Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 07/5/2025, tham gia thảo luận tại Tổ 5 về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi hai dự án Luật nêu trên đặt ra yêu cầu rất cao trong bối cảnh cấp bách, cấp thiết khi thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy và biên chế.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại Tổ 5 (gồm các đoàn đại biểu Quốc hội: tỉnh Yên Bái, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương) về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: QH |
Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền
Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trọng tâm là xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (cấp tỉnh, cấp xã). Theo đó, có khoảng 90 nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã và 09 nhiệm vụ của cấp huyện chuyển lên cấp tỉnh. Khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền.
Đối với việc phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây sẽ phân loại ĐVHC cấp tỉnh gồm có thành phố trực thuộc Trung ương, ĐVHC cấp tỉnh loại 1, 2, 3 để tương ứng với từng điều kiện phát triển, quản trị địa phương. Về số lượng đại biểu HĐND tỉnh, Bộ trưởng cho biết sẽ điều chỉnh theo diện tích tự nhiên, dân số của các địa phương, tối thiểu 55 đại biểu HĐND và tối đa là 90 đại biểu HĐND, phải đạt được cả hai mục tiêu là chất lượng và tinh gọn.
Đối với việc giao quyền khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng cho biết trong nền hành chính của nước ta thì UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng. Nếu ủy quyền cho địa phương để Ban Thường vụ, HĐND thực hiện giao quyền sẽ không đảm bảo sự quản lý, quản trị của hệ thống hành chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, quy định này vẫn giữ như hiện hành, khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì HĐND có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời
Về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là dịp để thay đổi toàn diện tư duy, triết lý cho nền công vụ và công chức nước ta. Trong đó, xác lập rất rõ vị trí việc làm vì đó sẽ là công cụ, sợi chỉ xuyên suốt, là trung tâm, cốt lõi trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này vẫn giữ ngạch công chức trong vị trí việc làm để triển khai và thực hiện cải cách tiền lương. Nếu bỏ ngạch công chức sẽ rất khó thiết kế các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, phải khắc phục được tư duy biên chế suốt đời. Vì vậy phải thiết kế “có vào, có ra”, dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời. Muốn như vậy phải thực hiện 2 công cụ gồm đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, vị trí việc làm). Đây là một xu hướng chung trên thế giới. "Tới đây sẽ có ban hành nghị định riêng về đánh giá, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung"./.
Trí Đức
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục