Hà Nội, Ngày 27/04/2025

Phát triển dữ liệu - cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá

Ngày đăng: 24/03/2025   14:13
Mặc định Cỡ chữ

Từ đời sống hằng ngày đến quản trị quốc gia, dữ liệu hiện diện khắp nơi và đang trở thành yếu tố then chốt trong mọi quyết định. Đó chính là nền tảng của xã hội số, là động lực mạnh mẽ cho phát triển.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Phát triển dữ liệu không chỉ là yêu cầu tất yếu của thời đại mà còn là cơ hội vàng để Việt Nam kiến tạo một nền kinh tế dựa trên tri thức, sáng tạo và giá trị gia tăng cao.

Tại lễ thành lập Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia ngày 22/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một phát biểu mang tầm nhìn chiến lược, trong đó ông khẳng định: dữ liệu là tài nguyên chiến lược, là "dòng máu" của nền kinh tế số và đóng vai trò trung tâm trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng chỉ ra hàng loạt bất cập cần sớm khắc phục như: Hạ tầng dữ liệu còn phân tán, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, khung pháp lý chưa đồng bộ… Ông giao 7 nhiệm vụ trọng tâm cho Hiệp hội, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện hành lang pháp lý, làm chủ công nghệ dữ liệu cốt lõi và bảo đảm an ninh, bảo mật dữ liệu quốc gia.

Thông điệp cốt lõi của bài phát biểu chính là lời hiệu triệu: Phát triển dữ liệu là cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá trở thành quốc gia số, nền kinh tế số thịnh vượng.

Dữ liệu là gì?

Dữ liệu là những thông tin được ghi lại dưới dạng con số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh… phản ánh các sự vật, hiện tượng trong đời sống. Đó có thể là nhiệt độ hôm nay là 28°C, dân số Hà Nội hơn 8 triệu người, hay một bức ảnh bạn chụp bằng điện thoại – tất cả đều là dữ liệu.

Nếu hình dung thế giới số là một cơ thể sống, thì dữ liệu chính là dòng máu – nuôi dưỡng, kết nối và vận hành toàn bộ cơ thể ấy. Nếu coi trí tuệ nhân tạo là một chiếc xe thông minh, thì dữ liệu chính là nhiên liệu để nó vận hành và ra quyết định. Nói cách khác, dữ liệu là những "viên gạch thô" để xây nên ngôi nhà tri thức và công nghệ của kỷ nguyên số.

Dữ liệu hiện diện trong mọi mặt của đời sống

Khi bạn biết thời tiết hôm nay nhiều mây, độ ẩm 75%, nhiệt độ 28°C – đó là dữ liệu thời tiết giúp bạn quyết định mặc gì và có nên mang áo mưa hay không. Trên mạng xã hội, dữ liệu cho biết bao nhiêu người thích bài viết của bạn, họ đến từ đâu, quan tâm điều gì – những dữ liệu ấy giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng và đưa ra chiến lược tiếp thị hiệu quả.

Trong nông nghiệp, các cảm biến thu thập dữ liệu về độ ẩm đất, lượng mưa, ánh sáng… giúp nông dân tưới tiêu đúng lúc, tránh lãng phí và nâng cao năng suất. Trong y tế, dữ liệu về nhịp tim, huyết áp, tiền sử bệnh lý của bệnh nhân – được lưu trữ trong hồ sơ điện tử – giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và điều trị chính xác hơn, hiệu quả hơn.

Từ đời sống hằng ngày đến quản trị quốc gia, dữ liệu hiện diện khắp nơi và đang trở thành yếu tố then chốt trong mọi quyết định. Đó chính là nền tảng của xã hội số, là động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Cơ hội lịch sử để bứt phá

Trong thế kỷ XXI, dữ liệu được ví như "dầu mỏ mới" – ai sở hữu dữ liệu, người đó nắm giữ sức mạnh. Nhưng khác với dầu mỏ – vốn hữu hạn – dữ liệu là tài nguyên vô hạn, càng khai thác, càng sinh ra giá trị mới. Nếu Việt Nam làm chủ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách với các quốc gia tiên tiến, bứt phá lên bằng tri thức và công nghệ thay vì phụ thuộc vào lao động giá rẻ hay tài nguyên thiên nhiên.

Quan trọng hơn, dữ liệu là nền tảng của một nhà nước hiện đại. Khi được thu thập và kết nối theo thời gian thực, dữ liệu sẽ giúp Chính phủ ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn: từ dự báo dịch bệnh, thiên tai, đến phân bổ ngân sách, chống lãng phí, chống tham nhũng và hoạch định chính sách sát thực tiễn hơn. Quản trị dựa trên dữ liệu chính là nền móng của một Nhà nước thông minh, phục vụ người dân hiệu quả.

Ở cấp độ doanh nghiệp, dữ liệu mở ra một không gian phát triển vô tận. Khi được chia sẻ và khai thác hợp pháp, dữ liệu giúp doanh nghiệp phân tích hành vi người tiêu dùng, tự động hóa vận hành, cá nhân hóa dịch vụ, và sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới – đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính, giáo dục, nông nghiệp, y tế, logistics, thương mại điện tử… Dữ liệu chính là "mảnh đất màu mỡ" để đổi mới sáng tạo nảy mầm và phát triển.

Về mặt xã hội, dữ liệu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – yếu tố sống còn cho phát triển bền vững. Với dữ liệu về giáo dục, kỹ năng và thị trường lao động, người học có thể cập nhật tri thức suốt đời, vô tận, không kể không gian và thời gian, còn nhà nước thì có thể điều tiết hệ thống đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. Qua đó, chúng ta có thể xây dựng lực lượng lao động số tinh gọn, linh hoạt và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

"Thiên thời - địa lợi - nhân hòa" đang ở phía trước

Việt Nam hiện đang sở hữu một "cửa sổ cơ hội" đầy hứa hẹn. Với dân số hơn 100 triệu người, phần lớn là người trẻ, yêu công nghệ; với hạ tầng số đang được đầu tư mạnh mẽ; với nền chính trị ổn định và sự cam kết cao từ Đảng, Nhà nước – đặc biệt là chỉ đạo rõ ràng, mang tầm chiến lược từ Tổng Bí thư Tô Lâm và sự vào cuộc quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - chúng ta đang có đủ điều kiện để vươn lên. Phát triển dữ liệu không chỉ là xu thế, mà còn là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần.

Phát triển dữ liệu không chỉ là yêu cầu tất yếu của thời đại mà còn là cơ hội vàng để Việt Nam kiến tạo một nền kinh tế dựa trên tri thức, sáng tạo và giá trị gia tăng cao. Nếu biết tận dụng cơ hội này, chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên mạnh mẽ, trở thành một quốc gia số, nền kinh tế số thịnh vượng và tự tin sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hành trình sáp nhập bộ máy - Đổi mới không bắt đầu từ những điều dễ dàng

Ngày đăng 22/04/2025
Một cuộc chuyển mình đang diễn ra âm thầm. Những công chức, viên chức Việt Nam đang viết tiếp một chương mới của cải cách hành chính: sáp nhập bộ máy.

Kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn

Ngày đăng 21/04/2025
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025) đã quyết nghị “thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang; giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn”.

Hội nghị Trung ương 11: Kiến tạo mô hình phát triển mới

Ngày đăng 14/04/2025
Trong tiến trình phát triển của một quốc gia, có những thời điểm không chỉ đánh dấu sự điều chỉnh chính sách, mà còn mở ra một chuyển động sâu sắc trong cấu trúc quyền lực, mô hình tổ chức và tư duy phát triển. Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII chính là một thời điểm như vậy.

Giỗ Tổ Hùng Vương và khát vọng hóa rồng

Ngày đăng 07/04/2025
Từ huyền thoại con Rồng, cháu Tiên đến khát vọng vươn mình hùng cường, thịnh vượng - dân tộc Việt Nam chưa bao giờ thôi khao khát khẳng định chính mình ở tầm vóc lớn hơn.

Chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật

Ngày đăng 20/03/2025
Xây dựng pháp luật là quá trình thiết lập nền tảng pháp lý cho sự vận hành của nhà nước và xã hội. Một hệ thống pháp luật tiến bộ không chỉ phản ánh đúng ý chí của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước mà còn phải bảo đảm sự minh bạch, công bằng, không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích tiêu cực.

Tiêu điểm

Xây dựng Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã (dự kiến trình Chính phủ trước ngày 06/5/2025)

Ngày 24/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 05/CV-BCĐ gửi Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng và trình các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.