Hà Nội, Ngày 15/03/2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp

Ngày đăng: 07/02/2025   13:21
Mặc định Cỡ chữ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Ảnh: QH

Sáng 07/02/2025, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đến nay, về cơ bản các cơ quan đã thống nhất ý kiến về nội dung của dự thảo Luật và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 09 chương, 46 điều.

Để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, rà soát sửa đổi quy định của các luật liên quan tại điều khoản chuyển tiếp.

Về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng. Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc chỉnh lý như vậy khẳng định được vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục; bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động.

Về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với nhà giáo dạy môn học đặc thù, nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; đưa quy định về lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn và sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn về điều khoản chuyển tiếp để thống nhất với quy định của Luật Giáo dục.

Qua thảo luận tại Phiên họp, ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục để chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo; giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, nhất là việc giao thẩm quyền quản lý nhà nước về nhà giáo ở các địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, trong đó quy định rõ vai trò chủ trì tham mưu của ngành Giáo dục trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo trên địa bàn theo quy định.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản ủng hộ việc cho phép viên chức là nhà giáo được được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cho rằng quy định như vậy là phù hợp và có tính cách mạng. Tuy nhiên đề nghị khi thiết kế nội dung này, cần rà soát để đảm bảo tính tương thích với các luật có liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà cho giáo viên khi công tác tại khu vực khó khăn; chính sách nghỉ hưu sớm trước tuổi nhưng không bị giảm tỷ lệ lương hưu đối với giáo viên mầm non có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên…

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời cho biết, các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần này đã được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đầy đủ theo quy định.

Riêng đối với quy định về đào tạo nguồn giáo viên và giảng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Phiên họp, Cơ quan chủ trì soạn thảo không có giải thích gì mới về nội dung này, do vậy đề nghị thống nhất theo phương án đề xuất của Cơ quan chủ trì thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp, đảm bảo các nội dung trong Báo cáo giải trình được thể hiện ngắn gọn, không nêu lại những gì đã thống nhất, mà tập trung vào các nội dung cần giải trình để tạo được sự đồng thuận cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng lưu ý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cần chú ý cập nhật các quy định, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật này với các luật có liên quan đang sửa đổi như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương trước khi báo cáo, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới./.

Nhật Nam

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu

Ngày đăng 15/02/2025
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14/02/2025, thảo luận tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là liên quan đến vấn đề dân số và lương tối thiểu. Do vậy, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024

Ngày đăng 15/01/2025
Chính phủ yêu cầu, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (loại trừ các khoản chi lương, có tính chất tiền lương, chi cho con người, các khoản phải bố trí đủ theo cam kết quốc tế, các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặc thù, quan trọng không thực hiện cắt giảm và phần tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương).

Sắp xếp đơn vị hành chính gắn liền với tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương

Ngày đăng 23/12/2024
Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với thực hiện đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo

Ngày đăng 20/11/2024
Chính sách tiền lương, phụ cấp và hỗ trợ đối với nhà giáo là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 20/11.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương

Ngày đăng 13/11/2024
Quốc hội quyết nghị chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.

Tiêu điểm

Sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị hành chính cấp xã

Chiều 13/3/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo dự và phát biểu tại Phiên họp.