Hà Nội, Ngày 27/04/2025

Phát huy vai trò trong quản lý tự học của đội ngũ cán bộ kiêm chức tại Học viện Quân y

Ngày đăng: 09/04/2025   14:37
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Đội ngũ cán bộ kiêm chức là thành phần quan trọng trong đội ngũ cán bộ quản lý ở nhà trường quân đội. Tại Học viện Quân y, đội ngũ cán bộ kiêm chức trực tiếp tham gia quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên. Vì vậy, phát huy vai trò của đội ngũ này trong tất cả các hoạt động, trong đó có hoạt động tự học là yêu cầu cơ bản để nâng cao uy tín, vị thế, tạo ảnh hưởng trực tiếp, tích cực đến quá trình hình thành nhân cách của học viên, những cán bộ quân y trong tương lai.

Từ khóa: Đội ngũ cán bộ kiêm chức; Học viện Quân y; quản lý tự học.

Abstract: The team of dual-role officers is an important component of the management staff at military schools. At Vietnam Military Medical Academy, these dual-role officers directly participate in the management, education, and training process of students. Therefore, promoting the role of this team in all activities, including self-study, is a basic requirement to enhance prestige and status, creating direct and positive influences on the character formation process of students, the future military medical officers.

Keywords: Dual-role officers team; Vietnam Military Medical Academy; self-study management.

Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Quân y. Ảnh minh họa

Đội ngũ cán bộ kiêm chức ở Học viện Quân y là lực lượng nòng cốt, trực tiếp quyết định đến kết quả tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chỉ huy các cấp phù hợp với thực tế đơn vị quản lý học viên ở Học viện; đồng thời có vai trò quan trọng trong lãnh đạo, nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của đơn vị quản lý học viên. Cán bộ kiêm chức chính là hạt nhân, trung tâm đoàn kết trong đơn vị; là “cầu nối” phản ánh tâm tư, nguyện vọng của học viên đến cấp ủy, chỉ huy, cán bộ quản lý các cấp. Vì vậy, cần phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng năng lực toàn diện để đội ngũ này thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao nói chung, trong quản lý tự học nói riêng.

Quan niệm quản lý hoạt động tự học của học viên

Quản lý hoạt động tự học của học viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của công tác quản lý giáo dục nói chung, quản lý học viên nói riêng, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quân y cho Quân đội. Tự học có vị trí rất quan trọng, quyết định đến việc không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy - học, giúp người học nắm vững tri thức, kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp, chức trách nhiệm vụ mà họ sẽ đảm nhiệm trong tương lai. Tự học là một trong những nhân tố quan trọng để biến nhận thức thành niềm tin, xây dựng và phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, giúp cho người học có thể phát hiện và phân tích những vấn đề nảy sinh trong học tập, công tác, trong đời sống của xã hội, quân đội, đơn vị… Tự học còn là biện pháp rất quan trọng để đội ngũ cán bộ tiếp tục bồi dưỡng, hoàn thiện phẩm chất năng lực công tác sau khi ra trường, là cơ sở để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhà trường với đơn vị. Tự học còn rèn luyện cho học viên có nếp sống văn minh, phương pháp làm việc khoa học, đức tính kiên trì và say mê nghiên cứu.

Chất lượng tự học là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, như người dạy, người học, quy trình dạy học, quy chế quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho huấn luyện, đời sống, thời gian tự học… trong đó nhân tố người dạy và người học đóng vai trò quyết định. Quá trình tự học là toàn bộ diễn biến quá trình vận động của người học từ chỗ chưa biết đến chỗ biết và biết ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn; từ chỗ nắm vững tri thức đến nắm vững kỹ xảo, kỹ năng ngày càng ở mức độ cao hơn, vận dụng những kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và các tình huống từ đơn giản đến phức tạp, qua đó góp phần hình thành phẩm chất và năng lực của người học.

Hoạt động tự học của học viên không chỉ tuân theo quy luật của quá trình nhận thức mà còn xuất phát từ động lực của hoạt động tự học. Đây chính là kết quả của quá trình giải quyết các mâu thuẫn vốn có trong quá trình tự học. Trong quá trình này phải kể đến mâu thuẫn giữa mục tiêu yêu cầu đào tạo cao với trình độ, khả năng của người học còn hạn chế, tuy nhiên đây chính là mâu thaaunx của sự vận động phát triển, bởi nếu giải quyết được mâu thuẫn này trong quá trình tự học sẽ giúp cho học viên nâng cao về mặt nhận thức, hoàn thiện và củng cố hệ thống tri thức, kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp quân sự.

Như vậy, thực chất hoạt động tự học của học viên là một quá trình nhận thức không có sự điều khiển, hướng dẫn trực tiếp, mà giảng viên chỉ đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn một cách gián tiếp giúp cho học viên thực hiện các nhiệm vụ học tập. Đây thực sự là quá trình tự học tập, đòi hỏi người học phải có động cơ, mục đích rõ ràng, có ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách, thường xuyên xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch học tập, lựa chọn phương pháp tự học phù hợp, khai thác tốt các điều kiện, phương tiện học tập hiện có.

Giải pháp phát huy vai trò của cán bộ kiêm chức trong quản lý tự học của học viên ở Học viện Quân y

Thứ nhất, phân tích để học viên biết được tầm quan trọng của việc tự học.

Cán bộ kiêm chức cần phân tích cho học viên thấy được tầm quan trọng của việc tự học trong quá trình đào tạo tại nhà trường. Khi giảng về phương pháp tự học, cán bộ kiêm chức có thể lấy những ví dụ về tấm gương tự học để học viên biết và học hỏi, như tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoặc của GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn; các tấm gương tiêu biểu thành công trong lĩnh vực y học, dược học trong và ngoài nước… Cán bộ kiêm chức có thể sử dụng câu chuyện về một số danh nhân hoặc danh ngôn ca ngợi về hoạt động học tập để nói rõ về tầm quan trọng và giá trị của tự học. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, tự học là chìa khóa vàng để học viên tiếp cận tri thức, đồng thời có vai trò to lớn trong việc giáo dục và hình thành nhân cách của học viên. Việc tự học rèn luyện cho học viên có thói quen độc lập suy nghĩ, giúp các học viên tự tin hơn trong việc lựa chọn, giải quyết những tình huống khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống sau này. V.I.Lênin đã nói: “Học! Học nữa! Học mãi” để khẳng định ý chí và nghị lực của việc tự học suốt đời. Để làm được điều này, đòi hỏi học viên phải thường xuyên tự mình nghiên cứu, tìm tòi, khám phá... phải có ý thức tự học, coi đây là nhiệm vụ then chốt, như vậy mới phát huy được hiệu quả học tập, là “chìa khóa vàng” dẫn đến sự thành công trong quá trình học và làm việc.

Thứ hai, quán triệt cho học viên hiểu trọng tâm của hoạt động tự học.

Cán bộ kiêm chức cần giải thích rõ nội hàm của vấn đề tự học, định hướng cho học viên hiểu tự học là hoạt động quan trọng mà người học phải tự tìm kiếm kiến thức bằng cách học hỏi từ thầy cô, bạn bè, tìm tòi nghiên cứu sách vở hay học hỏi, quan sát từ thực tế..., là tự mình hoạt động trí óc để chiếm lĩnh kiến thức, biến kiến thức từ sách vở từ cuộc sống thành kiến thức của mình. Trong quá trình tự học, bước đầu học viên có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng nhưng nếu hiểu đúng thì chính những vướng mắc đó từ áp lực sẽ trở thành động lực thúc đẩy học viên suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ và hoàn thành nhiệm vụ học tập, kích thích học viên hứng thú tìm tòi, khám phá tri thức mới, kiến thức mới.

Thứ ba, hướng dẫn cho học viên phương pháp xây dựng kế hoạch tự học.

Hiện nay, nhiều học viên học tập mang tính đối phó với thi cử, học không có định hướng, không có mục tiêu, kế hoạch cụ thể. Trong quá trình học, học viên học “qua loa”, cán bộ kiêm chức giảng gì nghe đó, ít quan tâm đến việc tìm tòi, trau dồi kiến thức, vì vậy học viên tiếp nhận bài giảng theo kiểu “nhồi nhét”, dẫn đến kết quả học tập không cao, chưa thực chất... Do đó, ngay từ khi nhập học, từ những học kỳ đầu tiên, học viên phải biết xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch học tập và biết cách quản lý thời gian thì việc học mới đạt hiệu quả cao. Cán bộ kiêm chức cần hướng dẫn cho học viên xác định mục tiêu và phương pháp xây dựng kế hoạch học tập. Học viên có thể xây dựng kế hoạch học tập dựa vào chương trình học của cả khóa học, năm học, từng học kỳ và từng môn học. Trên cơ sở đó, học viên sẽ xác định được công việc nào chính, công việc nào phụ, nhiệm vụ nào phải hoàn thành trước, nhiệm vụ nào có thể hoàn thành sau.

Cán bộ kiêm chức có thể hướng dẫn học viên dùng sơ đồ Gantt (The Gantt Chart), đây là một trong những phương pháp thông dụng khi lập danh mục những công việc cần làm theo thứ tự thực hiện của kế hoạch, có ghi rõ ai làm và thời gian thực hiện. Với việc tiếp cận cách sử dụng sơ đồ Gantt, học viên hoàn toàn có thể tiếp cận trên mạng internet và quản lý thời gian, tiến độ thực hiện kế hoạch tự học của mình. Như vậy, học viên sẽ có một bản kế hoạch học tập khoa học, rõ ràng, phù hợp với điều kiện và năng lực cụ thể của bản thân. Dựa vào bản kế hoạch này, học viên sẽ dễ dàng kiểm soát và thực hiện công việc theo đúng tiến độ và có thể tự đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch.

Thứ tư, hướng dẫn cho học viên kỹ năng đọc sách, nghiên cứu tài liệu.

Khi giảng dạy, cán bộ kiêm chức cần hướng dẫn học viên xác định mục đích và quy tắc đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Để việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu có hiệu quả thì học viên phải xác định được mục đích đọc, nghiên cứu. Khi xác định được mục đích đọc và nghiên cứu, học viên sẽ tập trung và sẽ cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Khi xác định được mục đích đọc sách, nghiên cứu tài liệu, cán bộ kiêm chức sẽ hướng dẫn học viên phương pháp đọc và nghiên cứu để đạt hiệu quả cao. Đồng thời, cán bộ kiêm chức định hướng cho học viên từng kỹ năng đọc, nghiên cứu và khai thác thông tin học tập từ sách, tài liệu. Cụ thể là hướng dẫn các kỹ năng cơ bản nhất như sau:

Thao tác tra cứu sách, tài liệu: để tìm được tài liệu như mong muốn, học viên phải biết cách tra cứu tài liệu ở thư viện, nhà sách và các kho tài liệu trực tuyến. Có nhiều cách tra cứu như: tra cứu theo từ khóa, theo tên tác giả, theo tên sách... học viên thành thạo thao tác này sẽ tiết kiệm được thời gian và đọc được những sách tham khảo, tài liệu cần tra cứu.

Thao tác chọn sách, tài liệu: Nguồn tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số hiện nay rất dồi dào, chứa đựng những thông tin phong phú, với nhiều quan điểm khác nhau thậm chí trái chiều. Do đó, học viên cần lưu ý việc lựa chọn được nguồn tài liệu khoa học, đáng tin cậy và chính xác nhất.

Thao tác đọc sách, nghiên cứu tài liệu: Đọc lướt, trước khi bắt tay vào việc học, học viên cần đọc lướt qua hướng dẫn, tài liệu cán bộ kiêm chức cung cấp cho mình… học viên có thể lật nhanh từng trang, hoặc mở ngẫu nhiên một số trang nào đó để định hình cho mình cách bố cục, trình bày, mục lục, hình minh họa, vị trí các phần tóm tắt, kết luận…

Đọc, nghiên cứu có suy nghĩ: Khi đọc sách cần phải tập trung tư tưởng, những nội dung chưa hiểu cần phải đọc chậm, đọc kỹ.

Đọc, nghiên cứu có hệ thống: Khi đọc bất kỳ cuốn sách nào, học viên nên đọc lướt nhanh toàn bộ phần tổng quát của sách để nắm sơ bộ nội dung cuốn sách. Sau đó, tùy vào mục đích đọc, nghiên cứu mà đọc kỹ một lần hay nhiều lần. Cần rèn luyện cách đọc nhanh để tập trung được sự chú ý, sự suy nghĩ diễn ra liên tục và dễ dàng xác lập được mối quan hệ giữa các đoạn với nhau khiến ta dễ nắm được nội dung tài liệu. Đọc có chọn lọc để tìm những điểm cốt lõi, chọn ý tưởng hay nhất, đúng nhất và có ích cho việc học sẽ rèn được tư duy phản biện, làm tiền đề cho năng lực giải quyết vấn đề sau này.

Đọc, nghiên cứu có ghi nhớ: Đọc sách, nghiên cứu tài liệu là học tập tích cực nên cần kèm theo việc ghi chép để nhớ lâu. Đọc sách hoặc tài liệu giáo khoa cần ghi các dàn ý và diễn tiến nội dung. Các ý chính cần ghi chép cẩn thận, gạch chân hoặc tô màu vì đó là ý cơ bản, từ đó có thể suy luận ra các ý khác liên quan. Những phần chưa hiểu hoặc chưa nắm vững cần đánh dấu để tiếp tục suy nghĩ, nhờ người giải đáp nếu vấn đề phức tạp, rộng lớn, khó hiểu.    

Thứ năm, hướng dẫn cho học viên cách sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ việc học tập, nghiên cứu.

Sử dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các học viên chủ động nghiên cứu, tìm tòi tri thức để học viên có thể tiếp cận nguồn tài liệu vô tận trên mạng, qua đó giúp học viên biết cách tìm tài liệu nhanh chóng và chính xác. Do đó, cán bộ kiêm chức cần trang bị cho học viên một số kỹ năng như: kỹ năng khai thác thông tin trên mạng, kỹ năng sử dụng thư điện tử, kỹ năng thiết kế powerpoint trình chiếu... Qua đó, học viên sẽ tự mình tra cứu tài liệu, tự trau dồi, cập nhật kiến thức và kỹ năng để phục vụ học tập tốt hơn. Học viên cần tăng cường sử dụng thư điện tử trong tương tác với cán bộ kiêm chức để có thông tin hai chiều nhanh chóng, cũng như việc sử dụng thư điện tử giữa các học viên với nhau để chia sẻ nguồn tư liệu và cùng nhau phấn đấu trong học tập. Như vậy, bên cạnh việc hướng dẫn cho học viên cách tự học hiệu quả thì cán bộ kiêm chức cũng cần thiết kế hoạt động tự học cho học viên, như cung cấp đề cương môn học cho học viên ngay trên mạng LAN của nhà trường để học viên có kế hoạch chuẩn bị bài từ trước.

Bên cạnh đó, trong từng buổi học với từng chủ đề cụ thể, cán bộ kiêm chức cần cung cấp danh mục tài liệu tham khảo, hướng dẫn học viên cách tra cứu, thu thập và xử lý thông tin hiệu quả. Ngoài ra, cán bộ kiêm chức sẽ thiết kế các hoạt động tự học cụ thể cho từng đối tượng học viên để họ tự tiếp thu kiến thức đáp ứng được mục tiêu môn học và yêu cầu đề ra...

Để việc tự học của học viên đạt hiệu quả, bên cạnh việc nâng cao ý thức tự học của học viên thì đội ngũ cán bộ kiêm chức đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, hướng dẫn học viên phương pháp tự học cơ bản giúp người học có thể tự học đạt kết quả cao. Khi có động cơ, ý thức tự học tốt kết hợp với phương pháp tự học khoa học, học viên sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu khoa học của bản thân./.

-------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Xuân Sinh, Bồi dưỡng phương pháp học tập cho học viên ở đại học quân sự theo tư tưởng “lấy tự học làm cốt” của Hồ Chí Minh, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Học viện Chính trị, H.2014.

2. Nguyễn Dương Thành, Phát huy nhân tố chủ quan trong tự học của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan chính trị hiện nay, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Trường Sĩ quan chính trị, 2016.

3. Nguyễn Ngọc Tôn, Bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm trong tự học tập cho học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan chính trị hiện nay, Đề tài khoa học dành cho học viên Trường Sĩ quan chính trị, 2020.

Phạm Đức Minh, Nguyễn Trí Đại - Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát huy tính đảng của đội ngũ đảng viên là học viên của Học viện Quân y 

Ngày đăng 17/04/2025
Tóm tắt: Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, coi đó là nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, trong đó phát huy tính đảng của đảng viên chính là yếu tố quyết định tổ chức đảng vững mạnh toàn diện. Thấm nhuần quan điểm đó, Đảng bộ Học viện Quân y luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là học viên của Học viện phát triển toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ khóa: Đạo đức cách mạng; đảng cầm quyền; phẩm chất chính trị; tính đảng. 

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả

Ngày đăng 29/03/2025
Việc xác định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả, chất lượng và sự thành công của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện tốt việc này sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất và kỹ năng phù hợp, đáp ứng hiệu quả yêu cầu ngày càng cao của công tác quản trị quốc gia và quản trị địa phương trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Bắc Ninh: mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025

Ngày đăng 26/12/2024
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong những năm qua, công tác ĐTBD cho cán bộ ở tỉnh Bắc Ninh luôn được chú trọng và đạt nhiều thành quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh về tư tưởng chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Hưng Yên: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đến năm 2025

Ngày đăng 26/12/2024
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 08/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về Đề án đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, uy tín nổi trội gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, trong đó xác định, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp tục là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ. Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ của tỉnh Hưng Yên luôn được quan tâm chú trọng; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp được bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và cập nhật kiến thức mới... cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Luân chuyển cán bộ: Động lực phát triển và rèn luyện

Ngày đăng 23/12/2024
Thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ tại tỉnh Thái Bình đã trở thành một điểm sáng trong quá trình xây dựng đội ngũ lãnh đạo có năng lực và tầm nhìn chiến lược. Với sự lãnh đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều chủ trương và giải pháp đột phá đã được triển khai, mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, điều hành trong hệ thống chính trị.

Tiêu điểm

Xây dựng Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã (dự kiến trình Chính phủ trước ngày 06/5/2025)

Ngày 24/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 05/CV-BCĐ gửi Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng và trình các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.