Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) 02 cấp vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp tỉnh và cấp xã.
![]() |
Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương CQĐP 02 cấp quy định 10 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn đối với CQĐP cấp tỉnh và 07 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn đối với CQĐP cấp xã. |
10 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản đối với CQĐP cấp tỉnh
Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) là cấp cao nhất trong hệ thống tổ chức CQĐP, vừa là cấp thực hiện chính sách (từ Trung ương), vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố. Ngoài các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp tỉnh theo quy định hiện hành, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức CQĐP và các luật chuyên ngành để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho CQĐP cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn hiện nay đang quy định cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặc điểm, đặc thù của từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP cấp tỉnh theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Theo đó, CQĐP cấp tỉnh có 10 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản sau:
1) Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện thể chế, chính sách, pháp luật từ Trung ương đến địa phương, tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.
2) Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm; quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương theo quy định của pháp luật; những vấn đề liên quan đến 02 ĐVHC cấp xã trở lên.
3) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các nội dung liên quan đến phí, lệ phí, việc vay các nguồn vốn theo quy định của pháp luật.
4) Quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển các lĩnh vực tài chính, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, nội vụ, lao động, xã hội, văn hóa, thông tin, du lịch, thể dục thể thao của địa phương theo quy định của pháp luật.
5) Quyết định biện pháp để thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo; biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương theo quy định của pháp luật.
6) Căn cứ vào chủ trương của Đảng, quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định trong pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sau khi đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện.
7) Quyết định về các vấn đề về nhân sự của cấp mình và cấp xã theo phân cấp quản lý cán bộ của cơ quan có thẩm quyền; ban hành theo thẩm quyền các quy chế, quy định về phương thức tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cấp mình.
8) Quyết định biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan của CQĐP các cấp theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao; quyết định tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; quyết định tổng số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách; quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương.
9) Ban hành các chính sách, pháp luật về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cấp mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
10) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được các cơ quan nhà nước ở Trung ương phân cấp, ủy quyền; các nhiệm vụ, quyền hạn chuyển giao từ CQĐP cấp huyện hiện nay đang thực hiện mà các nhiệm vụ, quyền hạn đó vượt quá khả năng thực hiện của cấp xã.
Đối với CQĐP thành phố trực thuộc Trung ương: Ngoài 10 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản nêu trên, còn có các nhiệm vụ, quyền hạn về quyết định chiến lược, cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị, các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; Quyết định biện pháp để phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong mối liên hệ với các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước; Quyết định biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị theo quy định của pháp luật.
07 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản đối với CQĐP cấp xã (xã, phường, đặc khu)
Cấp xã (xã, phường, đặc khu) là cấp chính quyền sát dân nhất, gắn bó mật thiết với Nhân dân, đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân; đồng thời là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động quản lý, điều hành các công việc hành chính và trực tiếp tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách, pháp luật của Trung ương và CQĐP cấp tỉnh tại địa bàn cấp xã.
CQĐP cấp xã (xã, phường, đặc khu) thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hiện đang được quy định cho CQĐP cấp xã và CQĐP cấp huyện. Theo đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp huyện hiện nay được chuyển toàn bộ về cho CQĐP cấp xã thực hiện. Căn cứ quy mô, điều kiện, đặc điểm của từng cấp xã và năng lực quản lý mà CQĐP cấp xã được phân cấp, phân quyền nhiều hơn từ Trung ương và cấp tỉnh theo năng lực và yêu cầu quản lý (nhất là đối với các phường thuộc đô thị lớn, đặc khu Phú Quốc và các xã có quy mô lớn). Theo đó, CQĐP cấp xã có 07 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản sau:
1) Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và văn bản của cơ quan cấp trên ở địa bàn.
2) Quyết định về tài chính, ngân sách của cấp mình trên địa bàn cấp xã (trừ các nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh); được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; được hỗ trợ nguồn tài chính, ngân sách từ Trung ương và cấp tỉnh để bảo đảm cho các hoạt động công ích.
3) Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, phát triển cộng đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ.
4) Quản lý tài sản, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trên địa bàn; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội; duy trì truyền thống văn hóa ở địa phương, quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao và giải trí.
5) Cung ứng các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân như cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trên địa bàn.
6) Giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân trên địa bàn.
7) Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được CQĐP cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền.
Đối với CQĐP ở phường (đô thị) thì ngoài việc thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ chung của CQĐP cấp xã nêu trên, còn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng có của chính quyền đô thị. Đối với CQĐP ở đặc khu (hải đảo) thì ngoài việc thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ chung của CQĐP cấp xã, còn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng có của CQĐP đặc khu phù hợp với đặc thù của hải đảo./.
Hiền Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục