Hà Nội, Ngày 16/03/2025

Định hướng sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Bảo đảm bộ máy từ Trung ương tới cơ sở hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng: 05/03/2025   10:44
Mặc định Cỡ chữ

PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là chủ trương rất lớn và hệ trọng, một chủ trương đúng và trúng.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tiền đề quan trọng cho việc sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện

Thưa ông, hiện nay chúng ta đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Mới đây nhất, tại Kết luận số 127-KL/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện. Xin ông cho biết ý kiến về chủ trương này?

Chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là chủ trương rất lớn và hệ trọng, một chủ trương đúng và trúng.

Bởi vì: Thứ nhất, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đã làm xong ở các cơ quan Đảng; cơ quan Chính phủ; cơ quan Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thì không thể không tiếp tục triển khai việc tinh gọn đầu mối cấp tỉnh, bỏ cấp trung gian là cấp huyện, củng cố, tăng cường cấp xã để bảo đảm tổ chức bộ máy từ Trung ương tới cơ sở hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, chủ trương theo tinh thần Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thứ ba, sau 40 năm đổi mới, đất nước ta có thế và lực mới, cao hơn; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, trưởng thành hơn, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý khi sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp.

Thứ tư, việc sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ năm, đất nước đang triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng những thành tựu tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số... đang thực hiện quyết liệt, có hiệu quả trong thực tiễn. Đây là tiền đề quan trọng để việc sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) không ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tính toán kỹ để tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững hơn

Khi tiến hành sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, theo ông, cần chú ý đến những yếu tố nào?

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra định hướng sáp nhập tỉnh mà trước đó, nước ta đã trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách các tỉnh, thành phố. Từ thực tiễn trước đó, cần rút ra bài học kinh nghiệm là phải tính toán, cân nhắc nhiều chiều và đánh giá tác động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để khi quyết định sáp nhập, hợp nhất các tỉnh rồi sẽ tạo điều kiện cho đất nước, cho vùng, cho tỉnh mới phát triển nhanh và bền vững hơn; đời sống của Nhân dân được nâng cao hơn; các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, của tỉnh mới phát triển vững chắc hơn và đặc biệt sẽ không có chuyện sau một thời gian lại phải chia tách tỉnh như trước đây.

Vì vậy, tôi cho rằng phải tính đến sự tương đồng về yếu tố tự nhiên, nguồn lực phát triển, giao thông, lợi thế so sánh, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của người dân; phải tính các yếu tố về quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của các tỉnh khi sáp nhập, hợp nhất thành tỉnh mới.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, việc cải cách thể chế cũng đang được quyết liệt triển khai. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được?

- Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, trong ba “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, việc cải cách thể chế cũng đang được quyết liệt triển khai và đạt được những kết quả đáng ghi nhận như Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Đó là “xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, năng lực phản ứng chính sách được nâng cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; công tác tổ chức thực hiện pháp luật ngày càng gắn kết hơn với xây dựng và hoàn thiện pháp luật; cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh và có những kết quả nhất định; công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai bài bản, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, qua đó giúp tăng cường một bước kỷ cương, trách nhiệm, tính nghiêm minh trong thực thi công vụ”.

Gần đây nhất, ngày 19/02/2025, phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận, thể chế hóa đầy đủ pháp luật; cùng với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; tại Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật. Các luật này bao gồm Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Cùng với đó là Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 04 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của QH, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 06 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Tại Kết luận số 127-KL/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng yêu cầu nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, quy định về thi hành Điều lệ Đảng, về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Ý kiến của ông ra sao, thưa ông?

- Hiến pháp là đạo luật gốc, cơ bản nhất của Nhà nước. Cũng như vậy, Điều lệ Đảng là “luật gốc” của Đảng. Nhưng Hiến pháp và Điều lệ Đảng không phải là cố định, bất biến. Thực tế, Nhà nước ta đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Đảng ta cũng nhiều lần sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.

Thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy thì việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, quy định về thi hành Điều lệ Đảng, về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là việc làm bình thường nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo: baophapluat.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng của đội ngũ cán bộ trẻ ở nước ta hiện nay

Ngày đăng 28/02/2025
Tóm tắt: Văn hóa ứng xử trên không gian mạng là những quy chuẩn về thái độ, hành vi xử sự đặt ra đối với mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Trên cơ sở đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ trẻ ở nước ta, góp phần sử dụng không gian mạng hiệu quả, tích cực, an toàn và lành mạnh. Từ khóa: Cán bộ trẻ; không gian mạng; phát triển văn hóa ứng xử. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Sáp nhập tỉnh là tất yếu

Ngày đăng 21/02/2025
Cho rằng sáp nhập tỉnh trở về con số 38 tỉnh, thành phố như trước đây là phù hợp, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lưu ý cần sắp xếp phù hợp với đặc điểm của các tỉnh.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Thời điểm chín muồi, phù hợp thế giới

Ngày đăng 20/02/2025
Giáo sư Trần Ngọc Đường nêu rõ đây là thời điểm chín muồi nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện. Việc này sẽ giúp tạo động lực, không gian phát triển mới.

Một số khuyến nghị áp dụng xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam

Ngày đăng 17/02/2025
Tóm tắt: Xử lý chuyển hướng là một biện pháp tư pháp tiến bộ nhằm đưa người chưa thành niên phạm tội ra khỏi hệ thống tố tụng hình sự, tập trung vào giáo dục, phục hồi thay vì trừng phạt. Qua việc phân tích thực tiễn áp dụng xử lý chuyển hướng của một số quốc gia trên thế giới và thực trạng áp dụng tại Việt Nam, bài viết đưa ra một số khuyến nghị về việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến xử lý chuyển hướng, nhằm góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên thân thiện và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi và tạo cơ hội cho trẻ em tái hòa nhập xã hội. Từ khóa: Người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng; xử lý chuyển hướng; Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân

Ngày đăng 13/02/2025
Sáng 13/02, phát biểu tại Tổ 01 (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối, chính sách pháp luật, đảm bảo mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển. Đây là thời điểm vàng triển khai tinh gọn, sắp xếp bộ máy để đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân.

Tiêu điểm

Sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị hành chính cấp xã

Chiều 13/3/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo dự và phát biểu tại Phiên họp.