Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14/02/2025, thảo luận tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là liên quan đến vấn đề dân số và lương tối thiểu. Do vậy, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân: Trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu. Ảnh: QH |
Theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả. Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nêu quan điểm tại phiên họp tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tăng trưởng GDP nước ta trong 03 năm gần đây có xu hướng tăng dần, cho thấy mục tiêu 8% đề ra là có tiềm năng. Tuy nhiên dự đoán trong 02 năm tới, tình hình bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó đoán định, có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng đầu tư vào Việt Nam, đại biểu cho rằng, chúng ta nên xác định mục tiêu tăng trưởng 8% là định hướng, có thể dao động trong khoảng gần 8% đến 8% trở lên cũng được coi là thành công.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt; đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng; sự cạnh tranh và nỗ lực phát triển của các địa phương là động lực tích cực.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là liên quan đến vấn đề dân số và lương tối thiểu. Đại biểu nêu rõ, kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã cho thấy, việc không đảm bảo tỷ suất sinh thay thế sẽ dẫn đến già hóa dân số và các vấn đề xã hội khác. Do vậy, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu (khoảng 10,5 triệu đồng/tháng) để đảm bảo mức thu nhập của một người nuôi được bản thân họ và 01 con, một cặp vợ chồng đủ nuôi bản thân họ và 02 con.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo mức sống và khuyến khích sinh con. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là chiến lược phát triển bền vững của đất nước./.
Nhật Nam
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục