Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ) đã quy định rõ mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã; mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ trung ương đến cấp tỉnh và cấp xã.
![]() |
Khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương theo 02 cấp, việc đảm bảo vận hành thuận lợi, đồng bộ, liên thông, thống nhất, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng. |
Về mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã
Mối quan hệ công tác giữa cấp tỉnh và cấp xã trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là mối quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp và cơ chế thông tin, báo cáo để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý nhà nước ở địa phương, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:
Quan hệ chỉ đạo, điều hành theo chiều dọc và tính độc lập tương đối của chính quyền địa phương cấp xã
- Theo quy định của Hiến pháp, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tuân thủ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nguyên tắc tập trung dân chủ, hình thức tổ chức nhà nước là nhà nước đơn nhất, lãnh thổ được chia thành các ĐVHC. Do vậy, chính quyền cấp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ quản lý, điều hành tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng,... trên địa bàn tỉnh, thành phố (bao gồm cả cấp xã).
- Trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, cấp tỉnh đóng vai trò là cấp trực tiếp chỉ đạo và quản lý, điều hành các hoạt động của cấp xã trên địa bàn cấp tỉnh, thông qua việc cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị để chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành và kiểm tra việc thực hiện đối với cấp xã, đảm bảo các hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã phải thống nhất với các chủ trương, chính sách của chính quyền Trung ương và các nghị quyết, quyết định của HĐND và UBND cấp tỉnh.
- Chính quyền địa phương cấp tỉnh kiểm tra, giám sát đối với chính quyền địa phương cấp xã thông qua việc HĐND cấp tỉnh thực hiện quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương, giám sát hoạt động của UBND cùng cấp và cấp xã theo quy định của pháp luật,... UBND cấp tỉnh thực hiện quyền kiểm tra, thanh tra hành chính đối với chính quyền địa phương cấp xã, đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hệ thống hành chính. Việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương cấp tỉnh còn được thực hiện thông qua công tác nhân sự. Theo đó, Thường trực HĐND cấp tỉnh thực hiện việc phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã; Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách thức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền cấp tỉnh đối với việc thực hiện pháp luật, chính sách và các nhiệm vụ được giao của chính quyền cấp xã sẽ đảm bảo hoạt động của cấp xã đi đúng hướng và hiệu quả.
- Chính quyền cấp tỉnh thực hiện việc phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ quản lý nhà nước cho chính quyền cấp xã nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đã có một chương riêng về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa phương các cấp phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
- Chính quyền địa phương cấp xã là cấp thực hiện chính sách có sự độc lập tương đối trong việc quyết định các vấn đề của địa phương phù hợp với chính sách, thể chế của Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh; thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh. Chính quyền địa phương cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương và các văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh về kết quả hoạt động của mình, chịu sự giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương cấp tỉnh và có thể bị áp dụng các chế tài như đình chỉ, bãi bỏ văn bản trái pháp luật, bị giải tán nếu vi phạm pháp luật, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Quan hệ hướng dẫn và hỗ trợ
- Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ: Chính quyền địa phương cấp tỉnh (thông qua các cơ quan chuyên môn trực thuộc) có trách nhiệm hướng dẫn chính quyền địa phương cấp xã về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương như đất đai, tài chính, ngân sách, xây dựng, văn hóa, xã hội,... thông qua hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
- Hỗ trợ về nguồn lực: Chính quyền địa phương cấp tỉnh hỗ trợ chính quyền địa phương cấp xã về nguồn lực tài chính, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do chính quyền địa phương cấp tỉnh triển khai có sự tham gia và thụ hưởng của chính quyền địa phương cấp xã.
- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực: Chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức của chính quyền địa phương cấp xã nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc tại địa bàn.
Quan hệ phối hợp
- Phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ: Chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc có tính chất liên xã, liên phường, như: phòng chống thiên tai, dịch bệnh, xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội,...
- Trong quá trình xây dựng và ban hành các quyết định, chính sách có liên quan đến cấp xã, chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến của chính quyền địa phương cấp xã, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện, đặc điểm của cấp xã.
Chế độ thông tin, báo cáo
- Báo cáo định kỳ và đột xuất: Chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và các vấn đề khác ở địa phương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh.
- Thông tin hai chiều: Chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện thông tin kịp thời, đầy đủ cho chính quyền địa phương cấp xã về các chủ trương, chính sách mới, các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên cũng như các thông tin liên quan đến tình hình phát triển của tỉnh, thành phố và của đất nước. Đồng thời, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện tiếp nhận thông tin phản hồi từ chính quyền địa phương cấp xã để nắm bắt tình hình thực tế và điều chỉnh chính sách trên địa bàn cho phù hợp.
Như vậy, mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã trong mô hình chính quyền địa phương 02 cấp là một mối quan hệ đa dạng, hai chiều nhưng mang tính hệ thống và hữu cơ. Đây không chỉ là quan hệ chỉ đạo - phục tùng đơn thuần mà còn bao gồm các yếu tố hướng dẫn, hỗ trợ, phối hợp và thông tin. Mục tiêu của mối quan hệ này là đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả, đồng bộ trong quản lý nhà nước ở địa phương, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của cả hai cấp, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành trung ương, các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh và phòng, ban chuyên môn cấp xã)
Khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương theo 02 cấp, việc đảm bảo vận hành thuận lợi, đồng bộ, liên thông, thống nhất, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi mô hình mới (02 cấp) không chỉ tinh gọn bộ máy theo chiều ngang (giảm cấp trung gian) mà còn tối ưu hóa quy trình thực hiện công việc và trách nhiệm theo chiều dọc (từ trung ương xuống địa phương). Trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo 02 cấp, vai trò của trung ương là cần phải đảm bảo sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính quyền nhà nước từ trung ương đến địa phương. Trung ương (các bộ, ngành) sẽ đóng vai trò định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ và kiểm soát đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã (thông qua các sở chuyên ngành theo lĩnh vực) nhưng cách thức và mức độ can thiệp sẽ khác nhau đối với từng cấp. Trung ương duy trì mối quan hệ chỉ đạo, kiểm soát và hỗ trợ chiến lược đối với cấp tỉnh, đảm bảo cấp tỉnh hoạt động theo đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với cấp xã, vai trò của Trung ương có sự điều chỉnh, tập trung vào việc tạo khung pháp lý, chính sách và hỗ trợ gián tiếp thông qua cấp tỉnh. Trung ương không trực tiếp can thiệp sâu vào hoạt động thường xuyên của cấp xã mà chủ yếu thông qua hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm soát của cấp tỉnh.
Trên cơ sở đó, trong mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ trung ương đến cấp xã như sau:
Các bộ, ngành trung ương
Bộ, ngành trung ương đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất theo từng ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Đối với hệ thống ngành dọc xuống đến cấp xã, vai trò của bộ, ngành trung ương là:
- Đề xuất cấp có thẩm quyền thiết lập khuôn khổ pháp lý và chính sách: Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, là nền tảng pháp lý và chính sách để các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện.
- Định hướng chuyên môn và nghiệp vụ: Ban hành các hướng dẫn, quy trình, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn ngành, đảm bảo tính thống nhất quản lý ngành, lĩnh vực từ trung ương xuống đến cấp xã.
- Giám sát và đánh giá: Thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách và các quy định của ngành tại các cấp địa phương, bao gồm cả chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã. Đồng thời, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành trên phạm vi cả nước.
- Hỗ trợ về nguồn lực và năng lực: Cung cấp hỗ trợ về tài chính (qua các chương trình, dự án), đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thuộc hệ thống ngành dọc ở địa phương.
Các sở chuyên ngành, cơ quan, tổ chức khác thuộc chính quyền địa phương cấp tỉnh
Sở chuyên ngành, cơ quan, tổ chức khác thuộc chính quyền địa phương cấp tỉnh đóng vai trò là cơ quan trung gian, điều phối, là cầu nối giữa bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã trong hệ thống ngành dọc. Sở, ngành chuyên môn chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và sự chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vai trò của các sở chuyên ngành, cơ quan, tổ chức khác thuộc chính quyền địa phương cấp tỉnh như sau:
- Cụ thể hóa và triển khai chính sách của trung ương cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cấp tỉnh để triển khai các chính sách đó.
- Chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho cấp xã, cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực tương ứng.
- Kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cấp xã trong việc thực hiện các quy định, chính sách của ngành đồng thời hỗ trợ cấp xã giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ.
- Tổng hợp thông tin, báo cáo từ cấp xã về tình hình hoạt động của ngành trên địa bàn tỉnh, tổng hợp và báo cáo lên Bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh.
Mối quan hệ công tác ngành dọc từ trung ương, cấp tỉnh đến cơ quan chuyên môn của cấp xã
- Quan hệ chỉ đạo - phục tùng về chuyên môn, nghiệp vụ: Cấp dưới (sở chuyên ngành và cơ quan, tổ chức khác thuộc chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã) phục tùng sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cấp trên (Bộ, ngành trung ương).
- Quan hệ hướng dẫn, kiểm tra: Cấp trên hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp dưới đế đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả hoạt động của ngành, lĩnh vực.
- Quan hệ thông tin hai chiều: Thông tin được truyền từ trên xuống (chính sách, chỉ thị, hướng dẫn,...) và từ dưới lên (báo cáo, phản hồi, đề xuất...).
- Quan hệ phối hợp: Các cấp thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chung của ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nền hành chính nhà nước.
Trong mô hình tổ chức hình chính quyền địa phương 02 cấp, vai trò của trung ương đóng vai trò quyết định đối với việc kiến tạo khuôn khổ pháp lý, định hướng phát triển, thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và điều phối quyền lực, hỗ trợ nguồn lực và kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp xã). Tuy nhiên, đối với cấp tỉnh, trung ương duy trì mối quan hệ chỉ đạo, điều hành và kiểm soát trực tiếp, toàn diện. Đối với cấp xã, vai trò của trung ương mang tính gián tiếp, chủ yếu thông qua cấp tỉnh, tập trung vào việc tạo lập khung pháp lý, chính sách chung và hỗ trợ gián tiếp nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời vẫn đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, thông suốt của trung ương và sự vận hành hiệu quả, đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính quyền nhà nước./.
Thục Quyên
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục