Hà Nội, Ngày 16/03/2025

Tinh gọn bộ máy: Đòi hỏi cải cách đồng bộ, đột phá từ chất lượng đội ngũ

Ngày đăng: 07/02/2025   15:17
Mặc định Cỡ chữ

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Điều quan trọng nhất lúc này là cần triển khai một cách khoa học, bài bản, tránh tình trạng làm theo phong trào, cơ học mà không đi vào thực chất. Chỉ khi đó, bộ máy nhà nước mới thực sự vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo các chuyên gia, cần một loạt giải pháp đồng bộ, từ xác định vị trí việc làm, đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.

Không thể dừng ở tính cơ học

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công tác tinh giản bộ máy thời gian qua đã đạt những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc tinh gọn bộ máy nhà nước là chủ trương lớn, nhận được sự đồng thuận cao từ toàn xã hội nhưng qua triển khai vẫn còn mang tính cơ học, chưa gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đổi mới phương thức vận hành. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một cuộc “cách mạng tổ chức” toàn diện, sâu rộng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương thẳng thắn nhận định: "Thời gian qua, chúng ta đã giảm được đầu mối, tầng nấc, tổ chức, lãnh đạo và biên chế. Tuy nhiên, việc giảm này mới chỉ dừng lại ở tính cơ học".

Thực tế, không ít trường hợp sáp nhập các đơn vị với nhau theo nguyên tắc hành chính đơn thuần nhưng chưa giải quyết được bài toán chất lượng. Có hiện tượng người có năng lực thực sự lại rời bỏ khu vực công, trong khi đó, một số vị trí lẽ ra phải tinh giản thì lại không bị tác động.

Theo ông Hà, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác đánh giá, sắp xếp cán bộ chưa thực sự khoa học. "Người cán bộ cần phải như con dao pha, giỏi một việc nhưng có thể làm được nhiều việc khác. Nhưng để có đội ngũ như vậy, chúng ta phải có chiến lược đào tạo bài bản, thực tế hơn thay vì nặng về lý thuyết như hiện nay", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một vấn đề then chốt vẫn chưa được giải quyết triệt để, đó là xác định vị trí việc làm. Nếu chưa xác định được rõ ràng từng vị trí cần bao nhiêu nhân sự, với nhiệm vụ cụ thể ra sao, thì việc tinh giản biên chế khó có thể thực hiện hiệu quả.

Nhìn nhận từ góc độ tài chính công, TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay chi phí cho hoạt động của bộ máy hành chính chiếm tới gần 70% ngân sách nhà nước.

"Chúng ta có thể hình dung như trong một gia đình, nếu thu nhập có hạn nhưng chi tiêu chủ yếu dành cho ăn uống, sinh hoạt, học hành mà không có khoản nào để đầu tư thì rất khó phát triển kinh tế. Bộ máy nhà nước cũng vậy. Nếu cứ duy trì một hệ thống tổ chức cồng kềnh, tốn kém thì nguồn lực dành cho đầu tư phát triển đất nước sẽ bị thu hẹp", ông Hòa phân tích.

Lần này chúng ta thấy sự quyết liệt để giải quyết vấn đề này thể hiện rõ trong những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. “Tổng Bí thư đã nói rất rõ là phải làm một cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy, phải đổi mới thật sự, làm mới hệ thống chính trị của chúng ta, làm sao cuối cùng bộ máy gọn lại, ít tầng nấc, điều quan trọng là hoạt động hiệu lực, hiệu quả", TS Đinh Duy Hòa chia sẻ.

Cần đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, bài bản

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc tinh gọn bộ máy hành chính là một yêu cầu cấp thiết, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng để cải cách thực sự thành công, cần có bước đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, bài bản trước khi triển khai trên diện rộng.

Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị thành phố Hải Phòng nhận định: "Nếu không làm được phân cấp hiệu quả, triệt để, thì dù bộ máy có tinh giản đến đâu cũng không phát huy tác dụng".

Theo ông Hồi, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là tư duy "ôm việc" ở cấp trên, trong khi cấp dưới không được giao đủ quyền hạn để chủ động triển khai công việc. Điều này không chỉ làm tăng áp lực lên các cơ quan cấp trung ương mà còn làm chậm quá trình xử lý công việc ở địa phương.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cũng đồng tình rằng cần phải thiết kế bộ máy theo hướng khoa học, tính toán chính xác chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trên cơ sở thiết kế bộ máy, phải bố trí đúng người, đúng việc, phải đánh giá xem ai vào vị trí nào phù hợp với vị trí đó và phát huy tốt được vị thế đó.

“Những người nào không phù hợp, trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XIII đã nhắc đến việc phải có một cơ chế cạnh tranh và thải loại. Chúng ta có thể tìm người tài để bố trí vào những vị trí cần người tài, đồng thời xem xét để thải loại những người không đáp ứng được công việc ra khỏi bộ máy”, ông Minh nói.

Một trong những vấn đề mấu chốt khi tinh gọn bộ máy là phải tìm được người tài để vận hành hệ thống. Ông Minh cho rằng, nếu lựa chọn được cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn thì họ sẽ có những quyết sách đúng và trúng, góp phần đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý./.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm và sự ủng hộ của nhân dân, công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy đang được kỳ vọng tạo bước ngoặt. Tuy nhiên, thành công chỉ đến khi “người tài được đặt đúng vị trí”, cơ chế phân cấp được vận hành thông suốt và mọi thủ tục rườm rà được thay thế bằng nền hành chính hiện đại, vì dân.

Tinh gọn bộ máy không chỉ để tiết kiệm ngân sách, mà còn là động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế - thông điệp này sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho hành động của toàn hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Theo: nhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

GS.TS Võ Khánh Vinh: “Đổi mới xây dựng pháp luật phải theo hướng phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người”

Ngày đăng 21/02/2025
Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải đổi mới căn bản, mạnh mẽ, mang tính đột phá cách mạng công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật theo hướng phát huy dân chủ và bảo vệ quyền con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội Tên lửa phòng không hiện nay

Ngày đăng 10/02/2025
Tóm tắt: Sẵn sàng chiến đấu là chức năng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các đơn vị trong Quân đội. Bộ đội Tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt trong thế trận đất đối không, do vậy, trước những biến động phức tạp, khó dự báo của tình hình hiện nay, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng này. Bài viết khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu những năm qua; qua đó đề xuất giải pháp nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội Tên lửa phòng không hiện nay. Từ khóa: Bộ đội Tên lửa phòng không; nâng cao; sẵn sàng chiến đấu; trình độ.  

Chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay - Thực trạng, nguyên nhân và một số vấn đề đặt ra

Ngày đăng 04/02/2025
Sinh hoạt chi bộ là một khâu quan trọng trong hoạt động của chi bộ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ đóng vai trò quyết định chất lượng lãnh đạo của chi bộ. Với tư cách là tế bào tổ chức của Đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Quyết tâm đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 03/02/2025
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là một yêu cầu cấp thiết, quá trình này cần được thực hiện một cách khoa học, nhân văn, đồng bộ với các cải cách thể chế và chính sách.

Nghị định 178: Chính sách ưu việt đối với cán bộ nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy

Ngày đăng 03/01/2025
Trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp bộ máy Nhà nước, việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, trở thành một vấn đề hết sức quan trọng và được nhiều người quan tâm. Một trong những chính sách đáng chú ý, thể hiện rõ tính nhân văn và hợp lý của Đảng, Nhà nước ta là chính sách nghỉ hưu sớm được quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, vừa mới được ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2024.

Tiêu điểm

Sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị hành chính cấp xã

Chiều 13/3/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo dự và phát biểu tại Phiên họp.