Hà Nội, Ngày 27/04/2025

Vị trí, vai trò của công chức cấp cơ sở trong tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp

Ngày đăng: 15/04/2025   13:46
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Công chức cấp cơ sở (cấp xã) thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm được giao đảm nhiệm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức. Công chức cấp cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, là người trực tiếp đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống thực tiễn, thực hiện công tác quản lý hành chính nhà nước, dịch vụ công tới người dân, tổ chức, là người đại diện cho chính quyền cơ sở phục vụ nhân dân, tổ chức. Để có được đội ngũ công chức cấp cơ sở ngang tầm nhiệm vụ mới, cần thực hiện các giải pháp về cải cách thể chế, nâng cao năng lực thực thi công vụ, hiện đại hóa hoạt động công vụ và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách.  

Từ khóa: Công chức cấp cơ sở; tinh gian biên chế; sáp nhập đơn vị hành chính.

Abstract: Grassroots civil servants (commune-level civil servants) are part of the official staffing establishment of provinces and centrally governed cities. They are classified and remunerated according to the ranks and grades corresponding to their assigned job positions, provided that they meet the standards and requirements of these positions. Grassroots civil servants are recruited, assigned, and managed in accordance with the Government’s regulations governing civil servants. Grassroots civil servants hold a crucial position and play an important role in the state administrative system. They directly implement the Party's and the State's guidelines and policies in everyday life, perform state administrative management, and deliver public services to citizens and organizations. They act as representatives of grassroots authorities in serving the people and organizations. In order to build a contingent of grassroots civil servants capable of meeting the demands of new tasks, it is essential to implement solutions such as institutional reform, enhancing professional competence, modernizing civil service operations, and effectively communicating and disseminating policies.

Keywords: Grassroots civil servants; staffing streamlining; administrative unit consolidation.

 

 

Những chủ trương, định hướng chung về công chức cơ sở

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đưa ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. 

Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” đã đưa ra nội dung quan trọng về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó: (1) Đối với cấp xã: Cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hoá, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo... Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã. (2) Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các sở chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp.

Kết luận số 127-KL/TW đã chỉ rõ: Nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Thanh tra, Luật Quy hoạch, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức toà án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, các luật liên quan, các văn bản, nghị định về cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương và xử lý tài sản nhà nước sau sắp xếp tổ chức bộ máy ở địa phương.

Với công chức cấp cơ sở (cấp xã), trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (năm 2025) nêu rõ các vị trí việc làm là: lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ, phục vụ. Công chức cơ sở là công chức trong cơ quan nhà nước làm việc ở cơ quan địa phương theo vị trí việc làm là: Công chức làm công việc lãnh đạo, quản lý; Công chức làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ và công chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ. Như vậy, công chức cơ sở không còn phân biệt riêng là công chức cấp xã, được xác định là công chức nói chung và khi những người có đủ các điều kiện theo luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức. Công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) sẽ có thay đổi, theo tinh thần mới, thuộc biên chế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được xếp lương theo ngạch, bậc tương ứng với vị trí việc làm được giao đảm nhiệm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện tinh giản.

Đối với tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã), UBND cấp cơ sở trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý, sử dụng công chức theo phân cấp của UBND cấp tỉnh.

Vị trí, vai trò của công chức cấp cơ sở

Công chức cấp cơ sở có vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền địa phương 02 cấp. Với vị trí cơ sở trong hệ thống các cơ quan nhà nước, là vị trí trực tiếp chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước tới nhân dân, tới cộng đồng xã hội, là vị trí của người thực thi công vụ trực tiếp đối với người dân và tổ chức trong cung cấp dịch vụ công. Với vị trí là người đại diện cho quyền lực nhà nước cấp cơ sở, công chức cấp cơ sở là đại diện của những biểu hiện tốt đẹp của Nhà nước đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp, thể hiện sự phục vụ, sự cống hiến cho Nhà nước, cho nhân dân.

Vai trò của công chức cấp cơ sở thể hiện ở những khía cạnh như:

(1) Vai trò tổ chức thông tin, chuyển tải thông tin. Thực hiện vai trò tham gia tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

(2) Vai trò thực thi quyền lực nhà nước. Thực hiện vai trò tham gia quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, quản trị hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân. Đồng thời, thực hiện vai trò người giúp lãnh đạo UBND cấp cơ sở trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người, giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.

(3) Vai trò người đại diện, hướng dẫn. Thực hiện vai trò người đại diện, người hướng dẫn của chính quyền cấp cơ sở trong việc tham gia chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, bão lụt, dịch bệnh tại địa bàn và hướng dẫn, kiểm tra hoạt động tự quản của thôn.

(4) Vai trò gương mẫu, đi đầu trong xây dựng chính quyền địa phương, xây dựng quê hương, cộng đồng. Với vai trò, nêu gương dẫn dắt, công chức cấp cơ sở thực hiện lối sống lành mạnh, phục vụ nhân dân, thực hành đạo đức công vụ, giao tiếp hiệu quả, không vụ lợi, tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không hách dịch cửa quyền, không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích riêng. Thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trên cơ sở vị trí, vai trò quan trọng của công chức cấp cơ sở, trong giai đoạn đổi mới hiện nay, cần nhận diện những cơ hội và thách thức đối với đội ngũ công chức cấp cơ sở. 

Thứ nhất là cơ hội phát triển. Đội ngũ công chức cấp cơ sở được tham gia vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Giai đoạn 2025 - 2030 là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp, xây dựng đội ngũ công chức cấp cơ sở có phẩm chất, năng lực thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Thứ hai là cơ hội xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Xây dựng và hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn” để nhanh chóng đưa chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua. Tập trung hoàn thiện pháp luật về công tác cán bộ, về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Thứ ba là cơ hội cơ cấu lại đội ngũ công chức, xây dựng đội ngũ công chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, luôn gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Từng bước xây dựng đội ngũ công chức cấp cơ sở có năng lực thực thi công vụ và phẩm chất tốt phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của công vụ.

Bên cạnh những cơ hội, trong thời gian tới cũng đặt ra những thách thức đối với đội ngũ công chức cấp cơ sở.

Một là, thách thức về mặt tổ chức là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp đặt ra những thách thức to lớn về công tác tổ chức. Tổ chức sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị hành chính. Việc tổ chức lại các đơn vị hành chính hướng đến sự phát triển chung của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu chung cho công cuộc đổi mới cũng như nguyện vọng của nhân dân. Việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ là yêu cầu bắt buộc, phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản và hợp lý, bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ quan trọng; đồng thời kiên quyết chấm dứt tình trạng trùng lặp, lãng phí. Tuy nhiên, điều này không đơn giản, đòi hỏi sự quyết tâm cao, vượt qua lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bởi việc sáp nhập cấp tỉnh, mở rộng cấp xã, phân công lại chức năng thường gặp phải sự phản ứng từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là những đơn vị, cá nhân có nguy bị ảnh hưởng đến lợi ích.

Hai là, thách thức về mặt nhân sự. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp liên quan đến nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp cơ sở, đến việc cắt giảm biên chế và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của các công chức. Cần chú trọng đến xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hợp lý, giải quyết thỏa đáng, vì việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giản biên chế có thể dẫn đến tình trạng bất mãn, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, gây khó khăn lớn trong quá trình thực hiện cuộc cải cách đổi mới. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ thích hợp về tài chính, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công tác phù hợp để công chức an tâm công tác, cống hiến.

Ba là, thách thức về mặt văn hóa, xã hội và tư duy. Tâm lý e ngại thay đổi, tư duy "an phận”, sợ khó, tìm cách vụ lợi, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn còn là một hiện tượng khá phổ biến trong các cơ quan hành chính nhà nước vốn có tính ổn định. Sự thay đổi đi đôi với việc phá bỏ những "lối mòn”, đòi hỏi sự thích ứng với môi trường làm việc mới, áp lực công việc lớn hơn và yêu cầu về năng lực cao hơn. Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, thiếu động lực làm việc, chọn phương án "an toàn” hoặc có biểu hiện ngầm chống đối. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp không chỉ đòi hỏi phải thay đổi về thể chế, về cơ cấu tổ chức mà còn là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức quản lý, từ chỗ coi trọng số lượng sang tập trung vào chất lượng và hiệu quả công việc. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho đội ngũ công chức cấp cơ sở; đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, cản trở quá trình đổi mới.

Bốn là, thách thức về hiện đại hóa hoạt động công vụ. Những thách thức trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động công vụ, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động công vụ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức cấp cơ sở nâng cao năng lực thực thi công vụ, áp dụng thành thạo các quy trình mới trong môi trường số, học tập rèn luyện các kỹ năng mới đảm bảo hoạt động trong môi trường số với năng suất cao.

Phương án tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp”.

Một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển đội ngũ công chức cấp cơ sở, nâng cao năng lực thực thi công vụ 

Để có được đội ngũ công chức cấp cơ sở sau sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp vững mạnh, hoạt động đạt hiệu quả cao, cần triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện và khoa học, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu mới trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, giải pháp về cải cách thể chế đối với công tác cán bộ, công chức cấp cơ sở. Đây là giải pháp nền tảng để tạo ra cơ sở pháp lý và chính sách đồng bộ hỗ trợ cho việc sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, về phát triển đội ngũ công chức cấp cơ sở. Để thực hiện cải cách thể chế một cách hiệu quả, cần tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, sàng lọc đội ngũ công chức cấp cơ sở, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và khả thi. Cần thực hiện một cách khoa học:

(1) Rà soát, đánh giá tổng thể những vấn đề liên quan đến các đơn vị hành chính, đội ngũ công chức cấp cơ sở, những vấn đề lý luận và thực tiễn. Xem xét hoạt động của chính quyền địa phương, hệ thống vị trí việc làm, nhằm loại bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lặp và phân bổ lại nhiệm vụ một cách khoa học.

(2) Xây dựng mô hình chung về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về quản lý đội ngũ công chức, đảm bảo phù hợp giữa lý thuyết, thực tiễn và xu thế phát triển của tổ chức bộ máy và quản lý nhân sự trên thế giới.

(3) Xác định rõ chức năng của từng cấp, hệ thống vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ từng vị trí việc làm và nhân sự.

(4) Tiếp tục xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi quá trình tinh gọn bộ máy, bao gồm các chính sách tái đào tạo, chuyển đổi vị trí việc làm và bảo đảm quyền lợi chính đáng của công chức. Việc cải cách thể chế về công tác cán bộ, công chức cấp cơ sở cần được thực hiện một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp và tinh giản biên chế. Phát triển nguồn nhân lực khu vực công nói chung, đội ngũ công chức cấp cơ sở nói riêng, cần chú trọng công tác xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, khuyến khích hiệu suất hoạt động công vụ, năng lực giải quyết vấn đề. Đồng thời, đối với những công chức cấp cơ sở có tinh thần học hỏi, đổi mới sáng tạo được xem là yếu tố quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, giải pháp về nâng cao năng lực thực thi công vụ, sàng lọc, tinh giản biên chế.

Đây là giải pháp then chốt để bảo đảm chất lượng và hiệu quả của hoạt động công vụ sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp. Trong bối cảnh mới, yêu cầu đối với đội ngũ công chức cấp cơ sở có trình độ chuyên môn phù hợp vị trí việc làm, có khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức cơ sở cần tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn hóa, đáp ứng các yêu cầu công việc của vị trí việc làm ngày càng phức tạp. Chú trọng việc sắp xếp lại đội ngũ công chức cấp cơ sở một cách hợp lý, bảo đảm mỗi công chức đều được bố trí theo vị trí việc làm, công việc phù hợp với năng lực, sở trường để phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, năng lực làm việc hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện công tác đánh giá, phân loại công chức một cách khách quan, công khai, dựa trên kết quả làm việc và đóng góp thực tế. Từng bước nghiên cứu ứng dụng đánh giá công chức cấp cơ sở theo chỉ số thực thi công vụ chính - KPI. Những nhân sự có năng lực chưa phù hợp với vị trí việc làm, kết quả công vụ còn hạn chế cần được bồi dưỡng, đào tạo lại hoặc chuyển đổi công việc phù hợp hơn, trong khi những cá nhân có năng lực vượt trội cần được tạo điều kiện để phát huy tối đa khả năng, kịp thời phát hiện, bổ nhiệm những người có đức, có tài vào các vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính nhà nước. 

Thứ ba, giải pháp về hiện đại hóa hoạt động công vụ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động công vụ.

Có thể nói, đây là giải pháp mang tính đột phá giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước là giải pháp quan trọng để giảm tải công việc hành chính và tinh giản biên chế. Việc xây dựng các mô hình quản trị thông minh, như chính phủ điện tử và thành phố thông minh, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách thuận lợi, đồng thời nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy hành chính nhà nước. Ứng dụng chuyển đổi số cần được chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức cơ sở giúp họ có thể làm chủ công nghệ, thích ứng với môi trường làm việc số.

Thứ tư, giải pháp về công tác truyền thông, minh bạch thông tin, công khai kết quả thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp, tinh giản biên chế, sàng lọc nhân sự, bảo đảm sự đồng thuận xã hội.

Đây là giải pháp có tầm quan trọng nhằm tạo niềm tin cho người dân, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để họ hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, tinh giản biên chế, qua đó sẵn sàng ủng hộ, hợp tác và tham gia vào quá trình này. Từng bước xây dựng, hoàn thiện các cơ chế tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản hồi, ý kiến đóng góp của người dân và tổ chức, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức - những người bị ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Sự đồng thuận từ xã hội, từ hệ thống chính trị sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp diễn ra thuận lợi, bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước./. 

----------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 

2. Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. 

3. Học viện Hành chính Quốc gia (2021), Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Nxb Bách khoa Hà Nội.

4. Ngô Thành Can chủ biên (2018), Công vụ và quản lý thực thi công vụ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

5. Ngô Thành Can (2018), Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, Nxb Tư pháp.

6. https://suckhoedoisong.vn/sap-nhap-tinh-thanh-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cong-chuc-phai-pha-bo-loi-mon-an-phan-169250404212751958.htm  truy cập ngày 11/4/2025.

PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Tổ chức và quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia)

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Yêu cầu đặt ra khi tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương và những thuận lợi, khó khăn khi không triển khai tổ chức đảng, chính quyền ở cấp huyện

Ngày đăng 25/04/2025
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua nội dung: “Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành”.

Sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới)

Ngày đăng 25/04/2025
Ngày 25/4/2025, một quyết định mang tính bước ngoặt đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 28: dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới). Sự kiện này không chỉ là một thay đổi đơn thuần về mặt địa giới hành chính, mà còn là một động thái chiến lược, hứa hẹn tạo ra những biến chuyển sâu rộng trong bức tranh kinh tế - xã hội của khu vực.

Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Đảng ủy xã, phường được lập 03 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc

Ngày đăng 25/04/2025
Theo Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW, ngày 23/4/2025 của Ban Tổ chức Trung ương, sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Đảng ủy xã, phường được lập 03 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc; Đảng ủy đặc khu được lập tối đa 04 cơ quan tham mưu, giúp việc.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã bám sát chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy khi thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp

Ngày đăng 25/04/2025
Ngày 25/4/2025, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). 

Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp

Ngày đăng 24/04/2025
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tiêu điểm

Xây dựng Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã (dự kiến trình Chính phủ trước ngày 06/5/2025)

Ngày 24/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 05/CV-BCĐ gửi Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng và trình các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.