Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ. Đây được coi là mức tăng cao nhất của quý I trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025. Đồng thời, CPI bình quân tháng 3 tăng 3,13% so với cùng kỳ năm 2024; lạm phát cơ bản tăng 3,10%...
![]() |
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ. |
Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ
Bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội quý I/2025 cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng cao, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng cuối cùng, cho xuất khẩu, đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế.
Khu vực công nghiệp và xây dựng khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,28%, cùng với ngành xây dựng đạt 7,99% đã lấy lại vai trò là động lực tăng trưởng, nâng cao năng lực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ đã lấy lại vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng đạt 7,7%, cao hơn 1,58 điểm phần trăm so với quý I/2024.
Thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ mở rộng, hạ lãi suất huy động và cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, chỉ số giá đô la Mỹ bình quân quý I/2025 tăng 3,63%.
Quý I năm 2025 so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất đạt 102,8 tỷ USD, tăng 10,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 99,7 tỷ USD, tăng 17%; xuất siêu 3,16 tỷ USD, chỉ bằng 40,5% mức xuất siêu của quý I/2024.
Trong quý I/2025 kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước, do xuất khẩu mặt hàng này phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc và phụ thuộc quá nhiều vào mặt hàng sầu riêng. Ngành rau quả chưa khai thác được lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do.
Thương mại dịch vụ quốc tế quý I/2025 có nét khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước với tốc độ tăng xuất khẩu dịch vụ đạt 21,7%, cao hơn 3,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng nhập khẩu dịch vụ. Xuất khẩu dịch vụ đạt gần 7,6 tỷ USD; trong đó, dịch vụ du lịch đạt 4,2 tỷ USD, tăng 29,2%; dịch vụ vận tải đạt 2,0 tỷ USD, tăng 24,2%.
Nhập khẩu dịch vụ đạt 9,2 tỷ USD; trong đó, nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng 17,5%; nhập khẩu dịch vụ du lịch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại dịch vụ quốc tế thâm hụt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, trước bối cảnh Mỹ áp dụng thuế quan đối ứng, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh chính sách thương mại, mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố có thể gây bất lợi cho nền kinh tế; cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như khí đốt tự nhiên hóa lỏng, ô tô; nhập khẩu thêm hàng nông sản nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ.
36,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới
Riêng trong tháng 3/2025, cả nước có hơn 15,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 126,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 87,5 nghìn lao động, tăng 54,2% về số doanh nghiệp, giảm 7,4% về số vốn đăng ký và tăng 48,0% về số lao động so với tháng 02/2025. So với cùng kỳ năm trước, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, giảm 4,7% về số vốn đăng ký và tăng 2,6% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 39,9% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 9,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,3% so với tháng trước và gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2024.
Tính chung quý I/2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 356,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 228,2 nghìn lao động, giảm 4,0% về số doanh nghiệp, tăng 1,3% về số vốn đăng ký và giảm 14,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2025 đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay là 1.386,7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 36,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2025 lên hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, trong quý I/2025 có 329 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 8,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 5,9%; gần 27,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 3,3%.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Bước sang quý II/2025, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo cung ứng hàng hóa và kiểm soát giá cả, thị trường. Liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế; có các giải pháp điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo nguồn cung và mức giá phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.
Hai là, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế. Xác định các dự án có khả năng hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan tỏa; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước một số lĩnh vực công nghệ cao, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.
Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên cả nước; có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến nhiều hơn.
Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu.
Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ưu tiên tập trung vào một số ngành như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics. Có các chính sách đột phá thu hút các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Sáu là, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng, chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, có phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp và chủ động cung cấp tưới, tiêu nước, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng chống cháy rừng.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân. Chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới , đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.
Hà Giang
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục