Hướng sáp nhập để những tỉnh nội địa, những tỉnh ở trung tâm đồng bằng, thậm chí những tỉnh miền núi như tại Tây Nguyên, cũng có thể mở đường ra biển khi hợp nhất với một tỉnh duyên hải liền kề thể hiện tư duy chiến lược, là chỉ đạo nhất quán của Trung ương.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do Báo Dân trí tổ chức ngày 10/4.
Tạo nên một vùng kinh tế - xã hội mang tính chiến lược
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Việt Nam hiện có 6 vùng kinh tế - trong đó vùng Tây Nguyên là một vùng đặc thù, mang nhiều yếu tố riêng biệt cần được nhìn nhận đầy đủ và toàn diện.
![]() |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đặc biệt quan tâm hướng mở để các tỉnh Tây Nguyên cũng có biển (Ảnh: Dân Trí) |
Tây Nguyên hiện gồm 5 tỉnh với tổng diện tích trên 50.000 km² và dân số khoảng 6 triệu người. Nhưng điều quan trọng hơn là giá trị chiến lược của vùng Tây Nguyên không chỉ nằm ở quy mô dân số hay diện tích, mà còn ở bản sắc văn hóa độc đáo, khí hậu đặc thù và nguồn tài nguyên phong phú. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một vùng kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, có vai trò đặc biệt đối với quốc gia cả về phát triển bền vững lẫn ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Không chỉ có nông nghiệp, Tây Nguyên còn là "kho báu" về tài nguyên thiên nhiên, với nhiều mỏ khoáng sản, đất hiếm có giá trị cao. Có thể nói, đây là vùng có trữ lượng tài nguyên phong phú, đa dạng, là tiềm lực lớn để phục vụ sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa - nghệ thuật ở Tây Nguyên cũng rất sôi động và độc đáo, với không gian văn hóa cồng chiêng - đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hay các lễ hội nổi bật như Festival Hoa Đà Lạt… Tất cả tạo nên một Tây Nguyên không chỉ giàu tiềm năng phát triển kinh tế mà còn rất giàu bản sắc văn hóa và sức sống cộng đồng.
Trong quá trình nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã có những thời điểm các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất việc chia tách Tây Nguyên thành hai vùng riêng biệt. Một ví dụ tiêu biểu là việc xem xét đưa tỉnh Lâm Đồng về với vùng Đông Nam Bộ, bởi Lâm Đồng có nhiều mối liên hệ về kinh tế, văn hóa, giao thương và du lịch với các tỉnh khu vực này. Sự phát triển của Lâm Đồng - đặc biệt là thành phố Đà Lạt - có ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và đời sống kinh tế - xã hội của một số tỉnh thuộc Đông Nam Bộ.
Trong khi đó, các tỉnh phía bắc Tây Nguyên lại có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, thể hiện rõ qua các tuyến giao thông chiến lược như quốc lộ 19, 25, 24, hay qua các dòng sông như Sê San, sông Ba - những huyết mạch kết nối vùng cao nguyên với các cảng biển phía Đông. Như vậy, mối liên kết giữa Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là hoàn toàn rõ ràng, không chỉ về mặt địa lý mà còn về kinh tế, giao thương và phát triển không gian vùng.
Ý tưởng tách đôi Tây Nguyên trước đây phần nào phản ánh mong muốn khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng này, cũng như thúc đẩy liên kết vùng theo đặc điểm phát triển riêng biệt. Tuy nhiên, ngày nay, khi chúng ta đã có tư duy phát triển theo không gian tích hợp, điều quan trọng hơn là kết nối vùng một cách hài hòa và hiệu quả thay vì chia tách hành chính đơn thuần.
Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành phố có biển, trong đó khu vực Nam Trung Bộ sở hữu nhiều cảng biển nước sâu như Cam Ranh, Vân Phong... Đây là những lợi thế chiến lược cho phát triển kinh tế biển và giao thương quốc tế.
Do đó, cần tăng cường liên kết giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ để hình thành trục kết nối Đông - Tây, kết nối giữa miền biển và miền núi, giữa đồng bằng và cao nguyên. Sự kết nối này không chỉ là về giao thông, vận tải, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong quy hoạch phát triển vùng, cần được quan tâm sâu sắc và triển khai bài bản.
Tạo dư địa cho doanh nghiệp
Từ góc độ kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân khẳng định: “Ngày xưa, dân cư sống ven biển nghèo hơn ở trong. Nhưng bây giờ lại khác, tình hình đã thể hiện chiều hướng ngược lại. Điểm quan trọng nữa là chi phí về logistic, chi phí về hành trình… Nếu như có giao thoa giữa vùng biển, vùng Quy Nhơn, Tuy Hòa, giao thoa lên trên Tây Nguyên thì rất tuyệt vời.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân hiện là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (Ảnh: Dân Trí) |
Cộng với yếu tố hạ tầng, tôi nghĩ chi phí logistic đang rất cao, làm cho chúng ta không xuất khẩu được. Kể cả các nhà máy dùng nguyên liệu trên núi, mà nhà máy lại đặt ở rừng. Nếu ta kết hợp, nếu cùng chung một chính quyền một tỉnh, thì dưới góc độ doanh nghiệp thì rất hay.
Nếu chúng ta làm được điều đó, càng sớm càng tốt, chắc chắn dư địa phát triển tốt hơn nhiều. Dưới góc độ doanh nghiệp là rất tuyệt vời".
Nguyên Thứ trưởng Trần Ngọc Chính cũng cho rằng: "Chi phí logistic ở Việt Nam còn rất cao. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề này tốt thì việc xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng nó rất tốt, giá trị cao hơn rất nhiều. Hướng nhà máy ở đâu, thì nguyên liệu đầu vào ở đấy, nguyên liệu từ thô đến tinh thì chúng ta có thể hướng xuất được của địa phương đấy, rõ ràng logistic nó khác hẳn. Rõ ràng có biển với không có biển thì nó hoàn toàn khác hẳn"./.
Hồng Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục