũng sẽ mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, định hình trung tâm kinh tế mới cho khu vực Trung Trung Bộ.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện nay, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, mỗi địa phương đều đang tồn tại những vấn đề. Cụ thể, Đà Nẵng đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển; vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa được phát huy đầy đủ. Quảng Nam cũng có những hạn chế, với 06 huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiên tai diễn biến phức tạp, hạ tầng còn nhiều tồn tại, chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế…
Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là đúng, trúng về mặt thời gian và không gian, là cơ hội lịch sử, phù hợp về tính văn hóa, lịch sử, đảm bảo cho tương lai nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới. Khi hợp nhất hai địa phương cần tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử, văn hóa và địa lý, từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục định hình thành phố Đà Nẵng (mới) trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia”, tiên phong trong các lĩnh vực mới (như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển...), xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức đảng gắn với mô hình quản trị mới.
Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ vai trò và lợi thế chiến lược riêng của tỉnh Quảng Nam như: cực phát triển công nghiệp, logistics (Chu Lai), trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái (Hội An - Mỹ Sơn), khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Khi quy hoạch tổng thể phải bảo đảm phát triển cân bằng, không để xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam. Đặc biệt, phát huy nguồn nhân lực, tài lực vốn có của Đà Nẵng để đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là tại 06 huyện miền núi của Quảng Nam hiện nay... Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất được kỳ vọng không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương đáng sống mà trở thành thành phố tiên phong, sáng tạo, dẫn dắt, thành phố tiếp tục kế thừa những định hướng phát triển, những cơ chế, chính sách đặc thù hiện có để phát triển, xứng tầm quốc gia và quốc tế.
Tại Thủ đô Hà Nội, việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học và chặt chẽ, quy mô các xã, phường mới được sắp xếp tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính tổng thể các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Từ đó, tạo không gian mới liền mạch, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển tốt.
![]() |
Thủ đô Hà Nội sẽ thực hiện sắp xếp 526 phường, xã, thị trấn để hình thành 126 phường, xã (mới). |
Thành phố xác định rõ, các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp phải có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, Hà Nội đã tính đến yếu tố quy hoạch nhằm sắp xếp các ĐVHC cơ sở mới được hình thành đi theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên như: sông ngòi, đường phân thủy, đường tụ thủy... Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống chính quyền cấp xã gần gũi với nhân dân, tạo dựng không gian phát triển tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại lịch sử như tình trạng địa giới hành chính phức tạp, chia cắt...
Trên các nguyên tắc và định hướng sắp xếp rõ ràng, khoa học, Hà Nội đã hình thành phương án sắp xếp từ 526 phường, xã, thị trấn để hình thành 126 phường, xã (mới); giảm hơn 76% số ĐVHC cấp xã. Trong các ĐVHC mới, nơi có dân số đông nhất là phường Hồng Hà (126.000 người), nơi có diện tích rộng nhất là xã Ba Vì (81,29 km2), xã Minh Châu (huyện Ba Vì) là ĐVHC nằm biệt lập được giữ nguyên nên có dân số nhỏ nhất (hơn 6.600 dân), còn phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) có diện tích nhỏ nhất với 1,65 km2; xét riêng trong nội đô, phường có diện tích lớn nhất là Long Biên với 19,15 km2.
Phương án sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã của Thủ đô cũng được người dân đồng thuận cao vì bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, thông qua sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC sẽ kiến tạo một không gian phát triển mới, dựa trên những lợi thế sẵn có về địa lý và quy hoạch. Đơn cử như việc thành lập phường Hồng Hà (có quy mô 16,61 km2 và dân số 126.000 người) gồm toàn bộ diện tích và dân số các phường nằm dọc theo trục sông Hồng, gồm: Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); một phần diện tích và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên) không chỉ giải quyết những bất cập trong quản lý hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển đầy hứa hẹn. Khu vực ngoài đê sông Hồng, vốn có nhiều dư địa phát triển về đô thị, dịch vụ, du lịch và văn hóa, giờ đây sẽ được quản lý một cách thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...
Việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp là chủ trương lớn mang tính cách mạng cao được hiện thực hóa trong đời sống. Với phương án sắp xếp được xây dựng chặt chẽ dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí, hướng dẫn của Trung ương và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao sẽ là bước quan trọng để các địa phương trong cả nước thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy và bứt phá trong chặng đường sắp tới, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng./.
Minh Hiền
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục