Hà Nội, Ngày 15/03/2025

Nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội Tên lửa phòng không hiện nay

Ngày đăng: 10/02/2025   16:03
Mặc định Cỡ chữ

Tóm tắt: Sẵn sàng chiến đấu là chức năng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các đơn vị trong Quân đội. Bộ đội Tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt trong thế trận đất đối không, do vậy, trước những biến động phức tạp, khó dự báo của tình hình hiện nay, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng này. Bài viết khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu những năm qua; qua đó đề xuất giải pháp nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội Tên lửa phòng không hiện nay.

Từ khóa: Bộ đội Tên lửa phòng không; nâng cao; sẵn sàng chiến đấu; trình độ.  

Abstract: Combat readiness is the function and central political task of military units. The anti-aircraft missile force is the core component in the ground-to-air defense posture. Therefore, given the complex and unpredictable fluctuations of the current situation, it is imperative to continuously enhance the combat readiness level of this force. The article outlines the results of fulfilling combat readiness tasks in recent years and proposes solutions to improve the combat readiness level of the anti-aircraft missile force today.

Keywords: Anti-aircraft missile force; enhancement; combat readiness; level. 

Các học viên Tiểu đoàn 178, Trung đoàn 282 (Sư đoàn 375) thực hành trên khí tài. Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn

1. Vai trò của bộ đội Tên lửa phòng không trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Ngày 07/01/1965, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 03/QĐ-QP thành lập Trung đoàn 236 là trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Các đơn vị tên lửa phòng không là một trong những lực lượng chủ yếu có vị trí, vai trò quan trọng tạo nên sức mạnh của Quân chủng Phòng không- Không quân trong sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, cùng với các lực lượng trong Quân chủng Phòng không - Không quân làm “lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không”(1). Đối tượng tác chiến của bộ đội Tên lửa phòng không chủ yếu là vũ khí, phương tiện tiến công đường không công nghệ cao, điều khiển chính xác từ xa, khả năng đột nhập và tập kích đường không nhanh, khả năng hủy diệt lớn... Điều đó làm cho tính chất nhiệm vụ của bộ đội Tên lửa phòng không rất nặng nề, khó khăn, diễn ra trong mọi điều kiện thời tiết, không phân biệt đêm ngày, thời bình hay thời chiến, không kể tiền tuyến, hậu phương; đòi hỏi luôn canh trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời và chủ động đánh trả mọi hành động xâm lược của các thế lực thù địch.

Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XII, XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân chủng Phòng không - Không quân lần thứ X,  các cấp ủy, tổ chức đảng ở các đơn vị tên lửa phòng không đã “tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các chỉ thị, mệnh lệnh và quy định của Bộ Quốc phòng về sẵn sàng chiến đấu”(2). Các đơn vị tên lửa phòng không “triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng về sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an toàn tuyệt đối các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Quân đội”(3); tổ chức duy trì chặt chẽ lực lượng sẵn sàng chiến đấu trên tất cả các hướng đúng quy định; các đài ra đa, các đài quan sát phòng không, vọng quan sát mắt thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, thông báo kịp thời, xử trí chính xác các tình huống, không để bị động bất ngờ, lỡ thời cơ bởi các tình huống trên không. 

Đi đôi với phát triển lực lượng, duy trì nghiêm quy định sẵn sàng chiến đấu, “công tác huấn luyện chiến đấu được triển khai đồng bộ, toàn diện, đúng phương châm; tập trung huấn luyện kíp chiến đấu sở chỉ huy, kíp chiến đấu phân đội, huấn luyện đêm”(4). Thực hiện quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, chuyên sâu, hiệu quả, không chồng chéo”, tăng cường huấn luyện theo nhiệm vụ, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng... Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, thực hành chiến đấu cho các cấp; huấn luyện thu hồi, cơ động, triển khai vũ khí, khí tài sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến… phù hợp với vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có và cách đánh của bộ đội Tên lửa phòng không nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị tên lửa phòng không còn những hạn chế, bất cập: “chất lượng văn kiện tác chiến ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; duy trì nền nếp chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu, tổ chức luyện tập kíp chiến đấu sở chỉ huy các cấp chưa đi vào nền nếp, xử lý tình huống còn lúng túng”(5); việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, quy định về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, quản lý mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động chưa hiệu quả, còn để xảy ra vi phạm kỷ luật. Tình hình trên ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tên lửa phòng không.

2. Giải pháp nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội Tên lửa phòng không hiện nay

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy các đơn vị tên lửa phòng không cần tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác, các khâu đột phá để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; lựa chọn các nội dung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ sát với thực tiễn chiến đấu của họ và đưa các nội dung đó vào chương trình huấn luyện cụ thể hàng năm, từng giai đoạn huấn luyện của đơn vị, bảo đảm cho các kíp chiến đấu sở chỉ huy, các phân đội hỏa lực nắm chắc điểm mạnh, điểm yếu của chiến tranh công nghệ cao, của vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, nghệ thuật đánh địch của bộ đội Tên lửa phòng không, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, trong quá trình giáo dục, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ chiến sĩ các chủ thể cần kiên định nguyên tắc “người trước, súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự” là nhân tố quyết định chiến thắng trong chiến tranh.

Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện kíp chiến đấu.

Trong quá trình huấn luyện, các chủ thể cần tích cực, mạnh dạn đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện sát với nhiệm vụ, phương án, đối tượng tác chiến và tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Các phân đội tập trung huấn luyện kíp chiến đấu theo hướng đồng bộ, chuyên sâu; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, chiến tranh công nghệ cao. Theo đó, với kíp chiến đấu sở chỉ huy, tập trung huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc vùng trời quản lý, vùng hỏa lực của từng cấp phân đội và của cả đơn vị, phương thức nhận, truyền lệnh từ sở chỉ huy đến các phân đội hiệp đồng… Với kíp chiến đấu các phân đội hỏa lực tập trung huấn luyện bắt, bám mục tiêu bay thấp, cực thấp; khẩu lệnh động tác hiệp đồng, đánh các phương tiện bay trong các tình huống phức tạp; chú trọng rèn luyện chỉ tiêu cá nhân, huấn luyện hiệp đồng kíp chiến đấu từ phân đội nhỏ, kíp gọn đến toàn kíp chiến đấu.

Đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là phương tiện tác chiến đường không của địch, các thủ đoạn chế áp điện tử mạnh, bay thấp đột nhập, tàng hình, nhằm vô hiệu hóa hệ thống ra đa của ta; các đơn vị tăng cường huấn luyện nâng cao khả năng quan sát, phát hiện, nhận dạng mục tiêu của các vọng quan sát mắt, trạm quan sát phòng không; tập trung huấn luyện cho bộ đội phát huy tối đa tính năng kỹ - chiến thuật của vũ khí, khí tài mới, cải tiến; vận dụng có hiệu quả tính năng chống nhiễu, quang truyền hình, nâng cao khả năng cơ động, thu, hồi, triển khai chiến đấu kết hợp với ngụy trang, nghi binh đối phó hiệu quả với các phương thức tác chiến đường không mới của địch, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội.

Thứ ba, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu; không ngừng nâng cao khả năng sử dụng thành thạo vũ khí trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh hiện đại.

Tích cực nghiên cứu, nắm chắc đối tượng tác chiến phòng không, tình hình trên không, dự báo đường bay, thủ đoạn hoạt động của địch; xác định mục tiêu bảo vệ trọng điểm, trọng yếu, từ đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quyết tâm, kế hoạch, phương án chiến đấu, kế hoạch hiệp đồng bảo vệ vùng trời đồng bộ trong đơn vị. Duy trì nghiêm nền nếp chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp, đảm bảo đúng, đủ quân số; tổ chức canh trực trên không, mặt đất đúng quy định; thực hiện nghiêm “4 biết” trong quản lý vùng trời, bảo đảm phát hiện, nhận dạng thông báo mục tiêu kịp thời, chính xác và xử lý đúng các tình huống tác chiến phòng không. Người chỉ huy các cấp tăng cường kiểm tra, báo động sẵn sàng chiến đấu đối với các kíp trực và phân đội làm nhiệm vụ trực ban, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lơ là, mất cảnh giác.

Với đặc thù là đơn vị kỹ thuật chiến đấu, nên sức mạnh chiến đấu của các đơn vị tên lửa phòng không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng vũ khí, khí tài, trang bị và trình độ quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, cần kết hợp chặt chẽ việc trang bị kiến thức với rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với cương vị, chức trách của từng cán bộ, chiến sĩ, nhất là các thành viên kíp chiến đấu sở chỉ huy, kíp chiến đấu phân đội; trong đó cần phân phối thời gian huấn luyện cho phù hợp, tăng thời gian huấn luyện thực hành, luyện tập để hội thao, hội thi, vận dụng kiến thức đã được trang bị vào sử dụng có hiệu quả khí tài trang bị kỹ thuật; coi trọng và phát huy vốn sống, kinh nghiệm, trình độ sẵn có của các thành viên kíp chiến đấu trên cương vị chức trách và trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thư tư, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Đối với công tác kỹ thuật, do lượng vũ khí, khí tài, trang bị, phương tiện chiến đấu lớn, trong khi các nguồn bảo đảm có hạn cho nên cần tập trung ưu tiên đảm bảo đồng bộ với hệ số kỹ thuật cao nhất cho vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” thông qua chế độ ngày, giờ kỹ thuật trong đơn vị. Để giữ tốt, dùng bền, mọi mặt, các đơn vị tên lửa phòng không kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp, sửa chữa vũ khí, khí tài kỹ thuật thế hệ cũ với khai thác, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, khí tài hiện đại. Mặt khác chủ động tiếp nhận bàn giao công nghệ và vươn lên làm chủ vũ khí, khí tài mới, hiện đại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 

Bên cạnh công tác kỹ thuật, trên cơ sở đặc điểm, nhiệm vụ, các đơn vị tên lửa phòng không chỉ đạo cơ quan, phân đội bảo đảm đầy đủ, hiệu quả mọi mặt kinh phí, xăng dầu, doanh trại cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng bảo đảm đầy đủ lượng dự trữ vật chất, hậu cần sẵn sàng chiến đấu theo quy định, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng tốt. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống./.

---------------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (4), (5) Đảng bộ Quân chủng Phòng không - Không quân, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Nội, ngày 02-04/8/2020.

Tạ Quốc Hưng - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

GS.TS Võ Khánh Vinh: “Đổi mới xây dựng pháp luật phải theo hướng phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người”

Ngày đăng 21/02/2025
Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải đổi mới căn bản, mạnh mẽ, mang tính đột phá cách mạng công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật theo hướng phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Tinh gọn bộ máy: Đòi hỏi cải cách đồng bộ, đột phá từ chất lượng đội ngũ

Ngày đăng 07/02/2025
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Điều quan trọng nhất lúc này là cần triển khai một cách khoa học, bài bản, tránh tình trạng làm theo phong trào, cơ học mà không đi vào thực chất. Chỉ khi đó, bộ máy nhà nước mới thực sự vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay - Thực trạng, nguyên nhân và một số vấn đề đặt ra

Ngày đăng 04/02/2025
Sinh hoạt chi bộ là một khâu quan trọng trong hoạt động của chi bộ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ đóng vai trò quyết định chất lượng lãnh đạo của chi bộ. Với tư cách là tế bào tổ chức của Đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Quyết tâm đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 03/02/2025
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là một yêu cầu cấp thiết, quá trình này cần được thực hiện một cách khoa học, nhân văn, đồng bộ với các cải cách thể chế và chính sách.

Nghị định 178: Chính sách ưu việt đối với cán bộ nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy

Ngày đăng 03/01/2025
Trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp bộ máy Nhà nước, việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, trở thành một vấn đề hết sức quan trọng và được nhiều người quan tâm. Một trong những chính sách đáng chú ý, thể hiện rõ tính nhân văn và hợp lý của Đảng, Nhà nước ta là chính sách nghỉ hưu sớm được quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, vừa mới được ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2024.

Tiêu điểm

Sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị hành chính cấp xã

Chiều 13/3/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo dự và phát biểu tại Phiên họp.