Tóm tắt: Xử lý chuyển hướng là một biện pháp tư pháp tiến bộ nhằm đưa người chưa thành niên phạm tội ra khỏi hệ thống tố tụng hình sự, tập trung vào giáo dục, phục hồi thay vì trừng phạt. Qua việc phân tích thực tiễn áp dụng xử lý chuyển hướng của một số quốc gia trên thế giới và thực trạng áp dụng tại Việt Nam, bài viết đưa ra một số khuyến nghị về việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến xử lý chuyển hướng, nhằm góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên thân thiện và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi và tạo cơ hội cho trẻ em tái hòa nhập xã hội.
Từ khóa: Người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng; xử lý chuyển hướng; Việt Nam.
Abstract: Diversion is a progressive judicial measure aimed at removing juvenile offenders from the criminal justice system, focusing on education and rehabilitation rather than punishment. By analyzing the practical application of diversion in various countries and its implementation in Vietnam, this article provides recommendations for improving the legal framework related to diversion. The goal is to contribute to the development of a juvenile justice system that is both effective and child-friendly, ensuring the protection of children's rights and creating opportunities for their reintegration into society.
Keywords: Juveniles; community reintegration; diversion; Vietnam.
![]() |
Ảnh minh họa: thuvienphapluat.vn |
Trong những năm gần đây, xu hướng cải cách tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên trên thế giới đã có những chuyển biến đáng kể, hướng tới các biện pháp mang tính giáo dục, phục hồi thay vì tập trung vào trừng phạt. Trong đó, xử lý chuyển hướng người chưa thành niên là một trong những cơ chế được nhiều quốc gia áp dụng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hệ thống tư pháp hình sự đối với trẻ em; đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ em sửa đổi hành vi và tái hòa nhập xã hội. Tại Việt Nam, Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 được ban hành đã bước đầu đưa ra cơ sở pháp lý cho việc áp dụng xử lý chuyển hướng, thể hiện sự tiếp thu xu hướng quốc tế trong việc bảo vệ quyền lợi người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Với bối cảnh đó, việc tập trung phân tích thực tiễn áp dụng xử lý chuyển hướng ở một số quốc gia có hệ thống tư pháp nói chung, tư pháp với người chưa thành niên nói riêng phát triển; đồng thời, đánh giá thực trạng áp dụng tại Việt Nam để đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý chuyển hướng, nhằm xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện, bảo vệ quyền lợi người chưa thành niên và giúp trẻ em có cơ hội tái hòa nhập xã hội một cách bền vững là vấn đề cần thiết hiện nay.
1. Thực tiễn xu hướng quốc tế về áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội
Trên thế giới, xu hướng xử lý các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên có vi phạm pháp luật (thường được gọi là tư pháp với người chưa thành niên, hoặc tư pháp người chưa thành niên) đã có những thay đổi rõ rệt trong suốt những thập niên qua, với đặc điểm bao trùm là sự chuyển hướng từ hình thức trừng phạt sang các biện pháp phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ. Các quốc gia phát triển đã xây dựng hệ thống tư pháp đặc thù dành riêng cho người chưa thành niên nhằm bảo vệ quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của người chưa thành niên. Các tòa án chuyên biệt cho người chưa thành niên, đội ngũ cán bộ tư pháp được đào tạo bài bản về tâm lý và các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên đã được nhiều quốc gia như Anh, Pháp và Thụy Điển áp dụng thành công(1).
Một trong những xu hướng quan trọng trong việc xử lý các vụ án đối với người chưa thành niên là sự phát triển của các biện pháp xử lý chuyển hướng. Biện pháp này được các quốc gia áp dụng để tránh việc đưa trẻ em vào hệ thống tư pháp hình sự, thay vào đó là các biện pháp hỗ trợ, giáo dục và phục hồi tại cộng đồng. Theo các tổ chức quốc tế như UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp dụng biện pháp chuyển hướng không chỉ giúp trẻ em giảm thiểu sự tiếp xúc với hệ thống tư pháp, mà còn tạo cơ hội cho các em tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn, thông qua sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng(2).
Bên cạnh đó, xu hướng quốc tế hiện nay đang tập trung vào phát triển các biện pháp không giam giữ đối với trẻ em thay vì chỉ sử dụng hình phạt giam giữ. Các quốc gia Bắc Âu và Canada đã đi tiên phong trong việc triển khai các chương trình phục hồi và giáo dục ngoài phạm vi giam giữ, qua đó, giảm thiểu tình trạng tái phạm và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Điều này cũng phản ánh quan điểm ngày càng được ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế về việc xử lý trẻ em vi phạm pháp luật không nên dựa vào các biện pháp trừng phạt, mà tập trung vào sự phục hồi và tạo cơ hội cho trẻ em thay đổi(3).
Nhiều quốc gia cũng đã xây dựng các cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên, bảo đảm mọi biện pháp đều được thực hiện công bằng và hiệu quả. Những chính sách này không chỉ bảo vệ quyền lợi của trẻ em mà còn góp phần vào việc cải thiện và phát triển hệ thống tư pháp đối với trẻ em trên toàn thế giới(4). Tiêu biểu là một số quốc gia như Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Đức, Trung Quốc. Hoa Kỳ với hệ thống tư pháp phân quyền, cho phép các bang linh hoạt áp dụng các chương trình chuyển hướng, đặc biệt là mô hình tòa án vị thành niên. Nếu như Cộng hòa liên bang Đức nổi bật với Đạo luật Tòa án Thanh thiếu niên (JGG), nhấn mạnh nguyên tắc giáo dục và phục hồi thay vì trừng phạt, thì Trung Quốc đang đẩy mạnh cải cách, tập trung vào biện pháp giáo dục hành vi và giám sát tại cộng đồng.
Cụ thể, tại Hoa Kỳ, hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên chịu sự điều chỉnh của cả cấp liên bang và tiểu bang. Đạo luật Cải cách tư pháp người chưa thành niên (JJDPA) năm 2018 đưa ra các tiêu chuẩn chung, trong khi mỗi bang có thể ban hành luật riêng phù hợp với bối cảnh của mình. Bang Georgia quy định về xử lý chuyển hướng trong Bộ luật Tư pháp người chưa thành niên, đặc biệt tại Chương VI (Điều 38 - 48), với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của trẻ em và hạn chế tác động tiêu cực từ hệ thống tư pháp hình sự.
Tại Cộng hòa liên bang Đức, pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội được xây dựng dựa trên Đạo luật Tòa án Thanh thiếu niên (JGG) và Bộ luật Hình sự Đức (StGB), với trọng tâm là giáo dục, phục hồi và tái hòa nhập thay vì trừng phạt nghiêm khắc. Theo quy định, trẻ em dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người từ 14 đến dưới 18 tuổi, việc truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ nhận thức và sự trưởng thành về đạo đức, trí tuệ. Đặc biệt, nhóm từ 18 đến dưới 21 tuổi có thể được xem xét áp dụng luật vị thành niên nếu chưa đủ chín chắn.
Trung Quốc xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên với khung pháp lý tương đối toàn diện, trong đó các quy định về xử lý chuyển hướng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1997 (sửa đổi năm 2022), Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1979, Luật Phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên năm 1999 và Luật Bảo vệ người chưa thành niên năm 1991. Tiếp cận của Trung Quốc đối với xử lý chuyển hướng nhấn mạnh nguyên tắc “giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”, hướng đến mục tiêu giúp người chưa thành niên sửa chữa sai lầm và tái hòa nhập xã hội, thay vì bị hình sự hóa sớm.
2. Thực trạng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội tại Việt Nam
Trong những năm qua, pháp luật về tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là việc xây dựng và phát triển hệ thống các biện pháp xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Cụ thể là vào tháng 11/2024, Quốc hội đã ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên với mục tiêu bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự xã hội(5). Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 nói chung và cả hệ thống pháp luật cho người chưa thành niên nói riêng, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các quy định pháp lý và bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là khi chú trọng vào các biện pháp không giam giữ như giáo dục tại cộng đồng, hòa giải tại địa phương và các chương trình phục hồi người chưa thành niên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc triển khai những biện pháp này gặp nhiều khó khăn và vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, gia đình và các tổ chức xã hội trong quá trình thực hiện(6). Việc thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các bên khiến cho nhiều trẻ em không nhận được sự hỗ trợ cần thiết về mặt tâm lý, xã hội và giáo dục, dẫn đến tình trạng tái phạm sau khi hoàn thành các biện pháp xử lý ban đầu. Điều này cho thấy có lỗ hổng lớn trong việc xây dựng và thực thi các cơ chế giám sát và hỗ trợ thực tế đối với trẻ em sau khi áp dụng các biện pháp không giam giữ.
Bên cạnh đó, mặc dù các biện pháp xử lý đã có sự đa dạng từ cảnh cáo, giáo dục tại địa phương, hòa giải tại cộng đồng đến các biện pháp không giam giữ, nhưng tư duy pháp lý hiện tại vẫn thiên về việc trừng phạt hành vi vi phạm của trẻ em. Theo thống kê sơ bộ, nước ta trung bình mỗi năm có khoảng 13 nghìn người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 24,5% và cao nhất là ở người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 70,3%(7). Trong đó, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được áp dụng các biện pháp tư pháp chưa đến 1%, nhưng việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì vẫn đang phổ biến và chiếm hơn 91%(8).
Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan của Chính phủ về áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng trong thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2021, tổng số người chưa thành niên bị kết án là 7.686 trường hợp, nhưng số người được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ có 11 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,13%. Trong đó, biện pháp khiển trách chỉ được áp dụng 01 lần vào năm 2019, sau đó không còn được sử dụng. Biện pháp hòa giải tại cộng đồng hoàn toàn không được áp dụng trong suốt ba năm 2019, 2020 và 2021. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng 02 lần vào năm 2019 và 2020, tăng lên 06 lần vào năm 2021, nhưng con số này vẫn quá ít so với tổng số người chưa thành niên bị kết án(9). Từ những số liệu trên có thể thấy, mặc dù xử lý chuyển hướng được quy định trong pháp luật, nhưng thực tế áp dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Dù số trường hợp áp dụng có tăng nhẹ vào năm 2021, nhưng so với tổng số người chưa thành niên bị kết án, tỷ lệ này vẫn quá thấp, chưa thể hiện được vai trò thực sự của biện pháp xử lý chuyển hướng trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Việc xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội vẫn chủ yếu theo hướng truyền thống thay vì áp dụng các biện pháp thay thế mang tính giáo dục và phục hồi. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những điều chỉnh phù hợp trong thực tiễn thực thi pháp luật, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, hoàn thiện cơ chế áp dụng và thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng một cách hiệu quả hơn nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội.
3. Một số khuyến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội
Thứ nhất, bổ sung khái niệm xử lý chuyển hướng.
Hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp lý hiện hành nói chung và Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 nói riêng chưa có khái niệm thống nhất về xử lý chuyển hướng. Mặc dù trong Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 đã có riêng phần hai, gồm 3 chương (chương III, chương IV, chương V) để quy định về xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội, nhưng vẫn chưa có khái niệm hay định nghĩa về “xử lý chuyển hướng” để đưa đến giải thích thống nhất. Trong Luật cũng đã đưa ra khái niệm “biện pháp xử lý chuyển hướng” hay “thủ tục xử lý chuyển hướng”, bởi vậy việc bổ sung khái niệm này là cần thiết để thống nhất khái niệm pháp lý, thuận tiện cho việc nghiên cứu và thi hành pháp luật.
Thứ hai, xác định rõ thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Theo quy định tại Điều 52 Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đang thuộc về cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp bởi có thể dẫn tới tình trạng chồng chéo thẩm quyền áp dụng, gây khó khăn, mất thời gian cho các cơ quan trong thực tiễn. Trên cơ sở kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức, bang Georgia (Hoa Kỳ) và Trung Quốc, chúng ta có thể loại bỏ thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, giữ nguyên thẩm quyền của Viện kiểm sát và cơ quan điều tra. Điều này phù hợp với mục đích cơ bản của xử lý chuyển hướng, tách người chưa thành niên ra khỏi thủ tục tố tụng thông thường, bởi nếu Tòa án nhân dân còn tham gia vào việc áp dụng xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên coi như vẫn đang bị xét xử.
Ngoài ra, việc trao thẩm quyền cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng phù hợp xu thế chung của quốc tế khi cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên phạm tội ngay cả trước khi có quyết định khởi tố bị can, điều này góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội hay giảm thiểu hậu quả ở mức thấp nhất; đồng thời, Viện kiểm sát là cơ quan theo sát quá trình tố tụng nhất, có thể đánh giá đầy đủ tính chất hành vi, vụ việc cũng như giám sát việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho Viện kiểm sát và cơ quan điều tra để họ nắm được quyền hạn, trách nhiệm của mình, biết được mục đích và hiểu được ý nghĩa của việc áp dụng xử lý chuyển hướng, hướng đến việc áp dụng hiệu quả các biện pháp xử lý chuyển hướng.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng cụ thể.
Trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng được nêu tại Điều 36 Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024, có một số biện pháp hợp lý về mặt lý thuyết, nhưng để bảo đảm khả thi trong thực tiễn thì sẽ gặp khó khăn như: “cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “hạn chế khung giờ đi lại” và “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”. Bởi vì, thực tiễn chưa bảo đảm nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của những người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này, theo quy định của Luật có thời gian áp dụng ít nhất là 03 tháng cho tới 01 năm(10).
Vì vậy, để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, trước hết cần phải ban hành văn bản quy định rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội. Viện kiểm sát và cơ quan điều tra cần xem xét ban hành thông tư để quy định cụ thể trong từng trường hợp cụ thể, đối với từng biện pháp cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người chưa thành niên mà vẫn có thể giải quyết đúng pháp luật các vụ việc. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm giám sát; bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà trường - nơi người chưa thành niên có thời gian học tập và tiếp xúc với nhiều người cùng độ tuổi trong việc giáo dục và đào tạo, giám sát người chưa thành niên thi hành các biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm tính hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Xử lý chuyển hướng là một biện pháp tiến bộ, thể hiện xu hướng cải cách tư pháp hiện đại nhằm bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên phạm tội, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của quá trình tố tụng hình sự. Thực tiễn quốc tế cho thấy, xử lý chuyển hướng không chỉ giúp giảm tỷ lệ tái phạm mà còn tạo điều kiện để người chưa thành niên sửa đổi hành vi, tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống tư pháp phát triển, nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi xử lý chuyển hướng tại Việt Nam, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và tăng cường các chương trình hỗ trợ sau xử lý chuyển hướng sẽ không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên mà còn góp phần xây dựng một nền tư pháp nhân đạo, tiến bộ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam./.
Ghi chú:
(1) The United Nations Children's Fund (UNICEF) (2018), The role of juvenile courts in juvenile justice systems, UNICEF.
(2) United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC) (2021), Handbook on diversion for juveniles, UNODC.
(3) Mowen, T. (2021), The effectiveness of non-incarceration programs for juveniles: Lessons from Scandinavian countries. Scandinavian Journal of Criminology.
(4) European Commission (2019), Juvenile justice in Europe: A review of best practices, EU Justice and Home Affairs.
(5) Quốc hội, Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024.
(6) Mai Thị Thủy (2022), Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Luật Hình sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr.128 - 139.
(7) Ngăn chặn tội phạm vị thành niên, https://nhandan.vn/ngan-chan-toi-pham-vi-thanh-nien-post791206.html.
(8) Bộ Tư pháp, UNICEF (2019), Báo cáo nghiên cứu: Pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hoà nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam, Hà Nội, tr. 82.
(9) Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 32/BC-TANDTC ngày 26/4/2024 tóm tắt việc thực hiện Luật Tư pháp người chưa thành niên.
(10) Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=87583.
ThS Ngô Thanh Xuyên - Bộ Tư pháp; Trần Lê Mai Phương, Lương Thị Thảo, Trần Thị Thủy Vi - Trường Đại học Luật Hà Nội
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục