Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là hai đạo luật gốc của nền hành chính nhà nước, đặt nền tảng để các luật chuyên ngành thiết kế theo.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), sáng 13/02/2025. Ảnh: QH |
Phát biểu tại tổ với góc độ của cơ quan chủ trì soạn thảo hai dự án luật trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa cung cấp thêm thông tin, vừa giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng cho biết, hai dự án luật được sửa đổi trong bối cảnh rất đặc biệt, rất cấp thiết, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, yêu cầu đặt ra phải đảm bảo nền hành chính hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu cải cách khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
“Thời gian xây dựng luật chỉ có hai tháng, đúng nghĩa "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Không chỉ có ý nghĩa chính trị, pháp lý, hai dự luật này còn mang tính lịch sử", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Đề cập đến tư duy xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, luật chỉ quy định những nguyên tắc cốt lõi, mang tính ổn định lâu dài thay vì đi sâu vào những quy định chi tiết, từ đó đảm bảo sự ổn định, giá trị, sức sống bền vững của dự án luật, đảm bảo việc điều hành thực tiễn của nền hành chính nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, hai dự luật tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ và chính quyền địa phương. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Đối với chính quyền địa phương cũng có sự thiết kế rành mạch giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Ngoài ra, thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng được thể hiện rõ ràng trong hai dự luật này. “Việc xác định rõ trách nhiệm là để không đẩy việc lên Chính phủ”. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), sáng 13/02/2025. Ảnh: QH |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ vấn đề cốt lõi của hai dự luật là phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Trong đó, phân quyền được quy định trong luật, đảm bảo tính pháp lý cao nhất; phân cấp được quy định trong các văn bản pháp luật dưới luật, linh hoạt trong điều hành; ủy quyền được quy định qua các văn bản hành chính, giúp xử lý nhanh các vấn đề thực tiễn. Căn cứ vào nguyên tắc này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước.
Theo Bộ trưởng, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, phải đưa ra các nguyên tắc rạch ròi trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền, sau này tất cả luật chuyên ngành phải đi theo. Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các đại biểu Quốc hội cũng rất sốt ruột khi rà soát có đến 177 luật quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; 92 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền. Với hệ thống pháp luật phức tạp như vậy, nếu không cải cách mạnh mẽ thì rất khó để phân cấp, phân quyền, ủy quyền một cách hiệu quả.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, một điểm chưa từng có tiền lệ trong tư duy xây dựng luật tại Việt Nam là ủy quyền lập pháp. Chính phủ được ủy quyền ban hành nghị định và các văn bản để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Theo Bộ trưởng, sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được thông qua, trong hai năm, các luật khác phải được sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ. Hiện nay, Chính phủ đã hoàn thành các nghị định quan trọng liên quan đến hai luật này và sẽ được ban hành ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua, để hướng dẫn thực hiện, vận hành bộ máy mới ngay, không để khoảng trống pháp lý./.
Trí Đức
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục