Hà Nội, Ngày 27/04/2025

Cần quy định rõ hơn để "lương giáo viên xếp cao nhất" không là khẩu hiệu

Ngày đăng: 25/03/2025   20:38
Mặc định Cỡ chữ

Đại biểu Quốc hội đề nghị trong dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định rõ hơn việc "lương giáo viên xếp cao nhất" là như thế nào, tránh tình trạng quy định chung chung để rồi không xếp được và "lương xếp cao nhất" vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Quang cảnh phiên họp chiều 25/3.

Chiều 25/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, một trong những dự án luật nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến chính sách tiền lương ở Điều 25, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ đồng tình quy định tiền lương đối với nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương của hành chính sự nghiệp, điều này thể hiện rất rõ ưu đãi.

Tuy nhiên, ông lưu ý nội dung này đã có trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương hơn 10 năm rồi, và nếu chỉ quy định như trong dự thảo thì vẫn khó đi vào thực tế.

"Trong hệ thống thang bảng lương chúng ta có ngạch A, B, C, mỗi một ngạch này lại có rất nhiều ngạch nhỏ, chẳng hạn từ A0 đến A4, mỗi một ngạch nhỏ như thế lại có bậc, từ bậc 1 cho đến bậc 6, bậc 7. Vậy nói xếp thang bảng lương cao nhất là xếp thế nào, có phải xếp vào ngạch cao nhất và xếp vào bậc cao nhất hay không", đại biểu đặt vấn đề.

Theo đại biểu Cường, nếu quy định chung chung như dự thảo thì cuối cùng không xếp được và cũng chỉ là khẩu hiệu. Do vậy, cần quy định rõ hơn nội dung này, khi đấy Chính phủ mới thực hiện được.

Cũng quan tâm vấn đề tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc xếp lương nhà giáo là cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, là một chính sách quan trọng thể hiện sự coi trọng nhà giáo.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của hệ thống giáo dục. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về việc xếp lương đối với các bậc học, cấp học khác nhau, đặc biệt là giáo viên các môn học đặc thù và có vai trò quan trọng trong xã hội.

Một nội dung nữa được đại biểu Thạch Phước Bình đề cập là tiền lương trong cơ sở giáo dục ngoài công lập. Theo đại biểu, cần có sự chi tiết hơn về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định lương tại các cơ sở ngoài công lập nhằm bảo đảm quyền lợi nhà giáo tại các cơ sở này được bảo vệ một cách hợp lý và công bằng.

Lương cao phải đi kèm chất lượng

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng bày tỏ tán thành cao với quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính, sự nghiệp và nhiều chính sách về phụ cấp khác.

Để chính sách được thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đi đôi với việc thực hiện chính sách đặc thù về tiền lương thì trong quá trình thi hành luật cần phải có các quy định để nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Từng bước xây dựng đội ngũ thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức nhà giáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp.

Đại biểu cũng kiến nghị dự thảo Luật giao Chính phủ có lộ trình rà soát, sắp xếp, tuyển chọn, thu hút để nâng cao chất lượng của nhà giáo.

Về tuyển dụng nhà giáo, dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng giao cho ngành Giáo dục tuyển dụng giáo viên. Đánh giá cao quy định này trong việc bảo đảm tính chủ động, song đại biểu cho rằng cũng cần phải quy định ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng trong quá trình tuyển dụng để bảo đảm cho quá trình nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước đó, dự thảo báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh, có ý kiến đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, quy định bảng lương linh hoạt theo cấp học, thâm niên của nhà giáo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức; do vậy, lương của nhà giáo thực hiện theo thang bảng lương hành chính sự nghiệp áp dụng cho đối tượng viên chức.

Dự thảo Luật đã quy định, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng được quy định bởi pháp luật. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định bảng lương nhà giáo linh hoạt theo cấp học cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng chính sách lương theo vị trí việc làm. Vì vậy, đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật./.

Theo: nhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% từ ngày 01/7/2024 là nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ

Ngày đăng 17/04/2025
Sáng 17/4/2025, trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang... từ ngày 01/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Chính quyền địa phương ở ĐVHC cấp xã sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025

Ngày đăng 15/04/2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Theo đó quy định, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025; chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.

Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu

Ngày đăng 15/02/2025
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14/02/2025, thảo luận tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là liên quan đến vấn đề dân số và lương tối thiểu. Do vậy, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp

Ngày đăng 07/02/2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024

Ngày đăng 15/01/2025
Chính phủ yêu cầu, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (loại trừ các khoản chi lương, có tính chất tiền lương, chi cho con người, các khoản phải bố trí đủ theo cam kết quốc tế, các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặc thù, quan trọng không thực hiện cắt giảm và phần tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương).

Tiêu điểm

Xây dựng Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã (dự kiến trình Chính phủ trước ngày 06/5/2025)

Ngày 24/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 05/CV-BCĐ gửi Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng và trình các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.