Đồng chí Nguyễn Thị Định là một trong những nhà lãnh đạo nữ tiêu biểu, có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. 56 năm hoạt động cách mạng (1936-1992) của đồng chí Nguyễn Thị Định cũng là 56 năm đồng chí tham gia vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thị Định. Ảnh: Tư liệu |
Những nét khái quát về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định
Đồng chí Nguyễn Thị Định (tên thường gọi là chị Ba Định, bà Ba Định), sinh ngày 15 tháng 3 năm 1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thị Định là một trong những nhà lãnh đạo nữ tiêu biểu, có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Khi mới 16 tuổi (năm 1936), đồng chí đã tham gia phong trào Đông Dương Đại hội. Tháng 10 năm 1938, khi mới 18 tuổi, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến năm 1939, đồng chí Nguyễn Thị Định được điều về công tác ở huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ bị địch khủng bố. Năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Đến năm 1943, đồng chí ra tù và về tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1944, đồng chí Nguyễn Thị Định tham gia vận động quần chúng theo Chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh.
Tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Thị Định tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Bến Tre và được bầu vào Ban Chấp hành phụ nữ cứu quốc tỉnh Bến Tre. Năm 1946, đồng chí được Tỉnh ủy Bến Tre chọn là người phụ nữ đầu tiên của Đoàn cán bộ Nam Bộ vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Đồng chí cũng là người duy nhất trong phái đoàn 4 người vượt biển ra miền Bắc trở về Bến Tre với chiếc thuyền chở 12 tấn vũ khí đã cập bến an toàn, kịp thời chi viện cho chiến trường Nam Bộ; qua đó đồng chí trở thành một trong những người góp phần quan trọng cho việc hình thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ngay từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và phát triển rực rỡ sau này để trở thành một trong những yếu tố quyết định thành công của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Năm 1947, đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre; năm 1948 là Đoàn trưởng phụ nữ cứu quốc tỉnh, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Bến Tre. Đến năm 1951, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Mỏ Cày, sau đó được chỉ định làm quyền Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày. Một năm sau (năm 1952), đồng chí là Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh Bến Tre; năm 1953 được giao Trưởng ban phụ vận và Ủy viên Mặt trận tỉnh Bến Tre; năm 1954, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy bí mật tỉnh Bến Tre. Tháng 01 năm 1960, đồng chí tham gia lãnh đạo và trực tiếp chỉ huy quân sự trong phong trào Đồng khởi Bến Tre (Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam giai đoạn 1963-1967 và 1973-1975 từng nhận định đồng chí Nguyễn Thị Định là người có tài thao lược, ý chí cao, có nghệ thuật điều hành của đội quân tóc dài, vừa hình thành tổ chức, vừa tác chiến ngay tại chiến trường vô cùng phức tạp và đã đem lại chiến thắng vẻ vang). Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi Bến Tre, đồng chí được bầu là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; đến tháng 5 năm 1961, đồng chí được giao Khu ủy viên Khu 8, phụ trách công tác dân vận kiêm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8.
Với bề dày thành tích và tài năng lãnh đạo cách mạng, năm 1964, đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 4 năm 1974, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng (là người phụ nữ đầu tiên được phong quân hàm cấp tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam). Mười năm liên tục (từ năm 1965 đến năm 1975), đồng chí được giao giữ trọng trách Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, tham gia Quân ủy Miền phụ trách phong trào chiến tranh du kích.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30 tháng 4 năm 1975), tại Đại hội ĐBTQ lần thứ IV của Đảng (tháng 12 năm 1976), đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ tháng 6 năm 1982, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ tháng 7 năm 1981 là Ủy viên Hội đồng Nhà nước. Từ tháng 6 năm 1987 đến tháng 8 năm 1992, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Trên những cương vị và trọng trách mới, đồng chí Nguyễn Thị Định tiếp tục thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo uy tín, quan tâm, chỉ đạo, xử lý công việc kịp thời trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng ghi nhận, đánh giá cao. Với sự khéo léo, mềm mỏng, nhưng đầy bản lĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Định cũng được nhiều bạn bè, cũng như người dân trên thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Với bạn bè quốc tế, đồng chí là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, đoàn kết, hữu nghị của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Khi đồng chí được Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn (từ năm 1976 đến năm 1991), đại diện phụ nữ Anbani đã phát biểu: “Chúng tôi vô cùng tự hào có người bạn chiến đấu là chị Nguyễn Thị Định. Chị đã thay mặt cho phụ nữ chúng ta giương cao chủ nghĩa anh hùng cao cả và cổ vũ cho hàng triệu phụ nữ yêu tự do, vì hòa bình và tiến bộ xã hội”.
Với những công lao, cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Định được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1995); 02 lần được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huy hiệu Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Khi đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Sau khi đồng chí từ trần (năm 1992), trong lời đề tựa tập sách “Nhớ chị Ba Định”, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Chị Ba Định ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là sống làm tướng, chết thành thần” . Có lẽ, không một sự ngợi ca nào đẹp và chân tình hơn thế. Để tưởng nhớ nhà lãnh đạo đáng kính có công lớn với địa phương và dân tộc trong suốt 56 năm hoạt động cách mạng (1936-1992), vào tháng 12 năm 2000, tỉnh Bến Tre đã xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Định với quy mô 15 nghìn mét vuông và đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm 2003, trong Khu lưu niệm này có đền thờ đồng chí Nguyễn Thị Định.
Đồng chí Nguyễn Thị Định với việc xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Cần khẳng định, 56 năm hoạt động cách mạng (1936-1992) của đồng chí Nguyễn Thị Định cũng là 56 năm đồng chí tham gia vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình hoạt động tiền khởi nghĩa (1936-1945), đồng chí Nguyễn Thị Định đã cùng đồng chí, đồng bào tỉnh Bến Tre gây dựng lực lượng và các điều kiện để chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền cách mạng sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đồng chí không chỉ trực tiếp tham gia và lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Bến Tre, mà còn trực tiếp tham gia Đoàn cán bộ Nam Bộ vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình chiến trường Nam bộ. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến 21 năm (1954-1975), trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và các chức vụ quan trọng khác, đồng chí trực tiếp chỉ huy quân sự phong trào Đồng Khởi - một phong trào cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến của cách mạng miền Nam từ bất bạo động sang đấu tranh vũ trang để giữ vững lực lượng cách mạng và chính quyền cách mạng miền Nam trước sự đàn áp dã man của chính quyền Mỹ - Diệm. Tiếp đó, trên cương vị Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Thị Định đã cùng các đồng chí trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam giai đoạn này tổ chức thực hiện thành công các chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với cách mạng miền Nam, đưa tới thành công của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giành độc lập hoàn toàn cho đất nước, non sông về một mối, thống nhất chính quyền nhà nước ở cả hai miền Nam, Bắc vào năm 1976.
Lịch sử ghi nhận, năm 1970, khi Lonnon làm đảo chính lật đổ chính quyền Xihanúc, các căn cứ cách mạng Việt Nam ở biên giới Campuchia càng gặp nhiều khó khăn. Theo dõi tình hình cách mạng Campuchia, Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định trao đổi với các đồng chí ở H12 (Trường sơ cấp Quân giải phóng của Bộ Tư lệnh Miền) tìm cách ứng phó, bảo vệ căn cứ cách mạng. Đồng chí phân tích: Địch bên sông Vàm Cỏ chỉ cách ta một con sông nhỏ, ta phải gấp rút tập trung thành lực lượng thống nhất đủ sức đối phó, tránh tình trạng phân tán quá nhỏ, hành động rời rạc. Ta phải ngụy trang chu đáo các kho tàng, tổ chức chiến đấu ở mỗi khu vực. Cần phân tán kho lớn, những vũ khí gọn nhẹ như AK, KCK, K63, B40... chia cho các đơn vị giữ và chiến đấu. Đồng chí nói: “Trong lúc chờ chủ trương của Bộ, của Trung ương Cục, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước cấp trên và quyết định đánh. Trong lúc này, ta phải dám nghĩ dám làm, bỏ lỡ thời cơ, ta sẽ gặp khó khăn lớn!”. Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Miền kịp thời gửi điện xuống căn cứ, giao trách nhiệm cho đồng chí Nguyễn Thị Định cùng Sư đoàn 9, tỉnh Tây Ninh đánh địch bảo vệ lực lượng, bảo vệ căn cứ. Trước tình thế cách mạng cam go khi đó, đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam đến gặp đồng chí Nguyễn Thị Định, trao đổi: “Ý kiến của trên muốn đưa hai cơ quan về phía Nam, chị nghĩ sao?”. Đồng chí Nguyễn Thị Định nói: “Nếu đưa cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời về phía Nam, ta sẽ mắc mưu địch. Nó đang chờ ta để tiêu diệt. Theo tôi, anh cứ tìm chỗ cho cơ quan di chuyển. Tôi sẽ chịu trách nhiệm tổ chức phối hợp chiến đấu bảo vệ cơ quan đầu não của ta”. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đồng ý quan điểm này của Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định. Trong thời gian địch càn, vùng căn cứ của ta đón gần hàng ngàn đồng bào và lực lượng cơ quan, cán bộ các phân khu khác dồn về. Khi đó, Lò Gò là một trong những căn cứ chống càn có hiệu quả nhất, thiệt hại rất ít, bảo vệ được vùng giải phóng. Đặc biệt, cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và cơ quan phụ nữ hầu như không bị thiệt hại gì. Sau này, những người có mặt trong cuộc hành quân dời căn cứ ngẫm lại, giật mình khi đưa ra câu hỏi: “Năm ấy, Trung ương Cục không có Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định biết chớp thời cơ, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, biết phán đoán tình hình, kiên quyết không di chuyển về phía địch đang chờ sẵn, bà cắt đặt chu đáo quân ứng chiến,... thì cơ quan Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ ra sao?”. Như vậy, nhờ có tài chỉ huy và óc phán đoán nhạy bén, tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm của đồng chí Nguyễn Thị Định đã góp phần xoay chuyển thế bị cô lập bao vây thành thắng, từ bị động chuyển sang phòng ngự và chủ động tấn công lực lượng của Lonnon, bảo vệ thành công cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Trên các cương vị, trọng trách sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đồng chí Nguyễn Thị Định tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cả phương diện quốc gia và quốc tế. Trong lòng bạn bè thế giới, đồng chí là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, là trung tâm đoàn kết các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc cho con người. Trong thư gửi đồng chí Nguyễn Thị Định, Giáo sư sử học Christine Whate (Trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ) đã viết: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi viết thư này gửi thăm bà - một người phụ nữ nổi tiếng và có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống cách mạng Việt Nam” .
Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (1976-1981), đại biểu Quốc hội khóa VI, đồng chí Nguyễn Thị Định đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung tâm huyết, trí tuệ để thảo luận, thống nhất đưa ra những quyết định lịch sử về thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Tháng 9 năm 1975, Hội nghị Trung ương lần thứ 24, khóa III đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại thành phố Sài Gòn, nhất trí hoàn toàn các vấn đề về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Ngày 25 tháng 4 năm 1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước. Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên tại thành phố Hà Nội đã đưa ra những quyết định lịch sử về mặt nhà nước: Lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ đô là thành phố Hà Nội, Quốc huy mang dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Thành phố Sài Gòn - Gia Định đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu Ban Dự thảo Hiến pháp. Ngày 31 tháng 7 năm 1977, Đại hội đại biểu các mặt trận ở hai miền Nam - Bắc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 18 tháng 12 năm 1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1980, trong đó có các quy định về bộ máy nhà nước của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; ngày 20 tháng 9 năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc, sự kiện đánh dấu Nhà nước Việt Nam chính thức tham gia vào đời sống chính trị quốc tế với tư cách Nhà nước của một quốc gia có chủ quyền đầy đủ vị thế theo pháp luật quốc tế.
Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V (1981-1986), Đại biểu Quốc hội khóa VII, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Định tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 1980. Là Ủy viên Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể Hội đồng Nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Nhà nước, như: Tuyên bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội; Triệu tập các kỳ họp của Quốc hội; Công bố luật; ban hành pháp lệnh; Giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh; Giám sát công tác của Hội đồng Bộ trưởng, của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương; Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, các Uỷ ban Nhà nước, cử và bãi miễn các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước; Cử và bãi miễn các Phó Chánh án, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tối cao; cử và bãi miễn các Phó Viện trưởng và kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bổ nhiệm, bãi miễn và triệu hồi các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và ở các tổ chức quốc tế; Tiếp nhận các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài; Phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước quốc tế; Quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao và những hàm và cấp khác; Quy định và quyết định việc tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước; Quyết định đặc xá; Trong thời gian Quốc hội không họp, tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược…
Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (1986-1992), Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Định tham gia thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi và bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1980 (theo Nghị quyết ngày 22 tháng 12 năm 1988 của Quốc hội khóa VIII), đến ngày 30 tháng 6 năm 1989, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 (sửa đổi Điều 57, Điều 116, Điều 118, Điều 122, Điều 123 và Điều 125; bổ sung điểm 9, Điều 115 và Điều 118) để xác định thêm quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân của công dân và thành lập thêm thường trực Hội đồng nhân dân trong cơ cấu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đồng thời củng cố thêm các mặt hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Định đã cùng tập thể Hội đồng Nhà nước tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đến cuối năm 1991, đầu năm 1992, bản dự thảo lần thứ ba Hiến pháp sửa đổi đã được đưa ra trưng cầu ý kiến Nhân dân. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân và ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dự thảo Hiến pháp lần thứ tư đã hoàn thành và được trình lên Quốc hội khóa VIII tại Kỳ họp thứ 11 để xem xét. Ngày 15 tháng 4 năm 1992, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp năm 1992. Việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp năm 1992 là một quá trình thảo luận dân chủ và chắt lọc một cách nghiêm túc những ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân về tất cả các nội dung của Hiến pháp từ quan điểm chung đến các vấn đề cụ thể, đảm bảo Hiến pháp năm 1992 là sản phẩm trí tuệ của toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đồng bào cả nước, là bản Hiến pháp của Việt Nam trong tiến trình đổi mới. Với 12 chương, 147 điều, Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa toàn diện đường lối đổi mới của Đảng, đẩy mạnh đổi mới kinh tế, đổi mới vững chắc về chính trị, khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn; tiếp tục khẳng định tính chất của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, mọi quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất, không phân chia các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo thuyết “Tam quyền phân lập”, chỉ có sự phân công, phân nhiệm giữa Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để mỗi cơ quan thi hành có hiệu lực chức năng, quyền hạn của mình, với sự phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhân dân làm chủ đất nước, các quyền, nghĩa vụ của công dân, quyền cơ bản của con người được tôn trọng và bảo vệ bằng pháp luật, đồng thời cũng tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo nhà nước, xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật…
Cũng trong nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Thị Định giữ cương vị đại biểu Quốc hội khóa VIII và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1992, 31 luật và bộ luật, 42 pháp lệnh. Trong đó có nhiều văn bản rất quan trọng quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (ban hành ngày 11/7/1989); Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (ban hành ngày 11/7/1989); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ban hành ngày 18/4/1992); Luật Tổ chức Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ban hành ngày 18/4/1992); Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ban hành ngày 25/10/1989); Pháp lệnh Thanh tra (ban hành ngày 01/4/1990); Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ban hành ngày 24/5/1990); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự (ban hành ngày 09/4/1990); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự (ban hành ngày 09/4/1990); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát Nhân dân Việt Nam (ban hành ngày 19/9/1991); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về Lực lượng An ninh Nhân dân Việt Nam (ban hành ngày 19/9/1991). Đây là những văn bản quy phạm pháp luật hết sức quan trọng, không chỉ tạo lập cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn là những động lực pháp lý cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, qua đó đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, vượt qua được cơn chấn động chính trị và hẫng hụt về thị trường đầu những năm 1990, không bị lôi cuốn sâu và đã khắc phục được những hậu quả khá nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực, sức mạnh về mọi mặt của nước ta đã lớn hơn nhiều so với 06 năm trước khi tiến hành sự nghiệp đổi mới (năm 1986).
Trong điếu văn tại Lễ tang đồng chí Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã khẳng định “Đồng chí là một trong những người phụ nữ tiêu biểu của đất nước ta, là người lãnh đạo uy tín, được nhân dân, chiến sĩ và phụ nữ cả nước cũng như đông đảo bạn bè gần xa trên thế giới tin yêu, kính trọng”. Đó cũng là sự ghi nhận, khẳng định của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Định với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, sự nghiệp xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong suốt 56 năm hoạt động cách mạng liên tục và vẻ vang của đồng chí. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần học tập tấm gương sáng của các thế hệ cách mạng tiền bối, trong đó có tấm gương người đảng viên cách mạng kiên trung, bất khuất Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu và lý tưởng cách mạng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đạo và các thế hệ cách mạng tiền bối lựa chọn, hoàn thành xuất sắc trong suốt lịch sử vẻ vang 95 năm Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và dân tộc Việt Nam anh hùng./.
TS Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động, Bộ Nội vụ
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục