Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định pháp lý về hình thức kiện phái sinh tại Nhật Bản, đồng thời đánh giá những ưu điểm và hạn chế của cơ chế này. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế kiện phái sinh, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
Từ khóa: kiện phái sinh; giải quyết tranh chấp; cổ đông; kinh doanh thương mại; tố tụng dân sự.
Abstract: This article will analyze the legal provisions on the form of derivative lawsuits in Japan, and evaluate the advantages and disadvantages of this mechanism. Based on that, the article will propose some solutions to improve the derivative lawsuit mechanism, suitable for the practical context in Vietnam.
Keywords: derivative lawsuits; dispute resolution; shareholders; commercial business; civil procedure.
![]() |
Thành phố Tokyo, Nhật Bản. Nguồn: ANA |
Đặt vấn đề
Kiện phái sinh là một cơ chế pháp lý quan trọng được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông và duy trì tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Tại Nhật Bản, khởi kiện phái sinh cho phép cổ đông đại diện cho công ty để truy cứu trách nhiệm pháp lý của các thành viên ban giám đốc hoặc ban kiểm soát khi họ không thực hiện nghĩa vụ của mình một cách thận trọng và hợp lý. Tại Việt Nam, việc tham khảo từ mô hình kiện phái sinh của Nhật Bản có thể giúp đưa ra các ý tưởng chính sách nhằm mục đích cải thiện quy định hiện hành của pháp luật dân sự, kinh tế. Việt Nam có thể thiết lập các quy định pháp lý rõ ràng và hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, đồng thời duy trì tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý doanh nghiệp.
Quy định cơ bản về kiện phái sinh tại Nhật Bản
Về điều kiện khởi kiện phái sinh
Khởi kiện kiện phái sinh tại Nhật Bản là một cơ chế pháp lý quan trọng, cho phép cổ đông đứng ra đại diện cho công ty để truy cứu trách nhiệm pháp lý của các thành viên trong ban giám đốc hoặc ban kiểm soát. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 847 Luật Công ty Nhật Bản, để có tư cách khởi kiện, nguyên đơn phải là cổ đông của công ty và đã nắm giữ cổ phần ít nhất 06 tháng . Quy định này nhằm đảm bảo rằng cổ đông có đủ thời gian để theo dõi, đánh giá các hoạt động của ban giám đốc và nhận biết những sai phạm hoặc hành vi không phù hợp trong công tác quản lý. Thời gian này cũng giúp cổ đông tích lũy đủ kiến thức và hiểu biết sâu sắc về tình hình hoạt động của công ty, từ đó đưa ra những quyết định khởi kiện chính xác và hợp lý. Ngoài ra, việc yêu cầu cổ đông phải nắm giữ cổ phần trong một thời gian dài cũng giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng cơ chế khởi kiện từ những cổ đông mới tham gia với mục đích không chính đáng.
Về thủ tục khởi kiện phái sinh
Khoản 1 Điều 847 Luật Công ty Nhật Bản quy định trước khi đệ đơn lên tòa án, cổ đông phải yêu cầu công ty khởi kiện trách nhiệm của giám đốc hoặc các thành viên khác trong ban lãnh đạo bằng văn bản. Văn bản yêu cầu này cần phải chi tiết, rõ ràng, nêu rõ những hành vi sai trái hoặc vi phạm mà cổ đông cho rằng các thành viên ban lãnh đạo đã thực hiện nhằm đảm bảo rằng công ty có cơ hội tự mình giải quyết các vấn đề nội bộ trước khi phải đưa ra tòa án. Đối với công ty có hệ thống kiểm soát nội bộ, yêu cầu này cần được gửi đến kiểm soát viên để đảm bảo rằng quá trình giám sát và phản hồi được thực hiện một cách minh bạch và công bằng. Sau khi nhận được yêu cầu từ cổ đông, công ty có trách nhiệm phản hồi trong vòng 60 ngày. Trong thời gian này, công ty cần thực hiện các bước cần thiết để điều tra và xem xét yêu cầu của cổ đông. Nếu công ty quyết định không khởi kiện, họ phải thông báo lý do cụ thể cho cổ đông biết, theo quy định tại Điều 847 Khoản 4 của Luật Công ty, lý do từ chối này phải hợp lý và dựa trên các căn cứ pháp lý, để cổ đông có thể hiểu rõ quyết định của công ty. Trong trường hợp công ty không khởi kiện trong thời hạn này, cổ đông có quyền tự mình khởi kiện đại diện cổ đông lên tòa án không chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích của công ty và các cổ đông mà còn đảm bảo rằng các thành viên ban lãnh đạo không thể tránh trách nhiệm bằng cách trì hoãn hoặc phớt lờ yêu cầu của cổ đông. Tuy nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp, nếu có nguy cơ gây thiệt hại không thể khôi phục được cho công ty, cổ đông có thể bỏ qua yêu cầu khởi kiện và trực tiếp tiến hành khởi kiện đại diện cổ đông ngay lập tức, điều này được quy định tại Điều 847 Khoản 5 của Luật Công ty Nhật Bản.
Về nghĩa vụ chứng minh trong kiện phái sinh
Nghĩa vụ chứng minh được quy định tại Điều 217 Quy định thi hành Luật Doanh nghiệp (Pháp lệnh số 12 năm 2006 của Bộ Tư pháp. Theo đó, cổ đông là nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh sự sơ suất trong nhiệm vụ của các giám đốc bằng cách thu thập chứng cứ để chứng minh rằng hành động hoặc quyết định của giám đốc là không phù hợp, bao gồm biên bản cuộc họp hội đồng quản trị, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán, tài liệu nội bộ và thư điện tử.
Về chi phí tố tụng kiện phái sinh
Về chi phí tố tụng, Điều 847 và Điều 853 Luật Công ty Nhật Bản quy định một khoản phí cố định là 13.000 yên Nhật (tương đương 2.121.755,12 đồng Việt Nam), đây là mức phí đầu tiên mà cổ đông cần nộp để bắt đầu quá trình tố tụng. Mức phí này không thay đổi, bất kể số tiền yêu cầu bồi thường là bao nhiêu nhằm đơn giản hóa quá trình khởi kiện và đảm bảo rằng mọi cổ đông đều phải chịu cùng một mức phí để bắt đầu vụ kiện . Ngoài ra, nguyên đơn cũng cần nộp các chi phí liên quan khác trong quá trình tố tụng, trong đó chi phí điều tra sự thật là một trong những chi phí quan trọng nhất, bao gồm việc thu thập chứng cứ và các chi phí liên quan đến việc điều tra, bao gồm thu thập biên bản họp, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán và các tài liệu nội bộ khác.
Ưu điểm và hạn chế của kiện phái sinh tại Nhật Bản
Ưu điểm
Thứ nhất, quy định về đối tượng bị khởi kiện được mở rộng. Quy định này là một ưu điểm của pháp luật Nhật Bản so với hệ thống pháp luật của các quốc gia khác, thể hiện ở việc kiện phái sinh tại Nhật Bản không chỉ áp dụng với ban giám đốc mà còn có thể áp dụng với các đối tượng cụ thể khác như cố vấn kế toán, kiểm toán viên công ty, giám đốc điều hành cấp cao, kế toán viên, người sáng lập, giám đốc và kiểm toán viên công ty theo các thủ tục đã thiết lập và thanh lý viên (Điều 857 Luật Công ty năm 2005).
Thứ hai, quy định về điều kiện khởi kiện tại Nhật Bản. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 847 Luật Công ty Nhật Bản, để có tư cách khởi kiện, nguyên đơn phải là cổ đông của công ty và đã nắm giữ cổ phần ít nhất 06 tháng. Từ quy định này có thể thấy, việc đưa ra thời gian nắm giữ cổ phần sẽ nhằm đảm bảo cổ đông không chỉ có thời gian để tìm hiểu về hoạt động của công ty, hiểu rõ vấn đề, cần phải có căn cứ vững chắc để đưa ra quyết định khởi kiện, mà còn tránh các vụ kiện mang tính đầu cơ.
Hạn chế
Một là, các cổ đông gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Việc thu thập chứng cứ trong các vụ kiện phái sinh tại Nhật Bản là một công việc phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức. Cổ đông nguyên đơn không chỉ cần có sự kiên nhẫn, mà còn phải có kỹ năng tỉ mỉ và chính xác để có thể thu thập và sắp xếp các chứng cứ một cách hợp lý. Cụ thể, các chứng cứ cần thu thập bao gồm biên bản cuộc họp hội đồng quản trị, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, tài liệu nội bộ và thư điện tử. Những tài liệu này thường nằm rải rác và không được sắp xếp một cách hệ thống. Việc tìm kiếm, thu thập và tổ chức những tài liệu này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và công sức.
Hai là, chi phí liên quan của kiện phái sinh tại Nhật Bản. Điều 847 và Điều 853 Luật Công ty Nhật Bản quy định một khoản phí cố định mà cổ đông cần nộp để bắt đầu quá trình tố tụng là 13.000 yên Nhật (tương đương 2.121.755,12 đồng Việt Nam). Tuy nhiên, nguyên đơn cũng cần nộp các chi phí liên quan khác trong quá trình tố tụng, trong đó chi phí điều tra sự thật là một trong những chi phí quan trọng nhất, bao gồm việc thu thập chứng cứ và các chi phí liên quan đến việc điều tra, bao gồm thu thập biên bản họp, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán và các tài liệu nội bộ khác. Có thể thấy chi phí tài chính để khởi kiện phái sinh là tương đối thấp so với các hình thức tố tụng khác, nhưng các chi phí liên quan như chi phí điều tra, đi lại và thuê luật sư có thể tăng lên và cần được xem xét kỹ lưỡng. Vậy nên, để thực hiện một vụ kiện phái sinh cổ đông cần phải chuẩn bị cả về tài chính và tinh thần để theo đuổi vụ kiện đến cùng, vì các vụ kiện phái sinh thường phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian, dẫn đến các chi phí pháp lý liên quan khác cao. Bên cạnh đó, ngay cả khi thắng kiện thì cổ đông cũng phải đối mặt với rủi ro về chi phí pháp lý mà họ đã bỏ ra.
So sánh với kiện phái sinh tại Việt Nam và kiến nghị
Kiện phái sinh tại Việt Nam
Tại Việt Nam, kiện phái sinh lần đầu tiên được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Nghị định số 102/2010/NĐ-CP). Nghị định số 102/2010/NĐ-CP còn có một điểm rất đặc biệt khi bổ sung thêm quy định về thủ tục bắt buộc trước khi cổ đông, nhóm cổ đông có quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc. Đó là thủ tục yêu cầu yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc. Cụ thể, khi cổ đông hay nhóm cổ đông đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1, Điều 25 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP về số lượng cổ phần sở hữu và thời hạn sở hữu có “quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc” đối với các trường hợp cũng được quy định tại khoản này. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông, ban kiểm soát phải trả lời bằng văn bản xác nhận đã nhận được yêu cầu khởi kiện và tiến hành các thủ tục khởi kiện theo yêu cầu. Nếu hết thời hạn trên mà ban kiểm soát không thực hiện các yêu cầu trên, cổ đông, nhóm cổ đông có quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc. Nếu công ty không có ban kiểm soát thì cổ đông, nhóm cổ đông có thể thực hiện ngay quyền khởi kiện mà không cần thông qua thủ tục trên.
Hiện tại, quy định về kiện phái sinh của Việt Nam được cụ thể hóa tại Điều 72 Luật Doanh nghiệp đối với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Điều 166 Luật Doanh nghiệp đối với hình thức công ty cổ phần. Đều là quy định về kiện phái sinh, nhưng quyền “kiện phái sinh” với mỗi loại hình công ty lại có sự khác nhau nhất định, có thể kể đến một số sự khác biệt sau: Thứ nhất, không có hạn chế đối với quyền “kiện phái sinh” của thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhưng cổ đông của công ty cổ phần muốn thực hiện quyền này phải đáp ứng được những điều kiện quy định cụ thể tại Điều 166 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, cổ đông của công ty cổ phần chỉ được quyền “kiện phái sinh” nếu cổ đông, nhóm cổ đông đó sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông của công ty. Thứ hai, cổ đông, nhóm cổ đông trong công ty cổ phần chỉ có quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc mà không bao gồm người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác như đối với thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Tuy đã có sự ghi nhận quyền của cổ đông nhưng cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức kiện phái sinh khiến những điều luật này thiếu tính thực tiễn và chưa thực sự được cổ đông xem như một phương thức sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.
Kiến nghị hoàn thiện quy định về kiện phái sinh ở Việt Nam
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam nên mở rộng phạm vi đối tượng bị khởi kiện. Theo quy định tại Điều 72 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ được quyền khởi kiện đối với chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc/tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác nhưng cổ đông của công ty cổ phần chỉ được quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị và giám đốc/tổng giám đốc mà không bao gồm người quản lý khác như trường hợp của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam cần quy định rõ về thời gian nắm giữ cổ phần. Quy định nhằm đảm bảo rằng cổ đông có đủ thời gian để tìm hiểu và theo dõi hoạt động của công ty, từ đó có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý và điều hành công ty. Việc nắm giữ cổ phần trong một khoảng thời gian dài cũng giúp cổ đông hiểu rõ hơn về tình hình tài chính, chiến lược kinh doanh và các quyết định của ban lãnh đạo. Từ đó, cổ đông có thể đưa ra các quyết định khởi kiện một cách hợp lý, dựa trên sự hiểu biết và thông tin chính xác.
***
Kiện phái sinh là hình thức tố tụng mới và đặc thù, tuy nhiên tại Việt Nam chế định này chưa có quy định pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và thống nhất. Với tính chất này, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đã có truyền thống, xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan đến “kiện phái sinh” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và cổ đông, đặc biệt là các cổ đông thiểu số, mà kinh nghiệm của Nhật Bản trong bài viết này là điển hình có thể tham khảo để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kiện phái sinh trong pháp luật Việt Nam, trước hết là trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015./.
-----------------------------------
Nguồn trích dẫn:
1. https://www.corporate-legal.jp/matomes/2277 truy cập ngày 15/10/2024.
2. Khoản 1, Điều 847 của Luật Công ty Nhật Bản.
3. Khoản 4, Điều 847 Luật Công ty Nhật Bản.
4. Pháp lệnh số 12 năm 2006 của Bộ Tư pháp Nhật Bản.
5. https://www.law.cornell.edu/wex/derivative_action, truy cập ngày 15/10/2024.
6. Giám đốc trung tâm xuất bản và quan hệ công chúng Kenzo Ooka, “Trách nhiệm cá nhân của cán bộ công ty”, Tạp chí Hiệp hội quản lý môi trường công nghiệp, số 12, năm 2019.
7. “Vụ kiện phái sinh của cổ đông: TEPCO, 13 nghìn tỷ yên được phê duyệt - Tiền thuê luật sư là bao nhiêu?”, https://ibarakitaiyo-law.jp/essays, truy cập ngày 09/12/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Doanh nghiệp năm 2005, năm 2014, năm 2020.
2. Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
3. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến án phí và lệ phí Tòa án.
Nguyễn Lâm Phương - Phạm Trung An - Hoàng Mai Trang (Trường Đại học Luật Hà Nội)
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục