Hà Nội, Ngày 22/06/2025

Bài học về tái bố trí công chức sau sáp nhập từ một số quốc gia

Ngày đăng: 12/05/2025   12:19
Mặc định Cỡ chữ

Bài viết trình bày những bài học rút ra từ kinh nghiệm cải cách hành chính của Đan Mạch, Hungary và Vương quốc Anh, đặc biệt là trong việc tái bố trí công chức và cải cách hệ thống hành chính sau sáp nhập. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam về cách tiếp cận, tổ chức lại bộ máy hành chính, bảo đảm chất lượng dịch vụ công và nâng cao năng lực công chức.

Đan Mạch: Cải cách tác động tới biên chế hành chính

“Strukturreformen”, còn gọi là Kommunalreformen (Cải cách cơ cấu), là một cuộc cải cách sâu rộng đối với cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương tại Đan Mạch, diễn ra vào năm 2007. Cuộc cải cách này đã tái cấu trúc đáng kể hệ thống hành chính công ở cấp địa phương.

Theo đó, số lượng đô thị tự quản (municipalities) được giảm từ 271 xuống còn 98 đơn vị, thông qua việc sáp nhập và tổ chức lại địa giới hành chính. 13 hạt (counties) – đơn vị hành chính cấp trung gian – bị bãi bỏ và được thay thế bằng 5 vùng hành chính (regions) có quy mô lớn hơn.

Một góc thành phố Copenhagen của Đan Mạch. Ảnh: Reuters

14 cơ quan hành chính nhà nước cùng với Cơ quan Đại diện Chính phủ Trung ương tại Copenhagen cũng bị giải thể và 5 cơ quan quản lý nhà nước cấp vùng mới được thành lập để đảm nhiệm các chức năng tương ứng.

Các thể chế khác như Hội đồng Phát triển Vùng Thủ đô (HUR) và Tổ chức Bệnh viện Thủ đô bị giải thể và một loạt các cấu trúc tổ chức khác cũng được cải tổ lại.

Cuộc cải cách này được giới chuyên gia và báo chí đánh giá là cuộc cải tổ chính quyền mang tính triệt để nhất trong hệ thống hành chính – chính trị của Đan Mạch kể từ Hiến pháp dân chủ đầu tiên ban hành năm 1849. Một số ý kiến còn mô tả đây là “sự tập trung hóa quyền lực lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Đan Mạch, kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế”.

Mục tiêu của cuộc cải cách cơ cấu được tuyên bố là: “xây dựng một Đan Mạch mới, nơi khu vực công mạnh mẽ và có khả năng thích ứng trong tương lai sẽ thực hiện các nhiệm vụ công với chất lượng cao nhất và càng gần người dân càng tốt”.

Mặc dù mục tiêu của cuộc cải cách là tăng cường hiệu quả, nhưng quá trình chuyển đổi đã gặp phải một số khó khăn. Một số dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và giáo dục đã gặp phải sự suy giảm chất lượng khi số lượng công chức bị giảm bớt, đồng thời, sự chênh lệch trong việc tiếp cận dịch vụ công giữa các khu vực cũng gia tăng.

Các cuộc khảo sát dư luận vào năm 2010 cho thấy khoảng 50% số người được hỏi cho rằng chất lượng dịch vụ công do các đô thị cung cấp đã suy giảm rõ rệt, đồng thời cảm nhận rằng khoảng cách giữa người dân với các chính trị gia địa phương (cấp đô thị) ngày càng lớn hơn.

Việc cải cách đã tác động đối với biên chế hành chính. Cụ thể, số lượng nhân viên làm việc toàn thời gian tại các đô thị giảm từ 424.000 người năm 2007 xuống còn khoảng 400.000 người năm 2016.

Trong khi đó, số lượng thành viên thuộc Djøf (Hiệp hội nghề nghiệp của các chuyên gia kinh tế, luật, và hành chính công ở Đan Mạch) tăng mạnh, từ 3.781 người năm 2007 lên 6.373 người vào năm 2014.

Từ kinh nghiệm của Đan Mạch, các nghiên cứu chỉ ra bài học rằng, khi thực hiện sáp nhập, các Chính phủ cần đảm bảo chất lượng dịch vụ không bị suy giảm, và việc giảm biên chế phải đi kèm với các biện pháp tăng cường hiệu quả công việc của công chức.

Hungary: Tập trung đào tạo hậu cải cách

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) đã phân tích các chương trình giảm biên chế và tái bố trí công chức tại Trung và Đông Âu, đặc biệt là trong các giai đoạn cải cách hành chính lớn. Các quốc gia trong khu vực này đã thực hiện các chương trình cải cách hành chính quy mô lớn, bao gồm việc giảm bớt số lượng công chức và tái cấu trúc các cơ quan nhà nước.

Hungary là một ví dụ điển hình khi thực hiện việc tái cấu trúc quy mô lớn, giảm biên chế công chức và chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Vào giữa năm 2006, Chính phủ Hungary đã khởi động một dự án cải cách hành chính nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước. Khoảng 12.500 công chức đã bị cắt giảm, tương đương một phần ba lực lượng lao động của các bộ ngành. Các công việc hành chính hỗ trợ như IT, tài chính và nhân sự được tập trung vào các trung tâm dịch vụ chung, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động của Chính phủ.

Từ năm 2010, Chính phủ Hungary đã thực hiện một loạt cải cách nhằm tập trung hóa quyền lực và giảm phân mảnh trong hệ thống chính quyền địa phương. Hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp cơ sở đã được hợp nhất. Nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội đã được chuyển giao từ chính quyền địa phương sang Trung ương. Mặc dù quyền tự chủ chính thức của các chính quyền địa phương vẫn được duy trì, nhưng các cải cách này đã làm thay đổi đáng kể vai trò và chức năng của họ trong hệ thống chính trị.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2015 với tiêu đề "Hungary: Reforming the State Territorial Administration" đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về chương trình Cải cách hành chính lãnh thổ nhà nước (STAR), được khởi xướng từ năm 2010 như một phần trong nỗ lực tổng thể nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công. Trọng tâm của cải cách là tái cấu trúc hệ thống hành chính nhà nước, thông qua việc tái phân bố thẩm quyền giữa các cấp và thiết lập lại cơ chế tổ chức hành chính lãnh thổ.

Một trong những nội dung nổi bật của chương trình STAR là việc thành lập 198 văn phòng hành chính cấp huyện vào năm 2013, đóng vai trò như những đơn vị trung gian giữa Trung ương và địa phương, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và tính thống nhất trong thực thi chính sách công. Sự hình thành các cơ quan mới này đã kéo theo quá trình tái bố trí lực lượng công chức từ chính quyền địa phương về các văn phòng cấp huyện. Tuy báo cáo không cung cấp số liệu cụ thể về quy mô nhân sự được điều chuyển, nhưng tác động đối với đội ngũ công vụ là rõ ràng.

Bên cạnh việc tái cơ cấu tổ chức và nhân sự, Chính phủ Hungary cũng triển khai các chương trình đào tạo nhằm thích ứng với các yêu cầu mới đặt ra trong môi trường hành chính hậu cải cách. Nội dung đào tạo tập trung vào việc nâng cao kỹ năng chuyên môn, năng lực quản lý cũng như hiểu biết về mô hình hành chính mới.

Về mặt tài chính, quá trình tái cấu trúc ban đầu đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, tổ chức lại bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ Hungary kỳ vọng việc cải cách sẽ tạo ra hiệu quả tài khóa trong dài hạn, thông qua việc giảm thiểu sự chồng chéo chức năng và tăng cường hiệu suất vận hành bộ máy công quyền.

Cải cách ngành công chức của Hungary được đặc trưng bởi sự phát triển dần dần và chú trọng đến tính ổn định, trung lập chính trị và chuyên nghiệp. Quốc gia này đã nỗ lực xây dựng một hệ thống công chức chất lượng cao với các biện pháp cải thiện lương, giữ chân công chức và tạo cơ hội nghề nghiệp.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của các quốc gia, Việt Nam có thể rút ra một số bài học quan trọng trong quá trình tái bố trí công chức và cải cách hành chính sau sáp nhập. Trước hết, việc giảm biên chế và tái cấu trúc các đơn vị hành chính cần phải gắn liền với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ công. Việt Nam nên tập trung vào việc đào tạo và nâng cao năng lực quản lý cho công chức, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị hành chính được sáp nhập, để đảm bảo rằng các thay đổi không ảnh hưởng đến hiệu quả của dịch vụ công.

Thứ hai, việc chuyển giao các chức năng giữa chính quyền địa phương và Trung ương cần phải được thực hiện một cách hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả và sự công bằng trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân. Hơn nữa, các cải cách hành chính cần có một chiến lược tài chính rõ ràng, nhằm tối ưu hóa chi phí và tạo ra hiệu quả lâu dài, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực.

Cuối cùng, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống công chức chuyên nghiệp, có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi trong môi trường làm việc và đảm bảo sự ổn định trong suốt quá trình chuyển giao cũng như tái cấu trúc tổ chức. Đặc biệt, cần chú trọng lắng nghe ý kiến của công chức và cộng đồng để đảm bảo các quyết định cải cách được thực hiện một cách hợp lý, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội.

Việc đào tạo và phát triển năng lực công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong quá trình sáp nhập là yếu tố cốt lõi trong quá trình này, đảm bảo công chức có thể thích ứng với những yêu cầu công việc mới, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính./.

Tài liệu tham khảo

  1. OECD: Hungary: Cải cách hệ thống hành chính lãnh thổ nhà nước" (2015);
  2. European Trade Union Confederation (ETUC): Tổng quan về tái cơ cấu tại Châu Âu (2013).

Nguyễn Thìn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Chuyển đổi sang mô hình kinh tế biển xanh để phát triển bền vững kinh tế biển - kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Ngày đăng 13/06/2025
Tóm tắt: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu phát triển bền vững trở nên cấp thiết, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế biển xanh được nhiều quốc gia lựa chọn. Trên cơ sở phân tích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi từ khai thác biển truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế của một số quốc gia, tổ chức tiêu biểu, đã xác định các yếu tố cơ bản cấu thành mô hình kinh tế biển xanh hiện đại, như: quy hoạch không gian biển, đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển và bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ven biển. Bài viết đề xuất các giải pháp chính sách cho Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, bao gồm: hoàn thiện thể chế, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác công - tư, phát triển các ngành kinh tế biển có tiềm năng, quản lý bền vững “vốn biển tự nhiên”, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Những nội dung này góp phần cung cấp luận cứ thực tiễn và khoa học cho việc hoạch định chính sách quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế biển trong bối cảnh mới.

Thăng tiến trong công vụ dựa trên năng lực - kinh nghiệm của New Zealand và gợi ý cho cải cách chế độ công vụ ở Việt Nam

Ngày đăng 06/06/2025
Tóm tắt: Trên cơ sở làm rõ các nguyên tắc tổ chức hệ thống công vụ của New Zealand, bài viết đi sâu phân tích mô hình, cơ chế thăng tiến với các công cụ hỗ trợ hiệu quả. Từ đó, rút ra những gợi ý có giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong quá trình cải cách chế độ công vụ theo hướng hiện đại, minh bạch và dựa trên năng lực, chuyển đổi sang mô hình “đánh giá năng lực và bổ nhiệm vào vị trí công việc cụ thể”, với việc áp dụng các công cụ đánh giá năng lực thực tế và khách quan, ứng dụng công nghệ để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và khả năng tiếp cận cho công chức ở mọi vùng miền.

Kinh nghiệm quốc tế về sáp nhập đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Ngày đăng 28/04/2025
Tóm tắt: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua nội dung đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Chủ trương này hoàn toàn phù hợp xu hướng chung của các nước trên thế giới. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp có giá trị tham khảo lớn đối với Việt Nam trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong thời gian tới. Từ khóa: Sắp xếp đơn vị hành chính; chính quyền địa phương 02 cấp; kinh nghiệm quốc tế.

Pháp luật về kiện phái sinh tại Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngày đăng 31/03/2025
Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định pháp lý về hình thức kiện phái sinh tại Nhật Bản, đồng thời đánh giá những ưu điểm và hạn chế của cơ chế này. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế kiện phái sinh, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Từ khóa: kiện phái sinh; giải quyết tranh chấp; cổ đông; kinh doanh thương mại; tố tụng dân sự.

Thu hút, tuyển dụng công chức tại các quốc gia OECD và giá trị tham khảo cho Việt Nam

Ngày đăng 14/03/2025
Một trong các xu hướng cải cách công vụ trên thế giới là thu hút và tuyển dụng những người có tài năng gia nhập nền hành chính. Nỗ lực này bao gồm việc nâng cao sức hấp dẫn của tổ chức công và tuyển chọn công chức dựa trên nguyên tắc thực tài theo các quy trình công khai, minh bạch, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của tổ chức và các ứng viên quan trọng. Các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) luôn chú trọng việc xác định nhóm các ứng viên có năng lực thiết yếu để thu hút và tuyển dụng. Bài viết giới thiệu một số cách thức tạo dựng thương hiệu tuyển dụng và lựa chọn ứng viên cho các công việc trong hệ thống công vụ của các nước OECD, từ đó rút ra một số giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Tiêu điểm

Lời cảm ơn của Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động vui mừng và vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ, nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ; bạn bè đồng nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cộng tác viên, bạn đọc đã đến thăm, tặng hoa và gửi lẵng hoa, cùng những tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, viên chức, người lao động Tạp chí hiện nay và các thời kỳ.