Hà Nội, Ngày 25/01/2025

Các địa phương chủ động bố trí cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với điều kiện mới 

Ngày đăng: 30/12/2024   10:25
Mặc định Cỡ chữ

Tính đến thời điểm này, UBTVQH đã thông qua 51/51 Đề án của các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để kịp thời xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; chủ trì thẩm định hồ sơ trình Chính phủ để trình UBTVQH thông qua 51/51 Đề án của các địa phương thuộc diện sắp xếp. 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Tổ chức nhà nước, bà Nguyễn Thị Tú Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ chia sẻ: Trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, việc bố trí, sắp xếp công việc mới hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp xã là một nhiệm vụ khó, nhạy cảm và là thách thức lớn đòi hỏi phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc làm tốt công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn thực hiện sắp xếp để họ đồng lòng ủng hộ, sẵn sàng chấp hành chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng chia sẻ, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của quốc gia và của địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương các cấp cần tổ chức xây dựng các phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng với quan điểm “để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bà Nguyễn Thị Tú Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ

Phóng viên: Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xin bà cho biết những kết quả chung đạt được của cả nước trong thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Tú Thanh: Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong thời gian qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã chủ động, tích cực quán triệt và triển khai xây dựng Kế hoạch, Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân và hệ thống chính trị ở địa phương. 

Ngay sau khi nhận được đề án của các địa phương, Bộ Nội vụ đã tiến hành các trình tự, thủ tục thẩm định, phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề án để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Kết quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 51/51 Đề án của 51 tỉnh, thành phố; theo đó, đã thực hiện sắp xếp 38 ĐVHC cấp huyện và 1.178 ĐVHC cấp xã, sau sắp xếp giảm 09 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã; đồng thời thành lập mới, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025 có 45% ĐVHC đô thị theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, góp phần tạo ra một diện mạo mới về hệ thống tổ chức hành chính đô thị ở Việt Nam. Đến này, về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để các địa phương tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp vào năm 2025.

Phóng viên: Bà có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025?

Bà Nguyễn Thị Tú Thanh: Sắp xếp ĐVHC là một nhiệm vụ chính trị lớn, hệ trọng và tác động sâu rộng đến hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tại các địa bàn thực hiện sắp xếp. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các địa phương phản ánh một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là, thực tế việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021 vẫn còn tồn đọng một số nội dung chưa giải quyết dứt điểm, như số lượng cán bộ, công chức dôi dư lớn gây khó khăn cho các địa phương trong việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách; việc xử lý trụ sở dôi dư còn kéo dài do phải tiến hành quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục định giá tài sản, thanh lý, đấu giá tài sản, chất lượng đô thị ở một số ĐVHC đô thị hình thành sau sắp xếp với ĐVHC nông thôn chưa được bảo đảm… do vậy cũng phần nào gây khó khăn cho các địa phương khi tiếp tục triển khai sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025, đặc biệt là đối với các địa phương có số lượng lớn ĐVHC thuộc diện sắp xếp và phải giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, trụ sở công dôi dư lớn trong giai đoạn 2023-2025.

Hai là, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số địa phương chậm tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của việc thực hiện sắp xếp, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như: (1) Một số địa phương còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo, chưa nỗ lực, quyết tâm trong triển khai chủ trương sắp xếp ĐVHC tại địa phương; (2) Trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện cấp xã các địa phương đồng thời thực hiện mở rộng không gian đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nên phải thực hiện việc rà soát điều chỉnh quy hoạch và phân loại đô thị, đánh giá chất lượng đô thị, dẫn đến quá trình thực hiện kéo dài.

Ba là, một số địa phương đã xây dựng phương án thực hiện sắp xếp, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp phải một số khó khăn nên phải đề nghị chưa thực hiện sắp xếp hoặc phải để lại một số ĐVHC chưa thể sắp xếp, như tỉnh Lai Châu đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp với 03 ĐVHC cấp huyện và 02 ĐVHC cấp xã nhưng sau đó tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này; tỉnh Phú Thọ đã xây dựng phương án tổng thể thực hiện sắp xếp với 80 ĐVHC cấp xã nhưng đến khi triển khai thực hiện, tỉnh chỉ xây dựng hồ sơ Đề án sắp xếp với 31/67 ĐVHC cấp xã, đề nghị không thực hiện sắp xếp với 07 đơn vị do có yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp đối với 40 ĐVHC đơn vị; …

Bốn là, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 ngày 22/8/2024 quy định một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu phân loại đô thị và tiêu chuẩn của ĐVHC để thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến rà soát, đánh giá, phân loại đô thị để bảo đảm tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025, tuy nhiên đến nay, một số địa phương vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục liên quan đến quy hoạch đô thị, phân loại đô thị và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị nên phải đưa ra khỏi phương án sắp xếp đối với một số ĐVHC đô thị như ở các tỉnh: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên… có địa phương như tỉnh Điện Biên, Bình Phước đã xây dựng phương án sắp xếp nhưng chưa đảm bảo quy định về quy hoạch và phân loại đô thị nên đến nay chưa thể thực hiện phương án sắp xếp trong năm 2024.

Phóng viên: Một trong những quan tâm lớn nhất của địa phương là về công tác bố trí, sắp xếp công việc mới hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp. Bà có thể cho biết các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề này, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư cũng như bảo đảm ổn định của bộ máy nhà nước?

Bà Nguyễn Thị Tú Thanh: Trước hết, cần khẳng định đây là một nhiệm vụ khó, nhạy cảm và là thách thức lớn đòi hỏi phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc làm tốt công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn thực hiện sắp xếp để họ đồng lòng ủng hộ, sẵn sàng chấp hành chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng chia sẻ, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của quốc gia và của địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương các cấp cần tổ chức xây dựng các phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, Nghị quyết số 35/20223/UBTVQH đã quy định nhiều biện pháp nhằm giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ này sau sắp xếp ĐVHC, trong đó:

Thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm). Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 06 tháng thì được bảo lưu tròn 06 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.

Trên cơ sở cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành thêm mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách dôi dư trên địa bàn. Hiện nay, nhiều địa phương ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với CBCC, người hoạt động không chuyển trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC với mức hỗ trợ bằng hoặc cao hơn mức hưởng chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.

Quy định lộ trình 05 năm để thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp. 

Ngoài ra, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 về tinh giản biên chế đã quy định theo hướng tăng mức hưởng chính sách tinh giản biên chế đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp, bảo đảm mức hỗ trợ thỏa đáng để họ ổn định đời sống và khuyến khích nghỉ tinh giản trước thời hạn; Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định theo hướng tăng số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở những ĐVHC cấp xã có diện tích rộng, dân số đông so với quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC cấp xã để các địa phương chủ động bố trí cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với điều kiện mới.

Phóng viên: Từ góc độ của ngành Nội vụ, theo bà cần có giải pháp gì để bảo đảm thực thi các mục tiêu mà Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH đề ra?

Bà Nguyễn Thị Tú Thanh: Để bảo đảm thực thi đầy đủ các mục tiêu Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, các địa phương cần khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương, trong đó: (1) Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân; (2) Thực hiện ngay việc kiện toàn sắp xếp bộ máy, thực hiện phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách; (3) Tiến hành giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư; (4) Nhanh chóng giải quyết chuyển đổi giấy tờ, cho cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn… để sớm ổn định tổ chức và hoạt động tại ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp.

Hai là, tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện sắp xếp do chưa hoàn thành các thủ tục liên quan đến quy hoạch đô thị, chưa tổ chức lập đề án phân loại đô thị, rà soát  tiêu chí phân loại đô thị và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. 

Ba là, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và giải quyết trụ sở công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC của các địa phương, bảo đảm đúng theo lộ trình tại Đề án và bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Bốn là, tổ chức sơ kết việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đô thị; hoàn thành việc xây dựng các quy định, hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm căn cứ triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Tạp chí Tổ chức nhà nước

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Giải pháp tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới

Ngày đăng 23/01/2025
Nhận thức tầm quan trọng của tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, Đảng và Nhà nước ta nhiều lần đề ra chủ trương sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị gắn với việc tinh giản biên chế. Đặc biệt, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là Nghị quyết có tính định hướng chiến lược cho cải cách tổ chức bộ máy, là kim chỉ nam định hướng cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là ở chính quyền địa phương vẫn còn một số hạn chế sau: 

Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Ngày đăng 22/01/2025
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình tại Tờ trình số 412/TTr-BNV ngày 19/01/2025 về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Công nhận 02 thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang

Ngày đăng 22/01/2025
Ngày 21/01/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định công nhận 02 thành phố là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Khẩn trương sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp

Ngày đăng 18/01/2025
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp.

Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tiếp tục triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Ngày đăng 14/01/2025
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Theo đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; tiếp tục triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tiêu điểm

Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18

Ngày 21/01, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã tổ chức Phiên họp lần thứ hai. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.