Hà Nội, Ngày 25/01/2025

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quốc hội

Kỷ niệm 79 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2025)
Ngày đăng: 06/01/2025   10:32
Mặc định Cỡ chữ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quốc hội rất phong phú, sâu sắc về nội dung và đa dạng về hình thức thể hiện. Thông qua một số đoạn trích, bài viết, bài phát biểu của Người cho thấy tư tưởng về xây dựng Quốc hội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và được hiện thực hóa ngay từ ngày đầu thành lập nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (02/3/1946).

Về bầu cử Quốc hội - là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình

Báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 đã đăng bài viết: “Về ý nghĩa tổng tuyển cử” của Bác Hồ. Người đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: “...Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền tống cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, chiều 05/01/1946, trước hơn hai vạn đồng bào thủ đô Hà Nội đang mít-tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Bác Hồ đã nói: “Làm việc bây giờ là hi sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung...”. Hướng về phía cử tri Bác đã căn dặn: “Những muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày nay không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”. Hướng về phía các ứng cử viên Bác nhắn nhủ: “Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người tung cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải khuôn khuôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng”...

Năm 1953, trong các bài viết về “Thường thức chính trị đăng trên báo Cứu Quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục đề cập tới vấn đề quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hoá, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”.

Về ý nghĩa của cuộc bầu cử, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. “Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”, và “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri…”. Từ đó, Bác khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”.

Về vai trò, chức năng của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Quốc hội chỉ có thể phát huy được vai trò của một thiết chế dân chủ khi nó có thực quyền và đại diện thực sự cho lợi ích cho nhân dân, của một nước có độc lập. Do đó, để có được một Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Theo Người “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lạc của Nhà nước ở địa phương.

... Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định” .

Quan điểm “Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của nhà nước” còn được thể hiện qua các chế định của Hiến pháp năm 1946 là Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo. Theo bản văn của Hiến pháp này thì tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam (Điều 1). Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Điều 22). Nghị viện có quyền làm luật (Điều 23). Nghị viện có quyền bầu ra Chủ tịch Nước (Điều 45), bầu Thủ tướng, phê chuẩn danh sách Bộ trưởng do Thủ tướng trình, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Nội các ( Điều 47, Điều 54 ), Nghị viện có quyền sửa đổi Hiến pháp nhưng phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70). Như vậy, theo Hiến pháp năm 1946, Nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những công việc quan trọng nhất của nhà nước nhưng quyền lực của Nghị viện cũng bị kiểm tra lại bởi các thiết chế nhà nước và bởi nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước.

Trong mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, theo Hồ Chí Minh, Chính phủ, người đứng đầu nhà nước cũng phải do Quốc hội bầu ra. Đó là lý do vì sao Người rất khẩn trương trong việc chỉ đạo tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Chính phủ chính thức thay cho Chính phủ lâm thời.

Về tính đại diện của Quốc hội - Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân

Về tính đại diện của Quốc hội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh Quốc hội là đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam và tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết toàn dân. Trong Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/3/1946), Người nói:

“...Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”

“... Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín... Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cá quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta , Bắc đến Nam.”.

Từ cuối tháng 12/1946, đáp lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, các đại biểu Quốc hội đã cùng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi kháng chiến thành công, ngày 20/3/1955, kỳ họp thứ tư của Quốc hội khoá I họp tại Thủ đô Hà Nội. Đọc lời chào mừng trong phiên khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh : “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyên nỗi, đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, đem lại hoà bình cho đất nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết trong Quốc hội: “Khoá Quốc hội này là khoá Quốc hội đoàn kết. Ở đây, có đại biểu của tất cả các giai cấp yêu nước, của tất cả các dân tộc anh em, các tôn giáo, các đảng phái, của đồng bào Bắc, Trung, Nam. Tất cả chúng ta đều phải tăng cường đoàn kết... Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí, thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta...”.

Về đại biểu Quốc hội - làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình của thế giới từ cách mạng tư sản châu Âu, châu Mỹ đến Cách mạng tháng Mười Nga. Vì vậy, Người rất hiểu vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng nói chung và vai trò của đại biểu Quốc hội nói riêng. Đại biểu Quốc hội là chủ thể giữ vai trò then chốt nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của Quốc hội.

Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Người đã nêu rất cô đọng các đặc điểm cần và đủ như sau:

“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”, “những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải chuôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.

Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II, Hồ Chí Minh nêu rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội, Người nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc - là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”; “…Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội còn phải là người “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

Các đại biểu Quốc hội được nhân dân trực tiếp bầu ra, cho nên theo Hồ Chí Minh: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình.

Ngoài ra, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quốc hội còn được thể hiện cụ thể, đầy đủ trong hai bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Đó là những bản Hiến pháp do Người làm Trưởng Ban dự thảo. Những bản Hiến pháp này chứa đựng tư tưởng của Người về vấn đề xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và về Quốc hội nói riêng.

Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh được quán triệt sâu sắc trong đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, từ đó làm cho Quốc hội ngày càng xứng đáng là đại biểu cao nhất cho quyền lực của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước./.

Theo: quochoi.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Mối quan hệ giữa “Liêm” với “Chính”, và giữa “Liêm”, “Chính” với các phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 20/11/2024
Tóm tắt: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có quan tâm đặc biệt đến giáo dục, đào tạo, rèn luyện, phát triển con người Việt Nam toàn diện, đảm bảo vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong mối quan hệ giữa “hồng” và “chuyên” hay giữa “đức” với “tài”, Người luôn coi đức là “gốc” với những chuẩn mực đạo đức cụ thể, ở đó “Cần”, “Kiệm”, “Liêm”, “Chính” cùng với “chí công vô tư” là những phẩm chất đạo đức cơ bản, cốt yếu, cần thiết của người cán bộ, đảng viên.  Bài viết dưới đây luận giải về mối quan hệ giữa “Liêm” với “Chính” và giữa “Liêm”, “Chính” với các phẩm chất đạo đức khác, qua đó nâng cao nhận thức, định hướng công tác bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: mối quan hệ, “Liêm’, “Chính”, đạo đức, Hồ Chí Minh.

Đưa việc học và làm theo Bác Hồ trở thành nhu cầu văn hoá tự thân của mỗi người

Ngày đăng 16/11/2024
Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024” - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

Đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viện trong Quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh        

Ngày đăng 12/11/2024
Tóm tắt: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dạy học lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm làm cho cán bộ, đảng viên hiểu và tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Người cho rằng chất lượng của công tác này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề thuộc về phương pháp và đã có nhiều chỉ dẫn có liên quan. Bài viết luận giải về phương pháp dạy học lý luận chính trị, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị ở các học viên trong Quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ khóa: đổi mới, Hồ Chí Minh, phương pháp, dạy học, lý luận chính trị.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu, động lực và các điều kiện bảo đảm xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam

Ngày đăng 28/10/2024
Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới ở Việt Nam là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, kinh nghiệm thành công của quốc tế; kế thừa, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bài viết góp phần luận giải nội dung quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu, động lực và các điều kiện bảo đảm xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam, qua đó giúp người đọc hiểu và định hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội mới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: điều kiện, động lực, Hồ Chí Minh, mục tiêu, quan điểm, xã hội mới.

“Tư tưởng Dân” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng 28/10/2024
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta một di sản tư tưởng to lớn với giá trị vô cùng lớn lao - giá trị lý luận mà nhờ đó đã, đang và sẽ soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên. Trong những di sản tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có “Tư tưởng DÂN” rất đặc sắc của Người.

Tiêu điểm

Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18

Ngày 21/01, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã tổ chức Phiên họp lần thứ hai. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.