Hà Nội, Ngày 27/04/2025

Chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật

Ngày đăng: 20/03/2025   15:01
Mặc định Cỡ chữ

Xây dựng pháp luật là quá trình thiết lập nền tảng pháp lý cho sự vận hành của nhà nước và xã hội. Một hệ thống pháp luật tiến bộ không chỉ phản ánh đúng ý chí của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước mà còn phải bảo đảm sự minh bạch, công bằng, không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích tiêu cực.

GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc xây dựng pháp luật tại Việt Nam vẫn còn những bất cập trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tác động của "lợi ích nhóm".

Vẫn còn bất cập trong chống tiêu cực, lợi ích nhóm

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2024), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhìn nhận, qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận các vụ việc có vi phạm do cơ quan kiểm tra, thanh tra ban hành, có biểu hiện của "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng pháp luật.

Biểu hiện của tiêu cực, "lợi ích nhóm" có thể nhìn thấy rõ không chỉ qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận các vụ việc có vi phạm do cơ quan kiểm tra, thanh tra ban hành mà thông qua công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật…

Theo GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tiêu cực trong xây dựng pháp luật là hành vi lợi dụng quyền lực lập pháp để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc nhóm, làm suy yếu tính công bằng, minh bạch của pháp luật. Tiêu cực có thể biểu hiện qua việc soạn thảo các quy định có lợi cho một nhóm lợi ích, hợp thức hóa các hành vi sai trái hoặc làm phức tạp hóa thủ tục để trục lợi.

Tiêu cực trong xây dựng pháp luật là một vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Việc phòng, chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật cần sự phối hợp của nhiều bên, từ cơ quan lập pháp, các tổ chức xã hội đến người dân. Minh bạch hóa quy trình, nâng cao chất lượng luật, xử lý nghiêm hành vi sai phạm là những biện pháp quan trọng để xây dựng một hệ thống pháp luật công bằng, hiệu quả…

Đánh giá khái quát thực trạng kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, GS.TS Phan Trung Lý nhìn nhận, hệ thống kiểm soát quyền lực trong lập pháp đã có sự tiến bộ, với nhiều quy định về giám sát, phản biện xã hội; cơ chế công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật được cải thiện đáng kể, nhất là thông qua các kênh lấy ý kiến nhân dân…

Tuy nhiên, hiện nay tư duy lập pháp nói riêng và tư duy xây dựng pháp luật nói chung chưa được đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu; cơ chế giám sát của Quốc hội chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khi nhiều đại biểu Quốc hội cũng là người đứng đầu các bộ ngành.

Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích vẫn có thể tác động đến việc ban hành luật thông qua vận động hành lang không chính thức, gây bất lợi cho môi trường kinh doanh và xã hội; trách nhiệm trong xây dụng pháp luật chưa rõ ràng; việc xử lý các trường hợp sai phạm trong xây dựng pháp luật còn chưa triệt để, thiếu cơ chế chế tài đủ mạnh…

Tạo lập "vòng kim cô" kiểm soát quyền lực

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định kiểm soát quyền lực là yếu tố cốt lõi để xây dựng một nền pháp luật trong sạch, vững mạnh. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bịt kín các kẽ hở pháp luật để không ai có thể tham nhũng, tiêu cực được".

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện thể chế pháp luật để tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Trong bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: Cần Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm"...

Đây cũng là nhiệm vụ cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ để khơi thông các nguồn lực, tạo niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật liêm chính, minh bạch; đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới…

Ngày 27/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đây là một công cụ hữu hiệu trong việc đánh giá lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Việc ban hành Quy định số 178-QĐ/TW thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc tăng cường kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tham nhũng và lợi ích nhóm, bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong quá trình xây dựng pháp luật - là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật.

Nhằm hạn chế, tiến tới giải quyết triệt để tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tạo lập "vòng kim cô" kiểm soát quyền lực là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với những chính sách mới tạo bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phải bảo đảm 3 yêu cầu. Đó là, bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian chi phí; nâng cao năng suất và chất lượng xây dựng pháp luật. Bảo đảm đánh giá tác động chính sách một cách thực chất. Đồng thời bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động là người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhấn mạnh việc tuyệt đối không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thiết kế văn bản quy phạm pháp luật và không đẩy khó khăn cho dân, cho doanh nghiệp. Luật phải quy định rõ trách nhiệm từng chủ thể, nhất là người đứng đầu từng khâu trong quá trình soạn thảo…

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực và lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cần kiên quyết, kiên trì bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, quy định của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, chống tiêu cưc, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.Tách bạch lợi ích để tránh xung đột, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời, tăng cường năng lực, phẩm chất của đội ngũ xây dựng pháp luật. Cần có tiêu chuẩn cao hơn đối với cán bộ tham gia xây dựng pháp luật, đặc biệt là về chuyên môn, đạo đức công vụ và ý thức trách nhiệm với lợi ích chung; phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật.

Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu chống tiêu cực, lợi ích nhóm như luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm đến cùng của chủ thể, các chuyên gia, nhà khoa học trong xây dựng pháp luật. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các khâu trong xây dựng pháp luật.

Đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, sự tham gia của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học vào hoạt động xây dựng pháp luật. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quá trình xây dựng pháp luật. Qua đó, tạo dựng hệ thống dữ liệu mở về dự thảo luật, các ý kiến góp ý, lập luận phản biện để người dân và các tổ chức có thể dễ dàng tiếp cận, giám sát.

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam cần một hệ thống pháp luật thực sự công bằng, minh bạch, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Để đạt được điều đó, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực và lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là nhiệm vụ cấp bách./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hành trình sáp nhập bộ máy - Đổi mới không bắt đầu từ những điều dễ dàng

Ngày đăng 22/04/2025
Một cuộc chuyển mình đang diễn ra âm thầm. Những công chức, viên chức Việt Nam đang viết tiếp một chương mới của cải cách hành chính: sáp nhập bộ máy.

Kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn

Ngày đăng 21/04/2025
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025) đã quyết nghị “thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang; giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn”.

Hội nghị Trung ương 11: Kiến tạo mô hình phát triển mới

Ngày đăng 14/04/2025
Trong tiến trình phát triển của một quốc gia, có những thời điểm không chỉ đánh dấu sự điều chỉnh chính sách, mà còn mở ra một chuyển động sâu sắc trong cấu trúc quyền lực, mô hình tổ chức và tư duy phát triển. Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII chính là một thời điểm như vậy.

Giỗ Tổ Hùng Vương và khát vọng hóa rồng

Ngày đăng 07/04/2025
Từ huyền thoại con Rồng, cháu Tiên đến khát vọng vươn mình hùng cường, thịnh vượng - dân tộc Việt Nam chưa bao giờ thôi khao khát khẳng định chính mình ở tầm vóc lớn hơn.

Phát triển dữ liệu - cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá

Ngày đăng 24/03/2025
Từ đời sống hằng ngày đến quản trị quốc gia, dữ liệu hiện diện khắp nơi và đang trở thành yếu tố then chốt trong mọi quyết định. Đó chính là nền tảng của xã hội số, là động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Tiêu điểm

Xây dựng Đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã (dự kiến trình Chính phủ trước ngày 06/5/2025)

Ngày 24/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 05/CV-BCĐ gửi Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng và trình các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.