Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, toàn tỉnh có 802.666 thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, đây là nguồn nhân lực dồi dào góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Do vậy, công tác quản lý nhà nước đối với thanh niên luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm. Xuất phát từ thực tiễn, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Từ khóa: thanh niên, quản lý nhà nước, công tác thanh niên.
Ảnh minh họa: doanthanhnien.vn |
Thực trạng quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 09 huyện và 02 thành phố; 159 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 117 xã, 33 phường và 09 thị trấn (từ ngày 01/11/2024). Toàn tỉnh có 32 Khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt và đi vào hoạt động; có 04 trường đại học, 12 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp chuyên nghiệp, 73 trường trung học phổ thông. Hiện nay, toàn tỉnh có 802.666 thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, đây là nguồn nhân lực dồi dào góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từng bước nâng lên, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thanh niên theo các nội dung quản lý.
Xác định thanh niên là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến công tác thanh niên, phát huy sức mạnh, tính xung kích, tích cực của thanh niên trên các lĩnh vực, tạo mọi điều kiện để tổ chức Đoàn, hội hoạt động có hiệu quả, phát động nhiều phong trào hành động cách mạng trong thanh niên. Nổi bật là:
Công tác triển khai, thực hiện luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm và tạo điều kiện của Thường trực Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp, các ngành đã xác định đúng vị trí, vai trò của thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên có sự hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đoàn thực hiện tốt chương trình nhiệm vụ của mình; các cơ chế, chính sách về phát triển thanh niên được triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Có sự thống nhất đồng bộ trong cụ thể hóa việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kịp thời, đầy đủ và phù hợp với địa phương, đối tượng thanh niên. Những hoạt động thiết thực trong công tác đoàn kết tập hợp các đối tượng thanh niên đã từng bước mang lại hiệu quả, thể hiện rõ nét vai trò của tổ chức Đoàn trong chăm lo, đồng hành với thanh niên; đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và đảm bảo các lợi ích chính đáng cho thanh niên.
Các sở, ban, ngành, địa phương đã phân công các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; bố trí công chức, viên chức tham mưu, theo dõi theo đúng quy định. Hệ thống bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên đã được hoàn thiện, tổ chức thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở đi vào hoạt động nề nếp. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã bố trí lãnh đạo và công chức Phòng Nội vụ phụ trách quản lý nhà nước về công tác thanh niên, 100% UBND cấp xã bố trí công chức làm công tác về thanh niên và triển khai đồng bộ tại các xã, phường, thị trấn và phân công công chức Văn phòng - Thống kê hoặc Văn hóa - Xã hội thuộc UBND xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ này. Đối với các sở, ban, ngành: đã phân công 01 lãnh đạo sở phụ trách và 01 công chức thuộc các phòng mang tính tổng hợp, nhiệm vụ có liên quan nhiều đến thanh niên kiêm nhiệm làm công tác thanh niên tại đơn vị.
Sự chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh niên đã được các cấp bộ Đoàn thông qua với nhiều nội dung kịp thời, qua đó đã phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; chủ động thực hiện chủ trương từ cấp ủy, UBND các cấp, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên được quan tâm, đẩy mạnh, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu xã hội hóa và đa dạng về loại hình, ngành nghề, mang lại kết quả tốt; công tác định hướng nghề, dạy nghề và giới thiệu việc làm được chú trọng tổ chức có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của người lao động, hỗ trợ tạo việc làm và tự tạo việc làm cho lao động trẻ tại địa phương sau khi học nghề. Thanh niên được quan tâm, ưu tiên trong tư vấn, định hướng và đào tạo, giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm cho thanh niên lao động đạt kết quả tốt, công nhân có trình độ kỹ thuật cao được chú trọng về số lượng và chất lượng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chọn lựa ngành nghề phù hợp với đặc điểm kinh tế của địa phương để nâng cao hiệu quả lao động; sàn giao dịch việc làm được thực hiện thường xuyên theo định kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lao động và người sử dụng lao động nên thanh niên lao động bị mất việc làm tìm được việc làm mới chiếm tỷ lệ khá cao, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong đô thị và giảm thiểu tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo là thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh niên, tỉnh Đồng Nai vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh niên; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa đồng bộ. Vai trò hạt nhân nòng cốt của đảng viên trẻ trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên còn hạn chế. Công tác quản lý đoàn viên, hội viên và thanh niên chưa chặt chẽ, số lượng đoàn viên, hội viên thường xuyên biến động, giảm nhiều chưa có biện pháp cụ thể để quản lý có hiệu quả.
Một số sở, ngành, chính quyền các cấp chậm cụ thể hóa các chủ trương của cấp ủy đảng về thanh niên; công tác tham mưu của các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên còn hạn chế nhất là công tác tham mưu về chế độ, chính sách có liên quan đến thanh niên.
Việc tham mưu, đề xuất xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chính sách cho thanh niên còn nhiều hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Việc nắm bắt, cập nhật cơ sở dữ liệu về thanh niên còn chậm, chưa toàn diện, chưa đồng bộ giữa các ngành và cơ sở dẫn đến việc phân tích dữ liệu đưa ra giải pháp thực hiện các chỉ tiêu chương trình phát triển thanh niên, tổng hợp báo cáo chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế. Công chức phụ trách nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên tại cơ quan, đơn vị, địa phương hầu hết là kiêm nhiệm nên việc tham mưu, xây dựng kế hoạch và cơ chế chính sách cho thanh niên chưa được quan tâm đúng mức.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về công tác thanh niên. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên, cũng như việc cụ thể hóa chính sách, pháp luật đối với thanh niên ở địa phương; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên; lồng ghép các chính sách về công tác thanh niên trong các chính sách phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên gắn với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, coi việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển thanh niên là một trong những chỉ số đánh giá sự tăng trưởng của địa phương.
Phát huy vai trò người đứng đầu các cấp trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của công tác quản lý nhà nước về thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Sở Nội vụ và Phòng Nội vụ cấp huyện; cơ quan Tỉnh đoàn, Huyện đoàn và các đơn vị có liên quan cần tăng cường tham mưu công tác quản lý nhà nước về thanh niên. Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách sử dụng, đãi ngộ nhân tài một cách hợp lý, tạo động lực cho nhân tài phát huy tối đa khả năng, trí tuệ và khả năng cống hiến gắn với thực hiện Đề án công tác lãnh đạo và quản lý thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 theo kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.
Thứ hai, quan tâm việc ban hành các văn bản, chính sách liên quan công tác quản lý nhà nước về thanh niên. Đây là vấn đề quan trọng nhất để những chính sách về công tác thanh niên được cụ thể hóa, đến gần với thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó lưu ý các nội dung trọng tâm sau:
Chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học đối với thanh niên, trong đó có lực lượng thanh niên công nhân, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và khuyến khích, hỗ trợ thanh niên công nhân học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất.
Chính sách về lao động, việc làm đối với thanh niên: Tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên; giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho thanh niên; bảo đảm thanh niên không bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động. Tạo điều kiện để thanh niên có việc làm; tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên ở vùng nông thôn. Tạo điều kiện cho thanh niên được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn tín dụng hợp pháp khác để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Không ngừng hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính, đặt hàng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm "đầu ra" cho học sinh - sinh viên, đặc biệt là những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có liên kết đào tạo với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Hình thành cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu lao động, sát với thực tế sử dụng của thị trường lao động, nhằm tạo cầu nối giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, để xác định đúng nhu cầu lao động, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho học viên, đồng thời giúp cơ sở đào tạo có đầu tư đúng hướng, hiệu quả...
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Cần tăng cường triển khai thực hiện, bám sát định hướng, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng liên quan trực tiếp đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trong đó, lĩnh vực thanh niên luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ, định hướng chiến lược rất quan trọng. Một số cơ chế, chính sách và thể chế quản lý nhà nước về công tác thanh niên và công tác thanh niên cần tiếp tục hoàn thiện để xây dựng, phát huy tiềm năng, lợi thế của lực lượng thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo ngành, lĩnh vực; tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cho thanh niên; tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát triển toàn diện nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của thanh niên trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ công tác lãnh đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện quy định quản lý nhà nước về công tác thanh niên của tỉnh Đồng Nai nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo lĩnh vực, phạm vi quản lý; nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương.
Rà soát, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch đã được ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác thanh niên một cách hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Tỉnh đoàn. Cần tổ chức khảo sát, nắm bắt thực tiễn và dự báo tình hình thanh niên của địa phương trước khi xây dựng các chương trình, kế hoạch của địa phương và tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác thanh niên của cấp trên.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định theo thẩm quyền nhằm phát triển thanh niên phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học tham gia công tác Đoàn và hỗ trợ cán bộ Đoàn không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn phù hợp với thực tiễn địa phương. Huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác thanh niên nhằm phát huy tốt nhất vai trò của thanh niên./.
---------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (2023), Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 21/02/2023 về Chương trình phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2030.
3. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2027.
TS Trần Thị Phi Hằng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; ThS Trịnh Thị Tình, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục